“Một sinh linh dù chưa kịp thành hình nhưng cũng đã là một con người. Với suy nghĩ đó, chúng tôi lập nghĩa trang Đồng Nhi làm nơi yên nghỉ của những hài nhi bị bỏ rơi, đồng thời thức tỉnh lương tri của những người cha, người mẹ đan tâm vứt bỏ những đứa con bé bỏng của mình…” - người đàn ông nhân hậu vừa lui cui chăm sóc cho những phần mộ trẻ thơ vừa tâm sự.
Ông Phúc chăm sóc “con” tại mái ấm Phước Phúc - Ảnh: L.HẢO
Ông là Tống Phước Phúc, “cha” của gần 100 đứa bé mồ côi ở mái ấm Phước Phúc và hơn 10.000 hài nhi nằm lại trên triền núi Hòn Thơm thuộc xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang (Khánh Hòa).
NHỮNG LINH HỒN BỊ BỎ RƠI
Muốn đến nghĩa trang Đồng Nhi trên núi Hòn Thơm phải đi qua những con dốc ngoằn ngoèo, hai bên đường dân cư thưa thớt. Hỏi đường mấy lần, chúng tôi mới may mắn gặp được chị Bê, người trong nhóm thiện nguyện của ông Tống Phước Phúc, chịu trách nhiệm quản trang, chăm lo cho những ngôi mộ trên núi. Theo chân chị Bê leo lên những bậc đá dọc sườn đồi, qua cánh rừng bạch đàn thưa thớt, chúng tôi đến nơi an nghỉ của những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Sau chiếc cổng bằng lưới B40 đơn sơ, hơn 10.000 ngôi mộ xếp thành từng dãy dài nằm sát nhau, trên mỗi mộ đều cắm một bông hoa hồng bằng nhựa nhiều màu sắc.
Chị Bê cho biết: Khu đất này rộng khoảng 6.000m2, là do chú Phúc (ông Tống Phước Phúc - PV) mua lại làm nghĩa trang cho các cháu. Chú Phúc làm nghề xây dựng đã nhiều năm nên cứ theo kinh nghiệm mà xây nghĩa trang chứ chẳng cần bất cứ bản vẽ thiết kế nào. Cháu nào còn quá nhỏ, mới tượng hình thì đặt vào hũ sành, chôn ở dãy mộ phía dưới. Những cháu bốn, năm tháng tuổi trở lên, đã có hình hài nên sau khi được khâm liệm thì phải đào đất, xây mộ chôn như người bình thường. Mỗi ngày có một, hai cháu được chôn; ngày nhiều thì có đến chục trường hợp. “Mới đầu có khoảng chục mộ, giờ tăng lên cả chục nghìn mộ rồi. Số lượng hài nhi bị vứt bỏ tăng nhanh khiến chúng tôi không khỏi xót xa” - chị Bê ngậm ngùi.
Hơn chục nghìn ngôi mộ mà hầu hết đều vô danh, chỉ có số thứ tự, ngày tháng lập mộ và một số ký hiệu riêng về mỗi sinh linh. Những cái tên hiếm hoi như Tống Phước Xuân Tâm, Tống Phước Đắk Lắk, Tống Phước Ninh Hòa, Tống Phước Cam Ranh, Tống Phước Long An, Tống Phước Cao Bằng... để ghi nhớ về quê hương của mẹ đẻ. Theo lời chị Bê, ông Tống Phước Phúc đặt tên cho các cháu như thế giúp cho những người cha, người mẹ lầm lỡ sau này có thể tìm lại được đứa con không may mắn được làm người mà mình vứt bỏ.
