Thứ Hai, 25/11/2024 10:56 SA
Một ngày “đi K”
Thứ Bảy, 21/07/2012 08:00 SA

Xuất phát từ TP Pleiku rồi rong ruổi trên QL19, qua cửa khẩu Lệ Thanh ở huyện Đức Cơ để qua Campuchia, điểm đến là TP Ban Lung, tỉnh Ratanakiri. Nếu 24 năm trước, đây là hành trình đầy bi hùng của cả vạn chiến sĩ Quân khu 5 tham gia chiến sự ở Campuchia mà theo cách gọi của các cựu chiến binh là “đi K” thì bây giờ, hành trình kiểu du lịch caravan này chỉ gói gọn trong một ngày với nhiều điều kỳ thú...

PS-1120721.jpg

Hồ núi lửa Dạ Long - một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Ratanakiri- Ảnh: T.HẢI

BÌNH YÊN ĐƯỜNG “ĐI K”

Mùa mưa Tây Nguyên với những cánh rừng ướt sũng, giăng giăng bẫy mìn, ẩn họa những cái chết được báo trước... đã lùi sâu vào ký ức. Con đường “đi K” bây giờ phẳng phiu như một dải lụa mềm, uốn lượn ngoạn mục qua những ngọn đồi xanh thẳm cà phê, những nông trường cao su ngút ngàn trong tầm mắt. Xanh một màu ấm no. Dẫu vậy, trong tôi dường như vẫn thấy những dấu chân người lính, những đoàn hùng binh năm xưa âm thầm cõng nặng, đội mưa vượt rừng.

Không phải vì ngang qua Nghĩa trang Đức Cơ - nơi yên nghỉ của 1.200 liệt sĩ, trong đó có hơn 800 người nằm lại chiến trường K, mới được tìm kiếm, quy tập về Việt Nam - mà có lẽ tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện kể từ ngày còn thơ. Hơn 24 năm trước, chú tôi đã tham gia đoàn quân tình nguyện “đi K” ấy, để lại phía quê nhà là nỗi thấp thỏm lo âu của cả gia đình. Ngày ấy, mỗi đêm cả nhà tôi vây quanh chiếc radio cũ rích, căng tai nghe ngóng những thông tin nóng hổi về chiến trường K.

Ngày chú rời quân trường An Khê (Gia Lai) để đi K cũng chính là khi chấm dứt hết mọi cánh thư. Sự bặt tin càng khủng khiếp hơn khi những tin tức thương vong cứ liên tiếp dội về từ chiến trường qua cái radio ọt ẹt tiếng được, tiếng mất. Rồi một ngày không chờ đợi, chú tôi đã trở về bình yên như chưa hề đi qua cuộc chiến đầy máu lửa. Thế nhưng, những câu chuyện về chiến sự, những “cái ra đi” tức tưởi của đồng đội ám ảnh chú, đã... lây sang người nghe là tôi.

Chiến trường K khốc liệt không làm xây xát chú nhưng cách đây 3 năm, chú tôi lại bình yên chết bên thửa ruộng cuốc dở ở quê nhà vì chứng tai biến. Bây giờ đi ngang qua Nghĩa trang Đức Cơ, tôi cảm giác như có chú mình trong ấy.

Đoạn đường từ TP Pleiku đến cửa khẩu Đức Cơ chừng 75km, như ngắn lại bởi chỉ mất hơn 1 giờ ô tô. Hai bên đường QL19 nhà xây... như phố, vững chãi, hiện đại. “Thổ địa” Tuyến - Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Cơ - cho biết, phần lớn những căn nhà xây san sát ấy là nhà ở của công nhân các nông trường cao su, công nhân thuộc Binh đoàn 15.

“Bây giờ xin được làm công nhân của những đơn vị ấy là rất khó. Không chỉ họ có thu nhập cao, ổn định, mà đời sống còn được đơn vị chăm sóc rất tốt. Tại những khu dân cư - công nhân đó, bây giờ có đủ cả chợ, trường học, trạm xá... Đặc biệt, việc đi lại thuận lợi nên con em họ không bị thất học, lạc hậu” - Tuyến kể.

THÀNH PHỐ KHÔNG ĐÈN ĐỎ

Qua cửa khẩu biên giới Lệ Thanh bằng những thủ tục đơn giản, nhanh gọn, đến nỗi hành khách dường như không có cả cảm giác... xuất ngoại, nhất là phía bên kia biên giới, cảnh vật chẳng khác gì so với những cánh rừng cao su, những đồi hồ tiêu, cà phê bạt ngàn của Tây Nguyên, Việt Nam. Nối liên tiếp QL19, con đường từ Đức Cơ xuyên qua 2 thị xã nhỏ, rồi đến TP Ban Lung - thủ phủ của tỉnh Ratanakiri - đông bắc Campuchia dài 80km.

Đoạn đường này mới được Chính phủ Việt Nam giúp xây dựng xong cuối năm 2008 còn mới tinh. Dù là tuyến chính nối với Việt Nam, song đường vắng hoe phương tiện, người đi lại. Chỉ thỉnh thoảng vụt qua những chiếc xe pick-up (bán tải) mới toanh, chở lô nhô người đi rẫy. Lạ lùng hơn là những chiếc Lexus đời mới kéo rơmoóc thô sơ phía sau là... chú lợn đi phối giống. Những bản làng Khmer thưa thớt người, nhà xây tạm bợ bằng mái tôn, vách gỗ trên nền đất đỏ badan.

Nguyễn Viết Lợi - cán bộ của Công ty Viễn thông quân đội Viettel, đã sống tại TP Ban Lung gần 20 năm, tôi gọi anh là “người Campuchia, gốc Việt” - giải thích: “Ở Ban Lung không bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy như Việt Nam, thậm chí không cần biển số kiểm soát đối với xe gắn máy dưới 50 phân khối. Ở đây, người dân còn được quyền đăng ký và dùng súng cá nhân. Sự tự do còn “hồng hoang” như chính thành phố không có trụ đèn xanh - đỏ ở các ngã tư”.

Tôi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông ngay cổng chợ Ban Lung như minh chứng lời của Lợi. Xe tải chở bia cán xe gắn máy. Người bị nạn đã được đưa đến bệnh viện. Hiện trường có 3 người mang sắc phục giống cảnh sát cơ động của Việt Nam, thắt lưng mang phù hiệu police... oai vệ, nhưng lưng lại mang súng trường báng gấp, đi dép lê và viết biên bản bằng... giấy lộn.

Tất cả sự “tự do” ấy không vì thế mà làm xáo trộn xã hội ở Ban Lung. Không tráng lệ, không cổ kính xa hoa như thủ đô Phnom Penh, Ban Lung là thành phố bình yên, êm đềm bên cạnh những khu rừng còn ngắt xanh. Những khuôn mặt hồn hậu, thân thiện của người dân địa phương dẫu còn nét hoang sơ làng bản hơn là thị thành.

“THẢO NGUYÊN XANH”

Ông Nguyễn Hồng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, Gia Lai, “hướng dẫn viên” của đoàn chúng tôi - tường tận mọi thông tin về TP Ban Lung. Theo ông Nam, Ban Lung và Đức Cơ là 2 địa phương kết

nghĩa đồng cấp nhưng có sự quan tâm, đầu tư cấp quốc gia. Trong đó, Việt Nam đã giúp đỡ địa phương này nhiều công trình hạ tầng cơ sở quan trọng như đường giao thông (80km) nối Đức Cơ và Ban Lung, kéo đường dây điện cao thế từ Việt Nam sang bán cho nước bạn, xây dựng hạ tầng viễn thông, liên tục viện trợ gạo, thực phẩm cho các địa phương nghèo...

Đặc biệt, từ năm 2007, khi khai thông cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, việc thông thương giữa hai nước được gia tăng. Rất nhiều thương nhân Việt Nam đã sang Ratanakiri để buôn bán, trao đổi nông sản, vật liệu xây dựng, buôn bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống... Đã hình thành cả khu Việt kiều với cả ngàn người dân ở TP Ban Lung. Ngược lại, người dân Campuchia đã dùng những tiện ích về hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, cơ sở chữa bệnh, trường học của Việt Nam.

Trong thời gian ngắn ngủi của hành trình, chúng tôi chỉ kịp thăm hồ núi lửa Dạ Long (Yeak Laom) có trên 700.000 năm tuổi, xanh thẳm và trong veo giữa khu rừng nguyên sinh; thăm chợ Ban Lung với sặc sỡ những sắc màu thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đá quý. “Người Campuchia, gốc Việt” Nguyễn Viết Lợi tiếc nuối: “Nếu các anh ở lại được thêm 1 ngày, có thể đến thăm nhiều địa danh hấp dẫn như mỏ đá quý Bokeo, chỉ cách TP Ban Lung 36km, thăm những bản làng Khmer thượng đầy bản sắc, sống ẩn khuất bên các cánh rừng nguyên sinh. Được cưỡi voi, thăm thác nước, núi Svay và Phật gối đầu...”.

Theo Lợi, khí hậu, nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không khác mấy so với Tây Nguyên, nhưng sự hấp dẫn ở chỗ mọi thứ còn nguyên sơ hơn bên mình. Chợ Ban Lung chủ yếu buôn bán cho người dân địa phương, nhưng sẵn sàng “ăn” các loại ngoại tệ từ Việt Nam đồng cho đến USD. Sản vật sinh động, đa dạng mà giá lại rẻ, rất hấp dẫn khách du lịch. Rất nhiều người Việt Nam sang công tác, tham quan đều tỏ ra thích thú vì tour xuất ngoại 1-2 ngày với nhiều điều đáng khám phá tại Ratanakiri.

Tuy nhiên, cũng giống như những nông trường cao su, cà phê còn thưa thớt nhà đầu tư Việt Nam, việc đưa thương mại và du lịch từ Tây Nguyên - Việt Nam đến Ban Lung, Ratanakiri còn chưa xứng tầm với điều kiện hạ tầng cũng như thuận lợi trong quan hệ biên mậu như hiện nay. Ban Lung, Ratanakiri vẫn còn là “thảo nguyên xanh”, không chỉ riêng với ngành du lịch Việt Nam.

THANH HẢI -  (LĐO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghĩa trang hài nhi và tình người
Thứ Bảy, 14/07/2012 14:00 CH
Tình người vượt đại dương
Thứ Sáu, 13/07/2012 18:00 CH
Nghề săn “rồng đất”
Thứ Năm, 12/07/2012 14:00 CH
Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió
Thứ Bảy, 23/06/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek