Nhiều làng nghề truyền thống ở Phú Yên đã rộn ràng mùa sản xuất phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Ở làng gốm Hòa Vinh (Đông Hòa), các nghệ nhân tất bật sản xuất các loại sản phẩm phục vụ cho mua bán, chơi hoa ngày tết. Trong khi đó, các lò bánh tráng ở Hòa Đa (An Mỹ, Tuy An), Đông Bình (Hòa An, Phú Hòa) luôn đỏ lửa để chuẩn bị cho những phiên chợ Tết sắp đến.
Chỉ còn hơn một tháng nữa đến Tết Đinh Hợi, các làng nghề ở Phú Yên đã nhộn nhịp vào mùa. Từ làng gốm đến các làng bánh tráng..., đâu đâu cũng bắt gặp không khí làm việc rất khẩn trương. Cụ bà Đỗ Thị Chớ, 71 tuổi ở thôn 5 (xã Hoà Vinh, huyện Đông Hòa), người có hơn 50 năm gắn bó với nghề gốm truyền thống, nói rằng: “Mùa bà con bán được nhiều hàng nhất là mấy tháng cận Tết, nên ai cũng tranh thủ làm để kiếm thêm tiền trang trải trong ba ngày xuân”.
RỘN RÀNG LÀNG GỐM
Làng gốm Hòa Vinh rộn ràng vào mùa Tết - Ảnh: NGỌC DUNG
Chạy xe trên đường Cây Bảng- Hoà Vinh ngang qua xóm Thủ công nghệ ở thôn 5 (xã Hoà Vinh, huyện Đông Hoà) nhìn hai bên đường đâu đâu cũng thấy những thùng, ấm đất, nồi ôm, chậu kiểng… Gần 6 giờ chiều nhưng những chiếc xe lam vẫn tất bật chở những sản phẩm của làng gốm ngược xuôi mọi ngả.
Bà cụ Chớ chốc chốc đứng dậy xoa cái lưng cho bớt mỏi rồi lại ngồi xuống, tiếp tục công việc nặn chậu hoa. Bà cười móm mém: “Ở tuổi này, người ta đã nghỉ làm hết rồi nhưng bàø phải làm phụ cùng đám cháu để kịp ra hàng bán trong dịp Tết”.
Còn chị Nguyễn Thị Lài cũng không ngơi tay bên những chiếc hoả lò. Đôi tay lấm lem của chị thoăn thoắt nhào nặn đất, đưa vào khuôn.
Chồng chị Mận vừa sắp xếp sản phẩm lên xe hàng, vừa nói: “Làm nghề “ăn” nhau là thời gian này. Vì đây là lúc thị trường tiêu thụ sản phẩm mạnh nhất. Nhà vườn thì cần chậu hoa, còn người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vẫn không thể thiếu cái hoả lò vào dịp Tết”. Anh cho biết, vào mùa này, bình quân một hộ thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/tháng, nếu đông nhân công thì khá hơn.
Không riêng nhà chị Mận mà khắp 40 hộ dân trong xóm đều làm việc tất bật. Khu làm gốm của nhà ông Nguyễn Hớn rôm rả tiếng cười nói. Ông Hớn ngồi chỉ dẫn đám con cháu mới vào nghề tỉ mỉ từ công đoạn tạo hình đến việc cho vào lò nung để sản phẩm bền chắc, đẹp mắt. Ông nói: Gốm của Hoà Vinh lâu nay được biết đến chủ yếu là những mặt hàng gia dụng, nên thu nhập không thể cao bằng nghề làm gốm mỹ nghệ như các nơi khác. Vì thế, lớp trẻ trong xóm vừa làm gốm truyền thống, vừa học cách làm gốm mỹ nghệ.
Chị Trần Thị Chiên, một học viên xuất sắc của dự án đào tạo nghề gốm mỹ nghệ, ngày đêm miệt mài nặn tượng, phù điêu, tranh đất, lọ cắm hoa, đèn treo tường… Theo chị, trước tết là thời điểm tốt nhất để giới thiệu sản phẩm với thị trường”.
BÁNH TRÁNG VÀO MÙA
Chuẩn bị bánh tráng cho những phiên chợ Tết - Ảnh: NGỌC DUNG
Ở Phú Yên, không phải đợi Tết mà bất cứ lúc nào, bánh tráng cũng có mặt trong những bữa ăn của người dân. Hầu như làng nào cũng có ít nhất một lò bánh tráng. Gần Tết, các lò bánh tráng mới hoạt động hết công suất để cung ứng thị trường. Bánh tráng ở xã An Chấn (Tuy An) tuy chưa nổi tiếng như các nơi khác nhưng là nguồn thu nhập chính của hơn 100 hộ dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Hường, hơn 10 năm gắn bó với nghề tráng bánh, nói: “Mỗi tháng tôi thu nhập từ 600-800 nghìn đồng, cao hơn so với làm nông. Trong ba tháng gần Tết, bà con theo nghề này lại có tiền để trang trải”. Nhà chị Hường dạo này chộn rộn người ra kẻ vào. Các chị gặp nhau để trao đổi nâng cao tay nghề. Chị Hường cầm mấy cái bánh tráng vừa mới gỡ vỉ cho tôi xem rồi hồ hởi nói: “Tết này chất lượng bánh tráng An Chấn sẽ tốt hơn vì chị em vừa học cách làm mới. Nhiều chị đã biết bí quyết làm bột hết chua và cách làm bánh không bị vỡ vụn khi khô”.
Nói đến làng nghề tráng bánh ở Phú Yên, người ta không thể không nhắc đến Hoà Đa (An Mỹ, Tuy An) và Đông Bình (Hoà An, Phú Hoà). Nếu cả xã Hòa An có 360 hộ theo nghề tráng bánh, thì riêng Đông Bình có trên 120 hộ. Ông Hồ Như Thảo, một “chuyên gia” tráng bánh ở đây, cho biết: “Hiện tại, mỗi ngày một lò bánh tráng ở Đông Bình sản xuất trên dưới 2.000 cái; mùa Tết thì 2.500-3.000 cái/ngày”. Bánh tráng Đông Bình, ngoài cung cấp cho TP Tuy Hòa và một số nơi trong tỉnh, còn tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi trong nước như: Cam Ranh, Nha Trang (Khánh Hòa), Ban Mê Thuột (Đắc Lắc), Gia Lai, Bình Định...”.
Về Đông Bình, An Mỹ vào thời gian này, sẽ thấy người dân làng nghề tráng bánh không ngơi tay. Những chiếc bánh tráng tròn, đều đặn được xếp đầy vỉ phơi trước sân nhà. Những người thợ tảo tần cần mẫn của các làng nghề đang tất bật rộn ràng ngày đêm để cùng thiên hạ chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Ở đó, có những giọt mồ hôi và có cả những nụ cười!
NGỌC DUNG