Thứ Hai, 25/11/2024 04:52 SA
Người biến hóa sắc màu cho hoa
Thứ Năm, 08/11/2012 15:00 CH

Ròng rã nhiều năm trời đổ bao công sức, tiền bạc để nghiên cứu, thử nghiệm, vượt qua thất bại này đến thất bại khác, cuối cùng người đàn ông đó đã ghi tên mình vào những trang rất mới, rất ấn tượng trong lịch sử nghề trồng hoa ở Việt Nam: trở thành người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài và có lẽ, ông cũng là người Việt Nam đầu tiên thành công trong việc biến đổi màu sắc hoa hồng.

 

Nghe-nhan-Nguyen-Cong-Hoa.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa với một đóa hồng sa mạc - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

“THAY ÁO” HOA HỒNG

 

Đầu năm 2012, khi đến nhà ông Nguyễn Công Hóa ở làng hoa Vạn Thành (phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi nghe chủ nhà hào hứng kể: “Sau hơn 2 năm nghiên cứu, tôi đã thành công trong việc đổi màu sắc hoa hồng. Bây giờ, hoa hồng của tôi có màu sắc rất lạ”.

 

Ít lâu sau, nhiều du khách ngỡ ngàng thích thú khi nhìn thấy trong ngôi nhà giản dị ở “vương quốc hoa hồng” Vạn Thành những đóa hoa vô cùng độc đáo. Bất chấp quy luật sinh học, những đóa hoa hồng rạng rỡ khoe màu… xanh, tím, sôcôla và cả màu đen tuyền bí ẩn. Tất cả đều tươi rói, tràn trề sức sống như chưa từng phải vào - ra phòng thí nghiệm và “tiêm” hóa chất.

 

Ý tưởng đổi màu hoa hồng Đà Lạt chợt đến với Nguyễn Công Hóa sau khi ông tình cờ “gặp” trên mạng internet một đóa hồng có đến 7 màu sắc của một nhà nghiên cứu người Nhật. Thấy hay quá, ông mày mò tìm cách làm theo. Lại tốn tiền mua hóa chất nhập từ Nhật Bản, lại thử nghiệm với không biết bao nhiêu cành hoa, cuối cùng người đàn ông sinh năm 1953 này cũng đã tìm ra cách đổi màu hoa hồng trong 4-5 ngày. Đầu tiên là phá vỡ cấu trúc, làm mất màu sắc thật của đóa hoa khi chúng còn ở trên cành, sau đó bơm hóa chất vào, chờ cây đưa nhựa lên, tạo sắc tố mới rồi cắt cành hoa đưa vào phòng thí nghiệm, bơm thêm hóa chất. Cuối cùng, ông đưa hoa vào phòng lạnh để ổn định màu sắc. Trải qua một quá trình đổi màu phức tạp, hoa hồng màu xanh, tím, đen… của ông Nguyễn Công Hóa vẫn căng tràn sức sống và rạng rỡ khoe sắc trong 10 ngày, lâu tàn hơn cả hoa hồng có màu sắc tự nhiên. Điều thú vị là hoa đổi màu ngay trên cành.

 

Vì sự độc đáo đó nên giá một cành hoa hồng đổi màu cao gấp 5-6 lần một cành hoa hồng được bán trong dịp lễ. Biết được thông tin về hoa hồng đổi màu, một khách hàng ở Đức đã liên hệ với cơ sở hoa tươi ướp Hóa Thủy của gia đình ông. Tuy nhiên, ông Hóa vẫn chưa đưa sản phẩm mới này ra thị trường. “Tôi đang làm các thủ tục để đăng ký bản quyền. Chờ đăng ký bản quyền xong cái đã” - ông nói. Khi đó, người Đà Lạt cũng như du khách đến đây muốn sở hữu một bó hoa hồng đổi màu có thể ra vườn chọn cành, chọn màu sắc tùy thích. Sau 4-5 ngày, trở lại Vạn Thành, họ sẽ có được bó hoa với sắc màu như ý.

 

Tranh-hoa-1.jpg

Một bức tranh hoa đơn giản - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

GIỮ LẠI SẮC XUÂN CHO HOA

 

Tính ra, thời gian, công sức mà ông Nguyễn Công Hóa dành để nghiên cứu cách đổi màu hoa hồng vẫn… chưa nhằm nhò so với những gì ông đã đổ ra trong 5 năm nghiên cứu cách ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài. Mọi chuyện bắt nguồn từ chuyến thăm của một người bạn sống ở nước ngoài. Nghe nói gia đình ông có 80.000 gốc hoa hồng, người bạn đinh ninh vợ chồng ông giàu lắm. Thật ra không phải vậy. Ngày lễ, hoa hồng mới có giá từ 2.000-4.000 đồng, còn ngày thường giá chỉ 300 đồng một cành bán tại nhà vườn. Bạn ông kể rằng ở nước ngoài có công nghệ sấy hoa khô, lưu giữ được mấy năm. Rồi ông ấy trở về Pháp, gởi tặng ông Hóa một đóa hoa hồng đã được sấy khô. “Tôi cầm đóa hoa trên tay, thấy nó đẹp quá, và nó không hư. Rồi tôi nghĩ: Ở nước ngoài người ta làm được, chắc mình cũng làm được” - ông Hóa kể.

 

Năm 2002, ông Hóa bắt tay thực hiện ý tưởng ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài. Nghĩ thì đơn giản, đến khi làm mới thấy “chằn ăn trăn quấn”. Ông cười, nhớ lại: “Cứ nghĩ mua hóa chất về bỏ vô thì được, ai ngờ thất bại dữ. Vì mình không có công thức”. Ròng rã 3 năm đi từ thất bại này đến thất bại khác, hao tốn biết bao tiền của, thời gian, rồi người nông dân chăm chỉ và đầy “tham vọng” này cũng nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Cứ ngỡ đã thành công, ông vui mừng khôn xiết. Nhưng “lứa” hoa tươi ướp đó không thể “trụ” được sau một thời gian. Ông Hóa vò đầu bứt tai, tiếp tục mày mò nghiên cứu, rút kinh nghiệm dần dần. Thêm 2 năm nữa, người trồng hoa này mới đi đến thành công.

 

Khác với hoa sấy khô, hoa tươi ướp không chỉ giữ được màu sắc tươi tắn mà còn rất mềm mại, từng cánh hoa mịn màng giống hệt hoa tươi vừa được cắt từ vườn. Và vẻ đẹp tươi tắn, tự nhiên đó được giữ lại trong nhiều năm nhờ hóa chất với một quy trình ướp phức tạp mà nông dân Nguyễn Công Hóa đã dày công nghiên cứu.

 

Năm 2010, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận ông Nguyễn Công Hóa là “Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài”. Sản phẩm hoa tươi ướp của gia đình ông không chỉ làm cho nhiều du khách khi đến xứ hoa Đà Lạt trầm trồ ngạc nhiên mà còn theo những chuyến bay đến Pháp, Cộng hòa Czech, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan.

 

Hoa-tuoi-uop-1.jpg

Vẻ đẹp của hoa tươi ướp - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

TỪ NÔNG DÂN TRỞ THÀNH NGHỆ NHÂN NỔI TIẾNG

 

Ông Nguyễn Công Hóa quê ở đất võ Bình Định, bản thân ông cũng là võ sư. Sau năm 1975, mẹ ông đưa 5 người con lên Lâm Đồng lập nghiệp. Cuộc sống mới trên vùng đất mới chồng chất khó khăn. Không có nhà cửa, mấy mẹ con phải ở nhờ cho đến khi dựng được một mái nhà tranh, ngày ngày đi làm thuê kiếm sống. Sau những ngày tháng làm thuê, ông Hóa chuyển sang dạy võ. Rồi, chắt chiu số tiền kiếm được, gia đình ông mua miếng đất ở Vạn Thành. Giống như những gia đình từ miền Bắc di cư vào Tây Nguyên và chọn nơi này để dừng chân trong thập niên 50 của thế kỷ trước, gia đình ông Hóa trồng rau sau đó chuyển sang trồng hoa, thấy hoa không ăn thua thì quay lại trồng rau… “Khổ quá thì phải nghĩ cách mà làm” - ông Hóa tâm sự. Là anh thứ hai, ông Hóa ghé vai cáng đáng công việc gia đình, lo cho 3 đứa em yên bề gia thất rồi mới nghĩ đến hạnh phúc riêng.

 

Người chăm chỉ vun xới, đất cũng không phụ công người. Dần dà tích góp được tiền, ông Hóa mở rộng diện tích đất trồng hoa lên đến 10.000m2. Đất thì rộng, hoa thì nhiều song thu nhập cũng chẳng thể giúp gia đình khấm khá. Nhưng ông Hóa không phải là một nông dân cam phận. Với suy nghĩ “Ở nước ngoài làm được chắc mình cũng làm được”, ông miệt mài tìm tòi nghiên cứu và đã biến những điều tưởng như không thể trở thành hiện thực.

 

“Tôi chỉ là nông dân chớ không phải là nhà khoa học. Tôi cứ mày mò, tìm hiểu, rút kinh nghiệm từ những thất bại của mình. Quan trọng nhất là sản phẩm mình làm ra có được người tiêu dùng ưa chuộng hay không” - ông Hóa nói rất giản dị.

 

Dường như có đến 3 con người trong ông Nguyễn Công Hóa: một nông dân cần mẫn gắn bó với đất đai, với những vườn hoa hồng, hoa đồng tiền…; một võ sư đam mê võ thuật, hiện là Phó tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam tỉnh Lâm Đồng và một nghệ nhân say mê sáng tạo. Sau khi thành công với “dự án” ướp hoa tươi, ông nảy ra ý tưởng làm tranh hoa. Những bức tranh hoa ông làm từ năm 2007, đến nay hoa vẫn tươi, vẫn đẹp. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Công Hóa đầu tư 100 triệu đồng làm bức tranh hoa cao 1,75m, rộng 2,4m, “vẽ” bằng 1.000 bông hoa tươi. Tác phẩm này được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bức tranh hoa tươi lớn nhất, có số lượng hoa nhiều nhất đầu tiên ở Việt Nam”.

 

Thành công trong việc ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài, đổi màu hoa hồng và giữ hai kỷ lục Việt Nam, từ một nông dân, ông Nguyễn Công Hóa trở thành một nghệ nhân nổi tiếng.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đã nghèo còn bị lừa
Thứ Năm, 18/10/2012 08:20 SA
Ân tình giữa biển khơi
Thứ Bảy, 29/09/2012 14:00 CH
Trên vùng đất võ
Thứ Bảy, 29/09/2012 09:09 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek