Thứ Ba, 01/10/2024 04:32 SA
Đăng chấn trên đầm Ô Loan
Thứ Hai, 04/12/2006 08:21 SA

Mỗi đêm, một sõng đăng chấn kiếm được trên dưới 40.000 đồng. Tuy vất vả và thu nhập không cao, nhưng nhiều ngư dân - cả nam lẫn nữ ở An Cư đã theo nghề này hàng chục năm qua.

 

ĐI ĐĂNG CHẤN

 

Qua khỏi cầu tạm Long Phú là đến thôn Tân Long (xã An Cư huyện Tuy An). Chập choạng tối, đang là mùa làm ăn nên từ đầu đến cuối thôn, trước sân nhà nào cũng để đầy đèn dầu, chuẩn bị cho một chuyến đăng chấn đêm trên đầm Ô Loan.

 

061204-ngu.jpg

Chị Phát đang cột chấn trên đầm ô Loan – Ảnh: LỆ VĂN

Các cụ cao niên trong thôn kể rằng, nghề chấn ở Tân Long đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, phát triển rầm rộ nhất chỉ khoảng 10 năm trở lại. Đây cũng là khoảng thời gian mà người làm nghề đăng chấn tôm trên đầm Ô Loan khấm khá nhất.

 

Anh Nguyễn Mười, cán bộ Ban quản lý thủy sản đầm Ô Loan cho biết: “Bình quân, hằng ngày có khoảng 100 người đăng chấn tôm, một người đi chấn thường đăng từ 5-8 miệng lưới. Trước đây, họ đăng gần hơn, nhưng hiện nay do số lượng người tham gia vào nghề này khá đông nên phải di chuyển xa hơn”. Từ 4 giờ chiều cho đến tối, dân Tân Long chộn rộn chuẩn bị miệng lưới, kiểm tra lại đèn dầu, sõng nan… để ra đầm. Sau khi kiểm tra mọi thứ cần thiết, anh Trần Thái Phong vui vẻ cho tôi theo anh đi đăng chấn. Chiếc sõng nan của anh đã bé, lại chất đầy miệng lưới và chở thêm người nên mép sõng lúc nào cũng liêm liếp mặt nước.

 

Sau khi bơi gần 20 phút, chúng tôi đến địa điểm cần đăng. Anh Phong ra trước đầu sõng để bủa những miệng lưới xuống mặt nước theo hình tam giác. Công việc nhìn có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Sau khi bủa 8 miệng chấn xong, anh Phong kiểm tra lại đáy, xem thử có bị cuốn ra ngoài không. Sau đó anh bỏ đá xuống đáy để dằn, chong đèn dầu lên từng miệng chấn để dụ tôm vào…

 

Tranh thủ thời gian rỗi, anh Phong kể cho tôi nghe về nghề đăng chấn trên đầm. Nếu không có kinh nghiệm, không am tường từng con nước lên xuống theo thủy triều thì không thể nào kiếm sống được! Chỉ cần treo đèn không đúng, khi nước quá lớn sẽ tràn vào làm đèn tắt, coi như hôm đó mất ăn.

 

 “Nghề đăng chấn phát triển khá mạnh ở các vịnh, đầm Phú Yên, thu hút một lực lượng lao động khá lớn. Để làm nghề này cần phải có một tấm lưới gồm có 4 phần (lấy đường viền làm chuẩn) từ viền miệng đến 3m đan cỡ lưới 13mm, tiếp đến cứ cách nhau 2m lại đan một cỡ lưới (12mm, 10mm, 7mm), và đến đáy đan cỡ lưới 7mm, trên các đường viền đều gắn chì và phao.

 

Hiện nay, giá một miệng chấn bình quân từ 700.000 – 800.000 đồng. Ngoài ra người làm nghề còn đóng thuế mặt nước 3.000đ/miệng chấn/tháng. Đèn dầu thì tự “độ”. Anh Phong nói: Chính vì đi chấn cần phải có đèn dầu nên Tân Long từ bao đời nay vẫn được gọi là “xóm đèn dầu”, mặc dù điện đã thắp sáng nơi này từ mấy năm qua.

 

VẤT VẢ MƯU SINH

 

Theo Phó Trưởng thôn Tân Long Nguyễn Ngọc Cừ, hiện toàn thôn có 100 hộ dân làm nghề đăng chấn. Ông Thạch, một ngư dân có thâm niên 15 năm trong nghề, cho biết: Trước kia, chúng tôi đi từ 6 giờ chiều, đến 9 giờ tối thì về. Nay vì lượng người tham gia đông mà diện tích đấu thầu mặt nước trên đầm thì có hạn nên họ phải đi xa hơn. Sau mỗi chuyến đi, thu được tôm đất thì đã có các đầu nậu chờ sẵn để gom hàng đem ra chợ. Ngoài tôm đất, thỉnh thoảng còn “trúng mánh” tôm hùm, cua, ghẹ… Nhờ vậy mà thu nhập cũng tăng thêm.

 

061204-ng.jpg

Anh Phong đang tung các miệng chấn xuống đầm – Ảnh: LỆ VĂN

Bình quân, mỗi đêm, một người đi chấn thu hoạch từ 0,5-1kg tôm đất, giá bán từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Hấp lực của nghề này còn thu hút cả những người phụ nữ. Cũng theo ông Cư, Tân Long có 7 phụ nữ làm nghề đăng chấn. Ông đưa tôi đi gặp chị Trần Thị Phát – người hơn 10 năm đăng chấn khi sõng của chị vừa cập bến. Chị tâm sự: “Nghề nào cũng vậy thôi! Đàn ông làm được thì phụ nữ chúng tôi cũng cáng đáng tốt! Tuy có cực đó, do phải thức đêm thức hôm, nhưng khi làm rồi thì sẽ quen việc. Nếu không, biết sống bằng nghề gì đây?

 

Nhà neo người nên chị phải xắn tay làm mọi việc, từ vá lại lưới, đóng cọc xuống đầm để đánh dấu chỗ đăng chấn cho đến sửa sõng. Nhưng người phụ nữ ngoài 40 tuổi này không bao giờ ca thán mà chỉ mong sao hằng đêm, có thể kiếm được vài chục ngàn để đong gạo. Đâu phải lúc nào đầm cũng chiều lòng người. Có hôm trúng gần 2kg tôm đất, có bữa phải về tay không lỗ tiền mua dầu và mất công phải thức đêm… đỏ con mắt.

 

Chị Phát nói, sợ nhất là những hôm trời mưa to gió lớn. Theo kinh nghiệm của cha ông truyền lại thì đây là lúc thu được nhiều tôm. Tuy nhiên, giữa đầm nước mênh mông mưa gió thì việc chèo sõng, canh các miệng lưới để kẻ gian không lấy mất quả là không dễ đối với phụ nữ! Chị Phát phân bua: “Mỗi miệng lưới gần 800.000 đồng, nếu sơ sẩy một chút, bị kẻ gian lấy mất thì phải làm ít nhất 3 tháng mới mua lại được”…

 

Những người mưu sinh bằng nghề đăng chấn trên đầm Ô Loan ngại nhất là việc chích điện và kéo lưới điện trên đầm. Việc này không chỉ hủy hoại môi trường mà còn làm tuyệt chủng nhiều loài thủy sản.

 

Tôi rời Tân Long khi ánh bình minh vừa bừng sáng, ngang qua chợ quê đầu thôn chỉ toàn là tôm đất và những người làm nghề quần áo còn sũng ướt. Văng vẳng bên tai là những câu hỏi thăm nhau của ngư dân: Hôm nay trút chấn được bao nhiêu?

 

VĂN TÀI

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau của ngành giáo dục
Thứ Sáu, 24/11/2006 07:48 SA
Người phụ nữ vực dậy nghề đan đát
Thứ Hai, 20/11/2006 09:31 SA
Lặng lẽ trả ơn cho đời
Thứ Sáu, 17/11/2006 10:37 SA
Xóm đồng nát hiếu học
Chủ Nhật, 12/11/2006 09:59 SA
Đi mua sim đẹp!
Thứ Hai, 30/10/2006 14:32 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek