Thứ Ba, 01/10/2024 04:36 SA
Người ươm màu xanh cho rừng
Thứ Hai, 18/12/2006 07:54 SA

Nhiều bà con ở An Nghiệp trầm trồ ca ngợi về một người trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc và đã lập nên trang trại rộng lớn có một không hai trên vùng rừng núi heo hút. Đó là anh Lê Hoài Phong, chủ của trang trại 50 ha.

 

LÊN RỪNG LẬP NGHIỆP

 

Vùng 13, xã An Nghiệp (huyện Tuy An) nằm ở trên núi cao. Từ trung tâm huyện Tuy An, phải mất nửa buổi đi xe máy vượt qua đoạn đường đèo dốc quanh co, đá lởm chởm mới đến được nơi heo hút này có một vùng đồi núi rộng khoảng 400ha. Ở đây có 25 người dân từ các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu đến lập nghiệp, làm trang trại, chủ yếu là trồng mía, nuôi bò. Trang trại quy mô nhất, làm ăn bài bản nhất thuộc về anh Lê Hoài Phong. 38 tuổi, anh đã là ông chủ của 50 ha đất trồng rừng.

 

061218-rung.jpg

Hàng ngày anh Lê Hoài Phong miệt mài với cánh rừng của mình

 

Quê anh ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân. Cách đây hơn 10 năm, anh cưới vợ quê ở xã An Nghiệp. Ban đầu, vợ chồng anh mở cái quán nhỏ ở gần đường cái quan cạnh Trường tiểu học Xuân Quang 3. Hằng ngày, cánh cửa tre được chống lên, treo mấy bì kẹo thèo lèo, đậu phộng, mấy nải chuối, gói mì tôm… Có hôm bán cả ngày, cả vốn lẫn lời không được mười ngàn bạc. Anh bảo: “Lúc đó con còn nhỏ nên phải ráng chịu. Nhưng trong đầu tôi đã nảy ra ý định lên rừng lập trang trại, chớ ở nhà đất ruộng bao nhiêu có chừng”. (Nhà anh nhận khoán 2.000m2 đất ruộng trồng lúa, ngoài ra không còn “tài sản” nào có giá trị). Khi con anh 3 tuổi, vợ chồng “đùm túm” lên vùng rừng núi heo hút này lập nghiệp. Tại Vùng 13, cách đây 15 năm, nhiều người đổ xô đến khai hoang, mỗi người ít nhất cũng có được 1 ha đất trồng mía. Làm ăn đâu được một hai năm,  họ rút lui vì bệnh sốt rét, đất bỏ hoang cả trảng rộng. Cha anh lần vào Vùng 13 này, cày đất hoang trồng mía, sắn… Làm ăn năm trúng năm trật vì chim chuột ăn mất giống, rồi ông cũng “ớn” nên rút lui.

 

Khi vào đây, vợ chồng anh xác định phải chịu cảnh “nằm rừng”, cày xới đất bỏ hoang và đầu tư trồng mía. Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, có năm mía được giá đến mùa vợ chồng thu hoạch trung bình từ 60- 70 phuy đường trầm (loại 300kg), giá đường thời điểm đó dao động từ 6 trăm -1 triệu đồng/ phuy. Số tiền có được, vợ chồng đầu tư vào chăn nuôi bò. Ban đầu anh mua 5 con nghé, về thả nuôi gầy vốn và mua 4 con bò ốm về vỗ béo. Qua 7 năm chăn dắt, đàn bò của anh đã tăng lên 35 con, lớn có nhỏ có. Hai năm nay, năm nào anh cũng bán bớt 1-2 con bò để mua đất bạc màu, thuê công cán phạt chồi, trồng rừng.

 

TRỒNG RỪNG TRÊN ĐẤT BẠC MÀU

 

Hiện tại, Vùng 13 có 25 hộ lập trang trại với tổng diện tích gần 100 ha. Trước đây, diện tích đất trồng mía nhiều gấp đôi. Sau đó, do đất dốc, hàng năm mưa xói lở nên đã bạc màu, họ bỏ đất xuống núi. Đắt rẻ gì anh Phong cũng gom mua hết, phạt chồi non trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Anh tâm sự: “Năm ngoái và năm nay, tôi mua gần 10 ha đất của ông Nguyễn Văn Thọ ở Tuy An và gần 7 ha mía lưu gốc của ông Trần Phước ở Đồng Xuân. “Ăn” mùa mía nữa rồi tôi sẽ trồng cây”.

 

Ban đầu, anh có khoảng 20 ha đất. Sau một thời gian mua dồn nhiều rẫy đất bỏ hoang, bây giờ anh có trong tay 50ha đất trồng rừng (đã được huyện Tuy An cấp sổ đỏ). Anh thuê công nhân lâm trường đến tại trang trại ươm cây giống, chủ yếu là bạch đàn, xà cừ. Trong 2 năm 2005 – 2006, anh trồng 40 ngàn cây bạch đàn, 5000 cây xà cừ. Lứa xà cừ năm ngoái cao ngang đầu người còn bạch đàn cao quá tầm với.

 

Trang trại rộng lớn vậy mà anh thuê công rào kín, con bò nghé không chui qua lọt. Đàn bò của anh khỏi tốn công chăn dắt, cứ sáng mở cổng chuồng khoanh vùng thả ăn, chiều đóng cổng là xong. Nguồn thức ăn cho bò thì dồi dào, lớp cỏ trồng (cỏ voi), lớp cỏ tự nhiên. Anh cho biết: “Bỏ công cán ra rào kỹ vậy là để bò nghé xung quanh khỏi đụng đến mình. Cây trồng và hoa màu không bị bò ăn phá, dẫm gãy”.

 

Ban đêm vắng lạnh, từ trại này nhìn ra xa leo lét vài ngọn đèn dầu. Thèm chút cá tươi, vợ chồng anh phải xuống tuốt chợ Tuy An hoặc chợ Xuân Quang 3 mua về lớp ăn, lớp “muối sư” để dành.

 

Dự tính 2 năm nữa, anh trồng 100 ngàn cây bạch đàn. Khoảng 5 năm tới, Vùng 13 này không còn đất hoang hóa, rừng cây sẽ xanh bạt ngàn. Anh Phong ước trong thời gian từ 5-7 năm, số tiền anh thu được nhờ bán cây xấp xỉ cả trăm triệu đồng. Nhiều người thấy mô hình trồng cây của anh, trở lại đất cũ bỏ hoang để trồng rừng, người thì nán lại vài năm trồng cây vào khoảnh đất bạc màu.

 

MẠNH HOÀI NAM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chị Chiên làm gốm mỹ nghệ
Thứ Bảy, 16/12/2006 08:22 SA
Người giữ những sắc màu thổ cẩm
Thứ Ba, 12/12/2006 07:06 SA
Đăng chấn trên đầm Ô Loan
Thứ Hai, 04/12/2006 08:21 SA
Nỗi đau của ngành giáo dục
Thứ Sáu, 24/11/2006 07:48 SA
Người phụ nữ vực dậy nghề đan đát
Thứ Hai, 20/11/2006 09:31 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek