Thứ Ba, 26/11/2024 14:50 CH
Ông Chủ tịch Hội vì người nghèo khó
Thứ Bảy, 14/10/2006 09:08 SA

“Nhìn người ta khổ quá, mình không thể không giúp...”. Chính vì thế mà 18 năm qua, ông Huỳnh Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường 4, TP Tuy Hòa đã lặn lội đi quyên góp khắp nơi để giúp người khốn khó.

 

“THẤY NGƯỜI TA KHỔ QUÁ, MÌNH KHÔNG ĐÀNH LÒNG...”

 

Ông Xuân nở nụ cười ấm áp cho biết: “Thêm một hộ nghèo của phường sẽ có nhà mới trong tháng 10 này. Xây thêm một căn nhà cho người nghèo”, ông lại thấy vui, lại thấy lòng mình như nhẹ đi phần nào.

 

Những lần đi thăm bà con trong phường, biết được những hoàn cảnh bất hạnh khốn cùng ông lại xách cặp đi gõ cửa các nhà hảo tâm để xin tiền. Ông bảo: “Nhiều người nói tôi già rồi, lo nghỉ ngơi cho khoẻ, đi chi cho cực thân. Nhưng thấy người ta sống khổ quá, mình không đành lòng…”.

 

061014-ong-xuan.jpg

Ông Xuân đến thăm gia đình anh Ngô Văn Hưng vừa được ông vận động xây nhà tình thương - Ảnh: N.DUNG

 

Ông trầm ngâm: “Nếu nói về khổ thì cả phường này không ai khổ bằng bà Nguyễn Thị Phượng”. Từ ngày giải phóng đến năm 2003, bà phải ở trong một túp lều, dựa theo tường rào của trụ sở Thị đoàn cũ trên đường Lương Văn Chánh. Túp lều nhỏ xíu ấy được lợp bằng những tấm nhựa, giấy bóng vá víu. Mùa mưa bà co quắp người tê cóng trên chiếc giường ướt lạnh.

 

Thấy cảnh đời cơ cực của bà, ông Xuân kiến nghị lên UBND phường, lập tờ trình lên UBND thị xã (bây giờ là UBND thành phố) xin đất, sau đó tiếp tục đi vận động tiền xây nhà. Ba năm nay bà Phượng được sống trong căn nhà mà có mơ cũng không dám nghĩ đến. Bà ứa nước mắt: “Thân già như tui, suốt ngày lên chợ lượm bịch ny lông, giấy vụn bán kiếm sống thì làm sao dám nghĩ mình được ở trong căn nhà ngói ấm áp như bây giờ. Tất cả là nhờ mọi người quan tâm, nhờ lòng tốt của ông Xuân”. Gần 70 tuổi, bà thấy mãn nguyện khi gần cuối cuộc đời, ước mơ có được mái nhà như bao người đã thành hiện thực.

 

“Điều cốt yếu nhất của người làm công tác nhân đạo là phải chịu khó, nhẫn nại và hết lòng. Thiếu những đức tính này thì không xong”- ông Xuân bảo vậy. Bởi chuyện vận động xin tiền này cũng rắc rối lắm, đâu phải đi một lần là được. Gì chứ chuyện từ chối khéo theo kiểu “giám đốc đi vắng”, ông gặp hoài. Xin ở nơi này không được thì đi tới nơi khác. Ông nói đôi khi cũng mệt, cũng nản, nhưng nghĩ tới bà con nghèo, ông phải cố gắng.

 

Ông cười: “Chắc người ta thấy tôi già, đầu tóc bạc trắng nên cũng nể nang. Những người trẻ đi vận động còn ngại ngùng, tự ái này nọ, chứ tôi già rồi, cứ lao thẳng tới thôi!”.

 

NGƯỜI KHÔNG NHÀ ĐÃ CÓ NHÀ

 

Căn nhà nhỏ còn thơm mùi vôi của anh Ngô Văn Hưng, 23 tuổi bây giờ ngập tràn niềm vui. Hưng vừa mới cưới vợ hơn một năm nay. Vừa loay hoay thu dọn nhà cửa, cô vợ trẻ Đào Thị Mỹ Dung, 21 tuổi, nói: “Bây giờ cả xóm ai cũng thương ảnh. Ảnh chịu khó lắm, ngày nào cũng lo đi sơn nhà cho người ta để kiếm tiền trang trải chi tiêu trong gia đình. Thấy ảnh như vậy, em mừng lắm!”

 

Ngày trước nghe bạn bè rủ rê lôi kéo Hưng đi ăn cắp vặt, bị công an bắt đưa đi cải tạo. Người mẹ ở nhà buồn rầu rồi lâm bệnh mất. Hưng trở về, một thân một mình “tứ cố vô thân”. Sau 2 năm đi trại về, Hưng đã “cải tà qui chính”, lo tu chí làm ăn. Ngặt nỗi nhà cửa quá dột nát, xiêu vẹo. Ông Xuân thấy vậy liền bàn với chính quyền khu phố 5 đi vận động xây cho Hưng căn nhà, bởi người đời có câu: “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Chính lòng bao dung này đã giúp cho người thanh niên lầm đường lỡ bước tự tin hòa nhập với cộng đồng và sống lương thiện hơn.

 

Không chỉ vợ chồng Hưng mà 11 gia đình nghèo trong diện xoá nhà ở tạm của phường 4 đều cảm kính tấm lòng của ông Xuân. Ông Trần Đắc Nghị (khu phố 6) đã già đau bệnh nằm một chỗ. Hai đứa con ông bị nhiễm chất độc da cam, có triệu chứng tâm thần. Hàng ngày vợ ông phải gánh đậu hủ đi bán để lo cho bốn miệng ăn. Cả gia đình tá túc trong căn nhà rách nát, tạm bợ.  Gia đình của bà Lê Thị Lan (khu phố 5) có 3 đứa con không việc làm, một ngày bà chỉ kiếm được trên 10.000 đồng tiền lời từ gánh bánh canh. Nhà không tường không vách, phải dựa lưng vào nhà hàng xóm… Đến bây giờ tất cả đều được ở trong căn nhà xây rộng rãi khang trang. Họ có chung niềm vui, chung niềm xúc động và bày tỏ lòng biết ơn đến chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm và ông Xuân.

 

Ông Xuân tâm sự: “Giúp ai được chuyện gì thì thấy vui chuyện ấy. Người ta nghèo khổ mới cần mình giúp. Người ta sống đỡ cực, mình cũng thấy nhẹ lòng”. Ngày xưa mình cũng nghèo khổ, 11-12 tuổi phải đi ở mướn, chăn bò thuê cho người ta để kiếm miếng cơm, nên bây giờ lại càng thương người nghèo khổ.

 

“Làm được như ông Xuân, cả Hội CTĐ TP Tuy Hoà này không tìm ra người thứ hai. Từ năm 2002 đến nay, ổng đi vận động các nhà hảo tâm xây được 10 căn nhà tình thương cho người nghèo ở phường 4”. Chủ tịch Hội CTĐ TP Tuy Hoà Hà Trọng Khá nói về ông Huỳnh Ngọc Xuân như thế.

 

75 tuổi, dấu ấn thời gian đã hiển hiện trên mái tóc bạc trắng như cước và những bước chân chậm rãi chừng như mỏi mệt của ông. Nhưng ông Xuân bảo: “Tôi vẫn còn khoẻ lắm, giúp được điều gì cho người nghèo là tôi sẽ cố”.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ông “gàn”... nổi tiếng
Thứ Bảy, 07/10/2006 09:13 SA
Săn rắn độc dưới đáy đại dương
Thứ Năm, 05/10/2006 16:14 CH
Ngân hàng... “gánh nợ” cho khách hàng
Thứ Tư, 27/09/2006 08:50 SA
Chuyện hiếu học ở Xóm Chợ
Thứ Hai, 25/09/2006 08:17 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek