Chủ Nhật, 06/10/2024 07:25 SA
Đã nghèo còn bị lừa
Thứ Năm, 18/10/2012 08:20 SA

Lại tiếp tục tái diễn tình trạng người dân trong tỉnh bị lừa tuyển đi hái cà phê mướn tại Lâm Đồng với mức thù lao cao, nhưng sau đó họ bị “bán” cho các công ty, dịch vụ môi giới lao động, rồi tiếp tục sang tay cho các chủ vườn cà phê để ép họ lao động quá sức. Đối tượng bị lừa lần này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Vviệc gây xôn xao dư luận, người blừa được chuộc trở về vẫn chưa hon hồn, những gia đnh không ctiền chuộc con, em vthì như đang ngồi trên đống lửa.

 

y-vuong121018.jpg

Y Rít (giữa) ở buôn Tun Chách, xã Ea Bia kể lại việc bị lừa đi lao động ở Lâm Đồng - Ảnh: Q.THUẦN

TUYỂN LAO ĐỘNG RỒI “BÁN”, ĐÒI TIỀN CHUỘC

 

Trong biên bản lấy lời khai của công an xã Ea Bia với bà Đỗ Thị Xuân Thao vào ngày 4/10, việc bà Thao giới thiệu 9 người ở xã Ea Bia (Sông Hinh) và 4 người ở xã Suối Trai (Sơn Hòa) đi hái cà phê ở Lâm Đồng là do tình cờ bà gặp vợ chồng người đàn ông lạ mặt tự xưng tên Thành. Vợ chồng người này đi ô tô đến xã nhờ tìm công lao động, với mức thù lao 3,6 triệu đồng/người/tháng, bao ăn, ở và tiền xe. Ban đầu nói sẽ làm việc ở tỉnh Đắk Lắk, nhưng khi đi thì tài xế lại cho xe chạy về hướng TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Bà Thao có hỏi ông Thành tại sao không đi theo quốc lộ 29 từ Sông Hinh lên Đắk Lắk mà đi theo hướng Đà Lạt thì người này nói đi đường này cho gần. Tuy nhiên, bà Thao phủ nhận việc môi giới lao động, mà chỉ cho rằng mình thông tin cho bà con biết có người đến tìm người đi hái cà phê.

 

Trước đó, ông Ma Meo ở xã Ea Ly (Sông Hinh) cũng giới thiệu 12 người ở buôn Ma Sum, Hai K Lốc, xã Ea Bia và 1 người ở xã Đức Bình Đông (Sông Hinh) đưa lên huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) vào ngày 24/9 để hái cà phê. Sau khi xe chở đến địa phận tỉnh Lâm Đồng khoảng 19g cùng ngày thì số người này được bàn giao cho một dịch vụ môi giới lao động.

 

Theo lời kể của các nạn nhân, khi vừa tới nơi thì trời chập tối, chưa kịp nhận ra phương hướng, địa điểm thì bị một nhóm thanh niên mặt mày bặm trợn, hung hăng dồn họ vào một gian nhà và nhốt ở đó. Nay Y Rin (19 tuổi, ở buôn Hai K Lốc) vừa được chuộc về trong nhóm người đi ngày 30/9 kể lại sựviệc: “Chúng tôi bị nhốt vào phòng kín, để chờ người đến “mua” lại. Họ đưa ra một bản hợp đồng rồi bắt chúng tôi ký vào mà không cho chúng tôi xem nội dung, sau đó một người đàn ông đến bảo là chủ vườn cà phê đã mua chúng tôi và sẽ đến đưa đi nơi khác. Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh khoảng chừng vài phút, như cảnh mua cá tôm ngoài chợ, 13 người được đưa lên một chiếc xe tải, chở đi băng qua những đồi núi heo hút đến một trang trại cà phê rồi bị giam lỏng tại đây (sau này họ mới biết nơi này thuộc thôn Bá Lộc, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng). Nếu ai có thái độ phản kháng đòi về thì liền bị ông chủ tuyên bố đã “mua” với giá 1,8 triệu đồng/người, được toàn quyền sử dụng và bảo số tiền này sẽ trừvào tiền lương tháng. “Họ nói phải làm việc 4 tháng mới được nhận lương, với mức từ 2-2,4 triệu đồng/tháng/ người (chưa tính tiền ăn, ở) và hăm dọa nếu bỏ trốn sẽ bị giết, trừ phi đã bồi thường tiền “mua” về”, Nay Y Rin nói.

 

Trước đó, tháng 12/2010, Báo Phú Yên cũng từng phản ảnh vụ 34 lao động ở hai huyện Tây Hòa và Đông Hòa bị lừa “bán đứng” cũng với chiêu thức tương tự của một số công ty môi giới lao động ở Lâm Đồng. Vụ việc được Công an Phú Yên phối hợp với Công an Lâm Đồng vào cuộc giải cứu những lao động bị mắc lừa.

Trong lúc chờ người thân mang tiền lên chuộc về, những lao động này phải bấm bụng chịu đựng bị bóc lột sức lao động và đối xử thô bạo. Theo nhóm lao động tại thôn Bá Lộc, mỗi ngày họ làm việc từ tờ mờ sáng đến chập tối dưới sự chăn dắt của một người lúc nào cũng mang theo hung khí. Do làm việc trong điều kiện quá sức, trong khi ăn uống lại kham khổ nên trong nhóm có người bị bệnh, nhưng người quản chế dứt khoát không cho ra ngoài mua thuốc và bảo “chết bỏ” chứ không được đi đâu cả. “Bây giờ về đến nhà, vẫn ám ảnh cái cảnh bị dí súng vào người dọa bắn mỗi khi tụi em ý kiến về công việc nặng nhọc, ăn uống thiếu thốn. Em sẽ không nghe lời kẻ xấu đi nữa, ở nhà làm rẫy với chị và tìm nghề nào đó học để sau này có cuộc sống tốt hơn thôi” Y Vương ở buôn Hai K’ Lốc giãi bày.

 

Trong số 26 nạn nhân bị quản chế ở Lâm Đồng, chỉ có Y Thuối (17 tuổi, ở buôn Tun Chách) bị “bán” cho một chủ vườn cà phê ở huyện Đức Trọng sau khi trốn khỏi Công ty TNHH Đức Hoàng. Trong lúc tìm đường chạy trốn, Y Thuối đi lạc gần biên giới Campuchia, rất may em liên lạc được với người nhà. Khi nghe Y Thuối gọi điện thoại về kể sự việc, KSơr Y Lêng - cán bộ xã Ea Bia có người thân là nạn nhân đã cùng sáu thân nhân của những lao động đang bị “quản chế” tức tốc thuê xe lên Lâm Đồng để chuộc người về.

 

Hầu hết người nhà của 13 lao động bị “bán đứng” ở huyện Bảo Lâm đều phải bán bò, vay mượn để gom góp đủ 20 triệu đồng chuộc người thân và trả tiền thuê xe. Trong chuyến đi này, ngoài chuộc Y Cường và Y Vương, còn có 11 người khác được chuộc về từ huyện Bảo Lâm. Quá trình đi, đối tượng sử dụng lao động không cho biết địa chỉ cụ thể, mà chỉ cho biết hướng đi thông qua điện thoại. Trong 12 ngày, ai làm được việc cho họ thì giảm 800.000 đồng tiền chuộc, còn ai làm không được việc thì phải đưa cho họ 1,8 triệu đồng. “Chúng tôi lo sợ thót tim vì trong lúc ngồi thương thuyết có mấy thanh niên tóc dài tới vai, mặt bặm trợn, mắt cứ lăm le nhìn chúng tôi” ông KSơr Y Lêng kể lại.

 

Đến nay, đã có 22 trong tổng số 26 người được gia đình chuộc về, còn lại Hờ Píap, Y Minh ở buôn Tun Chách; Hờ Đeng (vợY Minh) và K pă Y Châu ở xã Suối Trai chưa về vì gia đình không có tiền đi chuộc. Theo lời những lao động này, tại trang trại này còn có13 người (có2 nữ) đều là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh Quảng Nam, Cần Thơ, Bình Dương, Trà Vinh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng họ đành “chôn thân” chứ không có cách nào trốn thoát.

 

ho-thu121018.jpg

Đã hơn nửa tháng nay, Hờ Thư - con gái Hờ Píap chiều nào cũng ngồi trước cửa chờ mẹ về trong nỗi nhớ quay quắt vì người ta bảo mẹ cháu bị bắt đi xa - Ảnh: T.HỘI

NƯỚC MẮT NGƯỜI NGHÈO

 

Đã hơn nửa tháng nay, chiều nào bé Hờ Thư (5 tuổi) – con gái út của chị Hờ Píap cũng ngồi trước cửa chờ mẹ trong nỗi nhớ quay quắt, vì nghe người ta nói mẹ em bị bán đi làm việc ở xa. Hờ Píap không biết chữ, bị chồng bỏ, để lại ba đứa con, đứa lớn nhất mới 10 tuổi ở trong ngôi nhà sàn rách nát gần nhà văn hóa buôn. Những ngày qua anh của Hờ Thư đi chăn bò thuê cho người khác, bỏ Hờ Thư và chị kề ở nhà. Dù trước khi đi làm, mẹ các em đã gửi cho chị ruột chăm sóc hộ, nhưng người dì này thường xuyên đi làm rẫy. Bây giờ, một số người cùng chuyến đi với Hờ Píap đã về nhà, còn chị thì vẫn bặt tin. Nhìn cảnh côi cút của ba đứa trẻ, bà con trong buôn ai cũng xót thương. Trong ngôi nhà sàn vách dừng bằng tấm đan tre xập xệ, chỉ vỏn vẹn 1 chiếc chiếu trải ở giữa, góc cuối nhà là bếp nấu ăn với đống tro lạnh. Bà Hờ Rót ở gần nhà Hờ Píap nói: “Bọn trẻ đáng thương lắm, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, sống như cây cỏ trong rừng vậy”.

 

Trong khi đó, gia cảnh của vợ chồng Y Minh cũng chẳng hơn gì. Ông Ma Zút, cha của Y Minh nói trong nước mắt: “Nghe những người vừa được chuộc về nói vợ chồng nó (vợ chồng Y Minh - PV) bị thu điện thoại, đưa vào rừng sâu làm việc quần quật cả ngày, ăn uống rất kham khổ, chắc không chịu đựng nổi. Nhà không có gạo mà ăn, lấy đâu ra tiền đi chuộc con bây giờ. Mấy ngày nay mất liên lạc, cả nhà như ngồi trên đống lửa”.

 

Mấy ngày nay, nhà chị Hờ Dương ở buôn Hai K’ Lốc đông bạn bè, người thân đến thăm Y Cường (20 tuổi) và Y Vương (15 tuổi) - em trai của chị - là nạn nhân của vụ lừa đi lao động trên chuyến xe ngày 30/9 vừa trở về. Để được trở về nhà, Hờ Dương phải chạy vạy mượn tiền khắp nơi được 10 triệu đồng để đi chuộc hai em về. Y Vương cho biết, việc em và anh trai cùng nhiều người khác lên Lâm Đồng hái cà phê mướn là do sự giới thiệu của ông Ma Meo ở xã Ea Ly (Sông Hinh). “Mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, gia cảnh khó khăn, một mình không thể nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn nên các em phải đi làm thuê để kiếm sống. Ai ngờ!”, chị Hờ Dương mếu máo kể.

 

Ông Nie Bly, Chủ tịch UBND xã Ea Bia cho biết, những người bị lừa đi lao động còn ở Lâm Đồng đều là những hộ đặc biệt khó khăn nên không có khả năng đi chuộc con em họ về.

 

Thượng tá Phan Thanh Văn, Phó trưởng Công an huyện Sông Hinh cho biết, hợp đồng lao động giữa 13 người bị lừa đi lao động ngày 30/9 được ký ngày 1/10 tại Công ty TNHH Đức Hoàng ở 121 thôn Đoàn Kết, N’thôn Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do ông Cao Ngọc Khoa làm giám đốc. “Hiện chúng tôi đang chờ sự chỉ đạo của huyện và Công an tỉnh để có biện pháp phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng giải cứu những người còn mắc kẹt ở đó”, thượng tá Phan Thanh Văn cho biết.

  

Không thể liên lạc với bốn người còn lại

 

Ngày 17/10, theo Công an huyện Sông Hinh hiện đã có 20 trong tổng số 22 người trong huyện bị lừa đi lao động ở Lâm Đồng được gia đình chuộc về, hai người còn lại hiện không biết ở đâu, làm gì. Tương tự, tại xã Suối Trai cũng còn hai lao động chưa liên lạc được với người nhà.

 

Q.THUẦN - L.HỘI - V.THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ân tình giữa biển khơi
Thứ Bảy, 29/09/2012 14:00 CH
Trên vùng đất võ
Thứ Bảy, 29/09/2012 09:09 SA
Cơ cực giấc mộng kỳ nam
Thứ Tư, 26/09/2012 14:00 CH
Xa vời vợi “cửa” vào… nghề giáo
Thứ Bảy, 22/09/2012 14:00 CH
Về miền hang động
Thứ Bảy, 15/09/2012 14:00 CH
Luyện võ nơi cửa Phật
Thứ Bảy, 08/09/2012 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek