Thứ Ba, 01/10/2024 00:17 SA
Hiểm nguy “nghề” bắt rắn
Thứ Hai, 15/01/2007 07:35 SA

Bắt rắn, một công việc vô cùng nguy hiểm, song vẫn có người chọn làm kế mưu sinh. Phải lội suối, đạp gai, luồn vô bao nhiêu là bụi rậm mới bắt được rắn. Rắn đã trở thành “đặc sản” nên giá ngày càng cao, bị con người truy lùng ráo riết.

 

HÀNH TRÌNH BẮT RẮN

 

070115-tim-ran.jpg

Một người bắt rắn đang tìm “đối tượng” – Ảnh: H.NAM

Hẹn mãi, cuối cùng tôi cũng được một người quen cho đi theo bắt rắn. Sáng, cầm cây sào dài 3 mét (trên đầu sào uốn cái móc sắt), nhét trong túi quần bao cước xếp làm tư, đến quán cà phê ngồi “cà kê dê ngỗng”â hơn một tiếng đồng hồ cho đến khi nắng lên, Hai Nghĩa - tay bắt rắn kỳ cựu ở xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) - bảo: “Thôi, lên đường được rồi”. Chúng tôi lội  qua nhiều con suối, mắt dán trong lùm cây, bụi tre tìm… nhưng không thấy con rắn nào. Ngồi xuống mô đất bập điếu thuốc lá, Nghĩa truyền đạt kinh nghiệm: “Muốn bắt rắn phải “canh” thời tiết. Mùa mưa, sau 2 - 3 ngày liền mưa dầm, khi trời bắt đầu nắng trở lại, đi bắt rắn nhất định trúng”. Tùy theo mùa mà có cách tìm rắn khác nhau. Mùa mưa, sau khi dứt mưa trời hửng nắng, đi bắt rắn thì nhìn lên đọt cây vì rắn nằm trên đó phơi da.  Còn mùa nắng thì lùng sục trong các gốc cây, hang đá, bụi rậm, rắn đi ăn mồi hoặc trú ẩn ở đó.

 

Lên đến tận Thác Dài (xã Xuân Quang 1), lội qua nhiều khe suối, đạp bừa lên đám gai, chui đầu vào những bụi cây tối om, vẫn không thấy con rắn nào. Quay qua hố Ếch, Nghĩa bắt gặp một con rắn nằm phơi da trên lùm gai mắt mèo. Ra hiệu cho tôi đi nhẹ, Nghĩa từ từ đưa cây sào lên rồi lập tức giật mạnh. Con rắn rơi xuống đất một cái bịch. Nó ngóc đầu lên, phùng mang trợn mắt nhìn Nghĩa rồi lập tức trườn mình chạy. Nghĩa thả cây sào lao tới chụp giữa thân, con rắn quay đầu lại cắn, phập. Nhanh như cắt, tay trái của Nghĩa bóp được đầu con rắn. Anh cười: “Loại này cho nó cắn thoải mái, chết chóc gì”. Đi cả ngày hôm đó, chúng tôi bắt được 1 con rắn lãi nặng nửa ký. Nghĩa gật gù: “Bữa nay “lại” ngày công lao động”.

 

Loại rắn lãi, rắn rồng, những tay chuyên bắt rắn nhìn qua là biết liền. Còn rắn hổ trâu, hổ chúa khó phân biệt vì màu da trên lưng giống nhau từ đầu đến đuôi, đen mốc, rủi bị nó cắn trúng là dễ… theo ông theo bà. Chỉ có những người đi bắt rắn lâu năm, tinh mắt mới phân biệt được. Hổ chúa dưới ức (cổ) màu vàng, bụng đen; còn hổ trâu từ bụng tới cổ màu trắng nhạt. Ở khu vực rừng Đồng Xuân, Sơn Hòa, rắn hổ chúa có tới 3 loại: hổ chúa bông, hổ chúa đen, hổ chúa mốc. Loại rắn hổ chúa đen dưới ức có 3 lằn đen ngang. Hổ chúa mốc thì màu da mốc xì. Hổ chúa bông giống hổ trâu nhất. Như Nghĩa, bắt rắn “ăn mòn răng”, nhìn qua cũng không tài nào phân biệt. Nghĩa kể, có lần anh đuổi bắt một con rắn chạy qua con suối. Gần đến bụi tre, sợ rắn chui vào mất, anh chụp đại, lập tức vặn ngược cái bụng lên thấy màu trắng mới biết là hổ trâu.

 

Theo lời Nghĩa, rắn hổ phì (hổ mang) có 2 loại: loại 2 kiền (dưới cổ có 2 gạch ngang) và loại 3 kiền (dưới cổ 3 gạch dọc màu vàng như nghệ). Rắn rồng có tới 5 loại: rắn rồng mốc có 2 gạch bên hông giáp xuống đuôi, đầu trắng, bụng trơn; rắn rồng vàng có 3 gạch bên hông, đầu vàng, bụng trắng; rắn rồng núi đầu vàng, đuôi đỏ; rắn rồng đen giống như hổ chúa đen, mình tròn, đầu hổ chúa…

 

SINH NGHỀ TỬ NGHIỆP

 

070115-ran-lai.jpg

Anh Nghĩa với con rắn lãi vừa bắt được – Ảnh: H.NAM

 

Theo những người giàu kinh nghiệm, bắt rắn bò trong rừng hay lùm cây thì khi chụp (nắm) được đuôi, đừng ghì chặt mà phải nương tay để rắn từ từ bò tới. Nếu giữ chặt một chỗ thì con nào cũng quay đầu lại cắn tự vệ. Gặp rắn hổ chúa phải dùng cây có nạng chống giữ đầu rắn ở dưới đất. Người đi bắt rắn thường dùng cái mũ làm bao tay mới dám bóp đầu rắn bỏ vào bao. Đối với rắn hổ chúa chỉ cần xước nhẹ vào răng nó là đủ chết, chưa nói đến chuyện bị nó cắn. Biết là nó độc, vậy mà nhiều người ham tiền lao vào, dẫn đến hậu quả khó lường.

 

Nói về tai nạn nghề nghiệp, người ta vẫn chưa quên chuyện anh Huỳnh Văn Tâm, 28 tuổi, ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 đào hang bắt rắn, sơ ý bị rắn hổ phù cắn vào chân bên phải. Nhập viện, anh bị cưa chân sát háng. Xuất viện về nhà anh bị tâm thần từ đó đến giờ.  Còn một người nữa cũng ở xã Xuân Quang3, bắt rắn hổ phù bỏ vào ống quần gút chặt hai đầu chở đi bán, anh ngồi ở sau cầm. Rắn cắn xuyên qua lớp vải trúng tay; anh được chở thẳng vào bệnh viện. Bàn tay còn quẹo đến bây giờ. Đã nói đi bắt rắn thì trước sau gì cũng bị rắn cắn. Ông Chín Bình, người cùng quê với tôi bị rắn cắn, bàn tay đầy sẹo.

 

NỖI BUỒN MÙA MÀNG

 

Hiện nay, một kg rắn hổ chúa giá 780.000 đồng, dưới 8 lạng mua theo giá hổ trâu 260.000 đồng/kg, còn rắn lãi 80.000đồng/kg. “Bữa nay khó có con rắn hổ trâu cỡ 1kg, vì mấy năm trước, người ta bắt ăn hết rồi. Nay đi bắt rắn, họa hoằn lắm mới có con rắn lãi cỡ 7-8 lạng, có lúc đi cả ngày rã cặp chân rốt cuộc về tay không”- Anh Sơn quê ở Sơn Định, Sơn Hòa nói vậy. “Mùa mưa rảnh, đi bắt rắn kiếm đồng ra đồng vô, mặc may mới tóm được con hổ trâu “ấm túi” có tiền mua quần áo cho con. Hổm rày đi về không, miết”- anh Phụng ở xã Xuân Quang 2 bày tỏ.

 

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Đồng Xuân, trong năm 2006, lực lượng chức năng bắt giữ 65 kg động vật hoang dã, trong đó rắn chiếm số lượng lớn. Rắn bị lùng ráo riết, chưa kịp lớn thì đã bị bắt và trở thành đặc sản. Thế là chuột tha hồ sinh sôi, cắn phá hoa màu. Nhiều người đổ công sức tiền của đầu tư trồng mía, bị chuột cắn phá, đến mùa thu hoạch trắng tay, như anh Nguyễn Thanh Tùng ở Long Hà (La Hai, Đồng Xuân) làm rẫy ở Sơn Định (Sơn Hòa). Năm 2004, 2005 anh đầu tư trồng 2 ha mía, bị chuột cắn gãy tiện gốc cả 2 ha, phủi tay không về. “Nhử thuốc thì chuột không ăn thuốc” - anh Tùng than thở. Dọc theo khu vực Suối Mây, xã Xuân Phước đám nào mía ngã coi như chuột cắn vụn, héo đọt. Đến mùa thu hoạch, người ta vạch lá lượm, mót từng khúc. Chính những người bắt rắn đã góp phần làm mất cân bằng sinh thái. Chỉ vì một chút lợi mà người ta tiêu diệt những loài động vật có ích cho mùa màng.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi chợ vùng biên
Thứ Năm, 11/01/2007 08:16 SA
Làng nghề vào Tết
Thứ Hai, 08/01/2007 11:03 SA
Người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học
Thứ Sáu, 05/01/2007 08:34 SA
Hổ Quyền - đấu trường dã thú
Thứ Tư, 27/12/2006 09:33 SA
Thú chơi Vespa cổ ở Tuy Hòa
Thứ Ba, 26/12/2006 14:20 CH
Huyền thoại từ trong lửa đạn
Chủ Nhật, 24/12/2006 15:16 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek