Nếu như năm 1965, GS Tôn Thất Tùng là người Việt Nam đầu tiên thực hiện thành công ca mổ tim hở với máy tim phổi, thì 66 năm sau - năm 2011 - một học trò của ông đã trở thành bác sĩ người Việt đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tim. Người đó là GS.TS, Thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII, người được mệnh danh là “bàn tay vàng” của ngành ngoại khoa Việt Nam, là một trong 12 cá nhân được tôn vinh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ IX – 2011. Ông là người con của 2 vùng đất Phú Yên và Nghệ Tĩnh.
GS.TS Bùi Đức Phú - Ảnh: X.LUẬT
CA GHÉP TIM LỊCH SỬ
Công việc của một giám đốc bệnh viện lớn và đại biểu Quốc hội rất bận rộn, nhưng nghe giới thiệu tôi là người xứ Nghệ, lại đang làm việc tại một cơ quan báo chí của tỉnh Phú Yên, GS.TS Bùi Đức Phú dành thời gian niềm nở tiếp chuyện. GS.TS Bùi Đức Phú kể lại: Ca phẫu thuật tiến hành vào ngày 1 và 2/3/2011, kéo dài trong 5 giờ, rất căng thẳng và khẩn trương, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối của từng động tác và công đoạn. Người được ghép tim là bệnh nhân Trần Mậu Đức, 26 tuổi ở phường Phú Hậu, TP Huế. Tim lấy từ một người chết não, được gia đình tự nguyện hiến cho bệnh viện. Ca ghép tim được thực hiện với kỹ thuật ghép tim tiên tiến nhất thế giới mà không cần có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Để thực hiện ca phẫu thuật “lịch sử” này của ngành ngoại khoa Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Huế đã huy động gần 100 bác sĩ và y tá. Ngay sau khi ca phẫu thuật thành công, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Còn ông thì ngồi lặng đi một lúc. Bởi đây không chỉ là vinh quang cho riêng ông và ê kíp phẫu thuật mà nó đánh dấu sự trưởng thành của Bệnh viện Trung ương Huế nói chung và ngành phẫu thuật tim mạch Việt Nam.
Trước đó, GS.TS Bùi Đức Phú đã thực hiện thành công trên 8.000 ca phẫu thuật tim hở, trong đó có nhiều ca phẫu thuật khó, đòi hỏi phải áp dụng kỹ thuật tiên tiến của thế giới và trên 30 ca ghép thận.
Thành công của GS.TS Bùi Đức Phú và Bệnh viện Trung ương Huế hôm nay không phải là ngẫu nhiên, mà nó là một quá trình dài của sự chuẩn bị về mặt kiến thức của bản thân ông và các điều kiện cho Bệnh viện Trung ương Huế. Chính ngay từ khi còn học và làm luận án tiến sĩ tại Pháp, ông đã miệt mài học hỏi và tạo dựng các mối quan hệ để sau này về nước, với sự tài trợ của tổ chức Đông Tây hội ngộ và AP của Hoa Kỳ, ông đã xây dựng Trung tâm tim mạch của Bệnh viện Trung ương Huế - một trong những trung tâm tim mạch được trang bị hiện đại nhất Đông Nam Á, nhằm cứu chữa cho những bệnh nhân tim mạch khu vực miền Trung nghèo khó ở xa hai trung tâm của đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
NGƯỜI CHA VÀ NGƯỜI THẦY LỚN
Trong câu chuyện với tôi, GS.TS Bùi Đức Phú rưng rưng nhớ về người cha quá cố của mình, cụ Bùi Phương, quê ở xã Thuận Lộc, Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nay là TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - một chiến sĩ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, và người mẹ tảo tần Phan Thị Thanh Châu, quê ở đất học Yên Nhân, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
GS.TS Bùi Đức Phú nhận giải thưởng chương trình Vinh quang Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng - Ảnh: X.LUẬT
Quá nửa cuộc đời vợ chồng cụ Bùi Phương sống và gắn bó với Phú Yên, coi Phú Yên là quê hương thứ hai. Cuộc đời cụ Bùi Phương là một tấm gương tự học và lao động. Sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp, cụ lánh vào Nam, làm nhân viên ngành giao thông. Chỉ từ tấm bằng Primaire (tương đương hết bậc tiểu học ngày nay), cụ đã tự học và lấy được tấm bằng kỹ sư Công chánh. Thời bấy giờ, khắp cả nước, người có được trình độ kỹ sư công chánh như cụ không nhiều. Một lòng hướng về cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, cụ đảm nhận thiết kế, thi công nhiều công trình giao thông ở Liên khu V và thực hiện nhiệm vụ sản xuất ghe thuyền cung ứng cho chiến trường cực Nam Trung Bộ. Dấu ấn của cụ để lại trên quê hương Phú Yên khá nhiều với nhiều công trình xây dựng như rạp Đại Nam, sân vận động TP Tuy Hòa, cầu Vạn Kiếp…
Tuy nhiên, niềm tự hào lớn nhất của cụ là cả 12 người con đều học hành giỏi giang, thành đạt, trong đó có nhiều người là GS,TS, nhà doanh nghiệp lớn. GS.TS Bùi Đức Phú cho biết, dù bận rộn công việc làm ăn và nhiều lúc gặp khó khăn, nhưng đối với việc học của con cái thì cụ không một chút lơ là. Cụ thuê thầy về dạy ngoại ngữ cho chị em ông, nhờ đó mà ông có được vốn ngoại ngữ khá vững vàng, giúp ích rất nhiều cho công tác chuyên môn sau này. Những ngày nghỉ và dịp hè, cụ bắt buộc chị em ông phải ra công trình để lao động, học tập cách quản lý, gần gũi với người lao động và quý trọng giá trị của lao động. Chính cụ Bùi Phương là người hướng nghiệp cho người con trai cả Bùi Đức Phú theo học ngành y để chữa bệnh cứu người. Trước khi lâm chung, ông còn gởi lại món tiền nhỏ và di nguyện cho các con thành lập quỹ khuyến học Bùi Phương, hằng năm tặng 10 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường 3, TP Tuy Hòa.
Một người có vai trò rất lớn trong sự nghiệp của GS.TS Bùi Đức Phú là GS Tôn Thất Tùng.
Vào những năm cuối đại học, từ Đại học Y Huế, Bùi Đức Phú được chọn gửi ra học Đại học Y Hà Nội và được phụ mổ tại Bệnh viện Việt - Đức. GS Tôn Thất Tùng đã chú ý đến người thanh niên trẻ ngay từ đầu bởi khả năng chịu đựng sức ép trong những ca mổ dài và đặc biệt là sự say mê đối với công việc, thường xuyên có mặt tại phòng mổ để quan sát, học hỏi. Thế rồi một chiều nọ, GS Tôn Thất Tùng gọi Bùi Đức Phú vào phòng riêng, bảo đi qua đi lại, xòe tay cho ông xem, GS tỏ vẻ hài lòng và quyết định nhận Bùi Đức Phú làm học trò, truyền kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp phẫu thuật Tôn Thất Tùng nổi tiếng. Cũng chính GS Tôn Thất Tùng đã tạo điều kiện cho Bùi Đức Phú được du học tại Pháp để lĩnh hội kiến thức về phẫu thuật tim mạch và lồng ngực tiên tiến của thế giới.
ƯỚC MƠ THỨ TƯ CỦA CUỘC ĐỜI
GS.TS Bùi Đức Phú cho biết, trong cuộc đời, ông có 4 ước mơ: Khi còn là sinh viên, ước mơ là được cầm dao phẫu thuật tim; tiếp đến là ước mơ xây dựng được Trung tâm tim mạch của Bệnh viện Trung ương Huế; sau nữa là đạt được đỉnh cao trong phẫu thuật tim là ghép tim, và cuối cùng là xây dựng được ở miền Trung, mỗi tỉnh một khoa phẫu thuật tim mạch. Ba ước mơ đầu đã thành hiện thực, hiện ông đang dồn sức cho ước mơ thứ tư: Xây dựng khoa phẫu thuật tim mạch ở các tỉnh miền Trung, để mỗi tỉnh mỗi năm giải quyết hoàn chỉnh được vài trăm ca phẫu thuật tim mạch, giúp bà con đỡ đi lại vất vả và tốn kém.
Dù rất bận rộn công việc nhưng hàng năm GS.TS Bùi Đức Phú vẫn cố gắng dành thời gian về thăm Phú Yên và Nghệ Tĩnh. Ông nói mình còn “nợ” hai vùng quê Phú Yên và Nghệ Tĩnh rất nhiều. Người cha Hà Tĩnh, người mẹ Nghệ An cho ông sự kiên nhẫn và nghị lực trong công việc, vùng quê Phú Yên cho ông niềm tin yêu, sự nhân ái và hình thành nhân cách làm người từ thuở ấu thơ.
PHAN XUÂN LUẬT