Từ nhiều năm nay, người dân hai thôn Đá Bàn và Gia Trụ, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) luôn hoang mang khi có nhiều thanh niên từ 22-32 tuổi mắc bệnh tâm thần mà không rõ nguyên nhân.
Anh Lê Moi Lợi trong căn nhà dột nát - Ảnh: D.HOÀI
KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN
Vượt hơn 40km từ thị trấn Củng Sơn theo ĐT646 qua những đoạn đèo gấp khúc để đến thôn Đá Bàn và Gia Trụ, xã Phước Tân, chúng tôi gặp một người đàn ông chừng 30 tuổi quần áo rách tả tơi, cầm khúc gỗ mục trên tay, miệng hát vang rảo bước. Thấy người lạ, anh bật cười rồi đột nhiên bật khóc, quay mặt bỏ chạy về nhà. Người đàn ông đó là Lê Moi Lợi, 31 tuổi ở thôn Đá Bàn. Ông Ma Quyết, Bí thư Chi bộ thôn Đá Bàn cho biết: Hiện ở thôn Đá Bàn và Gia Trụ có gần chục người mắc bệnh tâm thần, làm cuộc sống của người dân đảo lộn, ai nấy cũng lo lắng vì không rõ nguyên nhân. Điều đáng nói là những trường hợp mắt bệnh là những thanh niên tuổi từ 22-32.
Nơi anh Lợi đang sống là một căn nhà cấp 4 rộng chừng 21m2 dột nát, trong nhà trống huơ trống hoác, không có một thứ đồ vật nào đáng giá. Bước vào nhà, mùi tanh tưởi xộc vào mũi đến nghẹt thở, anh Lợi thì đang ngồi ở góc nhà, nhìn chúng tôi cười như điên dại. Theo người thân anh Lợi, vào giữa năm 2006, khi còn cách ngày kết hôn khoảng một tuần, anh Lợi thức dậy trong trạng thái bất thường, miệng la hét không ngớt rồi đập phá các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, xé rách nát quần áo đang mặc. Gia đình đã đưa anh đi khắp các bệnh viện chuyên khoa ở Phú Yên, Bình Định. . . chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, ngược lại ngày càng nặng, nên đành đưa về nhà chăm sóc. Nhiều lúc anh Lợi lên cơn, chạy ra ngoài đường gặp ai cũng đánh, đấm túi bụi. Mọi người trong thôn từ trẻ em đến người lớn đều sợ những trò chơi của anh như: đem bẫy thú ra ngoài đường bẫy người, lấy ná bắn lung tung… nên gia đình anh phải liên tục xin lỗi, bồi thường người bị hại gần 8 triệu đồng. Để anh khỏi “quậy”, gia đình khóa chặt chân anh bằng sợi xích buộc vào chiếc giường. Chị Phan Thị Hoàng Linh, giáo viên Trường tiểu học Phước Tân – phân trường thôn Đá Bàn cho hay: Vào năm 2005 tôi nhận phụ trách công tác Đoàn ở thôn Đá Bàn. Trong thời gian tham gia sinh hoạt, anh Lê Moi Lợi là một thanh niên khỏe mạnh, hiền hậu, năng nổ nên ai cũng quý mến. Không hiểu vì lý do gì đến năm 2006 anh lại mắc bệnh.
Cách nhà anh Lê Moi Lợi không xa là nhà anh Lê Mo Vang, 32 tuổi, cũng bị tâm thần vào năm 2006. Gặp anh, chúng tôi liền chào hỏi nhưng anh chỉ nhìn chằm chằm, cười toáng lên rồi bỏ chạy. Tại nhà anh, bà Lê Mo Rõi (mẹ anh Vang) đang lúi húi dưới gian bếp mịt mù khói đút cơm cho anh. Rơm rớm nước mắt khi nhắc đến chuyện con trai mình, bà Rõi ngậm ngùi thở dài nói: Nó (Lê Mo Vang) lập gia đình năm 1999, đến năm 2006 hai vợ chồng có một đứa con gái. Được làm bố vài tháng thì tâm tính nó bỗng biến đổi bất thường, sau đó hóa điên. Gia đình cũng đưa đi điều trị khắp nơi nhưng bệnh tình không khỏi. Khi lên cơn điên, nó hay đánh đập vợ con nên vợ con bỏ qua bố mẹ ruột sinh sống ở làng gần bên. Tôi hỏi anh vài câu xã giao, anh ngây ngô bật lên tiếng cười to, thỉnh thoảng lại buông ra một câu hát bằng tiếng dân tộc.
Đau lòng hơn là trường hợp của anh Lê Mo Dế (23 tuổi). Ông Lê Mo Đợi, cha anh Lê Mo Dế kể: “Mo Dế bị bệnh vào năm 2007 trong lúc còn đang đi học. Lúc phát bệnh, nó kêu khóc suốt đêm, sáng dậy thì lấy đá ném vào nhà hàng xóm rồi bỏ nhà đi biền biệt mấy ngày. Đến khi gia đình tìm thấy được thì nó đã “thân tàn ma dại”. Sau đó gia đình đưa nó đến nhà thầy cúng chữa trị một thời gian nhưng không khỏi. Gia đình khổ vì nó lắm. Trước đây, nó là niềm hy vọng của gia đình cũng như trong buôn làng, bởi học giỏi lại chăm chỉ, hiền lành”, ông Mo Đợi vừa nói vừa lau nước mắt.
Anh Lê Mo Vang - Ảnh: D.HOÀI
TIỀN MẤT TẬT MANG
Theo phong tục của các dân tộc: Ê Đê, Ba Na, Chăm H’Roi... mỗi khi có người trong làng bệnh đau, họ phải tổ chức lễ cúng thần ma mà không đưa đến trạm xá hay bệnh viện để điều trị. Người dân ở đây cho rằng, các thanh niên bị bệnh là do “con ma rừng” nhập vào trong những lần lên rẫy rồi theo về làng. Do vậy, những người bị “ma nhập” muốn khỏi bệnh thì phải cúng. Trong thôn thường hay tổ chức lễ hội, lễ cúng thần núi, thần nước, nhân đó các gia đình cũng tổ chức cúng “giải hạn” cho người bệnh.
Sau vài lần cúng mà bệnh tình không khỏi, tự mỗi gia đình tổ chức cúng riêng. Thông thường buổi cúng phải có lễ thịnh soạn, đầy đủ nghi thức tập tục bản địa, gồm: một con bò đực cày, heo, gà bày biện để cúng ở trong nhà, rồi đem ra đầu thôn cầu xin các âm thần tha tội và trả lại sức khỏe ban đầu cho người bệnh. Cúng xong ai cũng mong “con ma rừng” sẽ rời bỏ người bệnh, nhưng chờ mãi bệnh tình vẫn không thuyên giảm nên mọi người hết sức thất vọng.
Tuy vậy, cũng có gia đình như Lê Mo Đợi quyết tâm tìm thầy về chữa cho con trai mình. Ông và mọi người trong gia đình đã đến cầu thầy cúng N.L (trú huyện Đồng Xuân) về chữa bệnh cho con. Lúc đầu gia đình đưa anh Lê Mo Dế đến nhà thầy N.L chữa trị bệnh gần một tháng. Trong thời gian đó, thầy N.L chữa bệnh cho Dế đủ các phương pháp theo cách của mình, nhưng vẫn không hiệu quả. Thấy vậy thầy liền phán: “Muốn linh nghiệm phải cúng ở hai nơi. Nay ta làm ở đây (Đồng Xuân) thì làm sao mà hết bệnh được”. Vậy là lễ cúng đuổi ma hết sức quái dị diễn ra tại nhà Lê Mo Dế vào một chiều cuối năm 2011. Trước bàn thờ hương khói nghi ngút với gà, heo…, thầy cúng N.L rung chuông, gõ lục lạc và lầm bầm điều gì đó. Sau đó, thầy N.L lấy tàn hương, tro ở bàn lễ hòa vào nước lã bắt anh Dế uống… Mặc dù gia đình đã tốn 10 triệu đồng tiền công cộng lễ vật cho những lần cúng lễ, nhưng sau đó anh Dế vẫn không khỏi bệnh. Sau những lần theo thầy cúng chữa bệnh, gia đình anh Dế lâm vào cảnh khốn đốn, do đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. “Chúng tôi đã bán hết mấy con bò mà bệnh tình của nó vẫn vậy”, ông Đợi thở dài.
Nghe theo ý kiến của người chú, ông Đợi mới đưa Dế đến Trạm Y tế xã Phước Tân, rồi đến các bệnh viện ở Phú Yên điều trị. Đến nay bệnh tình của anh Dế đã giảm, sức khỏe tốt hơn.
HÙNG VĂN – DUY HOÀI
Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Y tế huyện Sơn Hòa cho biết:
Các trường hợp mắc bệnh ở xã Phước Tân, chúng tôi đã xác định là bệnh tâm thần và đã thông báo cho các gia đình bệnh nhân về tầm quan trọng trong việc đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để chữa trị. Hiện các bệnh nhân trên đã được y bác sĩ chăm sóc, điều trị. Phòng Y tế huyện Sơn Hòa cũng đã chỉ đạo Trạm Y tế xã Phước Tân tiến hành điều tra, rà soát số người mắc bệnh; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện khám và cấp thuốc miễn phí. Muốn bệnh nhân mau khỏi, cần lồng ghép tuyên truyền về cách phòng chống bệnh tật nói chung và bệnh tâm thần nói riêng qua các buổi họp thôn, buôn, đồng thời tuyên truyền giáo dục về lối sống lành mạnh, không được lạm dụng rượu, bia…