Chủ Nhật, 06/10/2024 05:43 SA
Một thời để nhớ
Thứ Ba, 13/11/2012 18:00 CH

Sau khi tốt nghiệp, năm 1985 Sở Giáo dục Phú Khánh phân công tôi về huyện miền núi Sông Hinh. Ông thợ mộc trong làng đóng cho chiếc thùng gỗ to tướng, mẹ tôi bỏ vào đó mấy bộ đồ, 10kg gạo, ít mắm ruốc kho thịt, 2 vỉ thuốc sốt rét và chai dầu gió. Chiếc xe đò chạy bằng than củi cứ xình xịch, xình xịch, vất vả trườn qua nhiều đèo dốc hơn 6 tiếng mới đến Hai Riêng - thị trấn nhỏ vừa được thành lập.

 

Uong-ruou-can-1.jpg

Anh Đoàn Pháp - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Phú Yên - tác giả bài viết uống rượu cần giao lưu với thiếu nữ Ê Đê ở buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh) - Ảnh: MINH TRIẾT

Từ thị trấn, tôi lội bộ hơn 2 cây số nữa thì đến trường Bổ túc công nông Sông Hinh, ngôi trường nằm xa buôn làng, dạy chương trình bổ túc văn hóa dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo từ lớp 1 đến lớp 9, với nhiều độ tuổi, có nội trú cho học viên. Ban giám hiệu và giáo viên cả thảy có 5 người, thêm 1 cấp dưỡng.

 

Khi hoàng hôn buông xuống, gió núi se se lạnh, đàn quạ về tập trung đen kịt trên cây gạo sau trường, “q..u…ạ…q…uạ…” những tiếng kêu lạ lẫm trong chiều khiến cho sự heo hút cùng nỗi nhớ quê nhà của chúng tôi tăng lên gấp bội. Phòng ở cho giáo viên nền và vách đất, mái tranh, không rộng, đủ đặt 3 chiếc giường sắt cho 5 giáo viên nam. Phía trước mỗi giường đặt chiếc bàn học sinh. Dưới hộc bàn là giáo án, thuốc rê, gương lược, dao cạo râu; trên bàn đặt cây đèn dầu hột vịt. Đêm đến, những ngày hết tiền, lương chưa có thì tất cả nằm nhà. Cứ trùm mền mà hàn huyên tâm sự, có khi vừa soạn giáo án vừa nói chuyện. Nằm mỏi thì ngồi dậy, làm điếu thuốc rê, mền quấn đến cổ cho khỏi lạnh.

 

Những ngày mới lĩnh lương, đêm nào chúng tôi cũng ra thị trấn, riêng ngày chủ nhật thì ở bên đó từ sáng đến khuya mới mò về trường. Thị trấn cũng thắp đèn dầu, không có trò gì để giải trí ngoài việc uống cà phê hết buổi hoặc lên cửa hàng thương nghiệp huyện mua mấy thứ đồ dùng cá nhân và tán tỉnh mấy cô mậu dịch viên. Từ trường ra thị trấn phải qua con suối rộng chừng 100m, có 2 thanh sắt chữ H rộng hơn 2 tấc thả nối nhau làm cầu. Những ngày mưa, cây cầu chìm sâu trong nước, đi phải xoay nghiêng bàn chân để dò đường, nước lên đến thắt lưng. Và để khỏi ướt quần áo, đôi khi ban đêm ai nấy đều “khỏa thân”, lên bờ thì mặc lại. Miền núi, mưa độ vài tiếng thì nước lũ đổ về ào ào và lên rất nhanh; có lần vào xẩm tối, 5 chúng tôi từ thị trấn về trường, 4 người đi trước vào đến bờ thì người sau cùng bị nước ngập đến ngực; hoảng quá, anh ta ôm đại vào gốc cây dừng và leo lên; anh ta leo đến đâu thì nước cũng dâng theo đến đó. Chúng tôi chạy về nội trú huy động học sinh. Các em chặt dây rừng nối lại thành sợi dây quăng ra giữa dòng nước lũ. Mấy chục đứa học sinh tuổi mười tám, đôi mươi chắc khỏe đã kéo được ông thầy vào bờ. Vậy là thoát chết!

