Chủ Nhật, 06/10/2024 21:21 CH
Trầm mình dưới nước mưu sinh
Thứ Bảy, 03/03/2012 14:00 CH

Những ngày này, một số người dân thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) thức dậy rất sớm, dầm mình dưới sông Ba để mưu sinh. Con dắt, con don đang rộ.

 

Oc120303.jpg

Đội nắng, dầm mình trong nước để cào dắt, don - Ảnh: N.THẮNG

NHỌC NHẰN TRÊN NẮNG DƯỚI NƯỚC

 

Công việc của những người cào dắt, don tùy thuộc vào con nước. Nước lớn đi trễ, nước cạn đi sớm, có khi đến 1g chiều mới kết thúc công việc. Đầu đội nắng, lại phải ngâm mình dưới nước hàng giờ liền, những người cào dắt cần có sức khỏe tốt, nếu không sẽ dễ ngã bệnh.

 

Ông Nguyễn Xuân Quý, 55 tuổi, ở xóm 8, thôn Ngọc Lãng thức dậy từ 2g sáng để chuẩn bị đồ ăn và dụng cụ, bắt đầu một ngày mưu sinh. Khi ông Quý vác đồ nghề ra sõng cũng là lúc nhiều người trong xóm ra đến bến. Xóm 8 bừng giấc bởi tiếng trò chuyện rôm rả của những người đi cào dắt. Mỗi người đều mang theo thức ăn và đồ nghề gồm một chiếc cào (cán làm bằng tre, dài hơn 3m, miệng cào làm bằng sắt gắn lưới thép), một cái thau nhôm hoặc nhựa để đựng “thành quả lao động”. Thau được gắn với người cào bằng một sợi dây để gió, sóng không kéo trôi. Thường thì trên mỗi chiếc sõng có hai người đi để thay phiên nhau cào. Chỗ này hết dắt thì bơi sõng đến nơi khác, mỗi người một khu vực, không ai tranh giành với ai.

 

Ông Quý có hơn 20 năm cào dắt, don. Ông thổ lộ: “Gia đình không có đất canh tác nên phải làm công việc này. Coi vậy chớ khổ lắm, mỗi ngày kiếm được số tiền bằng một ngày công là mừng rồi. Có hôm dư dả hơn một chút”.

 

5 năm gắn bó với công việc trên nắng dưới nước, anh Trần Văn Hùng, 31 tuổi, ở xóm 8, nói: “Làm công việc này, chỉ cần chịu khó và kiên nhẫn là được. Mới đầu xuống nước thấy lạnh lắm nhưng cào vài nhịp, cào liên tục thì sẽ bớt lạnh, rồi lâu dần cũng quen. Khi mới “vào nghề”, vì chịu không nổi cái lạnh nên tôi muốn chuyển qua công việc khác, nhưng thấy thu nhập cũng bấp bênh nên phải ráng làm, dần dần rồi quen. Người ta làm lâu năm, thuộc lòng con nước, những nơi có dắt, don nhiều... họ về sớm trong buổi sáng, còn tôi còng lưng cào có khi tới 1, 2g chiều”.

 

Giống như những người thường xuyên đi cào dắt, don, đôi tay và đôi chân anh Hùng trắng bợt, nhăn nhúm. “Sõng của tôi đi hai người, thay phiên nhau cào nhưng lúc nào người cũng ướt nhẹp vì lên sõng nghỉ chưa kịp khô thì đã xuống nước trở lại. Có làm công việc này mới thấy khổ. Nhiều người khi rà dắt bằng chân gần bờ bị mẻ chai hoặc cây nhọn đâm vào chân chảy máu nhưng vẫn ráng làm chớ đâu thể bỏ về giữa chừng” - anh Hùng kể.

 

Không phải ai cũng quen được với công việc cào dắt, don, vừa ngâm mình trong nước vừa phơi dưới nắng. Có những người chỉ đi cào được một buổi rồi không bao giờ làm công việc này nữa. Có người xuống nước được vài tiếng đồng hồ thì lạnh quá, không thể làm tiếp, đành phải bơi vào bờ và tìm việc khác mưu sinh. Anh Tân, cháu ông Quý ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) là một ví dụ.

 

XÓM CÀO

 

Thôn Ngọc Lãng có hơn 30 chiếc sõng và trên 60 người làm nghề cào dắt, don, đa phần ở xóm 8. Trước đây, người dân xóm 8 sống bằng nghề đánh lưới và đãi sạn trên dòng sông Ba. Nay cá tôm cạn kiệt dần, còn sạn thì không có bãi đổ, thu nhập thấp. Từ khi con dắt, con don có giá, một số người ở xóm 8 chuyển nghề, rồi dần dần cả xóm mua sắm dụng cụ theo nghề cào dắt, don. Giá mỗi kg dắt 2.000 đồng, don 8.000 đồng/kg. Chị Võ Thị Đào ở xóm 8 mua gom dắt, don cho biết: Dắt, don được những người nuôi tôm hùm, nuôi vịt đẻ đặt hàng với số lượng lớn. Mỗi ngày tôi mua gom trong cả xóm chỉ được 2-3 tạ, có khi được 5 tạ là cùng, không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua. Mua xong, không cần phân loại, tôi chỉ việc cho vào bao rồi chuyển đi cho các chủ nuôi tôm hùm, nuôi vịt”.

 

Trong khi chúng tôi trò chuyện với chị Đào thì vợ chồng anh Huỳnh Văn Thành ở xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) tới hỏi mua lại số dắt, don mà chị mua gom từ sáng đến giờ và đặt tiền cọc để chị cung cấp hàng cho vợ chồng anh. Anh Thành nói: “Tôi cũng là người mua đi bán lại thôi. Sau khi ra chợ Sông Cầu, thấy dắt, don được tiêu thụ mạnh, vợ chồng tôi đi tìm mua để bán lại kiếm ít lời. Trước đây, tôi bán cá giã cào cho những người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu và Vạn Giã (Khánh Hòa)”.

 

Mùa dắt, don trên sông Ba đã bắt đầu. Nhiều người lại trầm mình gần cả ngày dưới nước để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Những con dắt, don sinh sống từ đoạn cuối sông Ba đến cửa biển Đà Diễn (TP Tuy Hòa) trở thành nguồn thu nhập cho những người dân nghèo xóm 8.

 

NGỌC THẮNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek