Thứ Hai, 25/11/2024 22:16 CH
Nước mắt hồi sinh
Thứ Bảy, 11/02/2012 18:00 CH

Mùa khô năm 1984 chúng tôi chiến đấu ở vùng Ngã ba biên giới Thái lan, Lào, Campuchia. Sau chiến dịch tiến công hai sư đoàn Pôn Pốt ở trên dãy Đăng Rếch thắng lợi, trong khi các đơn vị bạn rong ruổi lùng sục truy quét bọn tàn quân Pôn Pốt còn ẩn nấp trong các khe núi, rừng cây và thu gom vũ khí, trang thiết bị địch bỏ lại, cũng là lúc Trung đoàn 733 thuộc Sư đoàn 315 chúng tôi nhận nhiệm vụ hành quân lên chốt giữ cứ điểm Đăng Rếch.

 

hoi-sinh120211.jpg

Sư đoàn 315 kỷ niệm 10 năm thành lập (năm 1988) - Trong ảnh: Tác giả đứng hàng sau, thứ ba từ trái sang - Ảnh: P.N.DIỆP

Đăng Rếch là dãy núi cao, kéo dài từ chùa Prétvihia đến Ngã ba biên giới Thái Lan, Lào, Campuchia. Nơi đây vách đá dựng đứng, hiểm trở. Trước chiến dịch mùa khô năm 1984, dãy Đăng Rếch từng là sào huyệt của hai Sư đoàn 801 và 920 quân Pôn Pốt.

 

Sau một ngày hành quân vất vả, đơn vị chúng tôi lên đỉnh Đăng Rếch thì được lệnh đóng quân. Buổi chiều, chúng tôi kiểm tra truy quét toàn bộ khu vực chung quanh vị trí trú quân thì phát hiện trong một bụi rậm có tiếng động. Đồng chí trinh sát dẫn đường ra hiệu cho anh em dừng lại. Cậu ta quan sát, nghe ngóng rồi ngồi xuống, khoát tay báo hiệu cho mọi người triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu, còn cậu nhẹ nhàng cẩn thận tiến đến tiếp cận mục tiêu.

 

Khi cách nơi phát ra tiếng động khoảng năm mét, cậu nhặt hòn đá ném vào đống lá đã ngả màu vàng úa trong bụi rậm. Mọi người bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc “oe, oe” yếu ớt. Đồng chí trinh sát quát to: “Lớt đay lơn!” (Giơ tay lên!). Từ trong đám lá vàng, một người đàn bà lóp ngóp bật dậy, đôi mắt sợ hãi nhìn vào những người lính chúng tôi. Trong tay cô ta ôm chặt một đứa nhỏ, giọng nói thều thào không thành tiếng “…Con … top… Việt… Nam!… “…Con … top… Việt… Nam!…”. Đứa bé còn đỏ hỏn, mắt nhắm nghiền, cái miệng vẫn nhay vú mẹ không dứt, cánh tay bé tí nhăn nheo như bàn tay con khỉ nhỏ giơ lên yếu ớt quờ quạng trên bầu vú nhăn nheo. Thấy những người lính tình nguyện Việt Nam, cô ta sợ hãi vội vàng kéo nhanh vạt áo phủ lại ngực vừa như bẽn lẽn sợ sệt vừa như sẵn sàng phòng thủ.

 

Hàng chục đôi mắt đổ dồn về phía người phụ nữ đang run rẩy trong bụi cây rậm rạp, đang ôm chặt đứa bé nheo nhách như con chuột lột.

 

Da đứa bé xám ngoét, tay chân ngọ ngọe, mắt lờ đờ không mở, đầu cựa quậy rúc vào ngực mẹ, vừa nhay nhay núm vú không còn một giọt sữa của người đàn bà vừa bỗng lại nhả ra ngoác miệng khóc ngằn ngặt. Người đàn bà sợ hãi bật khóc cất tiếng van xin chúng tôi thảm thiết.

 

Lúc đó, đồng chí Trung đoàn trưởng Vũ Hồng Sáu nói:

 

- Các đồng chí phải hết sức cảnh giác!

 

Nói rồi, anh kịp thời động viên, chỉ đạo anh em trong đơn vị kiểm tra xem hai mẹ con có bị thương không, tạm thời đưa họ về chăm sóc.

 

Mùi mồ hôi khét lẹt, mùi khai, mùi tanh và mùi hôi bốc ra từ hai mẹ con cô ta, hậu quả của nhiều ngày không tắm giặt sộc vào mũi mọi người vô cùng khó chịu. Anh em nhăn nhúm mặt mày dìu người phụ nữ đói khát, tiều tụy vào trong một cái lều bạt vừa mới vội vàng dựng lên, trong đó có một cái sạp bằng tre được phủ một chiếc vỏ chăn bộ đội cho mẹ con họ nằm. Số nước ít ỏi còn lại ở các bi đông được lập tức huy động đổ dồn vào một cái thau nhôm duy nhất để mẹ con người phụ nữ tắm rửa tẩy uế. Người phụ nữ giương đôi mắt rao ráo nhìn trộm mọi người nen nét, nghi ngại.

 

Anh nuôi nấu cho cô ta một nồi cháo. Tô cháo nóng đặt vào tận tay người phụ nữ. Khói bốc nghi ngút, mùi thơm xông lên. Khuôn mặt người phụ nữ chợt rạng lên nỗi thèm thuồng khó tả. Tay cô ta run run cầm chiếc thìa inox sáng bóng, vội vàng xúc cháo vừa thổi, vừa húp sì sụp, thỉnh thoảng cô ta ngẩng đầu lên ngước nhìn chung quanh với đôi mắt khẩn khoản như sợ ai đó bỗng dưng chạy tới giựt lại tô cháo. Có lẽ trong tâm trí cô ta đang tái hiện hình ảnh bọn Ăngca người đội lốt quỷ, đánh đập những người dân Campuchia vô tội trong lúc họ đang ăn, hay cô ta cảm động trước sự thương cảm mà những người lính tình nguyện quân Việt Nam dành cho một tù binh nên hai hàng nước mắt của cô ta rưng rưng chảy.

 

Cô ta vừa khóc vừa ăn. Tô cháo mỗi lúc một vơi dần, mồ hôi trên trán người phụ nữ toát ra nhễ nhại. Cô ta khó nhọc đưa tay lên mặt quẹt qua quẹt lại để lau mồ hôi. Bấy giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ dung nhan người phụ nữ: khuôn mặt hốc hác nhưng rất đẹp, nước da ngâm ngâm bánh mật, đôi mắt tròn to thảng thốt chứa đựng bao nỗi đau khổ nhọc nhằn.

 

Từ hôm thu được “chiến lợi phẩm” đó, đơn vị có thêm công việc. Mỗi ngày đơn vị phải cắt cử ba đồng chí canh gác, hai đồng chí gùi nước bảo đảm việc chăm sóc “hai tù binh”. Bởi vì ở dãy Đăng Rếch, muốn có nước thì phải xuống tận con suối dưới chân dãy Đăng Rếch phía bên đất Thái Lan, đường xa, dốc dài với toàn đá lởm chởm, cả đi và về mất gần bốn tiếng đồng hồ.

 

Ban đầu chuyện nước uống còn không đủ mà lại nói đến chuyện đi lấy nước về cho “tù binh” tắm không được mọi người chấp nhận. Có cậu được phân công đi gùi nước đã phản đối không đi. Nhưng rồi, được chỉ huy động viên, giải thích về chính sách tù binh, hơn nữa nhìn cháu bé mới chừng hai, ba tháng tuổi tiểu tiện, đại tiện dầm dề ra người mẹ, khiến chúng tôi thương cảm mẹ con họ.

 

Suốt bảy ngày đơn vị chúng tôi chăm sóc cho hai mẹ con “tù binh” tận tình, chu đáo. Ăn uống đầy đủ, được ngủ trong nhà, sức khỏe hai mẹ con người phụ nữ dần dần hồi phục, làn da của đứa trẻ đã tươi hơn, cơ thể từng bước hồi sinh. Đứa trẻ đã có sữa bú no nê, nằm nẩy ngửa trong tay người mẹ, hơi thở của nó đều đều say sưa trong giấc ngủ. Người phụ nữ đã không còn ánh nhìn len lét sợ hãi đối với chúng tôi nữa, ánh mắt cô ta nhìn những người lính tình nguyện Việt Nam đã dìu dịu.

 

Qua khai thác, chúng tôi được biết cô tên là Keo Sơ Ma. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở huyện Bung Lung, tỉnh Ranatakiri trù phú, một vùng đất đỏ Bazan màu mỡ với những cánh rừng cao su bạt ngàn, ao hồ đầy ắp cá tôm. Người dân quê cô từng có cuộc sống đầy đủ, bình yên. Gia đình cô có ba anh chị em, một trai, hai gái, cô là con gái út. Năm cô vừa tròn mười sáu tuổi, cái tuổi trăng tròn đầy mơ mộng, nhìn trăng thấy trăng cao vời vợi, nhìn mây thấy mây trôi nhè nhẹ, những đêm trai gái trong phum quây quần bên nhau nhảy điệu lăm thôn.

 

Năm 1975, bọn áo đen từ đâu hùng hổ kéo về phum. Chúng bắt tất cả những người có chữ lùa vào các trại cải tạo lao động tập trung, trong đó có anh chị của Keo Sơ Ma. Những người còn lại trong phum thì bị lùa vào rừng lao động khổ sai trong các công xã. Cuộc sống bình yên của gia đình Keo Sơ Ma bỗng dưng ly tán.

 

Năm 1978, Keo Sơ Ma bị bắt đi tải đạn cho quân Pôn Pốt đánh phá biên giới Việt Nam. Cô đã phải chứng kiến cảnh lính Pôn Pốt giết hại dã man đồng bào Việt Nam ở vùng biên giới, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Cô cùng một số người trốn vào rừng nhưng rồi bị quân Pôn Pốt tìm bắt, giam giữ đánh đập. Lúc đó Bu Khăn - Tiểu đoàn trưởng thấy cô trẻ, xinh đẹp đã chiếm đoạt rồi bắt ép cô làm vợ.

 

Năm 1979 Quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng Campuchia, tàn quân Pôn Pốt chạy trốn bên đất Thái và lập căn cứ trên dãy Đăng Rếch, mưu đồ chống lại cuộc sống bình yên của nhân dân Campuchia. Từ đó đến nay cô tham gia hoạt động cho Pôn Pốt, làm văn thư Sư đoàn 801. Bu Khăn - chồng cô chính là Sư đoàn phó Sư đoàn 801.

 

Những năm làm lính Pôn Pốt cô toàn nghe những lời tuyên truyền bộ đội Việt Nam độc ác, xấu xa. Nếu bị bắt sẽ bị đánh đập, hãm hiếp. Bây giờ trực tiếp đối diện với bộ đội Việt Nam, được bộ đội Việt Nam chăm sóc tận tình, được nhìn thấy hành động thân thiện, ân tình chứ không phải như lời của Pôn Pốt nói với cô. Cô khai báo toàn bộ sơ đồ, vị trí các kho tàng của bọn Pôn Pốt cho đơn vị chúng tôi. Nhờ sự thành thật khai báo của Keo Sơ Ma mà việc thu gom chiến lợi phẩm của trung đoàn trở nên hết sức thuận lợi. Chúng tôi đã thu được hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh của địch.

 

Cô nói chính bộ đội Việt Nam đã cứu sống mẹ con cô, đời này, kiếp này cô không bao giờ quên ơn. Cô khẩn khoản cầu xin bộ đội Việt Nam khoan hồng giúp đỡ mẹ con cô được cải tạo, trở về quê hương sinh sống, tìm lại những người thân của mình.

 

Hôm đơn vị tổ chức đưa mẹ con Keo Sơ Ma về Strungtreng bàn giao cho chính quyền bạn, Keo Sơ Ma ôm đứa bé đang ngủ ngon trong vòng tay nhìn chúng tôi rồi khóc nức nở. Những giọt nước mắt của cô lăn tròn trên hai gò má bầu bĩnh, rơi xuống mặt, xuống tay đứa bé. Thấy vậy, đồng chí Trung đoàn trưởng Vũ Hồng Sáu nói khôi hài: “Chiến lợi phẩm của chúng ta biết khóc đấy!”. Mấy người lính chúng tôi nhận nhiệm vụ đưa mẹ con Keo Sơ Ma về Stungtreng cùng cười. Trong tôi bỗng nhận ra những giọt nước mắt của người mẹ trẻ thật là ấm áp. Vâng, đó là những giọt nước mắt hồi sinh.

 

PHẠM NGỌC DIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đến quê hương Hải đội Hoàng Sa
Chủ Nhật, 22/01/2012 14:00 CH
Tìm lại mùa xuân cuộc đời
Thứ Bảy, 07/01/2012 18:00 CH
Khi nhà giáo trồng hoa Tết
Thứ Bảy, 07/01/2012 10:00 SA
Cảm nhận Pleiku
Thứ Bảy, 24/12/2011 18:00 CH
Bẫy thú rừng
Thứ Bảy, 10/12/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek