Chủ Nhật, 06/10/2024 13:25 CH
Nghề săn “rồng đất”
Thứ Năm, 12/07/2012 14:00 CH

Trưa nắng nồng, ông bạn phôn “làm đĩa rồng đất...” (“rồng đất” lcách gọi vui để chỉ con dông, một loi bò sát sống trên cát). Nghe như hương thịt dông nướng láổi của tuổi thơ váng vt. Gắp miếng dông nướng, tợp ngụm bia lạnh, đúng điệu “thần sầu”. Chợt đắng miệng khi nghe lại có người vừa chết trong lúc đào dông, bị sụp cát, chcòn ló được bàn tay...

 

Dong-2-120711.jpg

Ông Ngô và con dông vừa đào được. - Ảnh: HÙNG PHIÊN

Suốt dải duyên hải miền Trung, các món ăn từ con dông (còn gọi là nhông, kỳ dông) đã trở nên thân thuộc, khoái khẩu của nhiều người. Từ một loài bò sát hoang dã trên cát, dông đã góp phần xóa nghèo nhưng cũng cướp đi mạng sống của một số người... Lần hồi quanh đĩa thịt dông, tôi hiểu ra, có cả một nền “văn hóa dông” trên đất miền Trung này.

 

KHOÁI ĐỜI VÌ DÔNG

 

Quán không tên, chính xác là mấy dòng lèo quèo “Các món dông, lai rai sáng chiều”, nằm ở phường Phú Đông, trên đường ra sân bay Tuy Hòa. Vì có khách lần đầu ăn dông nên chúng tôi gọi món chả dông; bởi món tủ của “dân nghiện” dông là nướng nguyên con, nếu ai chưa biết thì… chẳng dám nhìn, nói gì ăn.

 

Sau một hồi bật chảo lửa xèo xèo, chị chủ quán bê lên đĩa chả dông thơm nức, kèm bánh tráng nhúng, rau sống, nước chấm… Ông bạn sành điệu vừa ăn vừa giảng giải cách chế biến, trước sự “thẩm định” của Hoa, tên cô chủ quán. Món chả này là thịt dông băm nhuyễn với ít mộc nhĩ, gia vị rồi cuốn bánh tráng, đem chiên. Thoạt trông, cũng giống loại chả ram cuốn tôm, thịt heo ở vùng này nhưng hương vị thơm ngon, lạ miệng hơn. Rau sống ăn chả dông phải có thêm đĩa cà chua xanh xắt lát thì mới “y bài”. Đĩa chả dông 15 cuốn, giá 30.000 đồng, kèm rau dưa và xị đế là có thể nhâm nhi đến lưng lửng bụng. Tuy nhiên, chúng tôi chủ trương uống ít để có thể thưởng thức được vài món dông “cổ truyền” bản địa.

 

Tiếp theo đó là món dông nướng, ông bạn gọi làm hai “nhánh”, ấy là nem dông và dông nướng nguyên con. Rồi ông tiếp tục… lên lớp: với món nem, dùng thịt dông băm nhuyễn, ướp gia vị, rồi gói lá ổi thành từng miếng bằng ngón tay cái, xong cho vào vỉ nướng trên lửa than. Với món nướng nguyên con, sau khi làm dông xong, đem ướp gia vị rồi đưa nướng luôn; một đĩa dông vàng ươm. Món này có thể không hợp với người “yếu tim” nhưng lại vô cùng đậm đà với mấy “bợm” vì xương dông khá giòn, nhâm nhi “cảm giác” hơn là dông đã băm nhuyễn.

 

Chúng tôi kết thúc chương trình bằng tô cháo dông bốc khói. Theo ông bạn chủ xị, thịt dông sau khi băm ướp làm món chả thì dành lại một ít để nấu cháo; thường một nồi cháo cho bốn người ăn, sử dụng một lạng thịt dông là vừa. Muốn nồi cháo ngon thì xào qua thịt dông bằng dầu ăn, cho nước đun sôi, rồi đổ gạo vào nấu thêm một lúc, nêm gia vị… Thế là có nồi cháo dông đặc biệt “tươi tỉnh”...

 

Bổn quán còn hàng chục món dông khác, món nào cũng rất “bắt”, ví như: gỏi dông, canh dông, dông nướng trui, dông hon, dông rô ti, cà ri dông… nhưng chúng tôi không thể “nạp” nổi nữa. Là người từng nhiều năm theo nghề đào dông, ông bạn thổ địa còn cho hay: thịt dông là món “cơ cấu” trong các bàn tiệc tùng, cưới hỏi của người dân vùng này; nếu thiếu món dông, coi như đám cỗ bất thành.

 

Chị Hoa cho biết thường mua gom dông từ những người đi đào, giá xê dịch từ 350.000-450.000 đồng/kg dông sống. Chúng tôi cũng được chị cho xem quy trình làm thịt dông, đó là chặt đầu, rạch một đường giữa bụng từ cổ xuống đuôi để lột da; sau đó bỏ bộ lòng, còn lại phần thịt trắng phau. Đặc biệt, làm dông phải sạch gọn, vì không được rửa bằng nước lã, nhằm khỏi tanh.

 

Do dông hiếm và đắt nên nghe đâu nhiều quán treo biển thịt dông nhưng đã pha thêm thịt heo để tăng lãi…

 

VÙI THÂY VÌ DÔNG

 

Xen trong câu chuyện trên bàn tiệc dông, thông tin về những cái chết tức tưởi của người đào dông, dễ làm cho kẻ yếu lòng chẳng muốn… gắp. Mấy chục năm qua, theo đà của con dông lên bàn đặc sản, nhiều người ở đây không thể nhớ hết đã có bao nhiêu cái chết do bị cát vùi trong lúc moi dông. Gần đây nhất là cái chết của ông Trần Văn Xem (37 tuổi, trú xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa). Xác ông Xem được người đi tắm biển phát hiện vào sáng 30/4/2011 tại khu vực Bãi Xép, xã An Chấn, huyện Tuy An trong tình trạng một cánh tay đã với lên khỏi mặt đất...

 

Dong-1-120711.jpg

Những con dông bắt được sẽ thành món đặc sản. - Ảnh: HÙNG PHIÊN

Theo chỉ dẫn của chị Hoa, chúng tôi hướng về vùng cát thuộc ba xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung và Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), khu vực được xem là “thủ đô” của lực lượng săn dông. Ghé nhà ông Nguyễn Văn Bình, là bạn cùng đào dông lúc ông Xem chết. Ông Bình kể: ngày 29/4, ông cùng ông Xem và một người nữa chạy xe máy ra Bãi Xép để đào dông. Thường người kỹ tính đi đào dông phải có đôi, để nếu có người sụp cát thì người còn lại… moi tìm hoặc cầm chân kéo ngay ra khỏi đụn cát đang ập kín người! Thế nhưng vì “máu” nên rồi mỗi người mỗi hướng, mạnh ai nấy đào. Ông Bình tư lự: “Chiều đó, đào xong, tui và một ông bạn lên xe về. Trời bắt đầu tối, nhìn quanh không thấy xe ông Xem, tưởng ổng đã về trước. Ngờ đâu… Chắc là ổng gặp hang dông cồ, nghĩ gặp con bự, nên mải mê moi cát lần theo, bất thần đụn cát ập kín người, tắt thở…”.

 

Ông Bình cắt nghĩa thêm: chiều sâu của hang dông thường từ 1-1,5m. Muốn bắt được con dông trong hang, người đào phải nằm sát đất, mặt úp vào trong lòng hang để rướn theo con dông; có con trổ ngách khác để ẩn nấp, nên nguy cơ đất bị sụp lún rất cao. Thường khi sụp cát, nửa thân trên bị vùi kín, không có tư thế chống đẩy và đã đuối sức do theo dông, rất dễ dẫn đến chết ngạt…

 

Vợ ông Bình, bà Lê Thị Đào góp chuyện: Tui đã từng chứng kiến cảnh người ta cất chòi che nắng khu vực người đào dông bị cát sụp lấp, để mong cứu sống người xấu số… Nhiều người sau khi thoát chết đã nhứt quyết bỏ hẳn nghề theo dông, tuy nhiên, rồi vì thúc bách miếng cơm manh áo nên hầu hết họ vẫn không thể dứt nghề. Bản thân ông Bình, đi đào dông thường cùng vợ hoặc con, nhưng lắm khi cũng chỉ một mình. Mùa đào dông ở đây thường kéo dài 5-6 tháng, từ sau Tết (tháng 2 âm lịch) đến mùa mưa là dứt. Chỉ tay ra dãy nhà xây xanh đỏ dọc con đường cát, ông Bình khẳng định: “Dân xóm này nên cửa nên nhà, sắm đồ sắm đạc cũng nhờ nghề đào dông”.

 

Điện thoại chị Hoa, được biết mẹ chị đang mua gom dông ở Phú Hiệp (Hòa Hiệp Trung), chúng tôi tiếp tục phóng xe. Đến nhà cu Quậy, mới 15 tuổi nhưng cu cậu đã nhiều năm đào dông. Do nhà nghèo, thấy dông có tiền, cu Quậy đã nghỉ học, chuyên theo dông liên tỉnh từ 5 năm nay; hiện đang đào ở vùng Văn Phong (Khánh Hòa).

 

Ông Hoàng Tấn Ngô, cha cu Quậy, cho biết: đào dông là nghề lâu đời của nhiều hộ ở đây, có những tốp đi đào dông hàng tháng trời mới về nhà một lần; khi lượng dông được khoảng 5-7kg, họ điện thoại cho đầu nậu mua bổ sung giúp đồ ăn, rồi vào tận chỗ để cân bán. “Một ngày mà đào được một ký dông là coi như trúng mánh, ba bốn trăm ngàn chớ ít đâu! Ham lắm!”, ông Ngô nói. Vùng Hòa Hiệp này cát nóng quanh năm, chẳng trồng được cây gì ra hồn, đã vậy, nguồn nước ở đây còn bị nhiễm dầu do vỡ đường ống dẫn từ nhiều năm trước, nên cuộc sống hết sức kham khó.

 

Ông Nguyễn Tôn (76 tuổi) nói: ngoài việc đào, cánh săn dông ở đây còn dùng bẫy. Bẫy dông là một khúc ống tre kèm dây thòng lọng gắn với một cành tre nhỏ làm cánh cung; khi con dông vướng dây, cánh cung sẽ bật thòng lọng thắt ngang cổ. Bằng kinh nghiệm riêng, người săn sẽ cắm bẫy trước các cửa hang, khi dông mò lên đi ăn thì… a lê! Thế nhưng dông cũng “khôn” dần nên biết tránh bẫy và dông dính bẫy hay bị chết, bán không được; vậy nên, đi đào là chắc cú nhất! Dụng cụ đào dông chỉ là một thanh tre vót mảnh dài khoảng 2m, một cây cuốc. Dùng thanh tre luồn vào cửa hang, khi thấy dừng lại đoạn nào là dùng cuốc đào theo đoạn đó. Tiếp đó, dùng tay mò moi theo lớp cát để tìm dông, rồi luồn thanh tre tìm ngách hang và tiếp tục đào. Thường phải đào hai “hiệp” mới bắt được con dông.

 

Thế nhưng cuối ngách hang bao giờ con dông cũng có hướng thoát hiểm, nên đôi lúc mất công đào mà không bắt được là chuyện thường. Phải có tay nghề cao và có “mạng sát dông” mới có thể… chặt bị. Có người chết vì cát vùi, khi đưa xác lên, bàn tay vẫn còn cầm chặt con dông…

 

Nhiều gia đình ở đây đã bắt đầu tổ chức nuôi dông nhưng rồi vì nhiều lý do, sản lượng đem lại cũng chẳng thấm tháp so với nhu cầu thị trường. Thôi thì đành chắc lưỡi, lần hồi xách cuốc đi đào dông cho… mau thấy.

 

Trên đường về, chúng tôi ghé lại quán chị Hoa để uống nước, chợt thấy nao lòng với từng chùm dông, bao đựng dông ra vào cửa quán. Khuôn mặt của những người “sát dông” vẫn đen đúa cát cháy...

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió
Thứ Bảy, 23/06/2012 14:00 CH
Bốn giờ thưởng ngoạn vịnh Hạ Long
Thứ Bảy, 02/06/2012 18:00 CH
Phố mây
Thứ Bảy, 26/05/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek