Thứ Ba, 26/11/2024 08:52 SA
Người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học
Thứ Sáu, 05/01/2007 08:34 SA

Không chỉ là một nhà giáo, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang còn say mê nghiên cứu khoa học. Vượt qua rất nhiều trở ngại khó khăn, chị đã gặt hái những thành quả bước đầu với hai công trình nghiên cứu có giá trị: Võ Hồng-Nhà văn và tác phẩm và Văn học Phú Yên thế kỷ XX. Trong thời gian nghiên cứu sinh, chị lao vào “mảnh đất” đầy gai góc: Nghiên cứu về con người và những giá trị văn học truyền thống trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Say mê và giàu nghị lực - đó chính là điều đáng nể nhất ở người phụ nữ nhỏ nhắn này.

 

SỨC HẤP DẪN CỦA “VÙNG ĐẤT MỚI”

 

070105-Co-Thu-Trang-1.jpgVõ Hồng - Nhà văn và tác phẩm là công trình đầu tiên của Nguyễn Thị Thu Trang. Đây cũng là công trình bảo vệ thạc sĩ Văn học của chị. Võ Hồng - Nhà văn và tác phẩm  không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn thể hiện ân tình sâu nặng của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Yên, đối với một nhà văn nổi tiếng của quê hương. Và từ đó, chị nảy ra ý tưởng thực hiện công trình nghiên cứu Con người và những giá trị văn học truyền thống trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Chị nói: “Lúc bảo vệ đề cương, được nhiều thầy giáo ủng hộ, tôi càng cảm nhận được sức hấp dẫn của một vùng đất mới nên bắt tay vô làm. Nhìn nhận được văn học ở một thời kỳ là một việc rất hứng thú.”

 

Thạc sĩ Thu Trang say sưa kể về những điều thú vị khi nghiên cứu văn hóa các dân tộc. Tham gia sinh hoạt cùng các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, chị thu nạp được nhiều điều bổ ích cho công việc của mình.

 

Nhà nghiên cứu Trần Huiền Ân bày tỏ sự ủng hộ khi biết chị thực hiện một công trình gai góc. “Viết về văn xuôi miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 có những thuận lợi hơn do quan điểm mới nhưng về tư liệu và một số mặt khác vẫn gặp rất nhiều khó khăn - Ông nói -  Trang đã làm việc một cách rất cần mẫn và thận trọng. Hy vọng công trình khi hoàn thành sẽ nhận được sự đồng thuận nhiều hơn của dư luận, tác phẩm có thể đứng được trước sự gạn lọc đào thải của thời gian. Tôi tin là Trang sẽ đi đúng theo đường hướng đã vạch ra”.

 

Văn học Phú Yên thế kỷ XX  là công trình mà thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” khi thực hiện. Đã có một số người ấp ủ đề tài này nhưng đều bỏ cuộc. Biết là sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thạc sĩ Thu Trang vẫn quyết tâm. Chị bị thôi thúc bởi ý nghĩ: Chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập hoặc làm nhiệm vụ tổng kết văn học viết Phú Yên trong khi thành tích của thơ, truyện… ngày càng nhiều thêm. Bên cạnh đó, nghiên cứu văn học địa phương còn giúp cho học sinh, sinh viên tiếp cận tác phẩm, tiếp cận các vấn đề văn học thực tế và gần gũi, thông qua đó bồi dưỡng tình yêu quê hương bản quán. Việc sưu tầm, tìm hiểu về những tác phẩm văn học ra đời trên mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên là niềm hạnh phúc, vì vừa được tiếp nhận tri thức văn học cần thiết, vừa được chia sẻ với nhiều thế hệ người viết về những gì mà họ đã gửi gắm trong tác phẩm của mình.

 

070105-Co-Thu-Trang.jpg

Chị Thu Trang đang dự giờ ở một lớp học PTCS tại New Zealand (Dự án Teacher Training Project - Tập huấn về phương pháp giảng dạy cho các chủ nhiệm bộ môn của các trường CĐSP) - Ảnh: N.V

 

Nhưng, chính vì chưa có công trình nào nghiên cứu về văn học địa phương nên khi thạc sĩ Thu Trang bắt tay thực hiện công trình, nhiều người tỏ ra không tin tưởng. Nhà văn Trần Huiền Ân nói: “Nghiên cứu về văn học Phú Yên thế kỷ XX đã là một việc đầy khó khăn, nhiều tác giả không còn, nhiều tư liệu cần thiết cũng không còn. Thế nhưng cái khó khăn lớn hơn là phải viết thế nào khi có nhiều điều chưa thể nói đến, nhiều điều không thể bỏ qua”.

 

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên Phạm Văn Cường:

 

“Cô Trang là một giáo viên có năng lực trong công tác giảng dạy cũng như trong quản lý và nghiên cứu khoa học. Dù hai con còn nhỏ nhưng Trang vẫn quyết đi nghiên cứu sinh. Cô là một cán bộ chịu khó, năng nổ trong công tác và có triển vọng của nhà trường. Trang được đồng nghiệp tin yêu, sinh viên mến phục”.

Đúng là việc sưu tầm tài liệu cực kỳ gian nan. Bởi lẽ, Phú Yên không phải là vùng đất văn chương, người ta viết xong không lưu giữ nên bị lưu lạc nhiều, đặc biệt là những năm trước 1945. Thạc sĩ Thu Trang kiên trì sục sạo khắp các thư viện từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội, tìm và gom lại. Không được phép mang tác phẩm ra ngoài, chị phải dùng máy ảnh chụp từng trang sách, báo về đọc và đánh máy lại để nghiên cứu. Chị bộc bạch: “Những tác phẩm tìm được đã tạo cho mình sự hứng thú, nó chứng tỏ Phú Yên là một tỉnh nhỏ nhưng có diện mạo văn học riêng, đóng góp cho nền văn học Việt Nam. Mình vui vì được chia sẻ những điều ấy”.

 

Chỉ có tình yêu và lòng say mê văn học mới giúp thạc sĩ Thu Trang vượt qua những giờ phút mệt mỏi giữa bộn bề công việc. Người phụ nữ nhỏ nhắn đó đã bền bỉ vượt qua từng chặng, từng chặng đường khó khăn và hoàn thành công trình nghiên cứu vào năm 2004. Văn học Phú Yên thế kỷ XX đáp ứng được hai yêu cầu quan trọng: Sưu tập, hệ thống những lưu liệu văn học viết địa phương Phú Yên trong suốt một thế kỷ và nghiên cứu, đánh giá sự phát triển của văn học địa phương bằng lý luận và thực tiễn. Sau khi NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh “trình làng” quyển sách dày hơn 680 trang này, những giọt mồ hôi của tác giả đã được đền bù. Văn học Phú Yên thế kỷ XX được giới chuyên môn đánh giá cao. Năm 2005, công trình này được Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải B. Năm 2006, với Văn học Phú Yên thế kỷ XX, thạc sĩ Thu Trang được trao giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phú Yên giai đoạn 2001 - 2005.

 

CÁC THẦY GIÁO LÀ TẤM GƯƠNG ĐỂ TÔI CỐ GẮNG

 

Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy khó khăn. Phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bước chân vào “lãnh địa” này, vì bên cạnh hoàn tất nhiệm vụ ở cơ quan, họ còn phải chăm lo cho gia đình nên khó tập trung vào việc nghiên cứu. Chị Thu Trang cũng phải đối mặt với bao gian nan vất vả. Nhưng bù lại được học nhiều, biết nhiều nên dù khó khăn đến mấy, chị vẫn say mê nghiên cứu.

 

Thời gian học sau đại học và nghiên cứu sinh đều là những lúc chị đang nuôi con mọn. Vào TP Hồ Chí Minh, nhớ con quá, chị gọi điện về nhà. “Không ít lần nghe tiếng con khóc, ruột gan như thiêu như đốt, tôi liền xách giỏ ra về – Chị kể - Lừng khừng ở bến xe, lại nghĩ: Về có nghĩa là bỏ cuộc, còn không về thì học làm sao yên?”…  Tâm trạng luôn giằng xé, luôn đấu tranh và chị thường xuyên xuôi ngược đi về để mong bù đắp phần nào sự hy sinh của chồng và những thiệt thòi của các con.

 

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên Nguyễn Văn Dũng: “Trang nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, nhiệt tình, chịu khó và có phương pháp khoa học. Các công trình khoa học của Trang được đầu tư rất công phu và có chất lượng”.

Ở tuổi 42, chị Thu Trang đã có thâm niên 20 năm trong nghề dạy học và thời gian đi học cũng đã hơn 20 năm. Chị yêu quý biết bao nghề giáo. Công việc giảng dạy là niềm vui và cũng là cơ hội để người phụ nữ này trau dồi, học hỏi và nghiên cứu sâu hơn.

 

Được tham dự hội nghị phụ nữ hai giỏi toàn quốc, các cuộc hội thảo và tập huấn lớn, nhận thấy nhiều người trẻ tuổi nhưng lại rất giỏi giang, chị Thu Trang thầm nhủ mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Sau thời gian dành cho công việc ở trường và ở gia đình, chị lại cắm cúi vào đống sách vở, tài liệu. Nửa khuya, khi mọi người yên giấc, chị còn phải giặt thau quần áo to ụ. Tờ mờ sáng đã tất tả đi chợ, gửi con. Chị tâm sự: “Lúc nào mình cũng cảm thấy như còn mắc nợ nên không thể thảnh thơi được”, và tự nhủ: Bao nhiêu người còn khó khăn vất vả hơn mình nhiều, việc gì mình phải ca thán?

 

Nhận thấy mình thua kém người ta về tiếp nhận thông tin, sự hiểu biết… nên Thu Trang tiếp tục học tập. Chị ngưỡng mộ những thầy giáo tóc bạc, sức khỏe yếu mà vẫn cặm cụi nghiên cứu và làm được nhiều công trình có chất lượng. Giáo sư Hoàng Như Mai là một trong những tấm gương sáng về tinh thần học tập, kiến thức uyên bác và cả về nhân cách mà chị Thu Trang ngưỡng mộ. Những tấm gương đó động viên người phụ nữ bận bịu và đầy đam mê này cố gắng nhiều hơn.

 

Chị Thu Trang tâm niệm: “Điều quan trọng là phải làm được gì sau khi lĩnh hội kiến thức, chứ không phải chỉ lấy danh thạc sĩ hay tiến sĩ”ø. Chị luôn ý thức mình phải học, phải nghiên cứu thật nghiêm túc. Nghiên cứu sinh phải có sự nỗ lực cá nhân, khả năng nghiên cứu độc lập, và phải có những phát hiện mới.

 

Con còn nhỏ, nhưng cả hai vợ chồng chị Thu Trang đều cố gắng thu xếp để học sau đại học. Chồng chị là anh Nguyễn Khoa Trình, Giám đốc Chi nhánh điện Trung tâm TP Tuy Hòa, cũng đã hoàn thành chương trình cao học ngành điện. Anh chị động viên nhau, sắp xếp công việc nhà một cách hợp lý để cả hai cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 

Quê ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), chị Thu Trang là một học sinh xuất sắc của Trường THPT Nguyễn Huệ, sinh viên giỏi của Đại học Huế. Ra trường, chị về công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên từ đó cho đến nay, hiện là chủ nhiệm Khoa Văn-Sử-Địa. Người phụ nữ có gương mặt và giọng nói đẹp dịu dàng này đã và đang cống hiến sức mình cho công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho giáo dục.

 

MINH NGUYỆT

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hổ Quyền - đấu trường dã thú
Thứ Tư, 27/12/2006 09:33 SA
Thú chơi Vespa cổ ở Tuy Hòa
Thứ Ba, 26/12/2006 14:20 CH
Huyền thoại từ trong lửa đạn
Chủ Nhật, 24/12/2006 15:16 CH
Người cầm chịch giữ buôn làng
Thứ Năm, 21/12/2006 08:40 SA
Người ươm màu xanh cho rừng
Thứ Hai, 18/12/2006 07:54 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek