67 tuổi đời, gần 45 năm can trường với sóng gió biển khơi, lão ngư Trần Bính (phường 6, TP Tuy Hòa) chưa bao giờ nghĩ rằng mình cũng có lúc gặp nạn. Rồi, tai nạn đầu tiên của một đời mưu sinh trên biển trong ngày 14/9 vừa qua tại đảo Song Tử Tây khiến sản nghiệp của ông tiêu tan. Nhưng, những ân tình nhận được trong cơn hoạn nạn đã cho ông niềm tin và sức mạnh, để tinh thần quyết tâm vươn khơi bám biển của ông giờ đây mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào.
Ngư dân trên tàu cá Quảng Ngãi và Phú Yên bị nạn vui mừng trong ngày trở về đất liền - Ảnh: P.OANH
NƯỚC MẮT NGÀY ĐOÀN TỤ
18g chiều ngày 24/9, chuyến xe của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên đã đưa 7 ngư dân của tàu cá PY 91079 TS bị nạn về đến quê nhà tại phường 6, TP Tuy Hòa. Đã 10 ngày, từ lúc gia đình thuyền trưởng Trần Bính nhận tin con tàu của họ bị nạn và chìm tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), tiếng cười vui giờ mới trở lại ở làng biển đánh bắt cá ngừ đại dương này.
Chúng tôi có mặt tại nhà thuyền trưởng Trần Bính tại khu phố Nguyễn Công Trứ ngay sáng đầu tiên từ lúc ông trở về. Đông đảo bà con hàng xóm, chính quyền địa phương và anh em biên phòng đã đến động viên, thăm hỏi gia đình. Hạnh phúc ngày đoàn tụ khiến cho nước mắt cứ chảy trên khuôn mặt hốc hác của bà Lèo, vợ thuyền trưởng Trần Bính.
Bà Lèo kể, gần 2g chiều hôm ấy, chuông điện thoại bàn reo, bà nghe tiếng một lao động trên tàu của chồng mình báo về “tàu bị nạn rồi”, vậy là đất trời chao đảo, bà ngã lăn ra nền nhà, không còn biết gì. Hàng xóm đến chăm sóc, động viên và cũng ngay chiều đó, anh em ở Trạm kiểm soát Biên phòng Đà Rằng điện thoại ra Trường Sa nắm lại tình hình. Biết tin chồng và lao động trên tàu đã được bộ đội Hải quân đảo Song Tử Tây cứu sống, được ăn uống, chăm sóc chu đáo, bà mới hồi phục tinh thần, ngồi dậy được.
Nghe tin chồng mình được tàu cá của Quảng Ngãi đón, đưa về bờ, bà Lèo xin được đi cùng anh em BĐBP Phú Yên ra tận Quảng Ngãi từ chiều hôm trước. Suốt đêm nằm thao thức, bà đếm từng giờ, mong mau đến sáng để đón chồng trở về. “Tài sản của gia đình đã dồn hết cho con tàu, sau sự cố này gia đình tôi trắng tay, nhưng người còn, của còn. Chồng tôi còn sống thì vợ chồng tôi cố gắng làm ăn, gầy dựng”- bà Lèo nói trong niềm xúc động.
ÂN TÌNH
Ở tuổi 67, có hơn 45 năm vươn khơi, bám biển với nhiều lần chuyển đổi nghề từ đánh bắt nhỏ ven bờ sang đánh bắt xa bờ, thuyền trưởng Trần Bính cho biết, đây là tai nạn đầu tiên trong cuộc đời làm biển của mình. Kinh nghiệm sóng nước dày dạn khiến ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình cũng có lúc gặp nạn. Song, cũng trong hoạn nạn, thấy sự ân cần, chăm sóc, giúp đỡ của bộ đội Hải quân, BĐBP, của anh em ngư dân trên tàu cá Quảng Ngãi và các cấp chính quyền, ông mới thấm thía về ân tình lớn lao của mọi người đối với mình.
Trong căn nhà của thuyền trưởng Trần Bính, đông đảo bà con xóm làng và chính quyền có mặt để chia sẻ, động viên sau khi nghe tin ông bị nạn trở về - Ảnh: P.OANH
Câu chuyện về vụ tai nạn được thuyền trưởng Trần Bính kể. Hôm ấy là chiều 13/9, tàu của ông đang đi câu cách đảo Song Tử Tây 30 hải lý thì thấy gió rất săn, sóng đánh phủ cả trên boong tàu. Ông lái tàu chạy về phía đảo Song Tử Tây để trú. Mờ sáng, tàu cá đang chạy vào cửa đảo thì bị một con sóng to đẩy bật mũi tàu vào phía trái vũng âu. Ngay tức khắc, cái cảm giác tàu va phải rạn ngầm khiến ông tê điếng. Và dù cố hết sức nhưng ông không thể điều khiển được con tàu ra khỏi bãi rạn theo ý mình. Nước bắt đầu ùa vào, dìm con tàu ngập rất nhanh, ông Bính thấy bất lực và choáng váng, anh em ngư dân trên tàu cũng hoảng hốt. Người ôm can nhựa, người lấy áo phao vượt thoát khỏi con tàu. May, từ trong đảo, bộ đội Hải quân ra rất đông, có đến gần 300 chiến sĩ. Và ca nô, dây thừng đã được đưa ra để kéo tàu. Cả 7 ngư dân bị nạn
được ca nô Hải quân cứu vớt, đưa ngay vào bờ. Các dây thừng cũng nhanh chóng được cột, nối vào mũi con tàu, việc kéo tàu được triển khai với sự huy động tổng lực cán bộ chiến sĩ có mặt nhưng nhiều lần vẫn không có kết quả. Một nhóm chiến sĩ lặn xuống kiểm tra tàu và báo tin đáy tàu đã bị vỡ to, nước ngập sâu toàn bộ khoang tàu. Anh em nhận định không thể cứu kéo tàu nên quyết định tháo gỡ, đưa các vật dụng, tài sản còn sử dụng được lên bờ. 17 can dầu với hơn 500 lít là số tài sản trên tàu bị nạn được vớt lên bằng nỗ lực của bộ đội Hải quân tại đảo.
Một tuần sau đó, ngày 21/9, trong lúc hành nghề gần đảo Song Tử Tây, tàu cá QNg 90181 TS của ngư dân Tiêu Viết Hồng (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nhận thông tin của Hải quân tại đảo về việc hỗ trợ đưa ngư dân Phú Yên bị nạn về đất liền, anh Hồng đã cập đảo để đón cả 7 người.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và thuyền trưởng Trần Bính đang rôm rả thì có tiếng chuông điện thoại reo lên. Rất nhanh sau vài câu hội thoại, bà Lèo mang điện thoại ra đưa cho chồng, bồi hồi nói: Đảo trưởng đảo Song Tử Tây gọi điện về hỏi thăm gia đình. Ông Bính mở to loa để tất cả mọi người cùng nghe. Giọng thượng tá Vũ Văn Cường, đảo trưởng đảo Song Tử Tây nghe ấm áp. Đảo trưởng hỏi thăm sức khỏe, động viên ông Bính mau vượt qua khó khăn, khôi phục lại nghề để làm ăn. “Khi nào đóng tàu mới và ra biển, nhớ báo cho anh em lính đảo biết để cùng mừng bác nhé”. Những lời thăm hỏi mộc mạc, bình dị song tất cả chúng tôi và những ai có mặt trong căn nhà của thuyền trưởng Trần Bính đều cảm thấy xúc động, yêu thương và trân trọng.
Ngồi cạnh chồng, bà Lèo nghẹn giọng: “Tuy chưa ra đảo, chưa biết được cảnh sống của anh em lính đảo như thế nào nhưng lòng tôi luôn hướng về đảo. Mấy ngày nay, tôi ngày đêm cầu nguyện cho anh em luôn khỏe mạnh, bình yên và vững chắc tay súng hoàn thành nhiệm vụ”.
Còn ông Bính thổ lộ: “Không biết nói sao cho hết lòng biết ơn sâu sắc về những ân tình mà mọi người dành cho chúng tôi. Dù tuổi cao, sắp tới, tôi vẫn sẽ đóng tàu, khôi phục lại nghề để ra biển làm ăn. Còn chút sức lực nào là tôi còn quyết tâm bám biển vừa làm ăn, vừa bảo vệ vùng biển đất nước mình”.
PHƯƠNG OANH