Thứ Hai, 25/11/2024 04:17 SA
Đèo Cả, núi cao ngút...
Thứ Năm, 15/11/2012 07:00 SA

Mùa này, đèo Cả trùng trùng trong những cơn mưa núi. Đúng 9g30 ngày 18/11/2012, công trình trọng điểm quốc gia hầm đường bộ qua đèo Cả đã chính thức nhấn nút khởi công. Với một công trình xuyên địa hình phức tạp, có nguồn vốn khá lớn trong giai đoạn hiện nay, cộng với bài học bất cập từ các công trình tiền lệ, việc xây hầm đèo Cả đang được tiến hành hết sức thận trọng, chắc chắn.

 

Deo-Ca.jpg

Một đoạn quốc lộ 1A qua đèo Cả hiện nay - Ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN

Trong kiệt tác “Đèo Cả”, cố thi sĩ Hữu Loan từng vung bút:

 

Đèo Cả!

Đèo Cả!

Núi cao ngút!

Mây trời Ai Lao

Sầu đại dương!

Dặm về heo hút

Đá Bia mù sương…

 

Là người làm báo “cắm chốt” Nam Trung Bộ, tôi đã không dưới trăm lần qua lại và viết về đèo Cả. Thế nhưng đáng buồn là những thông tin về đèo Cả hầu hết đều liên quan đến mấy chữ “đất trượt”, “đá đổ”, “tắc đường”, “tai nạn”… Bất kể mùa nắng hay mưa, tình trạng tắc nghẽn huyết mạch giao thông quốc gia tại đây luôn diễn ra như cơm bữa, đôi khi mỏi mê chả thiết viết nữa. Thế nhưng thông tin ách tắc giao thông nghiêm trọng giữa vùng đèo hiểm trở luôn liên quan đến nhiều người, nhiều vấn đề xã hội nên được các báo hết sức chú trọng “săn đón, đặt hàng”. Đành phải lội mưa lên đèo… Nhiều khi ngơi tay, anh em phóng viên nhìn nhau, cười: “Chỉ cần canh chừng sự cố trên đèo Cả, cũng đủ… sống”.

 

Như con trăn khổng lồ uốn lượn giữa mây ngàn, đường đèo Cả trên 10km với độ dốc “trật ót”, những đoạn quanh “tức ngực” hiểm nguy ngất ngưởng đã thành nỗi ám ảnh của biết bao người đi xe qua đây, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội khó thể đo đếm hết… Và một đường hầm xuyên đèo Cả đã thành niềm mơ ước của bao người trong suốt nhiều thập kỷ qua. Trong kế hoạch chiến lược quốc gia, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả đã được đặt ra đã lâu, thế nhưng nguồn vốn quá lớn, địa hình lại hết sức phức tạp, thế nên mãi đến hôm nay mới chính thức khởi động. Không thể chậm trễ nữa, sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải mau chóng có hầm đường bộ khoan thủng qua “khúc cua gấp” của Trường Sơn nhoài ra biển tại khu vực Nam Trung Bộ này…

 

Theo tính toán của Công ty cổ phần Đầu tư (CPĐT) Đèo Cả, đơn vị chủ đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cả, hầm này sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trên đường đèo đầy thách thức ở phía Nam đất nước, khai thông “điểm đen khó chịu” cuối cùng trên đường thiên lý Nam - Bắc. Hầm đèo Cả sẽ rút ngắn 3/4 thời gian qua đèo so với hiện tại; mỗi năm sẽ tiết kiệm được gần 10 triệu USD chi phí hao mòn phương tiện, ách tắc lưu thông, chậm trễ doanh thương, duy tu vá víu đường đèo… và sự đợi chờ của những vòng tay yêu thương, cảnh lo âu phập phồng cho người thân đang “đứng bánh” giữa núi đèo mưa gió. Ở một góc nhìn khác, hầm đường bộ này có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế - xã hội, chính trị và đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả còn đóng vai trò đảm bảo giao thông thuận lợi giữa miền Trung và khu vực phía Nam; kết nối 2 khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên) và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa). Đây là bàn đạp thúc đẩy các hoạt động công nghiệp, thương mại, du lịch không chỉ 2 tỉnh có dự án này mà còn cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, kích hoạt “nút thắt” thông thương quốc gia.

 

Dự án có tổng mức đầu tư trên 15.600 tỉ đồng; trong đó, chủ yếu là vốn xây dựng hầm đèo Cả dài 3,9km, xây hầm đèo Cổ Mã dài 500m, xây 5 cầu và đường dẫn dài 9km. Điểm đầu công trình tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam (Đông Hòa, Phú Yên), điểm cuối tại thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa).

 

Với địa hình phức tạp, việc thiết kế xây dựng hầm đèo Cả đã và đang được nghiên cứu hết sức toàn diện. Tại cuộc họp báo mới đây ở Hà Nội để thông tin về dự án, Giáo sư Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng xây dựng, cố vấn dự án Hầm đèo Cả) cho hay: đối với hầm đường bộ qua đèo Cả, lúc đầu, đơn vị tư vấn cũng lựa chọn phương án tương tự như hầm Hải Vân gồm một hầm chính giao thông hai chiều và một hầm thoát hiểm; việc xây dựng đường hầm số 2 sẽ thực hiện sau 20-30 năm, sau khi lưu lượng xe tăng cao tới mức giới hạn. Phương án này có ưu điểm là thời gian thi công ngắn hơn và chi phí ban đầu thấp hơn. Thế nhưng khi so sánh các thông số kỹ thuật, kinh tế, an toàn giao thông và cân nhắc tới nhiệm vụ của hầm qua đèo Cả, hội đồng chuyên gia quyết định cần phải thiết kế với vận tốc xe chạy 80km/giờ, nên hầm qua đèo Cả đã được quyết định xây dựng đồng thời hai đường hầm chạy sóng đôi, mỗi đường hầm hai làn xe giao thông cùng hướng. Giao thông một chiều trong mỗi đường hầm sẽ tạo nên một dòng không khí thoáng đãng, nên chỉ cần một hệ thống thông gió đơn giản là đủ tránh được ô nhiễm môi trường trong hầm, giảm được tai nạn giao thông. Nhược điểm của phương án này là vốn đầu tư ban đầu cao hơn phương án hầm Hải Vân, nhưng tính tới khi phải làm 2 hầm thì tổng kinh phí vẫn rẻ hơn và đặc biệt chi phí bảo trì đường hầm một chiều thấp hơn 50% so với đường hầm có hai chiều lưu thông.

 

Ròng rã nhiều năm qua, chủ đầu tư dự án đã phải tập trung giải quyết hàng loạt câu hỏi, bài toán để tối ưu hóa công trình tầm cỡ này. Thế nhưng bài toán “đầu tiên” quá lớn trong giai đoạn kinh tế đất nước khó khăn vẫn là điều đau đầu nhất đối với nhà đầu tư. Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả, bày tỏ: Do dự án có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn nên để đáp ứng được nhu cầu vốn, nhà đầu tư đã phải huy động bằng nhiều nguồn lực và tổ chức tín dụng khác nhau. Trong đó, VietinBank và một số ngân hàng nước ngoài là Credit Agricole - Corporate Investment Bank, Societe General, Goldman Sachs và một số tổ chức tín dụng của Pháp và Hàn Quốc đang tiến hành thu xếp khoản vay 10.500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý cho nhà đầu tư được phép kinh doanh các dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi đất giao cho dự án và độc quyền kinh doanh dịch vụ quảng cáo dọc theo tuyến đường trong phạm vi của dự án theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Công ty CPĐT Đèo Cả đã được giao quyền thu phí trên quốc lộ 1A ở hai đầu đèo Cả, đó là trạm Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Nam, Đông Hòa, Phú Yên) và trạm Ninh An (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) để phục vụ dự án.

 

Deo-Ca-1.jpg

Đoạn đèo dốc quanh co, khúc khuỷu trên đèo Cả - Ảnh: VIỆT AN

Phương thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), kết hợp giữa tư nhân và nhà nước (như đối với hầm đèo Cả) đang được áp dụng hữu hiệu tại nhiều nước trên thế giới. Việc thu hồi vốn không chỉ thông qua thu phí đường bộ, mà còn một số nguồn thu từ hoạt động kinh tế trong dự án và từ các dịch vụ khác. Tại đèo Cả, bên cạnh việc xây dựng hầm đường bộ, nhà đầu tư còn tính đến việc xây dựng các khu công nghiệp (tận thu đá từ hầm xây dựng các làng nghề đục đá, ươm trồng cây xanh cải tạo môi trường, xây dựng nhà máy sàn cát chọn lọc phục vụ cho dự án hiện nay và các dự án lâu dài), trồng rừng, cung ứng thủy lợi, xây dựng các khu nhà sinh thái, khu du lịch… nhằm khai thác tối đa hiệu quả của dự án.

 

Theo ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT Đèo Cả, dự án này không đơn thuần là phát triển giao thông mà còn là công trình phục vụ phát triển kinh tế vùng và liên vùng. Hoạt động của người dân vẫn phải được đảm bảo trong thời gian thi công. Bên cạnh đó, việc kiểm đếm đền bù tái định cư để có mặt bằng xây dựng công trình cũng đang được các đơn vị liên quan tiến hành khá chu đáo. Riêng ngày 8/11 vừa qua, Công ty CPĐT Đèo Cả đã có đợt đầu tiên chi trả tiền đền bù gần 13,6 tỉ đồng cho 75 hộ dân nằm trong vùng dự án tại huyện Đông Hòa.

 

Về điều này, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng ban Hỗ trợ triển khai dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả, cho biết: khu tái định cư phía Phú Yên sẽ được xây dựng với kinh phí khoảng 120 tỉ đồng trên 8,5ha, phục vụ cho 156 hộ dân bị ảnh hưởng tại huyện Đông Hòa; phía tỉnh Khánh Hòa cũng đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu tái định cư số 2 tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh. “Quan điểm chung của UBND hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ban chỉ đạo dự án là tạo mọi điều kiện thuận lợi, đôn đốc triển khai quyết liệt các phần việc liên quan để chủ đầu tư thi công các tiểu dự án thành phần đúng tiến độ. Chúng tôi cũng đang cố gắng tối đa để giải quyết đền bù, tái định cư một cách thỏa đáng cho những hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án”, ông Trúc nói.

 

Còn Công ty CPĐT Đèo Cả cam kết sẽ tập trung điều hành thi công đúng tiến độ khối lượng cam kết, để công trình hầm đường bộ Đèo Cả hoàn thành vào năm 2016, đưa vào khai thác và hoàn vốn trong 32 năm (đến 2048).

 

Ông Trần Gia Hải (60 tuổi, ở xã Hòa Xuân Đông, Đông Hòa) nói: “Người dân chúng tôi đang theo dõi đầy đủ thông tin về tiến độ triển khai Hầm đường bộ qua đèo Cả. Với công trình này, từng gia đình người dân nơi đây đã và đang thấy được lợi ích cụ thể. Rất mong công tác đền bù, tái định cư, tạo việc làm phải được triển khai chặt chẽ, khoa học để người dân thêm hân hoan với công trình tầm cỡ quốc gia…”.

 

Hy vọng rằng, với sự liên kết của các doanh nghiệp mạnh cùng các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, Việt Nam sẽ có một công trình hầm đường bộ hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường, khắc phục được nhược điểm về xây dựng ở các hầm đường bộ trước đây. Và hình ảnh trong “Đèo Cả” của Hữu Loan:

 

Ngày thâu

vượn hú

Đêm canh

gặp hùm lang thang

Biệt nhau

đèo heo

canh gà

Râu ngược

chào nhau

bên dốc núi…

 

sẽ chỉ là hình tượng lãng mạn trong thơ, trong lòng khách du mỗi mùa qua đèo Cả, vài năm nữa…

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek