Thứ Ba, 01/10/2024 04:31 SA
Người giữ những sắc màu thổ cẩm
Thứ Ba, 12/12/2006 07:06 SA

Mang tình yêu những sắc màu thổ cẩm, bà La Lan Thị Minh (tên thường gọi là mí Nhung) ở buôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) luôn trăn trở trước nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm của buôn làng. Thuộc lớp người đi trước bà tự thấy mình phải có trách nhiệm truyền nghề cho những cô gái trẻ trong làng. Nhờ  vậy mà văn hoá truyền thống của dân tộc Ba Na không bị mất đi.

 

“HỒN” THỔ CẨM

 

Hai tay đeo vòng, cổ đeo kiềng bạc, đầu quấn khăn, mặc trên người bộ trang phục Bana truyền thống, trông mí Nhung càng “truyền thống” hơn khi ngồi trong ngôi nhà sàn. Phải chờ đến khi ánh nắng tràn ngập trong buôn, mí Nhung mới bắt đầu dệt vải. Ông La Chí Thái (chồng mí Nhung) nói: “Mắt bà ấy hơi yếu rồi, trong nhà lại tối quá, không thấy rõ được. Ngày nào bà ấy cũng ngồi chờ nắng lên để dệt. Bà ấy mê dệt lắm. Không bỏ được đâu.” 

 

061212-det-1.jpg

Mí Nhung hướng dẫn cách gầy dựng hoa văn cho một cô gái trong buôn – Ảnh: NGỌC DUNG

 

Hơn 65 mùa rẫy đi qua nhưng đôi tay mí Nhung vẫn lướt thoăn thoắt trên khung   dệt. Từ đôi tay mí, những hoa văn thổ cẩm được tạo nên, thấp thoáng ẩn hiện hình ảnh của đại ngàn, những dòng thác bạc trắng xoá, những mái nhà rông cao vút, điệu múa xoan uyển chuyển của các chàng trai, cô gái Barna, lễ hội đâm trâu xoay cột... Người ta nói trang phục thổ cẩm của một dân tộc thiểu số thể hiện đậm nét sắc thái văn hoá của dân tộc ấy, bởi nó phản ánh văn hoá truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Những đường nét hoa văn thổ cẩm tinh tế, độc đáo với ba màu đen, đỏ, vàng rực rỡ, bay bổng như ước mơ và khát vọng của người Barna. Màu đen tượng trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó, màu đỏ tượng trưng cho tình yêu và khát vọng. Màu vàng là ánh sáng, là sự kết hợp hài hoà của con người với trời đất.

 

Trước đây, các cô gái Barna khi lớn lên đều được mẹ bày cho cách dệt vải. Những ngày hội của buôn làng là dịp để các cô gái diện bộ trang phục đẹp nhất. Phụ nữ Barna khoe đôi bàn tay tài hoa, khéo léo qua hoa văn trên váy áo. Vì thế, rất ít người muốn truyền nghề cho nguời khác ngoài con gái mình. Mí Nhung biết dệt từ năm12 tuổi, đến giờ những kiểu gầy dựng hoa văn của mẹ, của chị vẫn ăn sâu vào trí nhớ mí. Mí Nhung nói: “Hồi trước, trong buôn nhà nào cũng có khung dệt. Bộ váy áo thổ cẩm được coi như là của cải của người mẹ cho con gái đi lấy chồng. Quý lắm!”.

 

Nhưng giờ thì mí hiểu, không thể chỉ dạy cho con gái của mình trong khi buôn làng chẳng còn mấy người biết dệt. Những năm trời không mưa, nương rẫy khô hạn, cây sắn, cây ngô đứng gục đầu trên rẫy, đôi mắt người trong làng. Nhìn những khung dệt bị bỏ trống, bụi bám đầy, bụng mí Nhung buồn lắm. Sau này, cuộc sống đỡ khó khăn hơn, nhưng trong buôn ít người nhớ cái nghề nhọc công, tỉ mẩn này. Đám con gái trong làng lại càng ít đứa biết, mí Nhung lo lắm. Những người lớn tuổi biết dệt như mí, mí Cử, mí Nga rồi cũng đi về với ông bà, tổ tiên bên ngọn núi ChaPe, K’LayOi, nếu không truyền cho lớp trẻ thì văn hoá dân tộc mình sẽ bị mất đi. Mí đã mấy bận đi lên xã nói nỗi lo của mình .

 

ĐỂ CON CHÁU KHÔNG MẤT GỐC, MẤT NGUỒN

 

Nghe hỏi về chuyện dạy dệt thổ cẩm cho các học sinh lớp 8, lớp 9 Trường dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân và 20 cô gái trong buôn, mí Nhung phấn khởi: “Thấy tụi trẻ thích học, mình ưng cái bụng lắm. Mình biết thì phải chỉ cho chúng, để sau này chúng cũng dệt như mình.  Giờ thì mình không còn lo nữa. Tụi trẻ học hào hứng lắm“.

 

Trước đây Mí Hoa, người trong làng cũng muốn con gái mình biết dệt thổ cẩm nhưng ngặt nỗi mí Hoa không biết dệt, thành ra không chỉ dạy được. May mà đã có mí Nhung dạy lại. Mí Hoa vui lắm: “Dệt thổ cẩm khó quá. Có người làm một chiếc áo mất đến 3 tháng cũng chưa xong đâu. Nhưng mà phải làm. Làm để con cháu biết. Mí Nhung như thế là tốt lắm đấy!”.

 

Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Hồ Nam Khánh: Hiện nay, buôn Xí Thoại có đến 75% nếp nhà sàn có khung dệt. Đó là nhờ sự góp sức rất lớn của những nghệ nhân như mí Nhung trong việc lưu giữ nghề truyền thống của người Barna ở đây...

Nhìn những sản phẩm của “học trò” làm ra trưng bày ở Nhà văn hoá Xí Thoại, tuy chỉ là chiếc khăn cột đầu, cái quai của túi xách… nhưng mí Nhung ưng cái bụng lắm. Chị Mang Thị Sồm, một “học trò” gầy dựng hoa văn đẹp nhất trong lớp, nói: “Ban đầu học khó lắm, định nghỉ đấy. Nhưng có Mí Nhung động viên, giờ đã có thể dệt được bộ váy áo cho mình và cho con gái rồi”. Chị Sồm tâm sự : “Mình phải cố gắng học để sau này bày lại cho mấy đứa cháu mình nữa. Biết dệt như thế này cũng là nhờ Mí Nhung. Mí nhiệt tình với mình lắm đấy”.

 

Ngày trước, để có thổ cẩm đẹp là rất nhọc công. Không chỉ trồng bông, cán bông, kéo sợi, bà con phải lên rừng tìm cây về làm thuốc nhuộm. Muốn có màu vàng thì phải nhuộm bằng củ kxơn, muốn có màu đen phải dùng vỏ, lá cây chàm, muốn có màu đỏ thì dùng vỏ cây kxan. Còn giờ thì dễ rồi, đã có len bán đầy ở các chợ. Ngày trước để nhuộm, dệt một bộ váy áo phải mất 3 tháng trời. Giờ thì nhanh hơn, nhưng cũng phải mất 2 tháng. Một bộ váy áo được bán với giá 1 triệu đồng. Nhưng nghệ nhân La Lan Thị Hoài, chị gái của Mí Nhung, người có đôi tay gầy dựng được nhiều kiểu hoa văn  thuộc loại đẹp nhất ở  huyện miền núi Đồng Xuân này, bảo: “Cái quý nhất là đã bảo tồn được nét văn hoá truyền thống của dân tộc”. Vì lớn tuổi, mắt yếu mà bà Hoài không thể đứng ra dạy lại cho con cháu. Bà nói về việc làm của mí Nhung: “Dạy dệt thổ cẩm cũng là để giữ cho sau này đấy, cho tương lai con cháu, không mất gốc, mất nguồn”.

 

8 năm trước, lễ hội đâm trâu xoay cột tổ chức ở Xí Thoại. Phóng viên truyền hình yêu cầu 22 cô gái trong đội múa xoan mặc trang phục truyền thống của người Barna. Kiếm khắp buôn Xí Thoại chỉ được vài chiếc áo, xã phải lên Làng Đồng (xã Phú Mỡ) và qua huyện Vân Canh (Bình Định) mượn. Còn bây giờ không lo nữa rồi, những ngày hội như thế buôn làng Xí Thoại tràn ngập sắc màu thổ cẩm. Niềm vui lại ngời lên trong ánh mắt rạng rỡ của các cô gái, chàng trai và người già ở đây. Để có những niềm vui như thế không thể không nhắc đến một người đầy tâm huyết với truyền thống quê hương như mí Nhung.

 

NGỌC DUNG

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đăng chấn trên đầm Ô Loan
Thứ Hai, 04/12/2006 08:21 SA
Nỗi đau của ngành giáo dục
Thứ Sáu, 24/11/2006 07:48 SA
Người phụ nữ vực dậy nghề đan đát
Thứ Hai, 20/11/2006 09:31 SA
Lặng lẽ trả ơn cho đời
Thứ Sáu, 17/11/2006 10:37 SA
Xóm đồng nát hiếu học
Chủ Nhật, 12/11/2006 09:59 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek