Về xã An Hiệp (huyện Tuy An) những ngày cuối tháng Giêng, không khí trở nên rộn ràng, ấm áp hơn trong cái nắng mùa xuân, đặc biệt là những ngày tưởng niệm danh nhân lịch sử, Thống soái Lê Thành Phương.
Người dân xã An Hiệp thu hoạch rau - Ảnh: T.QUỚI
An Hiệp vừa có núi, đồng bằng và cả đầm phá. Chính vì vậy mà ở đây cũng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đặc thù. Các thôn miền núi thì phát triển mạnh việc nuôi bò, trồng cỏ, trang trại nuôi heo rừng. Các vùng đồng bằng thì trồng lúa nước, bông vải và một phần cho rau xanh. Cư dân ven đầm Ô Loan lại phát triển mạnh nghề nuôi tôm thẻ chân trắng và đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản trong đầm.
Những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trong xã được nâng cao. Nhiều chương trình kiên cố hóa, hạ tầng nông thôn được triển khai nên đường về các thôn gần như được bê tông hóa, nhà cửa khang trang. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Thành, nói: “Năm 2012, chúng tôi đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cao hơn năm trước và tiếp tục phấn đấu để, xứng danh là quê hương danh nhân Lê Thành Phương”.
Chủ tịch UBND xã An Hiệp Bùi Xuân Phương cho biết thêm: “Năm vừa rồi xã chủ trương khuyến khích nhân dân miền núi đẩy mạnh trồng cỏ, nuôi bò; khu vực đồng bằng thì tiếp tục mô hình trồng rau chuyên canh và khu ven đầm tập huấn cho nhân dân kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng. Ở cả 3 vùng địa hình đều thành công!”. Đàn bò toàn xã đạt 4.000 con, dê, ngựa, heo, các loại gần 5.000 con; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 516 tấn vượt 170% so với kế hoạch, sản lượng đánh bắt thủy sản trong đầm 18 tấn vượt 80% kế hoạch; đặc biệt mô hình trồng rau chuyên canh đã và đang khẳng định hiệu quả là hướng đi đúng trong công tác chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình một sào đất (500m2) mỗi năm cho thu nhập trên dưới 40 triệu đồng, vượt xa chỉ tiêu cánh đồng 50 triệu/ha mà ngành nông nghiệp đang hướng tới.
Bí thư Bùi Văn Thành đưa chúng tôi đến cánh đồng Ngang (thuộc thôn Mỹ Phú 2) để tận mắt chứng kiến mô hình trồng rau chuyên canh. Trước mắt chúng tôi là một khoảng đồng mênh mông rau xanh các loại: xà lách, húng quế, húng duỗi, húng đứng, ngò rí, tần ô… Ông Bùi Phước Thuận và vợ đang thu hoạch rau, vui vẻ cho biết: “Nhà tui có hai sào đất, từ ngày chuyển sang trồng rau thu nhập cao gấp 5 đến 6 lần trồng lúa. Nhờ cây rau mà gia đình tui bước đầu có thu nhập ổn định”. Ông Thuận nhẩm tính: Một lứa rau kéo dài một tháng rưỡi, mỗi lứa vào thời điểm giá thấp nhất cũng bán được 5 đến 7 triệu đồng. Với hai sào, tui kiếm trên chục triệu. Làm rau ở xứ đồng này lại không sợ ngập lụt. Năm 2011, xã cũng đã đầu tư 160 triệu đồng để đưa đường dây điện ra tận các chân ruộng để giải quyết khâu tưới nước cho bà con, giải quyết căn cơ khâu khó khăn nhất cho những người canh tác rau xanh.
Điều mà Bí thư Bùi Văn Thành khá quan tâm là chuyện học hành, mà trước tiên là giữ vững phổ cập tiểu học và THCS. Xã cũng đã xốc lại hoạt động của Hội Khuyến học. Cả 5 thôn đều thành lập được chi hội, hàng năm đều tổ chức gặp mặt động viên trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Quỹ của Hội Khuyến học xã luôn duy trì mức trên dưới 15 triệu đồng được vận động từ sự đóng góp của các hội viên và các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã. Nhiều gia đình là điển hình trong mô hình gia đình học tập thành đạt như gia đình ông Trần Trọng Tư (Tư Đề), Nguyễn Văn Trú, Bùi Xuân Phân (thôn Phú Mỹ 2)... con cái đều được học hành đến nơi đến chốn, làm ăn thành đạt. Phó chủ tịch UBND xã An Hiệp, Lê Hồng Tâm, cho biết: “Mỗi năm toàn xã có trên dưới 20 em đậu vào trường đại học, cao đẳng trong cả nước, có trường hợp em Ngô Đức Mạnh đang là nghiên cứu sinh ở Nga”. Theo anh Tâm, toàn xã có trên 100 cử nhân, 10 người có trình độ thạc sĩ đang làm việc trên nhiều lĩnh vực ở các thành phố trong nước.
Ghi chép của TRẦN QUỚI