Chủ Nhật, 06/10/2024 05:40 SA
Người Bana cuối cùng giữ bí quyết tẩm tên độc
Thứ Sáu, 30/11/2012 08:00 SA

Tại vùng núi cao của huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên hiện còn một loài cây có chất nhựa cực độc. Cây này được đồng bào Bana nơi đây mệnh danh là cây thần độc dược với tên gọi quen thuộc Lon chi ngăng.

 

Ma-Thin121201.jpg

Ông Ma Thìn, người duy nhất còn nắm công thức bào chế độc dược từ Lon chi ngăng.

Ngày xưa, tổ tiên người Bana đã lấy nhựa Lon chi ngăng bào chế trộn với một số hợp chất gia truyền mang tính dân gian rồi tẩm vào các mũi tên, dự trữ trong nhà dùng để bảo vệ buôn làng, săn bắt thú rừng, nhất là những loại thú dữ. Bí quyết về cách bào chế độc dược hiện nay còn rất ít người biết. Tuy nhiên, cách giải loại độc dược này đến nay vẫn là một ẩn số.

 

HUYỀN THOẠI TÊN ĐỘC TRỪ GẤU DỮ

 

Tình cờ, trong chuyến leo núi gần đây để tìm hiểu về chứng tích kỳ vĩ vùng căn cứ cách mạng của quân và dân Phú Yên một thời ở làng Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, chúng tôi được anh La Chí Cường - người dẫn đường - kể chuyện về huyền thoại Brăm chi ngăng (tiếng Bana: Mũi tên độc). Anh hỏi tôi có muốn biết về loài cây lạ, được người Bana dùng để lấy nhựa tẩm tên độc ở vùng núi này không? Thế là tôi theo anh lội rừng suốt mấy giờ đồng hồ đi tìm loài cây lạ. Từ làng Đồng, chúng tôi xuôi theo con suối Mằng Quân cách chân núi KonClo hơn 1km. Trước mắt chúng tôi là một cây thân cao vút, phần gốc to cỡ ba người ôm, cành lá sum suê giữa núi rừng cao lộng gió. Hình ảnh đầu tiên rất dễ nhận thấy là từ gốc lên cao trên 2m, xung quanh thân cây chi chít những vết thẹo ụn lên, hằn chằng chịt do những vết dao rìu băm chặt để lấy nhựa mủ.

 

Theo già làng Ma Doãn (nay đã ngoài 80 tuổi), đó là những vết rạch có từ trước thời Pháp thuộc tới tận bây giờ. Loài cây này tiếng Bana gọi là Lon chi ngăng, có nhựa cực độc. Kể về sức mạnh chiến tích và huyền thoại của dân làng với nhựa cây này, cụ Ma Doãn bồi hồi nhớ lại: “Thời ông nội tôi (cách đây hơn trăm năm), vùng làng Đồng này có một con gấu ngựa dữ tợn. Khi gặp người dù xa hay gần, nó lập tức xông thẳng vào vật ngã, dày xéo cho đến chết, rồi móc đi đôi mắt. Năm nào dân trong vùng cũng có một vài người chết vì nó. Tương truyền rằng, vì loài gấu ngựa có mắt xuôi nên chúng ghét con người có đôi mắt ngang, chúng mới kị thế.

 

Một lần ông Ma Ngoe - già làng suối Cát đi rừng đốn cây gặp phải nó và ông đã bị chết thảm. Ông Ma Bá (con ông Ma Ngoe) vào rừng tìm thấy xác cha, vác xác cha về làng, gào khóc thảm thiết vì thấy mặt cha không còn đôi mắt. Ngay đêm hôm đó, già làng đã tổ chức họp dân bàn cách tiêu diệt con gấu ngựa thành “tinh” này. Ma Bá, tay cung thiện xạ của làng đã xung phong, thề phải tiêu diệt bằng được con gấu ngựa, trước là để trả thù cho cha, sau là phòng hậu họa cho dân làng. Ngày ngày, Ma Bá vác cây cung to, có cánh dài hai thước, mang sau lưng ống tên tẩm độc, lầm lũi vào rừng sâu. Gần một tuần băng rừng lội suối, lên gềnh, xuống thác, Ma Bá đã tìm ra khu rừng con gấu thường ẩn trú.

 

Ông Bá tìm một chỗ kín lặng lẽ mai phục. Hôm đó mặt trời vừa đứng bóng, con gấu ngựa màu nâu xám xuất hiện, cách Ma Bá chừng 100m. Ông bình tĩnh, nhẹ nhàng giương cung, lắp tên, trườn người ra hét to “gấu dữ”; con gấu nghe thấy tiếng người lập tức lồng lên, cất chân trước, bờm dựng đứng. Ma Bá đưa cung lên vai, nhắm đích vào nách bên trái mà bắn.

 

Khi nghe tên trúng “phập” vào ức trái của gấu, Bá lách người trú ẩn và cứ thế, vừa giương cung, lắp tên, vừa bắn, vừa di chuyển, chạy qua, lách lại theo kiểu chữ chi. Ông vẫn nghe sau lưng tiếng gầm gừ, bổ nhào chụp đuổi của gấu. Bắn cho đến lúc sờ ống tên sau lưng không còn mũi nào, Ma Bá bèn quăng cung bỏ chạy một mạch về làng. Hôm sau thanh niên cả làng theo Ma Bá vào rừng thì thấy xác con gấu chết, trên người phủ đầy mũi tên. Đó là chuyện xảy ra từ thời trước. Điều kỳ bí là tổ tiên người Bana và rộng hơn là các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên thời xa xưa đã phát hiện ra loại độc dược vô cùng bí hiểm để phòng giữ buôn làng, săn bắt thú rừng, trong khi họ không hề biết về hóa học, thí nghiệm là gì mà chỉ làm theo kinh nghiệm.

 

BÍ TRUYỀN CÁCH BÀO CHẾ

 

Dù trong làng có nhiều người biết cây Lon chi ngăng là loài cây có nhựa độc, nhưng công thức bào chế thì không phải ai cũng biết. Hiện nay tại làng Đồng, xã vùng cao Phú Mỡ chỉ còn duy nhất ông Ma Thìn, năm nay đã ngoài 60 tuổi, người giữ bí truyền các thành phần chế ra loại độc dược này.

 

la-chi-cuong121201.jpg

Ông La Chí Cường dưới gốc cây Lon chi ngăng cổ thụ ở làng Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, Phú Yên.

Ông Thìn cho biết: “Nhà tôi ba đời truyền cho nhau bài thuốc dùng cây, lá rừng để chữa đau bệnh, nhưng bài thuốc tẩm tên độc thì trong nhà dù đông con nhưng không phải người nào cũng được học cách làm. Ông tôi truyền lại cho cha tôi, cha tôi truyền lại cho tôi như cách truyền võ nghệ. Vì nó là thuốc độc chết người, phòng người ở ác, lòng dạ hẹp hòi, sử dụng nó để “trả thù vặt”, nên những người được chọn để truyền cách bào chế độc dược phải là người ngay thẳng, rộng lượng, tốt bụng, biết thương người, không hiểm ác. Khi tôi theo cha làm thuốc, ông luôn miệng căn dặn: “Chỉ dùng nó để săn bẫy thú dữ, giết giặc giữ làng. Nhất nhất không được dùng nó để hại người”.

 

Ông Thìn nói thêm: Cây Lon chi ngăng chỉ là một thành phần chính, riêng nhựa của nó thì không làm chết người. Vì dân làng có người dùng nhựa của nó để chữa chứng đau bụng. Muốn chế được chất “cực độc” phải mất nhiều ngày vào rừng sâu tìm thêm một vài loài bò sát có nọc độc rồi phối lại, ngâm với nước tiểu đựng trong ống tre nứa sắp mục thối ở rừng, ngâm trong nhiều ngày nó mới thành độc. Khi có được độc dược, bản thân người bào chế cũng phải cẩn thận bí mật trong khâu bảo quản và sử dụng.

 

Một thời nối nghiệp gia truyền, một thời tên tuổi nổi danh trong giới săn thú rừng nơi buôn làng, đến nay Ma Thìn đã bỏ việc bào chế thuốc độ 3 năm. Nhà có ba người con trai nhưng Ma Thìn dứt khoát không truyền bí kíp cho ai. Hỏi về vấn đề này, ông cho rằng: “Ngày trước, chế ra độc dược là để săn bẫy thú dữ, chống giặc ngoại xâm bảo vệ dân làng. Ngày nay, thú rừng không đủ cho súng đạn lâm tặc săn bắn thì mình chế thuốc này để làm cái gì nữa?!...”. Bài thuốc độc dược có lẽ sẽ chính thức bị thất truyền sau khi ông mất.

 

Mặc dù giữa vùng núi cao khó khăn trăm bề, và dù không còn lấy nhựa cây này để chế biến độc dược nhưng loài cây Lon chi ngăng vẫn được dân làng bảo vệ như một chứng tích lịch sử. Nó thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, khát vọng sống đoàn tụ, tính cộng đồng và lưu giữ các giá trị truyền thống của người đồng bào Bana nói riêng, các dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam nói chung.

 

TUY AN - MẠNH TẤN (Theo tintuc)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đã nghèo còn bị lừa
Thứ Năm, 18/10/2012 08:20 SA
Ân tình giữa biển khơi
Thứ Bảy, 29/09/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek