La Văn Lung là người con của thôn Xí Thoại xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước cho đến khi hoà bình lập lại ông luôn là người lính đi đầu trong công cuộc bảo vệ và dựng xây buôn làng. Suốt mấy chục năm qua, ông là người đã đóng góp sức mình để Xí Thoại hôm nay hoàn toàn đổi mới và trở thành thôn văn hoá đầu tiên của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh.
NGƯỜI LÍNH NĂM XƯA
La Văn Lung không nhớ chính xác tuổi của mình. Năm 1959, tham gia cách mạng, ông áng chừng và khai mình sinh năm 1940. Đầu tiên ông chỉ làm giao liên cho cán bộ nằm vùng. Đến năm 1960 thì ông thoát ly hẳn lên căn cứ được biên chế vào C3 thuộc Huyện đội miền Tây hoạt động ở địa bàn Sông Cầu và Đồng Xuân. Người đàn ông Chăm H roi này không còn nhớ ông và đồng đội đã trải qua những ngày đói cơm lạt muối như thế nào, song được sống trên mảnh đất quê hương, được cầm súng giết giặc giữ buôn làng là ông thoả nguyện. La Văn Lung nhớ nhất là trận đánh ở Mỹ Lương, Hảo Danh (Sông Cầu). Lúc này ông là Trung đội trưởng Trung đội 3 phối hợp với đại đội chủ lực Liên khu 5 đánh địch từ Tuy Hoà ra và biệt động quân từ Buôn Mê Thuột xuống. Nhiều ngày quần nhau với địch đã giúp ông có thêm kinh nghiệm trận mạc. Tuy lực lượng mỏng nhưng do có sự chuẩn bị kỹ, ta ít bị thương vong. Còn địch do chủ quan đã rơi vào vòng vây nên bị chết rất nhiều. Đến trận đánh ở Cà Lúi thì ông bị thương nặng. Ông đưa cánh tay trái còn một vết sẹo sâu hoắm cho chúng tôi xem rồi kể tiếp: “Năm đó (1968) tôi được đơn vị chuyển về tuyến sau dưỡng thương và có điều kiện sống gần gia đình. Trong thời gian này giặc Mỹ đã dùng nhiều thủ đoạn bắt bớ tra tấn và chiêu hàng một số cán bộ của ta, tôi đành đưa cả gia đình đến ở Vân Canh Bình Định làm ăn sinh sống”. Và cũng từ đây, ông mất hẳn liên lạc với đơn vị. Dù vậy tấm lòng ông vẫn luôn hướng về quê hương, về Đảng và Bác Hồ.
28 NĂM LÀM PHÓ, TRƯỞNG THÔN
“Ông La Văn Lung đã gắn bó cả cuộc đời với thôn Xí Thoại. Ở bất cứ cương vị nào, ông luôn luôn là người đi đầu kêu gọi bà con thực hiện theo chủ trương chính sách của Đảng. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, 5 năm liên tục, La Văn Lung là Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Năm 2005, ông được bầu chọn đi báo cáo điển hình sản xuất giỏi toàn quốc. Năm 2006, ông đang được đề nghị công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh”. (Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lãnh Phạm Văn Cường)
Sau giải phóng, La Văn Lung trở về với mảnh đất nơi ông sinh ra lớn lên và chiến đấu để giữ gìn – thôn Xí Thoại. Chiến tranh đã làm quê hương tiêu điều xơ xác, cuộc sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn. Gia đình ông cũng đối mặt với bao túng thiếu. Ông bàn với vợ lên rừng khai khẩn đất hoang để trồng sắn. Sau vài vụ nhà ông đã có cái ăn và dần đẩy lùi nạn đói. Nhờ củ sắn, sau ba năm ông mua được một con bò dùng làm sức kéo. Cứ thế vợ chồng ông làm lụng chắt chiu, dần có cái ăn cái mặc.
Năm 1976 bà con trong thôn tín nhiệm bầu ông làm Phó thôn, suốt 13 năm, sau đó làm Trưởng thôn trong 3 nhiệm kỳ tiếp theo. Trong quãng thời gian đó, La Văn Lung đã làm được biết bao việc hữu ích cho buôn làng, từ hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần xoá bỏ các hủ tục đến hướng dẫn bà con cách làm ăn… Ông tâm sự: Cái gì có lợi cho bà con là mình làm và phải đúng với chính sách của Đảng của Nhà nước. Ông nhớ nhất là năm 1984 khi xã Xuân Lãnh là một điểm nóng về an ninh trật tự. Lúc đó ông là Phó thôn phụ trách an ninh. Dưới sự chỉ đạo của ông dân quân du kích của thôn gác chắn làng 24/24 giờ không cho bất cứ ai đột nhập vào làng nếu không có giấy tờ hợp lệ. Nếu phát hiện trong làng có người lạ hoặc ai đó có biểu hiện nghi vấn là lập tức họp làng lại để lấy ý kiến của bà con . Ông cười khà: Để giữ được an ninh trật tự cho buôn làng thì phải biết phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào, tuyên truyền vận động bà con không nghe lời người xấu chỉ nghe lời của Đảng và Bác Hồ thôi.
Chuyện xin kinh phí về dựng nhà rông cho thôn cũng là một kỷ niệm đối với La Văn Lung. Hồi đó mỗi lần họp dân làng bàn chuyện nhỏ chuyện lớn đều không có chỗ. Ông bàn với một số cán bộ trong xã xin kinh phí nhưng cán bộ xã bảo nếu thôn Xí Thoại có nhà rông thì thôn nào cũng phải có, kinh phí làm sao đu.û Sau nhiều đêm suy nghĩ ông quyết định bỏ tiền túi thuê xe ôm về huyện rồi về tỉnh xin. Nhờ bề dày truyền thống trong chiến tranh của thôn Xí Thoại cộng với sự kiên trì “nài nỉ” của ông, huyện cho 4 triệu. Ông về vận động bà con trong thôn góp thêm công sức để dựng nhà rông. Và Xí Thoại là một trong những thôn buôn có nhà rông đầu tiên của tỉnh. Đó là hai chuyện ông tâm đắc nhất trong thời gian gần 30 năm làm phó, trưởng thôn của mình.
Năm 2004 vì tuổi cao ông xin nghỉ nhưng bà con vẫn tín nhiệm ông. Họ lại bầu ông làm Trưởng già làng.
TRƯỞNG GIÀ LÀNG MẪU MỰC, NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI
Bây giờ tóc đã bạc, tuổi đã cao nhưng ông còn đi rẫy từ lúc sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Ông bảo: “Bây giờ không gánh vác nhiều nhiệm vụ như trước nên có nhiều thời gian hơn cho công việc nương rẫy. Mình đi ra rẫy để làm ra sản phẩm nhưng cũng để gần gũi với bà con và hiểu họ nhiều hơn. Điều này giúp mình rất nhiều trong nhiệm vụ Trưởng già làng”. Trong cương vị mới, ông duy trì họp làng đều đặn để nghe bà con phản ánh và giải quyết nhiều vụ việc kịp thời. Chuyện gì chưa giải quyết xong, ông bỏ cả nương rẫy đến tận nhà những người có liên quan tìm cách dàn xếp ổn thỏa. Bàn chân ông dường như không biết mỏi, để giúp nhiều gia đình, nhiều cặp vợ chồng đoàn tụ hạnh phúc. Anh Lê La Lan nói: “Nếu không có ông Lung chắc gia đình tôi không được như hôm nay. Cách đây một năm, do hiểu lầm vợ mà tui suýt bỏ cô ấy”. Còn anh Lê Văn Cui cho biết thêm: “Nhờ ông Lung mà chúng tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Ông chỉ cho chúng tôi cách trồng cây gì, nuôi con gì để có cuộc sống khá giả và không nghe những lời xấu. Ông tốt bụng với mọi người và làm kinh tế cũng giỏi nữa. Chúng tôi học ở ông được nhiều điều”.
Khi chúng tôi lên rẫy sắn tìm gặp La Văn Lung, ông đưa tay chỉ về phía mấy dãy đồi xa tít tắp được phủ màu xanh của lúa, của mía và rừng cây bạch đàn đã mười năm tuổi. Ông bảo nhờ đó mà có bò, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và sắm lễ cưới hỏi cho con cái. Tôi chợt nhớ lời của Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lãnh Phạm Văn Cường rằng ông đang là chủ trang trại gồm có 40 con bò , 16 con dê, 7 ha mía, 2ha lúa, 6 ha rừng trồng bạch đàn, keo… Một năm trừ các khoản chi phí ông thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Hỏi về bí quyết làm giàu, ông vui vẻ kể: “Mình đã dùng số tiền dành dụm được mua thêm bò nhằm bảo đảm sức kéo. Có sức kéo thì nương rẫy ngày càng mở rộng hơn”. Những năm đầu thu nhập cũng không được bao nhiêu do chủ yếu dựa vào nước trời. Vì vậy ở địa hình đồi núi ông trồng những loại cây thích hợp, đồng thời chặn suối để đưa nước vào ruộng, rẫy. Ông biết áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật đã học từ các lớp khuyến nông vào trong chăn nuôi trồng trọt, sử dụng phân bón thuốc trừ sâu hợp lý, nhờ vậy năng suất lúa, sắn của ông lúc nào cũng cao nhất nhì thôn. Thấy ông sản xuất có hiệu quả nhiều người học hỏi, làm theo và được ông giúp đỡ rất nhiệt tình. Hiện nay thôn Văn hoá Xí Thoại dẫn đầu xã Xuân Lãnh với 7 người đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.
47 năm tham gia công tác xã hội không mệt mỏi, lại là một thương binh nhưng đến bây giờ La Văn Lung cũng chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ nào. Thế mà người đàn ông này không một lời kêu ca đòi hỏi gì cho riêng mình. Ông bảo: “Mình tự lo cho mình trước chứ Đảng và Nhà nước còn phải lo nhiều thứ lắm. Cuộc sống bây giờ đã quá tốt rồi, ai nghèo thì do mình thôi”.
HÀ THU