 

Mùa mưa lũ, nước con suối lớn, cả thầy trò chúng tôi gần như bị cô lập, có khi mấy ngày liền. Để cải thiện bữa ăn, hết giờ lên lớp chúng tôi đi hái nấm, bẻ măng vòi, hái rau tàu bay, rau bồ ngót, ớt và những thứ mọc dại trong nương rẫy. Đôi khi chúng tôi vào rẫy của bà con xin trái dưa gang to tướng đem về làm món càxoóc.

 

Ho-Song-Hinh.jpg

Một góc hồ Sông Hinh - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Những đêm thanh vắng, khi tiếng cồng, arap từ các buôn vang vọng xa xa là chúng tôi vểnh tai đoán hướng. Ở Hai Krong hay Hai Kloc hay buôn Dành, buôn Nhum? Vậy là ngày mai dạy xong, mấy anh em rủ nhau đi uống rượu cần. Vào làng uống rượu cần với bà con là thú vui của chúng tôi. Bà con Ê Đê, Ba Na có nhiều lễ cúng như cúng mừng lúa mới, mừng đám cưới, cúng bỏ mả, có khi trong làng có ai đó bị bệnh nặng cũng cúng. Mỗi lần cúng có khi có đến mấy chục chóe rượu. Chỉ có khách quý, già làng và những người cao tuổi mới được thưởng thức những giọt rượu hút ra đầu tiên (nước nhất). Chúng tôi thỉnh thoảng cũng được làm khách quý, nhưng thường là uống nước nhì. A-ráp cứ đánh thâu đêm suốt sáng, có khi cả ba ngày liền, chúng tôi cùng với bà con “năm - bay” (uống rượu) và có khi cùng cả làng “năm - bay - róa” (uống rượu say rồi).

 

Để chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi phải mất 3 tuần trong kỳ nghỉ hè để làm công việc chiêu sinh tại các xã. Năm ấy, lãnh đạo phòng giáo dục phân công tôi về xã Sông Hinh – xã miền núi đặc biệt khó khăn, xa trung tâm huyện, giáp với Ma Đrắk của tỉnh Đắk Lắk. Chuẩn bị cho chuyến đi, chiều hôm trước tôi mang chiếc xe đạp ra thị trấn thay lốp và phanh mới, 2 thứ này mà hết “đát” thì khi xuống dốc rất nguy hiểm. Và tôi cũng không quên mang theo ít thuốc “phòng 3”, loại thuốc uống cắt cơn sốt. Tập hồ sơ tuyển sinh bỏ vào túi ni lông, được cột vào sườn xe, phía ghi đông treo lủng lẳng chiếc bầu nhựa đựng 2 lít nước, ba ga sau cột chặt ống bơm và đồ vá lốp. Ra khỏi thị trấn chừng 15 cây số là bắt đầu luồn vào con đường ngoằn ngoèo qua những vạt rừng giàcây cối um tùm, chằng chịt dây leo, thỉnh thoảng tiếng kêu của vooc, tắc kè núi... vang lên nghe rờn rợn trong người. Khi trời ngả về chiều, những cơn mưa rừng bắt đầu đổ xuống cũng là lúc tôi đã lội qua khỏi dòng sông Thảo và đến buôn làng. Xã Sông Hinh nằm phía Đông Trường Sơn, thời tiết khắc nghiệt, khí hậu âm u, ẩm ướt ít khi có ánh nắng mặt trời, đêm xuống lạnh buốt xương. Ở đây không có trạm xá, chợ búa, giếng nước, trường học cũng chỉ dạy đến lớp 3. Thu nhập chính của người dân vẫn là cây lúa, cây bắp trên rẫy nhưng chưa giáp hạt đã phải cứu đói. Đây là vùng trọng điểm sốt rét, nếu sốt nặng phải dùng võng mà khiêng người bệnh, mất cả ngày đường mới ra đến bệnh viện huyện. Rất nhiều người đã chết trên đường đi cấp cứu, trong số ấy có đồng nghiệp chúng tôi.

 

Tôi vào nhà buôn trưởng Ea Ngao để giới thiệu sơ bộ về công việc của mình và nhờ ông báo với công an xã là đêm nay tôi ở lại. 10 năm sống ở huyện miền núi, tôi tiếp xúc khá nhiều với đồng bào dân tộc thiểu số và mỗi lần về buôn làng đều được bà con nấu cơm cho ăn, mời uống rượu cần, có khi thịt cả con gà. Nhưng hồi ấy tôi đã đi ngày đường rồi, cái bụng trống không và bắt đầu thấy đói. Tôi ngồi đối diện ông buôn trưởng, toàn nghe ông kể khổ. Ông đứng lên, đưa tay rút mấy lá thuốc đang treo lủng lẳng dưới mái nhà rồi ngồi xuống, lấy lá chuối cuộn tròn hai lá thuốc bên trong tạo thành điếu thuốc to tướng gần bằng cổ tay. Tôi bảo không hút được, ông lại bên bếp lôi cây củi đang cháy và đốt thuốc. Một làn khói tỏa ra, khét lẹt mùi lá thuốc chưa được sấy khô. Tôi liếc mắt về phía bếp lửa ở đầu nhà. Bên bếp lửa đỏ rực, bà vợ ông đang nướng mấy củ khoai mì. Ông hỏi tôi: “Thầy ăn khoai mì không?”. Tôi chưa kịp trả lời thì ông nói tiếp: “Bữa qua, tôi bán được gùi đu đủ, mua mấy lon gạo và cá khô, bữa nay còn được một chút”. Vậy là tôi hiểu, nhà ông đang hết gạo... Lần đầu tiên đến đây nên tôi chủ quan không mang theo gạo, nghĩ rằng mới tháng bảy không đến nỗi đói giáp hạt trầm trọng như vậy. Xong việc, tôi chào buôn trưởng và tìm nhà mấy anh học viên của trường để ngủ nhờ. Y Liễm - cũng là học viên của trường - ở gần nhà ông trưởng buôn. Không biết ông nói gì mà Y Liễm cũng tìm tôi, bảo: “Để em về nói với chị, giã ít gạo rồi nấu cơm thầy ăn nhen?”. Tôi bảo là đã ăn rồi, đành nói vậy vì biết hoàn cảnh Y Liễm mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ sự cưu mang của chị. Dẫu rằng một chén cơm không thể làm cho người ta nghèo đi nhưng quả thật có khi đến tối thì nhà không còn hạt gạo, ngày mai họ lại vào rừng hái măng, xuống suối bắt cá để đổi lấy gạo ăn trong ngày. Đêm đó, tôi ở nhà Kpa Út, người học trò đẹp trai và học giỏi nhất trường tôi lúc bấy giờ (nay là Phó ban Dân tộc của tỉnh Phú Yên). Kpa Út cũng mồ côi cha mẹ. Đã hơn 7g tối rồi, Út bắc xoong cơm lên bếp rồi ra vườn hái rau. Út đãi tôi cơm với muối ớt, đọt sắn luộc chín vắt khô chấm với mắm nêm. Bụng đói, trời lại lạnh nên tôi thấy ngon miệng vô cùng.

 

Đã trên hai mươi lăm năm rồi, đồng nghiệp chúng tôi có người về xuôi, có người ở lại tiếp tục sự nghiệp trồng người, có người về tỉnh khác; những học sinh ngày ấy giờ có người còn gắn với nương rẫy, có người trở thành cán bộ của huyện, tỉnh... nhưng tôi cảm thấy như vừa mới gặp nhau hôm qua, vẫn quen thuộc và yêu thương như ngày nào.

 

ĐOÀN PHÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek