Chủ Nhật, 06/10/2024 13:32 CH
Về Xí Thoại xem hội làng xoay cột con trâu
Thứ Tư, 11/07/2012 18:00 CH

Sông Cái - một trong ba con sông lớn ở Phú Yên - khởi nguồn từ những dòng suối nhỏ. Nơi thượng nguồn sông Cái, có một sắc tộc sinh sống từ bao đời nay với những nét rất đặc trưng về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán… Tháng 4 âm lịch, khi nương rẫy đã xong xuôi, ngôi nhà rông ở giữa làng như chốn hẹn hò để dân làng buôn gần, buôn xa cùng về chuẩn bị cho ngày hội lớn: hội làng xoay cột con trâu - một lễ hội đến hơn mười năm mới tổ chức một lần.

 

Xoay-cot-con-trau120711.jpg

Hội làng xoay cột con trâu của người Chăm H’roi ở Xí Thoại - Ảnh: ĐOÀN PHƯƠNG LIÊM

Hội làng xoay cột con trâu của người Chăm H’roi Phú Yên xưa thường diễn ra trong ba ngày hai đêm, nay đã rút ngắn lại chỉ trong hai ngày một đêm. Đó là khoảng thời gian người già, người trẻ, con trai, con gái, buôn trên, buôn dưới gác lại mọi công việc, tập trung cho ngày hội lớn của làng. Những người lớn tuổi lo việc trang trí cây cột xoay trâu. Những vòng tròn, những ô vuông, những tấm vải hai màu đen trắng, những hoa văn trang trí trên cột… đều thể hiện quan niệm sống của người Chăm H’roi về sự công bằng, về cái thiện và cái ác…

 

Chưa có những nghiên cứu thấu đáo về tộc người Chăm H’roi. Nhưng sau năm 1975, làng Xí - địa bàn cư trú của người Bana ở Phú Yên và làng Thoại - nơi sinh sống của người Chăm H’roi nhập lại thành làng Xí Thoại. Hai cộng đồng dân cư này bắt đầu có những giao thoa về văn hóa, phong tục tập quán. Điển hình nhất là trong lĩnh vực âm nhạc: trống đôi của người Chăm H’roi hợp cùng cồng chiêng của người Bana thành bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chinh năm hết sức độc đáo.

Những chóe rượu ngon nhất các gia đình đã chuẩn bị từ lâu cho hội làng thêm men say.

 

Các bước tiến hành trong hội làng xoay cột con trâu của người Chăm H’roi Phú Yên đều có nghi thức cúng tế. Quan trọng nhất là lễ cúng trước khi trồng cột xoay trâu. Lễ vật khá đơn giản nhưng đây là nghi lễ quyết định Giàng có cho phép tiến hành hội làng hay không. Trong nghi lễ này, có tục thầy cúng bói chân gà để xem ý Giàng có thuận cho dân làng mở hội, để biết điều tốt, việc xấu sẽ đến với đồng bào.

 

Một cây cốc chua trên rừng được chọn để cắm giữa hố chôn cột xoay trâu. Nếu sau 3 tháng, cây cốc này vẫn sống, bắt đầu đâm chồi nảy lá có nghĩa là lễ xoay cột con trâu của người Chăm H’roi Phú Yên đã mang lại những điều may mắn cho dân làng.

 

Từ năm 1975 đến nay, đây là lần thứ ba buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân tổ chức hội làng xoay cột con trâu. Mỗi lần tổ chức cách nhau đến 13-14 năm, vì phải dành dụm mọi thứ trong điều kiện cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Lần thứ nhất để tạ ơn Giàng vì làng có người mắc tội, lần thứ hai mừng ngày quê hương giải phóng và lần này là cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho cuộc sống của đồng bào ngày càng no đủ.

 

Hội làng là dịp để những cô gái Chăm H’roi xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống, những bộ trang sức ngày thường chỉ cất trong tủ. Người ở gần, người ở xa về dự ngày hội của làng đều được xem là khách trọng. Những món ăn truyền thống vẫn được đồng bào giữ nguyên hương vị, nhưng cách trình bày món ăn, bữa tiệc đãi khách đã hiện đại hơn.

 

Xế chiều của ngày đầu hội làng, đám thanh niên trong làng dắt trâu vào cột. Đây là nghi lễ quan trọng trong ngày hội làng xoay cột con trâu của đồng bào Chăm H’roi. Như biết được số phận của mình, sau những phản ứng dữ dội lúc đầu, con trâu tơ đã ngoan ngoãn đưa đầu vào thòng lọng. Chỉ có đôi mắt thì dường như man mác một nỗi buồn…

 

Nghi lễ quan trọng nhất trong hội làng xoay cột con trâu của người Chăm H’roi Phú Yên đó chính là việc xoay vòng con trâu. Đại diện buôn làng, các gia đình, các thế hệ và chỉ phụ nữ cùng các em gái nhỏ cầm dây buộc trâu xoay vòng quanh sân.

 

Người Chăm H’roi có phải là một tộc người riêng thuộc nhóm Mã lai - Đa đảo hay chỉ là bộ phận của người Chăm? Nếu họ là người Chăm thì tại sao văn hóa của họ lại khác văn hóa Chăm? Nếu là người Chăm, tại sao họ không theo tôn giáo nào mà là tín ngưỡng đa thần? Giả thuyết thứ nhất: họ là một trong nhiều tộc người thuộc vương quốc cổ Champa, theo tín ngưỡng đa thần. Giả thuyết thứ hai: họ là một bộ phận của tộc người Chăm. Do chiến tranh loạn lạc nên họ chạy vào rừng sâu để trốn tránh sự truy sát. Đến nay, nhiều nhà khoa học nghiêng hẳn về giả thuyết thứ hai, bởi nhiều chương trình nghiên cứu tổng quát về tộc người này trong thời gian gần đây đã đưa ra nhiều chứng cứ rất thuyết phục. Người H’roi tự nhận mình là tộc người Chăm. Và người Chăm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn nhận họ là một bộ phận của tộc người Chăm.

Bất ngờ, trời đổ một cơn mưa lớn và kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Sau đợt mưa ngắn ngủi do ảnh hưởng của cơn bão số 1, đây là cơn mưa lớn đầu tiên trong mùa hè năm nay.

 

Sợi dây tơ dẫn từ ngôi nhà rông cách điệu trên cây cột giữa sân vào bên trong nhà rông như linh thiêng hơn. Theo quan niệm của đồng bào Chăm H’roi: ngôi nhà cách điệu là chỗ của Giàng về trú ngụ trong những ngày diễn ra hội làng. Sợi dây tơ đưa Giàng từ cây cột vào nhà để ban những điều tốt đẹp cho dân làng.

 

Hội làng xoay cột con trâu của đồng bào Chăm H’roi Phú Yên trở nên hấp dẫn, cuốn hút mọi người bắt đầu từ khi các thiếu nữ với trang phục truyền thống xuống nhà rông trong âm vang tiếng trống đôi, cồng ba, chinh năm rộn rã. Những nghiên cứu cho thấy: nghệ thuật biểu diễn trống đôi của đồng bào Chăm H’Roi không phải là đánh trống mà là múa trống, những nghệ sĩ Chăm H’Roi lãng mạn nói chuyện với nhau bằng điệu trống, chia sẻ niềm vui với cộng đồng bằng tiếng trống điêu luyện. Âm vang của cồng ba, chinh năm làm nền đã đưa tiếng trống đôi vang hơn đến buôn gần, buôn xa, đến tận trời xanh…

 

Khác với các lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên, hội làng xoay cột con trâu của đồng bào Chăm H’roi Phú Yên không đâm trâu mà chỉ thịt trâu khi kết thúc lễ hội. Trâu là con vật thiêng tế Giàng, cũng là bữa cơm của đại gia đình Chăm H’Roi chung vui cùng du khách gần xa.

 

Nhịp sống hiện đại đã và đang có những tác động bất lợi đối với nhiều lễ hội truyền thống. Con em đồng bào dân tộc thiểu số bây giờ ngại ngùng mặc trang phục truyền thống, thích tân tiến và không còn mặn mà với nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

 

14 năm qua, hội làng xoay cột con trâu của đồng bào Chăm H’roi Phú Yên mới được tổ chức trở lại. Ngần ấy thời gian, đã biết có bao đổi dời trong đời sống vật chất và tinh thần của sắc tộc này.

 

Vậy mà những ngày diễn ra lễ hội, tiếng trống đôi, cồng ba, chinh năm vẫn thủy chung, gọi mời những đứa con Chăm H’roi gần xa quay về với những nghi lễ truyền thống của cộng đồng. Các chàng trai, cô gái Chăm H’roi vẫn say đắm trong những vũ điệu ngất ngây men rượu cần. Giữ được điều này cho con cháu nhiều thế hệ, các bậc cao niên, những người con nặng lòng với văn hóa Chăm H’roi đã làm được điều đáng trân trọng biết bao!

 

Dù một số điểm không còn phù hợp với ngày nay nhưng hội làng xoay cột con trâu của người Chăm H’roi Phú Yên là một lễ hội quan trọng, có quy mô lớn và những nét độc đáo riêng có so với các lễ hội khác của đồng bào nơi đây. Mỗi lần tổ chức lễ hội là dịp để đồng bào Chăm H’roi buôn gần, buôn xa thắt chặt thêm tình đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

  

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bốn giờ thưởng ngoạn vịnh Hạ Long
Thứ Bảy, 02/06/2012 18:00 CH
Phố mây
Thứ Bảy, 26/05/2012 14:00 CH
Cứu nạn giữa trùng khơi
Thứ Bảy, 19/05/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek