Chủ Nhật, 06/10/2024 23:26 CH
Đến quê hương Hải đội Hoàng Sa
Chủ Nhật, 22/01/2012 14:00 CH

Đảo Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré, nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, cách đất liền 15 hải lý, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây có nhiu thắng cảnh, di tích lch sử, văn hóa đã được xếp hạng, có những lễ hội văn hóa dân gian đặc trưng của vùng biển đảo. Cũng tại hòn đảo này, gần 400 năm trước, nhiu cư dân trên đảo được tuyển mộ vào các đội binh, sai đã vượt nghìn trùng sóng gió đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác tài nguyên và giữ gìn lãnh hải. Đến nay, người dân Lý Sơn cn lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu quan trng để chứng minh Hong Sa và Trường Sa l ca Việt Nam.

 

ly-son.jpg

Cánh đồng trồng hành, tỏi ở Lý Sơn nhìn từ trên cao - Ảnh: Đ.PHÁP

NHỊP SỐNG LÝ SƠN

 

Lý Sơn có diện tích chưa đầy 10km2 nhưng dân số hơn 21.000 người; phân bố ở 2 đảo: Đảo Bé và Đảo Lớn. Đảo Bé là xã An Bình, chỉ hơn 100 hộ dân với hơn 500 người dân. Thiếu nước ngọt để sinh hoạt, sản xuất, bà con chủ yếu sử dụng “nước trời” hoặc mua nước ngọt từ Đảo Lớn đưa sang với chi phí đắt đỏ. Đảo Lớn gồm 2 xã: An Hải, và An Vĩnh. Cơ quan hành chính và hạ tầng thiết yếu của huyện đảo đặt ở Đảo Lớn và đang được đầu tư nâng cấp, xây dựng khá khang trang. Lý Sơn chưa có điện lưới quốc gia, hơn chục năm nay các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã khảo sát để đầu tư một số dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và sức gió; nhưng đến nay cả Đảo Lớn vẫn sử dụng điện từ máy nổ với công suất 1,2 MW bắt đầu từ 17g đến 23g, đêm có, đêm không. Mới đây, một số cán bộ kỹ thuật đã nghiên cứu và thống nhất đề xuất kéo cáp ngầm 110 KV ra Lý Sơn.

 

Nghề biển ở Lý Sơn khá phát triển, toàn huyện có trên 400 tàu cá, trong đó hơn 50% là tàu đánh bắt xa bờ. Ngư dân Lý Sơn cho biết vào mùa biển lặng, trời êm, mỗi đợt ra khơi hơn một tuần trở về chia nhau vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Ngư trường hoạt động là khu vực thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tài nguyên biển đã mang lại sự giàu có cho ngư dân Lý Sơn, tuy nhiên họ liên tục bị các tàu lạ đe dọa, bắt bớ. Theo thống kê, 5 năm trở lại đây đã có gần 70 ngư dân Lý Sơn bị tàu nước ngoài bắt giữ. Mới đây, Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn được thành lập với hơn 500 ngư dân tham gia, là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên được thành lập ở Việt Nam và có ý nghĩa đặc biệt trong việc tập hợp ngư dân gắn phát triển nghề cá với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

 

Bên cạnh thu nhập từ nghề biển, việc trồng trọt đã góp phần không nhỏ trong thu nhập kinh tế hộ của nhân dân. Nếu những ai lần đầu đặt chân lên đảo, nhìn những mảnh vườn vừa thu hoạch còn lại chỉ là cát trắng sẽ nghĩ không một loại cây trồng nào có thể sống nổi. Thế nhưng không phải vậy. Ông Trần Văn Phát ở thôn Đồng Hộ, xã Vĩnh Hải cho biết cây đậu, dưa, bắp phát triển tốt và năng suất cao nhưng dân ở đây không trồng nhiều vì bình quân mỗi hộ chỉ hơn trăm mét vuông đất; họ ưu tiên cho cây tỏi, cây hành thu nhập cao hơn.

 

Tỏi Lý Sơn nổi tiếng cả nước từ bao đời nay. Với diện tích trên 270ha, bình quân mỗi năm Lý Sơn đưa ra thị trường 2.000 tấn tỏi khô, 3.500 tấn hành. Để cây tỏi cho năng suất cao, mang hương vị đặc biệt, nông dân Lý Sơn có cách canh tác khá độc đáo. Sau chừng 2 vụ tỏi, họ lại thay đất. Họ bỏ lớp đất đã canh tác, thay vào đó là một lớp đất bazan mới, bên trên lớp đất bazan là lớp cát biển - thứ cát giàu chất vôi được tạo thành từ đá san hô, vỏ sò, cua, ốc… đã phân hóa. Nông dân ở đây còn chế tạo phân xanh bằng cách băm nhỏ thân cây đậu, cây bắp rồi trộn lẫn vào đất cát. Để đất và cát không bị trôi, người ta dùng đá, tấm ngói lợp nhà chắn quanh thửa đất. Trước khi xuống giống, mặt ruộng được tráng bằng phẳng trông như ruộng muối. Đất bazan và cát trắng là nguồn nguyên liệu có sẵn trên đảo nhưng đều phải mua với giá khá cao, khoảng hơn 100.000 đồng/m3. Chính thứ nham thạch lấy từ ngọn núi lửa Thới Lới - ngọn núi cao nhất ở Lý Sơn hoạt động từ hàng triệu năm trước và lớp cát trắng đã tạo ra hương vị đặc trưng của cây tỏi ở đây.

 

Những ngày ở Đồng Hộ - một trong ba thôn thuộc xã Vĩnh Hải, anh Trần Văn Một, dân Lý Sơn làm rể Phú Yên đã tạo cho chúng tôi nhiều ngạc nhiên và thú vị. Ban ngày, anh cùng mấy người bạn lội ra biển, lặn ngụp, mò mẫm vào các rạn san hô, gộp đá; và chừng hơn một giờ đồng hồ mang về nào là mực ống, mực nang, ốc, nhum.... Đêm đến, cứ dùng đèn pin rọi vào những gộp đá lô nhô trên mặt nước là tha hồ bắt cua. Ngoài những thứ có từ biển, chúng tôi được thưởng thức những món ăn rất đặc trưng chỉ có ở Lý Sơn, đó là gỏi tỏi và giá đậu ván. Gỏi tỏi được chế biến từ những cây tỏi non dùng cả thân và củ tươi nên giòn và thơm lừng. Giá đậu ván, cọng to đem chần nước sôi có màu vàng nhạt, ăn có vị ngòn ngọt.

 

DI TÍCH VÀ NHỮNG BẰNG CHỨNG CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO

 

Lý Sơn có nhiều di sản văn hóa quý báu; có 10 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó có 3 di tích lịch sử văn hóa quốc gia là chùa Hang, đình làng An Hải, Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng Sa.

 

Chùa Hang còn gọi là Thiên Khổng Thạch Tự, nằm sát biển thuộc xã An Hải, được xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia năm 1994. Gọi là chùa, nhưng thực tế đó là một cái hang rộng có diện tích 480m2, trần cao 3,2m. Người quản lý chùa cho biết trong hang thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc, sư tổ Đạt Ma, 12 Diêm Vương, 3 vị thủy tổ họ Trần cùng các vị tiền hiền của 3 tộc họ lớn nhất ở Lý Sơn. Trước cửa hang, vách đá cao gần 20m chồm về phía trước, bề mặt vách đá bị nước biển bào mòn tạo thành những vết lồi lõm trông đẹp mắt. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng hàng triệu năm trước nước biển dâng cao chứ không phải như bây giờ, và núi lửa hoạt động đã nâng khối đá khổng lồ này nhô lên.

 

Đình làng An Hải được xây dựng vào năm 1820, là một trong rất ít những công trình kiến trúc cổ còn sót lại ở tỉnh Quảng Ngãi có giá trị về mỹ thuật.

 

Âm Linh Tự là nơi phụng thờ những “hùng binh Hoàng Sa” hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào các bộ chính sử của triều nhà Nguyễn thì khoảng hơn 300 năm trước, hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải của đảo Lý Sơn lập thành đội lên đường ra các đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác các loài hải sản và gìn giữ đảo. Biển cả mênh mông đầy sóng gió, hiểm nguy đã cướp đi không ít sinh mạng những người con của đảo mà thân xác không thể nào tìm thấy được. Để tưởng nhớ họ, nhân dân Lý Sơn đã vun những ngôi mộ gió bên bờ biển, có ngôi mộ được đặt bia ghi thành tích người quá cố “Suất đội, chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật. Từ năm 1836, tuân lệnh vua Minh Mạng đã đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa. Ông mất năm 1854 trong một chuyến đi biển ra Hoàng Sa”…

 

Dòng họ Đặng ở Lý Sơn, qua 175 năm vẫn lưu giữ tờ lệnh của vua Minh Mạng điều động ngư dân của hòn đảo này vào đội quân để đi Trường Sa và Hoàng Sa. Tờ lệnh như một bằng chứng lịch sử hiển nhiên khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Mới đây nhất, qua nghiên cứu, sưu tầm để thực hiện dự án “Khôi phục những ngôi mộ của binh phu đi Hoàng Sa”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện những tài liệu quý từ cuối thế kỷ thứ XVIII liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa còn lưu giữ trong dòng họ Võ Văn ở Lý Sơn. Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu cho rằng Cai đội Phạm Quang Ánh là người ra Hoàng Sa, Trường Sa sớm nhất (năm Ất Hợi - 1815), nhưng các tài liệu Hán Nôm của dòng họ Võ Văn ở Lý Sơn mà Tiến sĩ Vũ và các nhà nghiên cứu mới sưu tầm được, có ghi: “Vào năm Thái Đức thứ 9 - 1786, triều đình Tây Sơn đã cử Võ Văn Khiết làm Cai đội Hoàng Sa, có nhiệm vụ tuyển mộ binh phu cho đội Hoàng Sa và đội Quế Hương để đi tìm đồi mồi, ba ba biển, các đồ vật quý hiếm trên biển để về phụng nộp cho triều đình”, nối tiếp ông Khiết là Cai đội Võ Văn Phú ra Hoàng Sa vào năm 1803. Tiến sĩ Vũ khẳng định dòng họ Võ Văn là một trong 13 dòng họ tiền hiền trên đất đảo Lý Sơn. Tổ tiên của họ đã từng gia nhập đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ từ năm 1786, sớm hơn 30 năm so với các tài liệu công bố trước đây

 

Câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa” mãi mãi lưu truyền bao thế hệ người dân Lý Sơn. Và hàng năm, cứ đến ngày 18/4, lễ khao lề thế lính được tổ chức. Đầu năm 2011, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra quy mô nhất từ trước đến nay do gần 40 tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn tổ chức. Đại lễ cầu siêu đã diễn ra trước sự tham dự của hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế. Người dân Lý Sơn lại thả ra biển những con thuyền giấy chở hình nhân thế mạng, vun lại những ngôi mộ gió bên bờ biển… để tri ân những người đã bỏ mình giữa biển khơi vì nhiệm vụ thiêng liêng của đất nước. Họ đã chứng minh và khẳng định cho thế giới biết rằng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

 

Ghi chép của ĐOÀN PHÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại mùa xuân cuộc đời
Thứ Bảy, 07/01/2012 18:00 CH
Khi nhà giáo trồng hoa Tết
Thứ Bảy, 07/01/2012 10:00 SA
Cảm nhận Pleiku
Thứ Bảy, 24/12/2011 18:00 CH
Bẫy thú rừng
Thứ Bảy, 10/12/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek