Thứ Hai, 25/11/2024 04:37 SA
Tăng sức “đề kháng” thiên tai cho người dân vùng lũ
Thứ Bảy, 08/12/2012 07:45 SA

Đó là mục tiêu của dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa” (gọi tắt là DRR) do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Na Uy tài trợ cho Phú Yên. Việc thực hiện dự án này trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có lũ lụt xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…

 

dien-tap-PNTH-121208.jpg

Diễn tập phòng ngừa, ứng phó thiên tai tại xã Hòa Thành (Đông Hòa) - Ảnh: N.DUNG

NHỮNG CÔNG TRÌNH VÌ DÂN

 

Hơn 3 tháng nay, người dân ở các thôn Thạch Chẩm, Nam Bình 1, Nam Bình 2 của xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa) rộn ràng niềm vui khi đi qua đoạn đường có đường dây xích an toàn tại bờ Thuyền trên địa bàn thôn Thạch Chẩm. Bởi bao năm nay, cứ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, chỉ cần mưa dầm dề hai ba ngày là nước từ sông Bàn Thạch ào ạt tràn lên đoạn đường bờ Thuyền, người dân trong xã chẳng mấy ai dám qua lại. Mặc dù chưa có trường hợp thương tâm nào xảy ra, nhưng chuyện người dân và học sinh các Trường THPT Lê Trung Kiên, Nguyễn Công Trứ, Trường THCS Quang Trung, Trường tiểu học số 1 và số 2 Hòa Xuân Tây khi đi qua đoạn đường này bị nước cuốn trôi mất xe đạp, vật dụng xảy ra như cơm bữa. “Trước tình cảnh bà con khổ sở bởi lụt lội, chúng tôi rất trăn trở, nhưng ngặt nỗi kinh phí quá eo hẹp”, ông Phan Long Thành, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Tây giãi bày.

 

Câu chuyện về lần “chết hụt” khi bị nước lũ cuốn trôi vài năm trước đây đến giờ vẫn khiến anh Đỗ Ngọc Rẫy ở thôn Thạch Chẩm không thôi ám ảnh. Anh Rẫy nhớ lại: “Hôm đó, tôi đi ăn đám giỗ ở nhà bà con. Sáng sớm, nước chảy qua đoạn đường này chỉ mới lên trên đầu gối một chút, vậy mà đến chiều, nước ở ngoài sông Bàn Thạch tràn vô, ngập gần đến rốn. Nhìn dòng nước chảy xiết tôi cũng hơi ngại, nhưng rồi chủ quan nghĩ chắc không sao nên lội đại. Ai ngờ, đến giữa dòng, tôi bị hất ngã nhào vì gặp dòng chảy quá mạnh. May mà tôi biết bơi, sau mấy phút thất thần, tôi đã tìm cách bơi vào bờ”. Anh Rẫy cười: “Hồi đó, may mà ông trời còn thương. Tôi mạng lớn, phước lớn, nếu không là bị nước lũ cuốn đi, tiêu đời rồi”. Anh Rẫy nói rằng, từ ngày Hội CTĐ Na Uy về hỗ trợ xã Hòa Xuân Tây làm đoạn đường dây xích an toàn bờ Thuyền này, không chỉ riêng anh mà gần 3.000 hộ dân ở khắp ba thôn Thạch Chẩm, Nam Bình 1, Nam Bình 2 vui như “mở cờ trong bụng”.

 

Mang theo niềm vui của anh Rẫy, chúng tôi tìm đến đoạn đường dây xích bờ Thuyền thì tình cờ gặp ông Phạm Thành Tâm. Ông Tâm đang dẫn đứa cháu nội đi xem nước lớn, cho hay: “Ở đây, mới mưa một ngày một đêm mà nước từ ngoài sông đã tràn vào khu vực dân cư và lém mép đường này rồi”. Thôn Thạch Chẩm chỉ cách sông Bàn Thạch chừng đâu 400m nên hễ mưa vài ba ngày là nước “nhảy” vô đường sá, ruộng vườn. Thường một cây lụt nhỏ ở đây nước đã ngập đến rốn người lớn, còn lụt lớn thì khỏi nói. Ông Tâm hướng mắt về đoạn đường trước mặt, nói: “Hồi chưa có đoạn đường dây xích, rất ít người dám qua lại một mình khi lũ lụt tràn về. Nhưng từ ngày đường có dây xích chắc chắn, dù nước có chảy xiết đến mấy, người ta vịn vào đó đi lại mà không sợ bị nước lũ cuốn nữa. Nhất là tụi nhỏ mỗi ngày đi học qua con đường này vào mùa mưa, ba mẹ chúng ở nhà cũng đỡ phấp phỏng lo sợ”. Ông Tâm cười khà, nói tiếp: “Năm nay tui 68 tuổi, hơn quá nửa đời người sống ở vùng quê gần sông nước chứng kiến không ít trận lụt lội, cho nên từ khi có đường dây xích an toàn bờ Thuyền này, thật mừng lắm, cô à!”.

 

Trên hành trình đến với các xã nằm trong vùng có nguy cơ cao về thảm họa thiên tai trong tỉnh như An Thạch, An Định, An Nghiệp (Tuy An), Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa), Hòa Xuân Đông, Hòa Thành (Đông Hòa)… chúng tôi bắt gặp không ít nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của những người dân nghèo nơi đây. Tiếp khách trong ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới, ánh mắt chị Phạm Thị Kim Chung ở thôn Định Phong (xã An Nghiệp) lấp lánh niềm vui: “Vừa rồi, tôi được Hội CTĐ hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà tránh lũ, cộng với số tiền tích cóp và vay mượn bà con gần 30 triệu đồng, mẹ con tôi mới xây được ngôi nhà này”. Đưa chúng tôi đi tham quan ngôi nhà ngói cấp bốn có gác lửng cao 3,5m chị phấn khởi: “Bây giờ có lụt lội gì cũng không lo. Hễ thấy “động” là mẹ con tôi khiêng lúa thóc, đồ đạc lên gác; mấy mẹ con cũng leo lên gác để tránh nguy hiểm”.

 

HXT121208.jpg

Đoạn đường có đường dây xích an toàn bờ Thuyền ở xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa) - Ảnh: N.DUNG

Chỉ những ai ở vào hoàn cảnh khốn khó như chị Chung mới cảm nhận hết niềm vui đang lan tỏa trong lòng người đàn bà nghèo 50 tuổi góa bụa này. Hơn 10 năm chồng bỏ đi cũng là ngần ấy năm chị Chung một mình vất vả mưu sinh nuôi các con thơ dại. Không nghề nghiệp, không vốn liếng, quanh năm suốt tháng chỉ biết trông cậy vào ba sào ruộng để mong kiếm cơm qua ngày. Bao năm nay, căn nhà vách đất xập xệ trống trước hở sau không thể che mưa che nắng cho ba mẹ con chị. Nỗi phiền muộn, bất an ấy lại dấy lên trong lòng chị khi mỗi mùa mưa lũ đến. Sống trong một vùng trũng thấp ở thôn Định Phong, hàng năm đến mùa mưa, nước lũ từ hồ chứa Đồng Tròn theo suối Cây ào ạt đổ về khắp các con đường quanh thôn xóm. Nước lũ không chỉ gây thiệt hại hoa màu, ruộng vườn, nhà cửa, mà còn đe dọa đến tính mạng con người. Chị Chung nhớ lại: “Trận lụt hồi năm 2009, nước tràn vào nhà ngập sâu đến 3m. Lúc đó, vật dụng đồ đạc, lúa thóc trong nhà phần bị hư hại, phần bị nước lũ cuốn trôi, còn mẹ con tôi phải “bỏ của chạy lấy người” đến ở nhờ nhà hàng xóm. Nhưng giờ thì khác rồi”.

 

Chủ tịch Hội CTĐ xã An Nghiệp Nguyễn Đức Sơn tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình chị Chung hết sức khó khăn. Thế nên, địa phương quyết định chọn gia đình chị là một trong ba hộ nghèo của xã được nhận tiền hỗ trợ xây nhà cấp bốn có gác lửng để tránh lũ từ dự án DRR của Hội CTĐ Na Uy. Ngôi nhà của chị bây giờ còn là địa điểm trú ngụ cho bà con nghèo trong xóm trong mùa lụt”.

 

HƯỚNG ĐẾN MỘTCUỘC SỐNG AN TOÀN CHO DÂN

 

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội CTĐ Việt Nam Đoàn Văn Thái nói rằng: “Chúng ta không thể làm tất cả mọi việc cho người dân khi thiên tai xảy ra. Điều mà chúng ta có thể làm và cần phải làm là chuẩn bị cho người dân về mọi mặt để họ biết cách ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với thiên tai. Việt Nam là một trong số các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt trên quy mô toàn cầu. Đứng trước thực trạng này, chính phủ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội CTĐ xác định phòng ngừa ứng phó thảm họa, bảo vệ cuộc sống của người dân là một trong các hoạt động ưu tiên trong chiến lược hoạt động của hội”.

 

thuc-hanh-121208.jpg

Các tình nguyện viên CTĐ thực hành sơ cấp cứu nạn nhân bị gãy xương đùi - Ảnh: N.DUNG

Riêng ở Phú Yên, hàng năm thường chịu ảnh hưởng cũng như chịu tác động trực tiếp từ 5 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Phó chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lê Thế Minh phân tích: Với mục đích hướng đến một cuộc sống an toàn cho người dân vùng lũ, hàng năm, Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến đi đến các địa phương nằm trong vùng nguy cơ thảm họa thiên tai nhằm đánh giá các hiểm họa về thiên tai mà người dân phải đối mặt. Cùng với đó, các cấp hội còn thường xuyên mở các lớp tập huấn quản lý rủi ro thảm họa, tổ chức diễn tập phòng ngừa ứng phó thảm họa nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa, tìm kiếm cứu nạn cũng như huy động sức mạnh tổng hợp của lãnh đạo địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, tình nguyện viên CTĐ và người dân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó khi có sự cố về thiên tai, thảm họa xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, tỉnh hội triển khai thực hiện dự án DRR do Hội CTĐ Na Uy tài trợ cho Phú Yên. Đến thời điểm này, có 10 xã thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa), An Thạch, An Định, An Nghiệp, An Cư (Tuy An), Hòa Thành, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây (Đông Hòa) được đầu tư 500 triệu đồng/năm/xã. Ông Lê Thế Minh phấn khởi cho biết: “Từ khi có dự án DRR, năng lực ứng phó thảm họa của cộng đồng được nâng lên đáng kể. Bởi chúng tôi rất chú trọng đến các giải pháp nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là cùng với người dân xây dựng, xác lập kế hoạch phòng ngừa thảm họa cho địa phương. Vì hơn ai hết, họ là người biết rõ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của mình trong việc ứng phó với thảm họa. Kế hoạch được xây dựng từ ý kiến đóng góp của người dân sẽ trở thành kế hoạch chung cho toàn xã. Từ kế hoạch này, chúng tôi chỉ đạo các xã trong dự án xây dựng bản đồ hiểm họa. Chỉ cần nhìn vào bản đồ đó, sẽ biết ngay vùng nào có nguy cơ nếu có bão, lụt xảy ra thì báo động ở vùng đó, di dời bao nhiêu hộ, di dời đến những đâu sẽ an toàn…”.

 

Trước đây, những xã nằm trong vùng có nguy cơ cao về thảm họa thiên tai, trang thiết bị phòng chống có “xênh xang” lắm cũng chỉ là một chiếc xuồng lớn chở được từ 10-15 người và đều chèo bằng tay. Nhưng từ ngày có dự án, những xã có địa bàn rộng, dòng chảy mạnh được cấp 4 xuồng máy (chở từ 15-20 người), xã nhỏ hơn thì đầu tư 2 xuồng máy. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ cho các thôn một chiếc sõng lớn dùng cho việc di dời dân để sau đó xuồng máy đến tiếp tục đưa bà con đến nơi an toàn. Để nâng cao khả năng tự ứng cứu, phòng ngừa thảm họa của người dân, dự án còn hỗ trợ dân xây nhà tránh lũ, hỗ trợ trên 50% kinh phí cho các hộ dân, nhất là những hộ nghèo nằm trong vùng “rốn lũ” để mua sõng riêng cho khi có lũ lụt xảy ra. Chính sự hỗ trợ này góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đồng thời giảm bớt áp lực cho chính quyền địa phương trong việc di dời, cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai xảy ra.

 

Dự án DRR tập trung tổ chức các nhóm giải pháp nâng cao năng lực nhằm giảm nhẹ rủi ro trong thảm họa như nâng cao năng lực cho lãnh đạo địa phương, cán bộ CTĐ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng trong vùng dự án; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên về phòng ngừa thảm họa, sơ cấp cứu chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đồng thời, dự án đầu tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (xuồng máy, sõng lớn, sõng con hộ gia đình, áo phao, phao cứu sinh, túi sơ cấp cứu, loa cầm tay, máy phát điện…). Ngoài ra, dự án còn tổ chức xây dựng một số công trình phòng ngừa thảm họa dựa vào cộng đồng ở các địa phương này như xây nhà tránh lũ cộng đồng, nền nhà tránh lũ cộng đồng, đường dẫn tránh lũ, bể lọc nước nhiễm phèn, hệ thống nước sạch (xử lý qua tia cực tím)… để tăng cường khả năng ứng phó thảm họa của người dân.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek