Hiện mỗi ngày người dân Phú Yên thải ra hàng trăm tấn rác sinh hoạt, nhiều loại vẫn chưa được thu gom và xử lý triệt để. Lượng rác thải tự do này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều người dân.
Rác thải sinh hoạt ngổn ngang tại ngã ba Đông Mỹ, xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) - Ảnh: N.QUANG
TIỆN ĐÂU ĐỔ ĐÓ
Hiện dân số của Phú Yên 872.000 người, ước tính trung bình mỗi ngày một người dân ở khu vực nông thôn thải ra môi trường khoảng 0,3kg rác và ở khu vực đôi thị khoảng 0,6kg rác. Có một thực tế là ở khu vực nông thôn, đất đai tuy rộng nhưng tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc nhiều người. Việc thu gom rác thải ở các huyện, thị xã Sông Cầu chỉ thực hiện tại trung tâm huyện lỵ và các phường nội thị. Rác sau khi thu gom thường chôn mà chưa được xử lý, nên rất dễ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) - đơn vị tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã cho biết, người dân ở đây quen với việc đổ rác sinh hoạt ra vườn hoặc các khu đất trống. Mặc dù hợp tác xã tích cực vận động bà con đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt nhưng cũng chỉ đạt gần 70%. Ông Trần Văn Hưng ở thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông nói: “Do nhà ở gần kênh mương thủy lợi nên rác thải sinh hoạt trong gia đình đều vứt xuống mương cho trôi đi nơi khác, chứ không gom lại để xe đến vận chuyển và xử lý”.
Còn tại xã Hòa Vinh, hiện phần lớn rác thải sinh hoạt của người dân vứt bừa bãi tại các trục đường các thôn, nhiều nhất là túi ni lông. Thêm vào đó, rác thải, súc vật chết từ các xã ở huyện Tây Hòa theo kênh chính nam của hệ thống thủy nông Đồng Cam trôi đến, tấp cạnh các đường thôn, mương nội đồng các thôn trong xã, càng làm môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ông Lê Ngọc Nam ở thôn 2 nói, chưa thấy đơn vị nào thu gom rác thải sinh hoạt nên hầu hết rác do người dân tự xử lý. Chỉ có số ít hộ gom lại đốt, còn phần lớn đổ ra vườn hoặc cạnh đường. Nguy hại nhất là những bịch, chai đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng thường bị quăng ngay tại ruộng, vườn, mưa lớn trôi xuống kênh mương. Ông Nguyễn Ngọc Quốc, trưởng thôn 1, xã Hòa Vinh bức xúc: Mang tiếng là thôn văn hóa nhiều năm liền, nhưng đại bộ phận người dân trong thôn không có ý thức trong việc thu gom và xử lý rác thải, dẫn đến môi trường ô nhiễm. Dù thôn đã nhiều lần kiến nghị xã, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra biện pháp giải quyết tình trạng này.
Ở khu vực nông thôn là vậy, còn ở TP Tuy Hòa dù rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân được nhân viên Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà và công trình đô thị thu gom rác, nhưng trên địa bàn các xã, phường ngoại thành vẫn đang tồn tại nhiều điểm tập kết rác tự phát dọc các đường, kênh mương và khu vực đất trống, gây mất vệ sinh, ô nhiễm nguồn nước. Đơn cử như điểm tập kết rác bên lề đường đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp thuộc phường Phú Thạnh. Điểm tập kết rác này lâu ngày mà không được xử lý, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi. Bà Nguyễn Thị Thanh ở gần điểm tập kết rác này bức xúc: Phường không quy hoạch nơi đây là điểm tập kết rác, nhưng không hiểu vì sao nhiều người vẫn cứ mang rác đến đây đổ. Lâu ngày không được xử lý, rác bốc mùi hôi, thu hút ruồi muỗi đến, rất mất vệ sinh.
Ông Huỳnh Kim Toàn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà và công trình đô thị cho biết: Công ty chịu trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt tại tất các xã, phường trên địa bàn thành phố, với khoảng 120 tấn rác/ngày. Nhân viên công ty chỉ thu gom rác tại các trục đường chính, sau đó vận chuyển đến bãi rác Thọ Vức để xử lý. Còn rác của hộ dân ở đường hẻm thì do các xã, phường thu gom, sau đó tập kết tại các thùng chứa rác của công ty đặt tại các trục đường chính thì mới được vận chuyển đến bãi rác.
THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT - NGUY CƠ TIỀM ẨN
Rác thải sinh hoạt ở nông thôn trong đó nguy hại nhất là những chai, bịch thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được người dân bỏ tại ruộng, vườn và khi mưa xuống thường trôi ra mương, sông. Tuy chưa có thống kê chính thức về việc thải những chai, túi đựng hóa chất độc hại này ra môi trường, nhưng thử làm một phép tính đơn giản là Phú Yên có trên 72.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm phải sử dụng hàng trăm loại thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ có hàng triệu chai, túi đựng thuốc được vứt ra đồng ruộng, vườn tược. Đây là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Hiện nay, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn lỏng lẻo, thị trường tràn lan những loại thuốc độc hại cấm sử dụng, thuốc quá đát... Ông Nguyễn Hữu Vị, nông dân ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) nói: “Chỉ có một số ít nông dân trong xã ý thức được việc vứt bỏ chai, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nên đã đem đi chôn, còn đa số bà con vẫn có thói quen quăng ngay tại ruộng vườn. Thiết nghĩ để tất cả bà con nông dân có ý thức về vấn đề này thì ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác vận động người dân; khi hiểu được mức độ độc hại đến sức khỏe họ sẽ có ý thức tốt hơn”.
Một thực tế đáng báo động hiện nay là đa số nông dân vẫn sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng, trong khi mỗi ngày rác thải sinh hoạt được đổ xả ra môi trường để tự phân hủy. Trong số này, một phần rác qua nước mưa sẽ ngấm xuống nguồn nước ngầm và chính họ lại là người gánh chịu hậu quả đầu tiên.
KỲ VỌNG DỰ ÁN BẠC TỈ
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Phú Yên), UBND tỉnh vừa ra thông báo cho phép lập thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa). Dự án này được xây dựng tại thôn Nam Bình I, với diện tích sử dụng đất khoảng 14ha do Công ty cổ phần Phú Yên Xanh làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến là 66 tỉ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp. Mục tiêu và quy mô đầu tư dự án gồm: xử lý 80 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, xử lý 600 tấn chất thải công nghiệp và nguy hại/tháng; Thời gian thực hiện từ năm 2012, thời gian hoạt động 50 năm. Việc xây dựng nhà máy phải bố trí cuối hướng gió, cuối dòng chảy, xung quanh Nhà máy phải trồng cây xanh cách ly, không bố trí ở vùng thường bị ngập nước, vùng có vết đứt gãy kiến tạo, khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất giữa nhà máy đến chân các công trình xây dựng khác > 500m. Trong quá trình lập dự án, yêu cầu chủ đầu tư tuyệt đối tuân thủ đầy đủ các thủ tục theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định an toàn lao động, bảo vệ môi trường…
ÔNG HUỲNH KIM TOÀN: “Nhà máy tái chế rác thải sinh hoạt từ các loại nhựa của công ty đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, với công suất 2 tấn sản phẩm/tháng. Hai loại sản phẩm chính của nhà máy là túi ni lông dùng để ươm cây trồng và hạt nhựa cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng. Khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động sẽ giúp công ty tận dụng tối đa nguồn rác thải để phục vụ sản xuất, kinh doanh”.
NGUYỄN QUANG