Thứ Ba, 01/10/2024 02:23 SA
Anh lái đò ở “ốc đảo” Phước Giang
Thứ Ba, 19/12/2006 15:50 CH

Thôn Phước Giang (xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà), với 319 khẩu, 101 hộ vẫn còn sống trong cảnh “trắng” điện - đường – trường - trạm bởi  sự ngăn cách của dòng sông Bàn Thạch. Nhiều năm qua, con em trong thôn thường phải nghỉ học giữa chừng vì đường đến trường quá xa. Trong lúc người dân và chính quyền địa phương đang bế tắc thì có một người trong thôn tự nguyện đứng ra đưa bọn trẻ vượt sông đến trường tìm cái chữ. Đó là anh Phạm Văn Quốc.

 

RÚT NGẮN ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG CHO BỌN TRẺ

 

061219-pham-van-quoc.jpg

Anh Phạm Văn Quốc

Ông Trưởng thôn Phước Giang Phạm Văn An kể: Chuyện đi lại và học hành của con em trong thôn trước kia: “Cả thôn chỉ có mỗi một phòng học cấp bốn xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ tổ chức được lớp ghép 1, 2, 3 và 4, chia làm hai buổi. Sau đó đứa nào muốn học lên cao hơn thì phải chịu khó cuốc bộ gần 6 cây số đường đá lởm chởm hoặc lội tắt qua sông, qua bên thôn Phước Lộc (trung tâm xã) học. Mà khổ nỗi, trẻ con sức đâu để cuốc bộ quãng đường dài đến thế, vì vậy đành phải lội sông. Đã có nhiều trường hợp học sinh tự dùng xuồng của gia đình chèo đi học bị chìm, phụ huynh thấy vậy sợ quá nên đành cho con nghỉ học luôn. Chính vì vậy, trong thôn số người học hết cấp 3 chỉ đếm được trên đầu ngón tay”.

 

Chứng kiến những khó khăn của bọn trẻ trên con đường đi tìm cái chữ, đầu năm học 2002 – 2003, anh Phạm Văn Quốc bàn với trưởng thôn Phạm Văn An “gỡ rối” bằng cách cho phép anh sử dụng đò để chở học sinh đi học, rút ngắn được gần 1/5 quãng đường. “Thấy ý tưởng của tôi hay hay, nên trưởng thôn gật đầu đồng ý ngay. Tôi đến nhà anh ruột, nài nỉ mượn chiếc đò dùng để chở thức ăn tôm trị giá gần 30 triệu đồng đang “gác khói” sau mấy vụ tôm thất bại. Tôi mang đò về gắn máy nổ, vào làm đò chở học sinh ngon lành!” – anh Quốc cho biết.

 

“Nếu không có chiếc đò đưa đón hàng ngày thì không biết học sinh ở thôn Phước Giang đi học bằng cách nào. Hiện chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết” (Thầy Nguyễn Minh Vinh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Nhân Tông).  

Để các em đến lớp đúng giờ, anh Quốc lên kế hoạch đưa, rước cụ thể: Một ngày bốn lượt, sáng 6 giờ chở đi; trưa 11 giờ 20 phút chở về và 12 giờ 20 phút chở đi; chiều 17 giờ 30 phút chở về. Cứ thế, từ mùa nắng cho đến mùa mưa, thấm thoắt công việc này đã gắn bó với anh hơn bốn năm nay. Và không biết tự bao giờ những đứa trẻ làng Phước Giang gọi anh là “ông Quốc lái đò”. 

 

Bây giờ, khi nhắc đến chuyện học hành của con em, bà con trong thôn ai cũng “kể công” anh Quốc. Anh Võ Văn Tánh có ba đứa con đang học Trường THCS Trần Nhân Tông (xã Hoà Tâm). Kinh tế gia đình eo hẹp vì mấy vụ tôm thất bại, không có điều kiện trọ học ở gần trường nên các con anh ngày hai lượt lặn lội đi – về. Anh phấn khởi nói: “Bây giờ đi học sướng rồi, cho dù khoản tiền gần 90.000 đồng/tháng đóng góp để ba đứa con tôi đi đò có thể là nhiều so với một gia đình nông dân như chúng tôi, nhưng nếu không có chiếc đò của anh Quốc thì chắc gì con tôi bám trường, bám lớp đến bây giờ”. Không riêng gì anh Tánh mà phụ huynh của 39 học sinh ở thôn Phước Giang cũng nghĩ như vậy. 

 

Anh Quốc cho biết: Tôi thu “đò phí” 500 đồng/học sinh/lượt. Mỗi chuyến chừng 10.000 đồng đủ để mua dầu diezel cho đò vận hành chứ đâu tính chuyện lời lãi gì ở đây, vì hầu hết các em là con nhà nghèo. Bọn trẻ được đến trường là vui lắm rồi.

 

“SẼ KHÔNG CÓ CHUYỆN MẤT AN TOÀN”

 

Việc mà nhiều phụ huynh trong thôn quan tâm nhất đó là an toàn của mỗi chuyến đò, vì bà con nghe thông tin ở nơi này, nơi khác đã xảy ra những vụ đắm đò thương tâm làm chết nhiều người. Tuy nhiên, Trưởng thôn Phạm Văn An khẳng định sẽ không có chuyện mất an toàn vì chiếc đò anh Quốc đang sử dụng dài đến 5m, rộng 2m đóng bằng ván và nhôm kiên có gắn máy D15 (tương đương 15 sức ngựa). Cái chính là khi vận hành, người điều khiển phải thường xuyên nhắc nhở các em ngồi đúng vị trí và giữ gìn trật tự để tránh tình trạng đùa cợt, bất cẩn rơi xuống nước. Còn anh Quốc cho biết, mỗi chuyến chỉ chở từ 10 – 15 học sinh, dòng sông thì hẹp do đìa tôm lấn chiếm nên tương đối cạn và không có dòng nước xoáy, nhưng không vì thế mà chủ quan.

 

061219-do-cho-hoc-sinh.jpg

Học sinh Phước Giang lên đò chuẩn bị sang sông

 

Gia đình anh Quốc thuộc diện khó khăn, năm miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng giao khoán, nhưng không vì thế mà anh tính chuyện “kinh doanh” trên chiếc đò này bởi anh nghĩ “Đời tụi tui đã “gánh” cái khổ, cái nghèo chỉ vì không được học đến nơi đến chốn. Bây giờ không thể để lũ trẻ tiếp tục nghỉ. Muốn thôn Phước Giang chúng tôi thoát khỏi thế “ốc đảo” thì phải chăm lo chuyện học hành con trẻ ngay từ bây giờ, dù con đường đến trường còn lắm gian nan”.

 

ĐĂNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người ươm màu xanh cho rừng
Thứ Hai, 18/12/2006 07:54 SA
Chị Chiên làm gốm mỹ nghệ
Thứ Bảy, 16/12/2006 08:22 SA
Người giữ những sắc màu thổ cẩm
Thứ Ba, 12/12/2006 07:06 SA
Đăng chấn trên đầm Ô Loan
Thứ Hai, 04/12/2006 08:21 SA
Nỗi đau của ngành giáo dục
Thứ Sáu, 24/11/2006 07:48 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek