Hiện còn khá nhiều vùng mà mỗi con chữ phải đổi quá nhiều mồ hôi của phụ huynh. Nhiều gia đình không lo nổi học phí cho con đi học. Giáo viên thu học phí không đạt thì bị cắt thi đua. “Chuyện lạ” này xảy ra ở giữa đồng bằng tại một xã nằm cạnh Quốc lộ 1A, một “vùng trũng” thật sự về giáo dục…
“CÔ CÓ LO ĐƯỢC TIỀN THÌ TUI MỚI CHO CON ĐI HỌC”
Trưa, ngang qua thôn Phú Tân xã An Cư, huyện Tuy An tôi ghé vào một quán nước tuềnh toàng ven đường nhựa để tránh nắng. Chủ quán là chị Năm Hà, có 4 con, trong đó 2 con đang tuổi đi học nhưng một đứa đã nghỉ cách đây 2 năm, đứa còn lại học lớp 8 ở Trường THCS Đinh Tiên Hoàng. Tôi hỏi chuyện: “Sao lại cho cháu nghỉ học?”. Chị chủ đáp: “Không có tiền nộp học phí, tiền xây dựng trường… chớ sao”. “Nếu thuộc diện hộ nghèo thì được miễn giảm học phí”. “Tui đâu phải hộ nghèo”. Nhà chị Năm có 3 sào ruộng, chồng làm nghề đánh bắt ven đầm, chị mở thêm quán nước này để kiếm tiền chợ, thuộc loại trung bình ở đây.
Hun hút đường đến trường - Ảnh: Đức Tuấn
Trước đó, chị Trần Thị Bích Loan, giáo viên Anh văn của Trường THCS Đinh Tiên Hoàng nói với tôi: “Nhiều gia đình trong xã đến chuyện ăn mặc cho con còn được chăng hay chớ, huống hồ chuyện lo cho con đi học. Có phụ huynh khi tôi đến vận động cho con họ đi học trở lại, đã nói té tát: Cô có lo được tiền học, hay cô làm đơn cam kết không thu tiền thì tui mới cho nó đi học! Thiệt hết biết nói sao…”.
Xuống đến ven đầm Ô Loan, cuộc sống lam lũ ở đây càng lộ rõ, với những mái nhà tạm sống bám quanh đầm bằng nghề đánh bắt. Vẫn có một vài hộ khá lên nhờ nuôi tôm sú nhưng rồi cũng đều “cụt vốn” do dịch bệnh, đành phải quay lại với mảnh ruộng thường xuyên bị nước biển xâm thực, nhiễm mặn. Đồng tiền làm ra quá khó nên mọi chuyện chi tiêu đều phải tính toán, chắt bóp từng đồng. Đến kỳ nộp học phí cho con, nhiều gia đình không thể vét được đồng nào trong nhà, cũng không mượn được của hàng xóm…, mặc dù mức học phí đang áp dụng không phải là quá cao.
Tôi tìm đến nhà phụ huynh đã nói với cô Bích Loan “Cô có lo được tiền học cho nó thì tui mới cho đi học”. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Thanh N. - bà Hồ Thị H. ở thôn Tân Long. Nằm ở một bãi bồi ven đầm Ô Loan, ngôi nhà trông không đến nỗi nào so với xung quanh, nghĩa là vách đất, mái tôn, sân gạch… Ông N. đánh lưới trên đầm, bà H. làm ruộng và nuôi heo. Bà H. tiếp tôi khá lơ đãng, nhất là khi nói về chuyện học của em Thường (con bà): “Nó đi học phổ cập rồi, mấy thầy cô tới nói miết… Ồi, được đến đâu thì được… Học làm gì tốn tiền rồi ra cũng thất nghiệp… Tui chỉ muốn nó ở nhà làm mướn quanh quất rồi cưới vợ thôi…”. Hỏi ra mới biết, thằng Thường con bà mới 13 tuổi. Có thể ai đó sẽ “dị ứng” với kiểu nghĩ của bà H. nhưng la cà nhiều ngày ở An Cư, tôi dần thông tỏ: Dẫu ở đây có nhiều phụ huynh rất quan tâm chuyện học của con em nhưng bà H. không phải là cá biệt. Để một đứa con đến trường, đâu phải chỉ có chuyện học phí và tiền xây dựng…
GIÁO VIÊN THU HỌC PHÍ KHÔNG ĐẠT: CẮT THI ĐUA
Theo Quyết định số 2078/2005 của UBND tỉnh Phú Yên, học phí từ lớp 6 - 9 tăng dần theo từng lớp là 6.000 – 10.000 đồng/tháng/học sinh; thu quỹ xây dựng bậc học THCS là 35.000 đồng/tháng/học sinh (mức thu ở vùng đồng bằng). Như vậy tính ra, học phí THCS của mỗi học sinh tại đây mỗi năm chưa đến 100.000 đồng. Cũng theo quyết định trên, ngoài các đối tượng chính sách được miễn học phí, đối tượng được giảm 50% học phí là: học sinh dân tộc thiểu số; học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, có hoàn cảnh khó khăn; học sinh thuộc các xã đặc biệt khó khăn (thuộc chương trình 135). An Cư không có học sinh dân tộc thiểu số, không phải xã thuộc chương trình 135 mà là xã đồng bằng nằm ngay bên Quốc lộ 1A…
Thầy giáo Nguyễn Tấn Nam, Hiệu phó Trường THCS Đinh Tiên Hoàng tiếp tôi trong căn phòng giám hiệu chật chội, được dùng chung cho cả hội đồng giáo viên của trường. Thầy
Thầy giáo Tô Minh Phụng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9C của trường, bày tỏ: “Thu học phí học sinh là vấn đề rất bức xúc đối với các giáo viên chủ nhiệm. Nếu giáo viên chủ nhiệm nào thu không đạt chỉ tiêu thì những phấn đấu của họ trong năm học đó, ví dụ như đăng ký giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua… sẽ bị cắt! Áp lực này buộc giáo viên phải tăng cường thu học phí, mà tăng cường thu đối với vùng nông thôn như ở đây thì dẫn đến việc học sinh bỏ học. Phụ huynh rất hạn hẹp về tiền bạc, con em đi học thiếu thốn tứ bề, học phí và các khoản đóng cho trường mỗi năm mỗi tăng, nên việc thu cho đủ là vô cùng khó khăn, không thể đảm bảo… Bản thân tôi năm ngoái đã bị cắt thi đua do thu không đạt chỉ tiêu…”.
MIỄN GIẢM HỌC PHÍ “VÙNG TRŨNG” TẠI SAO KHÔNG?
Một lớp học ở trường THCS Đinh Tiên Hoàng - Ảnh: Đ.T
Cô Bích Loan nói: “Ở thành thị, ít khi có chuyện giáo viên phải đến từng nhà để vận động học sinh đi học trở lại. Còn các khoản thu ở nhiều trường thành thị mà tôi biết, giáo viên chủ nhiệm chỉ nói ra một lần là cha mẹ học sinh nộp ngay, nhất là ở mấy trường điểm, lớp chọn…”. Rõ ràng là trong sự nghiệp trồng người, giáo viên ở vùng nông thôn gian nan hơn các đồng nghiệp ở phố rất nhiều. Thu nhập thì chỉ có đồng lương “chay”. Bởi rất nhiều nhà ở quê, cho con đi học không nổi, nói gì đến chuyện “học cua học cáy”, khoản này khoản kia như giáo viên nhiều trường thành phố. Đây là một trong nhiều lý do để giáo viên “xin xỏ” chuyển vùng, đơn vị quản lý giáo dục nào cũng dày cộm những chồng hồ sơ của giáo viên nông thôn “chạy” về phố thị. Chỉ riêng việc này cũng dễ phát sinh tiêu cực.
Đã đến lúc Chính phủ, Bộ Giáo dục-Đào tạo và các cấp ngành hữu quan cần có một cuộc rà soát thật khoa học việc ưu đãi, miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho học sinh vùng nông thôn, nhất là những vùng “không thuộc diện nào”…
ĐỨC TUẤN