Thứ Hai, 25/11/2024 10:32 SA
Về chiến khu Đ
Chủ Nhật, 29/07/2012 14:00 CH

Một ngày cuối tháng 7, hơn 200 học viên lớp tập huấn “Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật” các tỉnh phía nam được về Chiến khu Đ (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) - nơi diễn ra bao cuộc đấu tranh cam go mà anh dũng, trở thành “địa chỉ đỏ” của cả nước.

 

Chien-khu-D120729.jpg

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên mô hình chiến sĩ - Ảnh: T.THỦY

BĂNG RỪNG GIÀ VÀO CĂN CỨ ĐỊA

 

13g30, đoàn xe đưa chúng tôi từ trung tâm TP Biên Hòa tiến về chiến khu Đ. Ngồi trên xe, ai nấy đều được trải nghiệm những cảm giác thú vị trong rừng già. Khu vực này có cảnh báo bò tót và heo rừng thường xuất hiện.

 

Giọng xứ Nghệ của cô thuyết minh cất lên: “Chiến khu Đ là căn cứ kháng chiến nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam. Đây là nơi ra đời kỹ thuật đặc công và lực lượng đặc công đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày nay, di tích Chiến khu Đ là di tích quốc gia, là niềm tự hào, là biểu tượng truyền thống cách mạng kiên cường của người Đồng Nai và của cả miền Đông Nam Bộ. Đ là mật danh để che mắt địch”. Ai nấy đều có tâm trạng phấn khởi, háo hức vì được đến nơi đã ghi dấu những chiến công.

 

Con đường chúng tôi vào có tên gọi 322 hay đường Trần Lệ Xuân. Đường này do chính bà Trần Lệ Xuân mở với mục đích thuận tiện cho việc khai thác gỗ và để bọn biệt kích, mật thám xâm nhập vào căn cứ địa chiến khu Đ. Hai bên đường, cán bộ công nhân viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (KBT) trồng những loại cây đặc trưng của rừng miền Đông Nam Bộ như dầu, sao; cây cảnh như bông giấy, bông sứ, trạng nguyên và rau bìm bịp. “Cây bám rễ sâu, đất ôm chặt tận đáy lòng”, lời bài hát được giọng ca xứ Nghệ cất lên như đưa du khách hòa vào thiên nhiên.

 

Qua hết con đường nhựa, xe chạy dọc con đường đất đỏ quanh co đưa chúng tôi đến với căn cứ Khu ủy miền Đông (một trong những căn cứ nằm trong căn cứ địa chiến khu Đ). Con đường này thường được gọi 3c: cong, cua, còi. Không thể đi nhanh, chúng tôi cảm nhận không khí rừng xanh bạt ngàn của hệ sinh thái KBT. Đoàn tham quan có dịp hiểu thêm sự hy sinh của cha ông qua lời thuyết minh: “Sống ở rừng thiêng nước độc, ngoài sự nguy hiểm trước kẻ thù, các đồng chí phải chống chọi với động vật, thực vật, sốt rét rừng. Miếng mồi ngon cho cọp 3 móng là những chiến sĩ, bộ đội địa phương, đồng bào vận chuyển vũ khí. Có những ngày, cọp giết tới 200 người. Đến khi bộ đội nuôi heo, cọp nhào vào bắt heo. Chiến sĩ theo dõi lịch sinh hoạt và cách sống của nó, mới tiêu diệt được loài cọp 3 móng này”.

 

“ĐỊA CHỈ ĐỎ” VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ

 

Tại nhà tưởng niệm căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Duy Quát, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và đoàn tham quan đãthành kính dâng hoa, thắp hương bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đãhy sinh vìsự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

 

Sau đó, đoàn người tháp tùng về căn cứ đã được khôi phục. Những cây rừng trăm tuổi vẫn hiên ngang bao bọc căn cứ như một biểu tượng bất khuất. Và mặt đất vẫn xanh rờn màu cỏ cây... Khu căn cứ tọa lạc trên đỉnh đồi đất sỏi khá bằng phẳng, độ dốc thoai thoải, diện tích trên 28ha. Căn cứ Khu ủy được cấu thành bởi hệ thống giao thông hào có chiều dài gần 600m, sâu từ 50-60cm, rộng 60cm; hệ thống địa đạo liên hoàn theo hướng Đông - Bắc và Tây - Nam có chiều dài trên 260m, nhiều đoạn gấp khúc quanh co và các ngãba nối thông nhau hoặc nối lên các cửa hầm; lối vào địa đạo độc lập, chủ yếu dạng hình tròn và chữ nhật, độ sâu từ 3-4m trong các phân đoạn của hệ thống địa đạo; hệ thống hầm trú ẩn được bố trí đều khắp trên mặt căn cứ, nơi làm việc của lãnh đạo Khu ủy và các cơ quan trực thuộc gồm: văn phòng, cơ yếu, phục vụ, vệ binh... Ngoài ra, trong khu căn cứ còn có hệ thống bếp Hoàng Cầm và giếng nước phục vụ sinh hoạt…

 

Nhiều người đã từng đến đây, nhưng được ghé thăm lần nữa vẫn còn tràn đầy cảm xúc về nơi ghi dấu chiến trường xưa, về một thời gian khó, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào. Mỗi một hình ảnh nơi đây, mỗi một lời thuyết minh là minh chứng cho những hy sinh, những mất mát, đau thương và gian khổ của thế hệ cha anh đã trải qua để giành lại độc lập, tự do hôm nay. Có ai nén được lòng mình khi nghe lời thuyết minh mà hình dung đến hình ảnh anh lính trẻ vẫn cất cao tiếng hát Quốc ca “…Thắng gian lao, cùng nhau lập chiến khu… Vì nhân dân chiến đấu không ngừng…” khi đồng đội đang cố cưa đi một cánh tay đã không thể giữ lại được bởi sự tàn phá của chiến tranh. Có biết bao câu chuyện xúc động về tinh thần chiến đấu, sự hy sinh dũng cảm, tinh thần đồng đội... của quân và dân ta trong những năm kháng chiến. Đó là câu chuyện bộ đội phải hái rau rừng ăn cho đỡ đói trong những ngày bị địch phong tỏa; câu chuyện của một chiến sĩ bị thương nặng, biết mình không qua khỏi nên muốn y tá dành hết những cuộn bông băng, thuốc men cho đồng đội mình bị thương nhẹ hơn để họ có thêm cơ hội sống, để chiến đấu tiếp cho đến ngày đất nước thống nhất; có chiến sĩ được các y bác sĩ dùng xương của con voọc để thay vào chân, đến nay ông vẫn bình yên, sống vui vẻ trên đất Sài Gòn…

 

Nằm ở vị trí thuận lợi cả về phòng thủ và tấn công, Khu ủy miền Đông Nam Bộ đã trụ vững từ 1962-1967, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn khu làm nên những chiến thắng vang dội, góp phần từng bước làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ của Mỹ, ngụy…

 

GIÁ TRỊ DU LỊCH TỪ ĐÂY

 

Hòa mình trong không khí mát lành giữa cây rừng xanh bạt ngàn, chúng tôi càng thấm thía và cảm nhận sức sống phi thường của thiên nhiên cũng như con người nơi đây khi phải oằn mình suốt mấy mươi năm trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để cất vang khúc khải hoàn chiến thắng mùa xuân năm 1975. Trong niềm tự hào đó, tại mảnh đất kiên trung và anh dũng này, mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc khác nhau.

 

Chien-khu-D-120729.jpg

Đoàn khách tham quan phòng y tế ở chiến khu Đ - Ảnh: T.THỦY

Chúng tôi chia tay căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ sau khi dùng xong bữa cơm chiều với đặc sản rau bìm bịp, cá tào đồi, măng… dưới tán rừng già. Không đủ thời gian để chúng tôi vào thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1961-1962). Qua lời cô gái thuyết minh, căn cứ này mang tính tâm linh; đền thờ, nghĩa trang, tượng đài đều trên quả đồi bằng lăng. Ở đó có nhiều cây hàng trăm năm tuổi, thân to vài người ôm mới xuể. Và thoai thoải dưới triền dốc là nơi tưởng niệm các liệt sĩ, được lập ngay dưới gốc cây đa cao trên 30m với hình dáng của chiếc cổng làng quê hương. Đặc biệt, Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà không có một ngôi mộ nào cả. Bởi mỗi tất đất nơi đây đều có máu xương và là nơi an nghỉ của các bác, các anh, các chị…

 

Được biết, KBT được thành lập đầu năm 2004, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam với mục tiêu khôi phục sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Đồng Nai và vùng miền Đông Nam Bộ. Tại địa bàn KBT có 3 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp quốc gia: căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ (1962-1967), căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962), địa đạo Suối Linh và có cộng đồng dân tộc thiểu số Chơro sinh sống với những sắc thái văn hóa đặc sắc.

 

Ban Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây, đãcó trên 75.000 lượt du khách đến tham quan các di tích lịch sử. Theo Dự án Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ, sẽ có đến 73% diện tích dành cho cây xanh và mặt hồ. Ngoài mục tiêu tôn vinh các di tích lịch sử và giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ con cháu, dự án còn nỗ lực tạo sức bật mới cho ngành du lịch Đồng Nai. Khi du khách đến tìm hiểu lịch sử, sẽ tìm hiểu thêm về lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chơro, tham quan bãi Đá Dựng - suối Linh, thác Bàng, di chỉ khảo cổ Lò gốm cổ ở xã Hiếu Liêm có niên đại cách đây gần 3.000 năm, Nhà máy thủy điện Trị An… Kết hợp với các địa điểm này là các dịch vụ vui chơi giải trí cho du khách gắn với văn hóa ẩm thực của chiến khu Đ. Khi khu du lịch này được đầu tư quy mô, các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc sẽ có điều kiện phát triển để phục vụ du khách như: mây - tre đan, dệt thổ cẩm…

 

Xin biết ơn những người đã khuất, đã dành trọn đời mình cho Tổ quốc, cho độc lập tự do; cảm ơn những người còn đang sống với những tâm huyết và tình yêu, đã tôn tạo nơi này cho thế hệ hôm nay được dịp trở về. Chúng tôi đãcó một hành trình với những bài học sâu sắc và có ý nghĩa.

 

* Được về thăm chiến khu Đ, tôi thật sự cảm động về sự hy sinh của thế hệ cha anh trong xây dựng căn cứ cách mạng để trường kỳ kháng chiến chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Về đây trong tháng 7, tôi càng biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do cho dân tộc, từ đó tăng thêm tình yêu đất nước và thấy mình có trách nhiệm hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

(Nguyễn Hoài Sơn - Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Phú Yên)

 

* Từ quê Bác (Nghệ An) xa xôi, em vào quê hương thứ hai này trong tâm trạng đầy cảm xúc. Em rất xúc động khi được học, được nghe những nhân chứng sống kể về một thời hào hùng và bản thân mình tiếp tục truyền lửa cho những người đến với chiến khu Đ.

 

(Thuyết minh viên Nguyễn Thị Thủy)

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một ngày “đi K”
Thứ Bảy, 21/07/2012 08:00 SA
Nghĩa trang hài nhi và tình người
Thứ Bảy, 14/07/2012 14:00 CH
Tình người vượt đại dương
Thứ Sáu, 13/07/2012 18:00 CH
Nghề săn “rồng đất”
Thứ Năm, 12/07/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek