Thứ Ba, 26/11/2024 09:30 SA
Huyền thoại từ trong lửa đạn
Chủ Nhật, 24/12/2006 15:16 CH

Ngã ba Đồng Lộc - giao điểm của đường 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh - là một trong những điểm giao thông có ý nghĩa sống còn trong chiến tranh chống Mỹ. Hơn một nghìn liệt sĩ đã nằm lại đất này, và ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như là một trong những chiến trường ác liệt nhất. Mảnh đất nhỏ bé gắn liền với những chiến công và sự hy sinh đã thành huyền thoại của 10 nữ thanh niên xung phong anh hùng.

 

TÚI BOM, CHẢO LỬA

 

061224-ngaba-dongloc.jpg

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Từ thị xã Hà Tĩnh đi theo Quốc lộ 1A chừng 8 cây số, sau đó rẽ trái đi lên 12 cây số, khách tham quan  gặp một tượng đài chiến thắng tại ngã ba đường. Đó chính là ngã ba Đồng Lộc (thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), mảnh đất nhỏ bé từng bị bom đạn cày đi xới lại nhiều lần. Con đường chạy ngang nhà lưu niệm chính là đường 15A, một nhánh lớn của đường mòn Hồ Chí Minh, mạch máu giao thông không bao giờ tắt nghẽn trong cuộc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ. 

 

Anh Phan Công Lệ, một hướng dẫn viên trẻ của khu di tích, cho biết: Vào thời điểm đông nhất, có đến 1,6 vạn người sống và chiến đấu tại ngã ba Đồng Lộc. Họ có mặt ở đây để bảo vệ con đường 15A, đảm bảo sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Những hiện vật, hình ảnh và mô hình ngã ba Đồng Lộc cùng sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử đã giúp du khách hình dung rõ nét hơn về chiến trường rực lửa năm nào. Từ 1965 - khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc - đến năm 1972, tuyến QL 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị địch khống chế hoàn toàn, và mọi thông thương từ Bắc vào Nam để chi viện cho chiến trường đều phải đi qua con đường 15A. Biết được tầm quan trọng của đường 15A và ngã ba Đồng Lộc nên địch đã tập trung hoả lực để cắt đứt con đường này, nhằm cắt đứt sự chi viện của đồng bào miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Và Đồng Lộc, với hai bên là đồi núi trọc, ở giữa là độc đạo đi qua, đã trở thành đất lửa. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Mỹ đã trút xuống đây hơn 2 nghìn tấn với hơn 49 nghìn quả bom các loại. Có ngày, địch bay đến 103 lần, ném trên 800 quả bom! Đất bị cày đi xới lại nhiều lần. Hố bom chồng chất hố bom.

 

Nhiệm vụ san lấp hố bom được giao cho tiểu đội 4 TNXP gồm 10 cô gái. Khi ấy các chị còn rất trẻ, đều là dân Hà Tĩnh và chưa ai lập gia đình. Trẻ nhất là chị Võ Thị Hà, sinh năm 1951, lúc đó vừa tròn 17 tuổi. “Chị cả” của tiểu đội là Võ Thị Tần quê ở Can Lộc, tiểu đội trưởng; chị Hồ Thị Cúc quê ở Hương Sơn, tiểu đội phó, và chị Nguyễn Thị Nhỏ, đội viên. Cả ba đều sinh năm 1944, lúc đó tròn 24 tuổi.

 

Không chỉ thông đường, nhiều đêm các chị còn mặc áo trắng, cầm tay nhau để làm hàng rào, cọc tiêu sống dẫn lối cho những đoàn xe đi vào mặt trận được an toàn. Chiến trường vô cùng ác liệt, cái chết cận kề nhưng các chị vẫn lạc quan yêu đời. 5 ngày trước khi hy sinh, chị Võ Thị Tần viết thư gởi về cho mẹ: “Ở đây vui lắm mẹ à. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim của chúng con.... Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới, cuốn sổ tay mẹ gởi cho con dạo nào đã gần hết giấy rồi. Mẹ nhớ gởi thêm cho con ít giấy nữa nhé. Mới đến thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá. Mẹ giữ gìn sức khoẻ và đừng lo cho con nhiều.” Mẹ chị Võ Thị Tần không thể ngờ rằng đây là bức thư cuối cùng, là những lời tâm sự cuối cùng của con gái thân yêu...

 

SỰ HY SINH TRỞ THÀNH HUYỀN THOẠI

 

Sáng 24 - 7 - 1968, bầu trời Đồng Lộc bị rạch nát bởi máy bay gầm rú. Địch quần đảo, ném bom liên tục và mặt đường 15A mịt mù khói lửa. Nhiệm vụ đặt ra là bằng bất cứ giá nào tuyến đường này cũng phải thông suốt, để đến đêm, đoàn xe chi viện cho chiến trường đi qua được an toàn. Nhận được lệnh của đại đội, 10 cô gái bắt tay làm đường từ giữa trưa. Đến 16 giờ, khi tiểu đội hoàn tất được một phần công việc thì một tốp máy bay ào đến, nhằm vào mục tiêu là 10 cô gái đang san lấp hố bom giữa ban ngày. Các chị bị bom vùi đến 3 lần, nhưng sau đó lại rũ đất đứng dậy, tiếp tục đào đất bê đá lấp hố bom. Cho đến khi trận bom thứ 15 trút xuống. Các chị lánh vào một căn hầm chữ A. Một quả bom rơi ngay trước cửa hầm, đất đá đã vùi lấp các chị...

 

061224-vieng-mo.jpg

Nhiều đoàn khách viếng mộ của 10 cô giá Đồng Lộc - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Ngay sau khi trận bom vừa dứt, cả đại đội cùng với các anh bộ đội pháo binh hết sức đào bới để tìm các chị.

 

Đêm đó và hai ngày sau, đồng đội gạt nước mắt, đào bới tìm được 9 thi thể của các chị. Tìm mãi mà vẫn thiếu thi thể của chị Hồ Thị Cúc. Quặn lòng trong nỗi mất mát tiếc thương, ngay chiều hôm đó nhà thơ Yến Thanh sống và chiến đấu tại ngã ba Đồng Lộc đã viết bài thơ Cúc ơi để gọi chị :

 

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu sao không về tập hợp

Chín bạn  đã quây quần đủ hết

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

                        chín bỏ làm mười răng được

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần

Chỉ sợ em đau

                    nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi em ở đâu?

Đất nâu lạnh lắm

Da em xanh, áo em thì mỏng

Cúc ơi em ở đâu?

Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố

Ăn quýt đỏ Sơn Bằng

                           chăn trâu cắt cỏ

Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ

Gối còn thêu dở

Cơm chiều chưa ăn

Ở đâu hỡi Cúc?

Đồng đội tìm em đũa găm cơm úp

Gọi em

Gào em khản cả cổ rồi

Cúc ơi!

 

Đến ngày thứ ba mới tìm thấy thi thể chị Cúc. Chị ra đi trong tư  thế ngồi, trên đầu còn đội nón, mười đầu ngón tay rớm máu, chứng tỏ khi hầm sập, chị vẫn còn sống, và đã gắng hết sức tàn bới đất tìm lối ra nhưng vô vọng.

 

Thi hài các chị được đưa về làng Mai Long - nơi tiểu đội đóng quân - để an táng. Sau khi hoà bình lập lại, các chị được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc. Đến năm 1990, hài cốt được đưa về ngã ba Đồng Lộc, nơi các chị đã trải qua những năm tháng hiểm nguy gian khổ nhất nhưng đẹp nhất của đời người. Nơi các chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả cuộc sống của chính mình để tuyến giao thông huyết mạch được thông suốt.

 

*   *

*

Sau khi ngã ba Đồng Lộc được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, năm 1995, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các cấp các ngành đầu tư xây dựng tại đây khu tưởng niệm TNXP cả nước. Đến đây, du khách dâng hương tại nhà bia tưởng niệm TNXP đã hy sinh trên mọi miền Tổ quốc và dâng hương tại phần mộ của 10 cô gái anh hùng.

 

Đồng đội đã trồng bên khu mộ hai cây chùm kết. Vào ngày giỗ các chị, rất đông cựu chiến binh cùng người dân Hà Tĩnh đến viếng mộ. Họ mang theo hoa cúc trắng và những chùm bồ kết. Hoa cúc trắng đặt trên mộ, bên cạnh chiếc lược, cái gương nhắc nhớ rằng họ ra đi khi tóc còn xanh. Bồ kết được đốt lên quyện với khói hương gởi cho những mái tóc mãi mãi xanh…

 

Hướng dẫn viên Phan Công Lệ kể rằng cựu chiến binh Mỹ cũng đã đến đây. Nhiều người đứng rất lâu trước mộ của 10 cô gái, rơi nước mắt và nói rằng họ cảm thấy có lỗi...

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người cầm chịch giữ buôn làng
Thứ Năm, 21/12/2006 08:40 SA
Người ươm màu xanh cho rừng
Thứ Hai, 18/12/2006 07:54 SA
Chị Chiên làm gốm mỹ nghệ
Thứ Bảy, 16/12/2006 08:22 SA
Người giữ những sắc màu thổ cẩm
Thứ Ba, 12/12/2006 07:06 SA
Đăng chấn trên đầm Ô Loan
Thứ Hai, 04/12/2006 08:21 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek