Hai phần ba thời gian là làm việc dưới ánh nắng chói chang, nóng như thiêu như đốt, mồ hôi nhễ nhại, người đen như cột nhà cháy. Ấy vậy nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, làm quanh năm song tiền tích lũy không là mấy. Ai cũng cám cảnh nhưng phải cố gắng cặm cụi làm việc. Tất cả cũng chỉ vì cuộc mưu sinh. Đời thợ hồ là vậy.
NGHỀ KHÔNG PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH, TUỔI TÁC
Có lẽ thợ hồ là nghề dễ dãi trong việc chọn người. Ai có sức khỏe, mang vác được là có thể gia nhập vào “đội quân phụ hồ”. Làm được dăm tháng hay vài năm, nếu siêng năng, ham học hỏi cũng có thể trở thành thợ xây.
Ông ba Búp đã bước sang tuổi 66 nhưng hàng ngày vẫn đi cầm bay xây nhà. Ông đã gắn bó với nghề này gần 50 năm. Ông Búp nói: “Làm nghề này khổ, chỉ đắp đổi qua ngày nhưng cũng cố đi làm để có tiền”.
Gia nhập vào nghề này thông thường là phái mạnh. Song hiện nay, khá nhiều phụ nữ cũng tham gia. Những lúc mùa màng rảnh rỗi, chị Thừa - quê ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa ở tuổi tứ tuần cũng đi làm phụ hồ. Chị bảo: “Chồng làm thợ hồ không đủ nuôi cả gia đình. Công việc có khổ cũng phải ráng sức!”. Mỗi buổi trưa, chị phải về nhà để cho heo ăn vì nhà chẳng có ai mà con thì còn nhỏ. Xong xuôi đâu đó, chị lại tất tả xuống thành phố Tuy Hòa để tiếp tục công việc.
Thợ hồ Nguyễn Văn Thoại đang làm việc - Ảnh: Thanh Hoàng
Tí quê ở Hòa Trị, huyện Phú Hòa mới 15 tuổi, bước vào nghề phụ hồ được ba tháng. Em tâm sự: “Mùa hè ở quê em chẳng có gì làm nên theo ông cậu làm nghề này. Với lại, em học cũng không giỏi nên chắc nghỉ học luôn quá!”. Sau một buổi làm cực nhọc, đến giờ nghỉ trưa, hai cậu cháu giở túi cơm mang theo. Bữa cơm đạm bạc chỉ với vài con cá kho nhưng cậu bé ăn ngon lành. Nhìn cậu bé cao lêu nghêu, mảnh khảnh, còn chưa hiểu rõ được sự đời đã phải mưu sinh kiếm sống, tôi thoáng chạnh lòng.
Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh quê ở xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa cũng làm nghề này. Mờ sáng, vợ đã chuẩn bị cơm đùm cơm nắm mang theo. Nghỉ trưa, cả hai vui vẻ với bữa cơm nhạt. Chiều, lại chở nhau về.
KHỔ VÀ NHIỀU HIỂM NGUY
Một ngày làm việc của thợ hồ thường không dưới 8 tiếng đồng hồ. Từ mờ sáng, các nhóm thợ đã tụ tập về một căn nhà đang xây dở để bắt đầu một ngày làm việc. Dưới ánh nắng chói chang, các thợ hồ vẫn mặc phong phanh, có người còn cởi trần để cho… mát.
- “Hồ Tèo ơi!”.
- “Có ngay”.
- “Tí, mang nước và hồ khô lên đây”
- “Dạ”. Đó là những câu trao đổi thường thấy giữa thợ xây và phụ hồ.
Mồ hôi nhễ nhại, anh Tèo vắt chân mang hồ cho kịp. Một mình anh nhưng phải mang hồ cho 4 người xây cùng lúc. Nhiều khi ông “đồng nghiệp” nghỉ vì bệnh hay bận làm nơi khác thì một mình anh xúc cát, lấy xi măng, nhào trộn lại sau đó mang hồ đi, mệt bở cả hơi tai.
Thỉnh thoảng, anh rít lấy rít để điếu thuốc lá cho đã ghiền rồi làm tiếp. Theo anh, làm phụ hồ khổ nhất là lúc đổ bê tông sàn nhà và lúc tô nhà. Đổ sàn bê tông thì khổ cả phụ lẫn thợ chính. Tô nhà thì cần hồ nhiều hơn lúc xây nên phụ hồ làm phải nhanh hơn, chạy phải mau hơn.
Độ nguy hiểm cao khi làm việc - Ảnh: Lê Minh
Anh Tèo đã có thâm niên 7 năm làm phụ hồ. Trước khi bước vào nghề này, anh cũng kinh qua khá nhiều việc lao động chân tay, song cuối cùng lại chọn nó. Anh bảo: “Làm nghề này là phải dầm mưa dãi nắng, vất vả cực nhọc. Tui dám chắc không gì khổ bằng. Khổ nhưng phải theo vì không có chuyện gì làm, thêm vào đó nó ổn định hơn là đi bốc vác”.
Tuy nhiên, ở nghề này, không có cái khổ nào giống nhau. Người thợ xây thì có cái nhọc riêng của họ. Đó là phải đứng yên một chỗ, phơi mình dưới cái nắng chói chang gay gắt. Nhiều người thợ khi tô trần nhà xong thì áo quần ướt đẫm mồ hồi bởi không khí oi bức, ngột ngạt.
Không chỉ dầm mưa dãi nắng, thợ hồ cũng gặp nhiều rủi ro trong lao động. Hình như không có ai trong nghề này lại chưa bao giờ dẫm phải đinh. Những miếng ván đóng cốp pha đầy đinh nhọn được dỡ bỏ mỗi khi đổ sàn luôn là mối nguy hiểm rình rập, đe dọa họ. Anh Tèo tỉnh bơ nói: “Dậm đinh là chuyện thường, không xi nhê gì đối với nghề này!”
Anh Toản ở phường 4, có lần xây một cái nhà nhưng anh bị tai nạn những hai lần. Một lần, anh vấp phải đinh nhọn, xuyên qua cả dép đâm vào bàn chân, một lần bị một mảnh gạch rơi từ cầu thang tầng 2 xuống đỉnh đầu, máu vọt ướt đẫm cả nón, phải vào viện khâu 5 mũi. Đối với họ, chuyện bảo hộ lao động là rất xa vời. Khi được hỏi tại sao không mang mũ bảo hộ lao động, anh Toản đáp: “Mang chiếc mũ ấy nóng lắm, chúng tôi chịu, chẳng thể nào đội được!”.
Công việc thì nặng nhọc nhưng thu nhập của thợ hồ chẳng đáng là bao. Hàng ngày, mỗi thợ chính được chủ thầu trả công từ 30 đến 35 ngàn đồng, thợ phụ thì từ 25 đến 28 ngàn đồng, phụ hồ lãnh “bèo” nhất chỉ được 20 đến 22 ngàn đồng. Ấy vậy mà có khi họ còn bị nhà thầu lừa làm không công. Anh Tèo trước đây cũng đã từng bị ông chủ lừa mất 200.000 đồng. Số là anh có tham gia cùng nhóm thợ làm cầu và lề đường Hùng Vương. Ông chủ thầu có công ty đặt tại Bình Định hứa rằng: 28 Tết cậu xuống nhận số tiền còn lại. Thế nhưng, đêm trước đó, ông ta đã cho dỡ trại và biến mất, cướp đi số tiền của hàng chục người thợ nghèo. Anh tâm sự: “Người thợ may mắn là gặp được ông chủ đàng hoàng, sòng phẳng!”.
THẠO NGHỀ DỄ CÓ MẤY AI
Người ta thường bảo rằng, không có việc gì làm, thôi đi làm thợ hồ cho rồi. Song làm thợ thì dễ nhưng để trở thành một người thợ chính không phải là dễ tí nào. Thông thường, sau nửa năm làm phụ hồ có thể cầm bay xây được rồi. Song để làm thợ chính thì phải vượt qua một quãng thời gian dài: 3 năm, 5 năm, 10 năm, thậm chí có người cả đời vẫn không thành. Thường những công việc khó như chạy chỉ trần hay mặt tiền căn nhà, ốp tường, lát nền đều do thợ chính lâu năm đảm nhiệm. Người ta chỉ cần nhìn vào các đường chỉ sắc nét, cách lát gạch thẳng hàng, không vênh là có thể biết được tay thợ cao hay không. Anh Nguyễn Văn Thoại ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa tiết lộ: “Không phải thợ nào cũng đóng gạch được mà phải thợ có tay nghề thì đóng mới đẹp. Tô nhà cũng vậy. Tô mà không khéo thì sẽ đổ từng mảng xuống”. Chính vì vậy mà anh Tèo dù đã có thâm niên trong nghề vẫn chỉ là một thợ phụ. Ông Diệp Thế Duy vào nghề thợ hồ cách đây hơn 20 năm. Từ một phụ hồ, ông phấn đấu trở thành đội trưởng đội xây dựng của Công ty Xây dựng số 1. Đến năm 1982, ông trở thành nhà thầu. Khi đi xây nhà, ông là chủ thầu, song cũng là thợ cả. Có ông giám sát, chủ nhà cũng phần nào yên tâm. Ông bảo: “Nghề này là nghề vô cùng nên có người cả đời vẫn không thể trở thành thợ giỏi được. Nó phụ thuộc vào khả năng của người đó”.
Để có đủ tiền trả cho anh em thợ, cùng một lúc nhà thầu nhận thi công khoảng 2-3 căn nhà thì mới có lãi cao. Nếu chỉ nhận được một cái sau khi trả công cho thợ, trả tiền thuê máy móc, số còn lại không được bao nhiêu. Do vậy, ta thấy mỗi căn nhà khi mới khởi công thì tiến độ rất nhanh, nhưng khi về cuối lại chậm hơn dự kiến. Những người thợ đang thi công một ngôi nhà mới khác.
Một ngày làm việc của thợ hồ kết thúc. Mỗi người thợ tự đi rửa đồ nghề của mình. Xong đâu đấy, họ lại í ới: “Đi làm vài xị rượu nghen!”. Trong lúc lai rai nhậu, họ trầm trồ về những căn nhà phố sang trọng, đẹp mắt ở bên kia đường. Một người ao ước”Biết bao giờ bọn mình được ở trong những căn nhà như thế?”. “Thôi đi, đừng nằm mơ!” một người khác trong nhóm cắt ngang giấc mơ giữa ban ngày của họ.
THANH HOÀNG