Lâu nay có nhiều thầy lang trong nước tự giới thiệu có bài thuốc gia truyền chữa được bệnh dại. Và rồi cũng đã có nhiều người phải chết oan vì tin vào những “thần dược” chưa được cơ quan chức năng kiểm định. Ở Phú Yên, danh tiếng về thầy lang P. Đ. K. (ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam, Phú Hòa) có bí kíp chữa bệnh dại được truyền lại hai đời cũng vang đi khắp nơi.
Thuốc chữa bệnh dại được người dân mua của ông K. - Ảnh: T.HỘI
“THẦN DƯỢC” CỦA THẦY LANG
Từ quốc lộ 25 rẽ sang đường liên xã đến Hòa Quang Nam hỏi thăm nhà ông K. chuyên chữa bệnh dại thì ai cũng biết. Được họ hướng dẫn một cách tỉ mỉ, nên dù nhà “thầy” K. ở trong một con hẻm nhỏ cuối xóm, không treo bảng hiệu cũng không mấy khó tìm ra.
Trong vai một người đi chữa bệnh dại, tôi được một phụ nữ giới thiệu là vợ “thầy” K. hướng dẫn ngồi bên ngoài sân nhà đợi “thầy”. Một lát sau, “thầy” bước ra tiếp bệnh nhân. Sau khi tra vấn người bệnh xong, thầy trở vào trong, rồi nghe có tiếng cối chày lốc cốc, mùi thuốc xông ra nồng nặc. Bên ngoài tiếp chuyện khách, vợ “thầy” K. cho biết, cả hai vợ chồng đều là giáo viên dạy cấp 2, chồng bà làm nghề thuốc này đã gần 10 năm. Bài thuốc mà “thầy” dùng chữa bệnh dại được truyền từ đời ông ngoại của chồng bà đến nay đã 73 năm. “Ông ngoại làm nghề này đến năm 2003 thì qua đời, do không có con trai nên đã truyền bài thuốc này lại cho chồng tôi nối nghề”, vợ “thầy” K. cho biết.
Theo lời người phụ nữ này, 9 năm qua “thầy” K. đã chữa khỏi cho rất nhiều người bị chó dại cắn ở khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Đôi lúc cũng có cả Việt kiều về nước chơi không may bị chó cắn cũng tìm đến nhờ chồng bà chữa. Vợ “thầy” K. tiết lộ rằng thuốc này có những vị phải đặt mua ở các tiệm thuốc Đông y, một số dùng cây thuốc nam. Phương pháp trị bệnh theo “phát đồ”: Cho người bị chó cắn uống thuốc thử dại tại chỗ, sau 40 phút nếu người thử thuốc “trổ” các chứng khô cổ, nóng bức trong người, không làm chủ bản thân (hoặc đỏ mặt, sốt, nói sảng, quấy nghịch… đối với trẻ em) là chứng tỏ bệnh nhân đang mang vi rút dại (?!). Để điều trị cho người đang mang vi rút dại, “thầy” K. bán thuốc về nhà uống tối đa 7 ngày là khỏi bệnh. Còn nếu sau khi uống thuốc thử mà bệnh nhân không có các biểu hiện như trên thì không có vi rút dại, nhưng để an toàn thầy cũng bán thuốc uống ngừa trong vài ngày. “Khoảng vài giờ sau những triệu chứng trổ dại sẽ hết, nhưng tốt nhất phải có người chở về sau khi thử để đảm bảo an toàn. Em đi một mình thì phải hỏi thầy thế nào đã”, vợ thầy K. nói.
Nghe nói những phản ứng hung dữ khi uống thuốc thử, tôi tỏ vẻ lo ngại, “thầy” tìm cách trấn an: “Không sao đâu, thuốc nam của tôi rất an toàn, mà chi phí điều trị lại rẻ (mỗi ca không dưới 100.000 đồng - PV) trong khi tiêm vắc xin dại sẽ “nóng” người vì tác dụng phụ của thuốc, nhất đối với trẻ em sẽ bị còi xương, chậm lớn”.
Hỏi tại sao không đưa bài thuốc quý này cho cơ quan chức năng thẩm định để có đánh giá, làm sáng tỏ giá trị đích thực của nó rồi đăng ký bản quyền bài thuốc gia truyền để được lưu danh trong Y văn thế giới, “thầy” K. nói vì là thuốc gia truyền, mục đích chữa bệnh “giúp” người, chứ không có ý định làm nghề, kinh doanh nên không muốn đăng ký. Sau này sẽ truyền lại cho con biết là đủ rồi...” (!)
CẢ TIN
Chị N. T. N ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1 (Tây Hòa) kể lại sự việc cách đây hai năm khiến vợ chồng chị một phen khổ sở. Năm đó, chị có đứa con 4 tuổi không may bị chó cắn, nghe lời giới thiệu của nhiều người, vợ chồng chị chở con đến nhà “thầy” K. để chữa trị. Sau khi “thầy” K. cho uống thuốc thử, cháu bé có biểu hiện hoảng loạn, kêu la vật vã. “Thầy” K. bảo như vậy là cháu đã có vi rút dại trong người, cháu bé sẽ tự khỏi những triệu chứng này sau vài giờ và bán thuốc điều trị về nhà uống trong vòng 5 ngày. Nhưng về đến nhà cháu bé tiếp tục nóng sốt, co giật nên vợ chồng phải chở con đi nhập viện điều trị mấy ngày. Sau khi xuất viện về nhà, vợ chồng chị N. cũng không dám cho con uống thuốc điều trị của ông “thầy” này nữa. Chị N. cũng nghe lời khuyên của bác sĩ không cần chích ngừa bệnh dại cho con khi con chó cắn cháu vẫn khỏe mạnh bình thường sau 15 ngày. “Cháu đã không có vấn đề gì, vậy mà ông thầy này nói cháu bé có vi rút dại. Đúng là thất thiệt”, chị N. ngao ngán nói.
Còn trường hợp hai đứa con của ông P. L (45 tuổi, cũng ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1) thì may mắn hơn. Hai đứa con từng bị chó hàng xóm cắn và được ông P. L. đưa đến nhà “thầy” K. để chữa và kết quả là con ông đều bình an vô sự. “Ông thầy này chữa bệnh dại nổi tiếng lâu nay ai không biết. Nếu có ai uống thuốc của “thầy” mà vẫn chết chắc mình cũng đã nghe”, ông L. tỏ vẻ rất tôn sùng ông K. Ngoài ông P. L, chúng tôi còn gặp nhiều người từng là “bệnh nhân” của ông K. Họ đều là những người tin tưởng tuyệt đối bài thuốc rẻ tiền, không lo bị nóng của “thầy” K. nên không ngớt lời suy tôn ông, giới thiệu nhiều người giao mạng sống của mình cho “thầy” K. định đoạt.
CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ?
Chuyện về “thầy” K. chữa bệnh dại cũng được thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Thuần, Trưởng khoa Dịch tể, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nghe người dân phản ảnh nhiều. Ông Thuần cho biết, trung tâm từng tiếp nhận nhiều trường hợp sau khi đã chữa bệnh bằng thuốc gia truyền của ông K., nhưng sau đó cũng đến trung tâm để tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại. “Đơn vị cũng đã báo cáo Thanh tra Sở Y tế về việc chữa bệnh của ông thầy lang này để có biện pháp xử lý nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”, ông Thuần cho biết.
Ông Thuần khẳng định: Hiện chưa có thuốc nào, kể cả tân dược hay thuốc nam có thể chữa được bệnh dại, ngoài biện pháp điều trị dự phòng bằng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại. Bác bỏ những ý kiến cho rằng tiêm vắc xin phòng dại là đưa một lượng chất độc vào cơ thể, có nhiều tác dụng phụ, nhất là đối với trẻ em sẽ bị còi xương, chậm lớn - một lý do khiến một số người tìm đến thuốc nam để chữa trị. Ông Thuần cho biết: “Đó là lầm tưởng, hiện chưa có tài liệu nào chứng minh tiêm vắc xin phòng dại mà gây tác dụng phụ đáng ngại như vậy. Thậm chí, hiện nay các chuyên gia khuyến cáo, những người có nguy cơ cao mắc bệnh như cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, trẻ dưới 15 tuổi thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi thì nên tiêm vắc xin phòng bệnh dại”.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Huỳnh Linh, Phó phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Phú Yên) cho biết, theo Luật Khám chữa bệnh, đối với lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền muốn khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, những bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền này phải có giấy chứng nhận do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Nếu ông K. đã tổ chức khám, chữa bệnh cho nhiều người mà không có chứng chỉ hành nghề là vi phạm pháp luật.
THANH HỘI