Làm việc nghĩa nhưng một thời gian, ông Phúc và những người trong nhóm thiện nguyện phải đau đầu. Khi nghĩa trang đã có gần 4.000 ngôi mộ nhỏ thì UBND xã Vĩnh Ngọc mới biết đến sự tồn tại của nó. Ông Phúc bị phạt cảnh cáo vì xây dựng trái phép. Vốn xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, suy nghĩ của ông Phúc rất đơn giản: “Mình không làm điều gì sai quấy, chỉ lo cho các cháu trên mảnh đất của mình thì đâu có ảnh hưởng tới ai”. Thế nhưng, chính quyền hết lên nghĩa trang cưỡng chế lại phát giấy triệu ông Phúc đến làm việc. Người đàn ông nhân hậu ấy có lần đã bật khóc khi chứng kiến nơi an nghỉ của các hài nhi bị cưỡng chế. Năm 2006, lá thư khen ngợi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi Tống Phước Phúc đã kịp thời cứu được phần còn lại của nghĩa trang Đồng Nhi. Ông Phúc tiếp tục vững tin vào việc giúp đỡ những hài nhi vắn số.
NẾU ĐƯỢC LÀM NGƯỜI…
Hơn 8 năm nay, người dân ở con hẻm nhỏ đường Phương Sài (TP Nha Trang) không còn xa lạ với hình ảnh người đàn ông nhỏ bé, đen đúa, gương mặt khắc khổ nhưng nhân hậu đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ bị vứt bỏ khắp nơi về chôn cất. Ngày qua ngày, không quản nắng mưa, ông âm thầm lặn lội khắp mọi ngả đường của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là khu vực Bãi Dương, Đại học Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Trường cao đẳng Y tế… để nhặt các hài nhi xấu số. Ông đến với công việc này như một cơ duyên, bắt đầu từ việc vợ ông sinh con đầu lòng. Sau 2 ngày đêm khó nhọc nhưng vợ vẫn không vượt cạn được, ông Phúc không biết làm gì hơn ngoài việc chắp tay cầu nguyện cho vợ con mình được “mẹ tròn con vuông” và hứa sẽ làm điều thiện sau này. “Trong lúc chăm sóc vợ trở dạ trong bệnh viện, tôi tình cờ chứng kiến cảnh cô sinh viên đẻ non, đứa bé mất còn người mẹ thì bỏ đi mất hút. Tự nhiên, tôi có mong muốn được chôn cất, hương khói cho sinh linh đáng thương đó và được bệnh viện chấp nhận”, ông Phúc kể. Cậu bé Tống Hoài Nam, con trai ông Phúc được sinh ra khỏe mạnh như một điều kỳ diệu. Điều đó càng thôi thúc ông thực hiện ý nguyện của mình.
Hài nhi yên nghỉ trên triền núi Hòn Thơm - Ảnh: L.HẢO
Năm 2004, Tống Phước Phúc mua lại miếng đất trên núi Hòn Thơm và bắt đầu chôn cất những hài nhi vắn số. Ông quan niệm: “Khi đã tượng hình trong bụng mẹ thì hài nhi đã là một con người. Nếu được an táng tử tế, linh hồn các con sẽ sớm siêu sinh…”. Ban ngày, ông Phúc cần mẫn với công việc thợ xây để kiếm tiền nuôi gia đình; đêm đến, người đàn ông này lại đi khắp các bệnh viện xin xác thai nhi, trẻ chết yểu mang về chôn tại Hòn Thơm. Những năm đầu, mỗi ngày ông thu nhận từ các bệnh viện, nhà hộ sinh gần 30 bào thai. Mỗi lần có tiếng chuông điện thoại từ các nhà hộ sinh, bệnh viện, trạm xá…, ông Phúc lại lặng người đi.
Tám năm, hơn 10.000 ngôi mộ, tính ra mỗi năm, hơn 1.000 thai nhi bị vứt bỏ. Con số ấy khiến Tống Phước Phúc đau lòng. Ông trăn trở: “Giúp người chết là quý nhưng điều cần thiết hơn là phải cứu người sống”. Nghĩ sao làm vậy, ngoài công việc gom nhặt hài nhi, ông còn đến từng xóm trọ sinh viên, công nhân khuyên các bà mẹ trẻ lầm lỡ hãy giữ lại con. Nhóm thiện nguyện của ông in một loại card mang tên “Tín thác”, để ai biết những phụ nữ mang bầu sắp phá thai hoặc xác thai nhi bị bỏ rơi thì có thể liên lạc với nhóm thiện nguyện. Nhờ thế, họ cứu sống kịp thời hàng chục trẻ thơ sắp bị cắt đứt cuộc sống vì người mẹ quá suy sụp tinh thần.
Lập ra mái ấm mang tên mình, ông Tống Phước Phúc không chỉ cưu mang những sinh linh bé nhỏ bị vứt bỏ mà còn giúp đỡ cả những bà mẹ trẻ lỡ lầm để những mầm sống mong manh có cơ hội được làm người. Mặc dù bận rộn mưu sinh nhưng chỉ cần nghe thông tin có cô gái mang thai vào bệnh viện “giải quyết” là ông Phúc và những người trong nhóm thiện nguyện đều xếp lại công việc để tới khuyên can. Từ người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ, cô học sinh trẻ người non dạ đến cô công nhân nghèo, tiếp viên ở cà phê và cả người bán vé số, người kiếm sống ngoài bãi rác…, những ai có ý định bỏ thai đều được ông ân cần khuyên nhủ, thuyết phục họ về sống trong mái ấm, chăm lo chu đáo cho tới lúc khai hoa nở nhụy. Ông Phúc cam kết: “Có sinh có dưỡng thì tốt; nếu vì hoàn cảnh phải bỏ con lại, chú Phúc nuôi luôn giùm. Khi nào có điều kiện quay về đây, chú sẽ cho nhận lại con”.
Làm từ thiện nhưng không ít lần ông phải mang điều tiếng xấu, bị gọi là Phúc khùng. Nhiều người tưởng ông có mưu đồ bất chính, nuôi trẻ mồ côi để bán kiếm lợi. Tuy vậy, tiếng lành đồn xa, nhiều bà mẹ trẻ đã tìm đến mái ấm Phước Phúc khi chẳng may lầm lỡ. Căn nhà với diện tích khiêm tốn 90m2, tài sản bao nhiêu năm vất vả gầy dựng, ông Phúc nhường hết chỗ cho các “mẹ bầu” và những đứa con của họ. Vợ chồng cùng hai đứa con phải về sống bên ngoại. Người đến rồi đi, có người ở lại giúp gia đình ông Phúc chăm lo cho các bé, có người được gia đình tha thứ đến nhận con về… Những đứa trẻ còn ở lại đều được “ba” Phúc chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Mỗi khi nhắc đến những “đứa con” bé bỏng của mình, ông Phúc như trẻ lại, mắt ánh lên niềm tự hào. Ông cho biết: “Con” tôi gần trăm đứa, sinh ra đều mang họ Tống Phước, trai tên Vinh, gái tên Tâm vì tôi mong muốn con trai được sống vinh, con gái thì luôn có trái tim yêu thương con người. Tôi còn gắn quê quán của mẹ ruột mỗi cháu vào tên con để sau này mẹ con dễ nhận nhau”.
Chiều muộn, nắng tắt dần trên núi Hòn Thơm, chúng tôi chia tay người đàn ông nhân hậu Tống Phước Phúc và nghĩa trang Đồng Nhi. Ở một góc nghĩa trang có một người nào đó vừa thắp lên nén nhang; khói hương lãng đãng làm lòng chúng tôi se lại. Những tiếng chim gọi nhau về tổ càng làm không gian nơi đây u tịch hơn. Một đêm nữa lại về và hơn 10.000 hài nhi chưa một lần kịp khóc chào đời sẽ lại chìm vào giấc ngủ nơi mảnh đất này. Rời núi Hòn Thơm, chúng tôi tự nhủ lòng hãy bước nhẹ lại, sống chậm hơn để chiêm nghiệm một điều tưởng như bình thường nhưng bấy lâu nay có nhiều người quên lãng, rằng thật hạnh phúc khi được làm người.
LÊ HẢO