Thứ Ba, 01/10/2024 00:16 SA
Đi chợ vùng biên
Thứ Năm, 11/01/2007 08:16 SA

Từ Hải Phòng chúng tôi qua phà Rừng, theo quốc lộ 18 về hướng Đông Bắc đến thị xã Hòn Gai. Chỉ mấy ngày trước, bến phà Bãi Cháy vượt eo Cửa Lục đã ngừng hoạt động, kết thúc sứ mệnh lịch sử sau hơn 50 năm đảm bảo nối liền tuyến giao thông huyết mạch, thay vào đó là cây cầu dây văng một mặt phẳng dây có khẩu độ lớn nhất thế giới- kỳ quan mới của Quảng Ninh. Xe tiếp tục lăn bánh trên đường 18, đưa chúng tôi ra thị xã địa đầu Móng Cái.

 

Thị xã Móng Cái nằm trên bờ của dòng sông Ka Long xinh đẹp và chung 33 km đường biên giới với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Kể từ khi quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa năm 1991, thương mại tại biên giới đã phát triển, khiến thị xã vùng biên nhộn nhịp hẳn lên. Dân cư từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đổ về đây mua bán, sinh cơ lập nghiệp.

 

070111-Cho-Mong-Cai.jpg

Trời còn mờ sương, người mua bán đã đổ về TTTM Móng Cái – Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Đoàn chúng tôi nghỉ tại một khách sạn ba sao trên đường Nguyễn Du, đối diện với Trung tâm thương mại (TTTM) Móng Cái qua đảo giao thông ngã 6, thuộc phường Hoà Lạc. Giá phòng nghỉ ở đây không cao so với những trung tâm du lịch-thương mại khác. Có lẽ đó là một chiêu để thu hút khách du lịch thập phương đến Móng Cái mua sắm, nên gần 200 khách sạn của thị xã hầu như lúc nào cũng hết phòng.

 

TTTM Móng Cái được xây dựng khang trang ngay chân cầu Ka Long, bán nhiều hàng của Trung Quốc như vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép, chăn màn, đặc biệt là đồ điện tử và đồ gia dụng. Nét đặc trưng của chợ cửa khẩu này là… hầu như không có hàng Việt Nam.

 

7 giờ 30 sáng, cửa khẩu Móng Cái náo nhiệt hẳn. Tiểu thương Trung Quốc kẻ đi đường bộ, người theo đường sông, từ thành phố Đông Hưng nằm sát biên giới Việt Trung, qua cửa khẩu vào TTTM mua bán, chiếm gần 100% tổng số hộ kinh doanh nơi đây. Trong khuôn viên TTTM, xe tải, xe con chen nhau tìm chỗ đậu để chất hàng. Một tài xế chuyên chở hàng buôn về Hà Nội cho biết, nguồn hàng hóa trao đổi giữa cư dân biên giới theo tiêu chuẩn miễn thuế 500 nghìn đồng/người/ngày (hàng tiểu ngạch) thường đi bằng thuyền qua cửa khẩu rồi cập bến ngay hông TT, còn hàng chính ngạch thì theo đường bộ, cứ dăm phút lại có một chuyến xe tải đổ hàng về, chưa kể đến hàng nhập lậu. Bán buôn, bán lẻ cứ vậy hoạt động liên tục đến 2 giờ chiều TTTM đóng cửa.

 

TTTM Móng Cái gồm tầng trệt và 2 tầng lầu, có thang cuốn lên xuống. Hàng hoá được bày trong các kiosque, bày la liệt cả ra sàn và dọc hành lang theo từng nhóm hàng. Theo nhận định của cơ quan Hải quan, nguồn hàng do các hộ kinh doanh trong chợ nhập khẩu qua cửa khẩu làm thủ tục hải quan để nộp thuế  nhập khẩu thì rất ít, do đó có thể nói lượng hàng hóa Trung Quốc ở Móng Cái chủ yếu là hàng lậu và hàng tiêu chuẩn miễn thuế.

 

Biên giới Việt-Trung cách nhau có một dòng sông Ka Long, hàng lậu chuyển qua sông nếu bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ thì tịch thu, còn nếu thoát để “chui” vào nhà dân hoặc kiosque trong TTTM Móng Cái thì nghiễm nhiên được bán công khai (trừ hàng cấm). Hàng lậu trong nhà dân sát biên nếu theo dõi thì lực lượng chống buôn lậu có thể xin lệnh khám nhà để bắt giữ, còn nếu hàng đã đưa vào trong chợ thì đành… chịu.

 

Đi một vòng quanh TT để định hướng, cánh phụ nữ sà ngay vào hàng quần áo và đồ gia dụng, còn đàn ông thì ghé vào gian hàng điện máy, điêïn tử. Hầu hết các cửa hàng trong TT là bán buôn với số lượng lớn nên không mặn mà với khách vãng lai mua lẻ.

 

Quần áo thời trang cho trẻ em và người lớn đủ các loại, từ đồ bình dân nhãn mác Trung Quốc, cho đến hàng cao cấp làm giả nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Quần áo trẻ em loại cao cấp có giá từ 40-50 nghìn đồng, trong khi đó những bộ này có thể mua tại Tuy Hoà với giá từ 80-100 nghìn đồng. Aùo sơ mi nam treo bảng hạ giá từ 20-40 nghìn đồng, hàng đẹp giá 60 nghìn đồng. Đặc biệt, veston nam giá chỉ 50 nghìn/bộ trông rất chỉnh, đây là món quà vô cùng giá trị cho người dân nông thôn nên cả đoàn hầu như ai cũng mua.

 

070111-mua-hang-o-MC.jpg

Tranh nhau mua hàng hạ giá ở TTTMMóng Cái – Ảnh: T.T

Quần áo nữ thì muôn hình vạn trạng, kể cả áo cưới và đồ lót. Đồ lót chỉ bán từng chục (10 cái), chất liệu và mẫu mã rất đẹp, giá lại mềm nên cánh phụ nữ khó lòng bỏ qua. Các quầy hàng áo sơmi, áo kiểu, áo thun và quần jean dễ làm người ta choáng ngợp vì quá phong phú về kiểu dáng, đến mức người mua dễ bối rối không biết chọn cái nào. Giá từ 20- 100 nghìn là hàng xịn, thứ này ở Tuy Hoà “bèo” nhất cũng 160 nghìn/chiếc. Hàng túi xách và giày dép là cả một thế giới màu sắc và kiểu dáng. Bạn có thể thoải mái lựa chọn comple giày- túi cùng màu, mẫu mới nhất và xịn nhất (sản xuất tại Hàng Châu, TQ) bảo đảm chưa có mặt tại thị trường Phú Yên, cũng chỉ có giá 200 nghìn.

 

Chủ hàng Trung Quốc nói tiếng Việt như cháo chảy, người thì hét giá cao ngất khiến người mua non tay sẽ bị hố ngay, nhưng cũng có người chỉ thách 5-10 nghìn một món hàng (phần lớn họ bán các quầy hàng có vị trí hơi bất lợi).

 

Hàng gia dụng như nồi inox, nồi áp suất, nồi kho cá bằng điện và máy ép trái cây là sự lựa chọn của các chị em. Người bán hàng cho biết, có hai loại hàng gồm hàng có thương hiệu và hàng trôi nổi, ai không rành dễ bị mua nhầm. Hàng Trung Quốc chính hiệu có mẫu mã và chất lượng không thua kém mấy các nhãn hiệu danh tiếng thế giới như Philip, National, Panasonic…

 

Dãy kiosque bán hàng điện tử lúc nào cũng rộn ràng tiếng nhạc, đâu đó vang lên tiếng hát ướt át của ca sĩ Ngọc Sơn, thậm chí có cả giọng ca cải lương Nam bộ. Hàng điện tử bao gồm nhiều loại từ ti vi, đầu đĩa cho đến cả đầu thu truyền hình kỹ thuật số mà theo lời giới thiệu của người bán hàng là đồ Trung Quốc làm nhái đồ của Việt Nam,  giá chỉ có 700 nghìn đồng. Đầu đĩa DVD có giá 200 nghìn đồng, người bán hàng đập tay bồm bộp lên vỏ máy, rồi cầm lắc qua lắc lại để quảng cáo độ bền của mặt hàng. Các loại máy nghe nhạc nén MP3 chỉ có 300 nghìn với đủ màu sắc, kiểu dáng, cao cấp hơn là máy MP4 giá 1 triệu đồng. Điện thoại di động bán ở Móng Cái có giá chỉ bằng 60% giá bán trong nội địa, nhưng không ai dám bảo đảm cho chất lượng của chúng.

Cứ tưởng chỉ có chị em mới mê mua sắm, sau chuyến đi này, tôi buộc phải thay đổi hẳn lối nghĩ ấy, vì các anh trong đoàn, kể cả những cậu thanh niên chưa vợ cứ như con thoi từ chợ về khách sạn rồi từ khách sạn ra chợ. Chẳng ai màng đi ngắm phố xá Móng Cái, TTTM đóng cửa, lập tức mọi người kéo nhau ra các dãy kiosque quanh TT.

 

Nếu như người Trung Quốc cát cứ trong TTTM thì không gian xung quanh TT lại là lãnh địa của người Việt, đố tìm được một điểm vui chơi giải trí nào trong khu vực này, tất cả đều mở cửa hiệu bán hàng. Những quầy hàng này hút khách vào buổi chiều tối sau khi TTTM đóng cửa, nhờ có không gian rộng nên khách dễ chọn hàng và đương nhiên giá cả cũng nhỉnh hơn.

 

Sáng sớm hôm sau, trưởng đoàn ra lệnh chất đồ lên xe chuẩn bị quay về. Lúc này không biết từ đâu đã xuất hiện một cái chợ xổm ngay cửa khách sạn, với hai mặt hàng là áo thun và áo môngtơghi được chào giá 100 nghìn/ 6 cái. Không ai bảo ai, mọi người lại đổ xô vào lựa chọn, trả giá và kết cuộc ai nấy cũng thoả mãn với 8 cái áo giá chỉ 100 nghìn, đem về quê phát cho tất cả đàn ông thanh niên trong họ.

 

Ngoài đoàn chúng tôi, tại khách sạn này còn có 4 chiếc xe mang biển số xanh của các tỉnh phía Bắc cũng sắp sửa rời Móng Cái. Không hề có bóng dáng phụ nữ, chỉ thấy mấy người đàn ông ăn mặc lịch sự lễ mễ ôm những bọc hàng to xù chất đầy cả xe. Chúng tôi nhìn nhau kèm nụ cười “rất thông cảm!”

 

Dù chỉ 24 giờ nhưng được thoả niềm đam mê mua sắm nên ai cũng hài lòng khi nói đến Móng Cái. Duy chỉ một điều, khách sạn nấu kiểu Bắc nên cứ nhàn nhạt, lại độc trị món gà  (bảo đảm là gà Trung Quốc) nên cứ vừa ăn, vừa ngán, vừa… run!

 

HOÀNG QUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Làng nghề vào Tết
Thứ Hai, 08/01/2007 11:03 SA
Người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học
Thứ Sáu, 05/01/2007 08:34 SA
Hổ Quyền - đấu trường dã thú
Thứ Tư, 27/12/2006 09:33 SA
Thú chơi Vespa cổ ở Tuy Hòa
Thứ Ba, 26/12/2006 14:20 CH
Huyền thoại từ trong lửa đạn
Chủ Nhật, 24/12/2006 15:16 CH
Người cầm chịch giữ buôn làng
Thứ Năm, 21/12/2006 08:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek