Chủ Nhật, 06/10/2024 07:38 SA
Tìm đâu đất ở cho hộ nghèo
Thứ Bảy, 03/11/2012 14:00 CH

Hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, một phần do sức ép của sự gia tăng dân số ở các địa phương dẫn đến quỹ đất ngày càng thu hẹp. Nhiều người nghèo, người có thu nhập thấp là đối tượng bị tổn thương bởi hệ quả này, trong đó tình trạng thiếu đất ở là vấn đề đang gây bức xúc. Trong khi chính quyền địa phương đang loay hoay gỡ khó, nhiều người do bức bí phải đi lấn chiếm đất để ở.

 

luong-121103.jpg

Cảnh nhà dột nát của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hương và chị Đinh Thị Thủy - Ảnh: T.HỘI

ĐẤT LẤN CHIẾM NÊN KHÔNG ĐƯỢC XÓA NHÀ TẠM

 

Thôn Đông Phước, xã Hòa An (Phú Hòa) cách trung tâm TP Tuy Hòa chưa đầy cây số. Rẽ theo một con hẻm ngắn trên trục đường chính vào thôn khá nhộn nhịp, sầm uất là đến với xóm Gò Gạo. Xóm nghèo này nằm trên một khu gò chưa bốc hài cốt, cạnh Trung tâm Giải trí - sinh thái Thuận Thảo tráng lệ. Từ khi có người láng giềng này, hưởng lây sự náo nhiệt, sang trọng nơi đây, xóm Gò Gạo vơi bớt vẻ tù mù, ảm đạm vốn có, nhưng cũng tăng thêm sự buồn tủi cho số phận nghèo khó của những con người nơi đây.

 

Chỉ có 22 hộ, nhưng xóm Gò Gạo có 9 hộ nghèo đang sống trong những ngôi nhà tuềnh toàng, dột nát không che hết nắng, mưa. Họ là dân làng trên xóm dưới của thôn Đông Phước, do nghèo khó, gặp hoạn nạn không còn chốn nương thân nên đến mua lại đất giá rẻ của một người khai chiếm. Có gia đình đã đến ở hơn 20 năm và gần đây nhất cũng đã hơn 10 năm. Hiện họ vẫn chưa thể giải quyết xóa nhà tạm hoặc được phép sửa chữa nhà ở vì ở trên đất lấn chiếm.

 

Ông Cao Văn Lượng, 71 tuổi một trong những hộ đầu tiên đến xóm này ở cho biết, trước đây vợ chồng ông có nhà cửa đàng hoàng, nhưng do người bạn đời ông lâm bệnh hiểm nghèo nên phải bán hết nhà cửa, đất đai để lấy tiền lo thuốc thang chạy chữa. Sau một lần lấn chiếm đất xây nhà ở tại thôn này bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ, vợ chồng ông lại tiếp tục đến đây mua lại đất của người khai chiếm bán lại, rồi che nhà tạm ở đến bây giờ. “Vì bần cùng quá nên tôi mới đùm túm vợ con ra nơi đây sinh sống trên “nhà cửa” người chết và chịu cảnh ngập lụt triền miên như thế này, chứ đâu phải vì lòng tham mà đi lấn chiếm đất trái phép để trục lợi”, ông Lượng ngậm ngùi nói.

 

Trong ngôi nhà ẩm thấp khoảng chừng 70m2, bốn bên khép ván, dừng bạt, mái lợp tôn xập xệ của ông Lượng, tài sản không có gì đáng giá ngoài chiếc tủ thờ gỗ hương mà vợ chồng ông quyết giữ lại sau bao lần gia đình gặp biến cố.

 

Đầu dưới xóm Gò Gạo, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hương, 41 tuổi và Đinh Thị Thủy (33 tuổi) có hai đứa con nhỏ cũng sống trong một căn nhà thấp tè bốn bên che bằng bạt đã rách bươm. Anh Hương là con út của một gia đình có 16 anh em. Khi lập gia đình ra riêng, cha mẹ không có đất cho xây nhà ở, chờ mãi chính quyền cũng không cấp đất ở, vợ chồng anh bí bách quá nên đến chiếm một góc ruộng của mẹ anh khoảng 50m2, ở giữa xóm vốn đã bị bồi lấp không sản xuất được che chòi để ở từ năm 1998 cho đến nay. Do chỗ ở trũng thấp, nên chỉ cần một cơn mưa lớn là cả nhà anh lội nước bì bõm và còn phải sống chung với lũ hàng tháng trời nếu gặp lụt. Hôm chúng tôi đến chứng kiến cảnh vợ chồng cùng hai đứa con loay hoay huy động thau, thùng để hứng nước mưa trong nhà mà không khỏi chạnh lòng. “Sống bất an lắm chú ơi, mỗi khi thấy trời mưa là lo sợ, ám ảnh. Có đêm cả nhà phải mặc áo mưa để ngủ vì nhà không còn chỗ nào khô ráo. Người lớn sống kham khổ đã đành nhưng thấy thương mấy đứa nhỏ quá, không biết phải làm sao”, anh Hương giãi bày.

 

Tương tự như nhà ông Lượng, ông Hương, xóm này còn có các hộ ông Trương Đình Quý (con trai ông Lượng), bà Ngô Thị Phượng, ông Trương Văn Anh, bà Võ Thị Phận… cũng hơn 10 năm rồi phải co ro trong ngôi nhà tạm bợ của mình.

 

Cách đây hơn 5 năm, khi chính quyền địa phương thông báo khu Gò Gạo và một số khu vực lân cận sẽ giải tỏa để quy hoạch chỉnh trang khu dân cư mới và ra lệnh cấm cơi nới sửa chữa, xây mới nhà ở khu này, những hộ dân này nhen nhóm một niềm hy vọng sẽ được Nhà nước di đời đi nơi khác để tái định cư. Thế nhưng từ đó đến nay, vẫn không thấy chính quyền nói gì, trong khi nhà ở của những hộ dân nơi đây càng ngày càng thêm hư hỏng, dột nát.

 

“Chúng tôi không đòi hỏi Nhà nước phải bồi thường gì, chỉ mong được di dời đến khu tái định cư mới và hỗ trợ tiền xây nhà ở để an cư là đủ rồi. Nhưng chờ lâu quá mấy chú ơi”, ông Lượng bức xúc.

 

Tại thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa) cũng có 5 gia đình thuộc hộ nghèo đang ở nhà tạm bợ trong nhiều năm qua, nhưng chưa được chính quyền xã giải quyết xóa nhà tạm, cũng với lý do không có đất xây dựng nhà ở và hiện cũng đang lấn chiếm đất xây nhà tạm.

 

Mùa mưa nào, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Phương (36 tuổi), Trương Thị Mỹ cùng 2 đứa con nhỏ cũng đứng ngồi không yên vì lo sợ triều cường “ẵm” cả gia đình anh quăng xuống biển. Ngôi nhà vợ chồng anh hiện đang nằm chênh vênh sát mép biển Long Thủy, được vợ chồng anh “chiếm lại” của một hộ dân sau khi di dời đi nơi khác để tránh hiểm họa triều cường bỏ lại. “Chắc chính quyền thấy vợ chồng tôi khổ quá nên họ cũng không nỡ đến cưỡng chế, tháo dỡ đuổi đi. Tôi cũng biết ở đây rất nguy hiểm, nhưng do vợ chồng khổ quá không có tiền để mua đất, biết làm sao?” Anh Phương tâm sự.

 

Ông Võ Văn Binh - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH) cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện Quyết định 1105 của UBND tỉnh (ban hành tháng 6/2007) về giải quyết đất ở cho hộ nghèo không có đất ở. “Về vấn đề quy hoạch quỹ đất ở của các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc từ nhiều phía. Theo tôi được biết một phần nguyên nhân là do một số địa phương chưa có quy hoạch tổng thể kế hoạch sử dụng đất, chưa kể tốn kém chi phí để quy hoạch, xây dựng một khu dân cư mới”, ông Binh nói.

NÓI HẾT QUỸ ĐẤT

 

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa An Đặng Văn Sia, trong số những hộ nghèo ở xóm Gò Gạo, có 7 hộ đã đưa vào danh sách xóa nhà tạm, tuy nhiên có 5 trong số 7 hộ này ở trên đất lấn chiếm, vị trí đất những hộ này ở đã được UBND huyện Phú Hòa quy hoạch dự án chỉnh trang quy hoạch khu dân cư. Dự án có quy mô 13ha, được triển khai cách đây đã gần 5 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do có dự án quy hoạch nên những hộ dân này không được phép xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở. Đối với hai hộ còn lại mặc dù ở trên đất hợp pháp nhưng do chưa thỏa thuận được với chủ đầu tư về phương án đền bù để di dời giải tỏa nên phương án tái định cư vẫn còn để ngỏ.

 

“Là lãnh đạo xã, thấy cảnh những hộ dân này ở nhà tạm bợ, dột nát kéo dài tôi cũng xót, nhưng chưa biết giải quyết như thế nào vì hiện xã không còn đất để cấp đất ở cho họ”, ông Sia nói.

 

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Tính, phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết, đối với những hộ nghèo đang ở nhà tạm tại xóm Gò Gạo, thôn Đông Phước, huyện đã chỉ đạo xã tìm quỹ đất khác để giải quyết nơi ở mới, kết hợp xóa nhà tạm cho họ, chứ không thể bố trí vào khu tái định cư của dự án. Vì dự án này được thực hiện theo phương án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng nên sẽ tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất.

 

Đưa ra lý do tương tự như ở xã Hòa An để giải thích cho nguyên nhân không thể xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo thiếu đất ở của xã, ông Nguyễn Mạnh Thi, Chủ tịch UBND xã An Phú (TP Tuy Hòa), cũng trăn trở: “Có khoảng 300 hộ dân trong xã đang có nhu cầu về đất ở, trong đó có hộ nghèo nhưng nhiều năm qua chính quyền vẫn chưa giải quyết được. Đây cũng là bức xúc của chính quyền xã, nhưng muốn tìm hướng phải chờ UBND TP Tuy Hòa phê duyệt phương án quy hoạch khu dân cư trong đồ án xây dựng nông thôn mới của xã, khi triển khai xã mới từng bước giải quyết nhu cầu đất ở của người dân”.

 

Cũng là một xã trực thuộc TP Tuy Hòa, mặc dù không còn hộ nghèo ở nhà tạm đang ở đất lấn chiếm như những trường hợp khó xử tại hai xã Hòa An và An Phú, nhưng chính quyền xã Bình Ngọc cũng thừa nhận hàng năm không dưới 10 lần phải tổ chức lực lượng đi ngăn chặn việc lấn chiếm đất xây dựng nhà ở bất hợp pháp của người dân. Chính quyền xã này cũng thừa nhận, từ sau năm 2005 đến nay, xã không còn quỹ đất để cấp hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân mà chỉ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết cho người dân xây dựng nhà ở trên những diện tích đất vườn (đất hàng năm khác) của cha, mẹ hoặc người thân bán, tặng, cho lại mà thôi.

 

Chuyện người dân nghèo thiếu đất ở vì quá bức bí phải lấn chiếm đất để xây nhà ở bất hợp pháp hoặc đành chịu cảnh sống chen chúc nhau nhiều thế hệ trong một ngôi nhà chật hẹp là thực tế không riêng gì ở xã Hòa An, An Phú, mà cũng là việc bức xúc ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Lãnh đạo các xã thừa nhận một thực tế là công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất phức tạp, nhất là chuyển đối từ đất nông nghiệp thành đất xây dựng nhà ở hiện đang là một vấn đề rất nhạy cảm, do đó cơ quan có thẩm quyền tỏ ra khá thận trọng và dè dặt khi thẩm định cấp phép mặc dù thực tế không ít diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang vì sản xuất bấp bênh, không hiệu quả. Trong khi một số xã nêu do khó khăn về ngân sách nên không thể huy động số tiền lớn để đầu tư quy hoạch một khu dân cư mới để cấp đất theo chính sách ưu đãi người nghèo (miễn 50% tiền sử dụng đất, 50% còn lại cho trả dần trong 10 năm).

  

THANH HỘI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đã nghèo còn bị lừa
Thứ Năm, 18/10/2012 08:20 SA
Ân tình giữa biển khơi
Thứ Bảy, 29/09/2012 14:00 CH
Trên vùng đất võ
Thứ Bảy, 29/09/2012 09:09 SA
Cơ cực giấc mộng kỳ nam
Thứ Tư, 26/09/2012 14:00 CH
Xa vời vợi “cửa” vào… nghề giáo
Thứ Bảy, 22/09/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek