Những tháng cuối năm, nhiều hộ gia đình làng gốm thôn 5, xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) tranh thủ sản xuất các sản phẩm truyền thống bán chạy như chậu kiểng, hỏa lò,.. cho thu nhập từ 1- 1,5 triệu đồng/hộ/ tháng. Riêng chỉ có nhà chị Trần Thị Chiên vẫn miệt mài theo đuổi làm hàng gốm thủ công mỹ nghệ. Đây là thời điểm kiếm tiền của người làng nghề nên ai cũng bảo chị khéo “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, phí công làm hàng mỹ nghệ mà chẳng thấy tiền nong đâu cả, trong lúc nhà đông con và khó khăn trăm bề...
QUYẾT TÂM HỌC GỐM MỸ NGHỆ
Chị Chiên đang hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường – Ảnh: Q. THUẦN
Khi Sở Công nghiệp triển khai dự án đào tạo nghề sản xuất gốm đất nung mỹ nghệ cho làng nghề gốm thôn 5, chị Chiên là người đầu tiên đăng ký tham gia khóa học. Chị bảo đăng ký vậy thôi chứ chưa chắc mình đi học được. Khóa học phân ra hai giai đoạn, giai đoạn một học tại Cơ sở gốm đất nung Lê Đức Hạ, tỉnh Quảng
Vì suy nghĩ đó, nên khi nghe lãnh đạo xã thông báo tuyển người đi học nghề gốm mỹ nghệ, chị xung phong liền, vì tin rằng nghề này sẽ đưa đời sống người làng nghề phát triển hơn. Chị bắt đầu làm công tác vận động, phân tích, thuyết phục chồng và mẹ chồng ủng hộ chị đi học. Mẹ chồng chị ủng hộ con dâu bằng cách quyết định sang ở nhà chị hai tháng, để giúp đỡ việc nhà và cùng mẹ ruột chị chăm sóc các cháu.
Do có chút năng khiếu về mỹ thuật nên trong thời gian đào tạo ở Cơ sở gốm mỹ nghệ Lê Đức Hạ, chị là người tiếp thu nhanh và thành thạo các công đoạn kỹ thuật của nghề mới như: khuấy hồ, trộn thủy tinh, đổ khuôn, tạo mẫu… và tự tổ chức sản xuất hoàn chỉnh được 20 sản phẩm với từ 5 đến 7 mẫu khác nhau như tượng, phù điêu, tranh đất, lọ cắm hoa, đèn treo tường… Anh Lê Đức Hạ, chủ cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ, nhận xét: “Điều Chiên làm tôi ngỡ ngàng là sự quyết tâm đi học trong khi nhiều lao động khác phải năn nỉ, mời gọi mới chịu học”.
NHƯ CON ONG CẦN MẪN...
Ông Nguyễn Gia Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Vinh nhận xét: Mặc dù hoàn cảnh khó khăn đơn chiếc, đông con, chồng làm ăn xa, song chị Chiên đã tham gia dự án rất tích cực. Chị là người có năng khiếu mỹ thuật và sẽ là hạt nhân đưa làng nghề phát triển. Nếu chị có ý định mở cơ sở sản xuất, xã sẵn sàng tạo điều kiện về mặt bằng, đồng thời tìm nguồn hỗ trợ vốn cho chị. Xã cũng sẽ quy hoạch một tiểu khu dành cho bất cứ cá nhân nào muốn có mặt bằng mở cơ sở, bên cạnh đó còn xây dựng cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm gốm mỹ nghệ cho làng nghề.
Kết thúc khóa đào tạo tại tỉnh Quảng Nam, chị được Sở Công nghiệp và Cơ sở gốm mỹ nghệ Lê Đức Hạ chọn làm hạt nhân nòng cốt cùng với 7 lao động khác đảm nhiệm vai trò đào tạo lại cho 50 lao động của hai làng nghề gốm An Thạch (Tuy An) và Hòa Vinh (Đông Hòa) ở giai đoạn hai trong thời gian 4 tháng. Nhà chị trở thành cơ sở đào tạo nghề. Những tháng đầu, số lượng học viên theo học khá đông, nhưng khi mùa vụ gieo cấy đến, thì học viên lại bỏ học, một số quay sang làm hàng truyền thống bán nhân dịp giáp Tết. Dù chỉ còn một vài người theo học, chị vẫn nhiệt tình hướng dẫn. Mẹ chị nói: “Nó say mê đến nỗi có bữa quên cả ăn trưa, cơm để dành mà đến quá bữa vẫn chưa thấy ăn. Tôi phải nhắc thì mới nhớ”ù. Đôi bàn tay lúc nào cũng lấm đất, bận rộn nhào nặn, đổ khuôn, tạo mẫu và thật tinh tế trong từng động tác, mỗi sản phẩm thể hiện sự tâm huyết và khả năng thẩm mỹ của người thợ.
Được nhà nước tạo điều kiện cho học nghề và duy trì được nghề là niềm vui của chị, nhưng bên cạnh niềm vui chị cũng có lắm nỗi niềm bởi, nhiều người cho rằng chị hăng hái đi học là để lấy tiền nhà nước, là để “nịnh cấp trên giúp vốn mở cơ sở riêng rồi làm chủ”. Những lời dị nghị của xóm làng đã có lúc làm cho hạnh phúc gia đình chị xáo trộn. Điều khiến chị buồn nhất là dân làng nghề nghi ngờ sự nhiệt tình và cho rằng chị không tận tâm truyền hết những gì đã được học, giấu đi những “bí quyết nghề” để được độc quyền. Họ đến học nhưng mang tư tưởng “học cho biết nghề”, với tâm lý học nghề xong phải có tiền liền từ sản phẩm làm ra. Nếu không có tiền thì không làm, nếu có làm thì cũng không muốn làm thuê cho người khác thà quay lại làm hàng truyền thống. Trước mắt sản phẩm gốm mỹ nghệ sản xuất tại cơ sở chị được DNTN Đại Hưng Phát hợp đồng bao tiêu, nhưng do trong quá trình vừa học vừa làm, số lượng sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp, vì thế thu nhập từ sản phẩm chưa nhiều. Điều này khiến cho nhiều lao động nản chí – chị tâm sự: “Nếu mình đáp ứng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp với một khối lượng sản phẩm lớn thì cần có một đội ngũ lao động lành nghề nhưng nguồn nhân lực này không dễ có được tại làng nghề. Bước đầu có được nơi tiêu thụ hàng như thế là mừng lắm rồi”.
ƯỚC MƠ SỐNG ĐƯỢC BẰNG NGHỀ
Dáng người nhỏ nhắn nhưng đôi mắt chị Chiên ánh lên vẻ rắn rỏi cương nghị đầy quyết tâm: Dù khó khăn đến mấy, chị quyết thành công với nghề tùy vào khả năng của mình. Nếu có ai đó đứng ra thành lập cơ sở sản xuất mặt hàng này, chị sẵn sàng làm thuê để nâng cao tay nghề và chấp nhận sự khắc nghiệt ban đầu. Hiện, mặt hàng gốm mỹ nghệ đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Chị Chiên thổ lộ mơ ước có điều kiện học thêm các khóa đào tạo chuyên về thiết kế tạo mẫu sản phẩm và chỉ thích làm ở bộ phận quan trọng này.
Ở tuổi 37, cuộc sống lam lũ, khó khăn có làm cho gương mặt của chị già trước tuổi, nhưng tinh thần ham học hỏi, cầu tiến và ấp ủ nguyện vọng làm giàu chính đáng vào chính đôi bàn tay tài hoa ở người phụ nữ này thật mãnh liệt. Tuy vất vả với công việc đồng áng, nhưng chị vẫn cố gắng tham gia khóa đào tạo “Khởi sự doanh nghiệp” dành cho lao động nông thôn do Sở Công nghiệp tổ chức để có thêm kiến thức về kinh doanh.
BÍCH HÀ