Mỗi khi nói đến võ cổ truyền, nhiều người lại nghĩ ngay đến Bình Định - một vùng đất có truyền thống võ thuật lâu đời, quê hương của bao anh hùng hào kiệt. Bình Định - nơi từng là kinh đô của vương quốc Chiêm Thành, nơi từng là miền biên viễn của Đại Việt, nơi hội tụ nhiều luồng cư dân mới và cũng là nơi những người phiêu bạt giang hồ chọn để dừng chân. Hành trang của họ, tất nhiên không thể thiếu miếng võ phòng thân trên đường dài đầy bất trắc.
Đại sư Thích Trung Thiền biểu diễn bài võ gia truyền thuộc môn phái Nội gia võ đạo tại Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - Ảnh: D.T.XUÂN
DI SẢN ĐỘC ĐÁO
Suốt một thời kỳ trong lịch sử, Bình Định - vùng đất phên dậu phía nam của Tổ quốc - mang đến nhiều cơ hội song cũng đặt ra bao thử thách cho những ai chọn nơi này sinh cơ lập nghiệp. Và võ đã hình thành để người dân vững tay cày tay cuốc khẩn hoang, đối mặt với ác thú trên núi cao rừng sâu, với kẻ cướp, cường hào. Qua hàng trăm năm chọn lọc, lưu truyền và phát triển, võ Bình Định trở thành di sản độc đáo.
“Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định đánh roi đi quyền”
Khuôn mẫu vẻ đẹp của người con gái xưa là sự dịu dàng thùy mị, nhưng con gái Bình Định thì khác. Vẻ đẹp của con gái Bình Định là sự mạnh mẽ thể hiện trong những đường roi xé gió, trong những bài quyền có thể làm kinh ngạc cánh mày râu. Ở vùng đất này, già trẻ, gái trai có chung niềm say mê luyện võ. Đã qua rồi những thử thách khắc nghiệt từ thiên nhiên hoang dã, đã qua rồi nỗi lo thảo khấu lục lâm như thuở mở đất khẩn hoang, những cánh đồng đã bình yên xanh, những con đường đã bình yên cho bao bước chân qua lại, song người Bình Định vẫn gìn giữ võ thuật như gìn giữ chính tâm hồn mình.
Sau một ngày cặm cụi trên đồng, nhiều nông dân buông cái cuốc cái cày, cầm roi cầm thương luyện võ. Sau một ngày học tập, những đứa trẻ xếp lại sách vở, tìm niềm vui nơi võ đường. Sau một ngày chăm lo việc đạo, các nhà sư dưỡng tâm bằng võ thuật…
Nhiều nơi trên đất võ Bình Định như An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn, nơi nào cũng có trên dưới 10 võ đường, CLB võ thuật hoạt động. Gần 100 võ sư, huấn luyện viên võ thuật ở Bình Định đang truyền dạy võ cổ truyền cho hàng ngàn võ sinh. Theo thời gian, những tinh hoa của võ Bình Định tiếp tục được lưu truyền.
Võ sư Lý Thành Nhơn ở võ đường Lý Xuân Hỷ, một trong những võ đường có tiếng ở phường Đập Đá (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định), nói: “Đây là võ đường của ông cậu để lại cho con cháu. Ở Đập Đá này nói riêng và An Nhơn, Tây Sơn hay Bình Định nói chung, các võ đường đều lưu truyền như thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác…”.
Không chỉ được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác, lan tỏa từ dòng họ này sang dòng họ khác, làng này sang làng khác, võ Bình Định đã chinh phục nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau. Không ít bạn bè Tây học võ ta và tìm thấy những điều thú vị.
Võ sinh nhỏ tuổi biểu diễn tại liên hoan - Ảnh: D.T.XUÂN
BÊN DÒNG SÔNG CÔN
Sông Côn là con sông lớn nhất ở Bình Định. Dòng sông dài hơn 30km này chảy qua thị xã An Khê (Gia Lai) và các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước (Bình Định). Cùng với dòng chảy sông Côn, một dòng lịch sử đầy tự hào của võ Bình Định đã được đắp bồi theo thời gian mà trở thành di sản phi vật thể.
Theo sử sách, võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỷ XV, sau khi nhà Lê mở rộng nước Đại Việt về phía nam. Ở những ngôi làng ven sông Côn, người dân học võ để phòng thân, để đương đầu với những bất trắc. Thời gian trôi qua, võ thuật dần dần được chọn lọc, đúc kết, truyền dạy một cách bài bản. Võ Bình Định đa dạng nhờ hội tụ được các dòng võ thuật khác nhau, song vẫn có nét đặc trưng. Võ sư không chỉ dạy võ thuật mà còn đề cao việc rèn luyện đạo đức, tinh thần trượng nghĩa. Đỉnh cao võ thuật và võ đạo Bình Định - Tây Sơn được thể hiện trong cuộc khởi nghĩa do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng, lập nên những chiến công chống giặc ngoại xâm vang dội lịch sử mà con cháu đời sau luôn tự hào, ghi nhớ.
Phải chăng vì thế mà mỗi khi tiếng trống trận vang lên trên đất võ, người Bình Định lại bồi hồi ngưỡng vọng tiền nhân - những anh hùng, những nông dân áo vải cờ đào đã có công đuổi giặc. Nghĩa quân Tây Sơn nổi trống để luyện võ, để khích lệ tinh thần quân sĩ xung trận, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu - 1789.
Xưa kia, võ Bình Định được chia thành 4 bộ môn: côn, quyền, kiếm, cổ - tức là trống. Võ sinh thuộc môn phái cổ thường đeo trống bên mình để luyện võ, đánh, đấm, đá vào trống; tiếng trống vang rất xa. Tương truyền rằng nhạc võ Tây Sơn của ba anh em nhà Nguyễn được biến thể từ lối tập võ này. Nhạc võ Tây Sơn là bản giao hưởng đầy hào khí của 16 trống chiến cùng tù và, kèn, chiêng, phèng la. Nhạc võ Tây Sơn như ngàn tiếng hô xung trận, như ngàn tiếng reo hò vang dội mừng chiến thắng, như bản hùng ca của núi sông… Thời binh đao đã qua, nhạc võ Tây Sơn vẫn được gióng lên trên đất võ bởi 12 chiếc trống có kích cỡ khác nhau, mỗi chiếc tượng trưng cho một con giáp, để con cháu tri ân tiền nhân, để bạn bè xa gần thêm hiểu, thêm trân trọng những giá trị độc đáo của vùng đất này.
Trong những ngày dự Festival Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam - Bình Định 2012, chúng tôi gặp một phụ nữ người Ý với nhiều điều thú vị. Chị nói được tiếng Việt, thích ăn những món ăn của Việt Nam, Bình Định, yêu mến võ Bình Định. Thì ra chị là một người con dâu của Bình Định. Chị thổ lộ: “ Tôi lấy chồng người Việt Nam, sống ở Ý nhưng hiện đang dạy tiếng Ý tại TP Hồ Chí Minh. Tôi thấy ở Việt Nam, vua Quang Trung rất khả kính, nhiều người giúp ông làm nên nghiệp lớn - những người giỏi võ Bình Định trong phong trào Tây Sơn đó, thích lắm, thích lắm…”.
Trên đất võ trời văn, người Bình Định không chỉ say mê thi ca, võ thuật. Sau một ngày làm việc vất vả, họ cũng có những thú vui nho nhỏ, ví như chơi cờ tướng hay xem chọi gà. Các kỹ thuật, đòn thế của gà chọi đã được Nguyễn Lữ, em trai người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nghiên cứu, mô phỏng, sáng tạo nên một bài quyền vang danh: Hùng kê quyền.
Xưa kia, Hùng kê quyền được sáng tạo cho nghĩa binh Tây Sơn rèn tập. Thế võ “song túc tề phi” của Hùng kê quyền đã góp phần làm nên những chiến công của nghĩa quân Tây Sơn. Qua bao thăng trầm của lịch sử, Hùng kê quyền thất lạc, sau đó được một võ sư người Quảng Ngãi phục dựng, trở thành một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn, phổ biến rộng rãi.
Trở lại với sông Côn - dòng sông như ranh giới tự nhiên giữa hai làng võ nổi tiếng một thời trên đất võ: An Vinh và An Thái. Cả hai đều nổi tiếng về quyền và từng là những trung tâm truyền bá võ học có ảnh hưởng rộng lớn trong vùng.
THANH HƯNG – PHƯƠNG TRÀ