Chủ Nhật, 06/10/2024 23:24 CH
Gặp vị tướng hai lần được phong anh hùng
Thứ Bảy, 31/12/2011 14:00 CH

Cái tâm của ông đã gắn với Tây Nguyên, gắn với những cánh rừng cà phê, cao su thẳng tắp bạt ngàn. Cái tâm của vị tư lệnh, thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đã cùng Binh đoàn 15 tạo nên một huyền thoại, đi từ không có đến có, từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh thành một Tây Nguyên trù phú, cuộc sống đang hồi sinh.

 

thieu-tuong111231.jpg

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15, kiêm Tổng giám đốc Công ty 15 - Ảnh: H.NAM

HAI LẦN ĐƯỢC PHONG TẶNG ANH HÙNG

 

Đầu tháng 12/2011 chúng tôi đến thăm “đại bản doanh” của Binh đoàn 15 ở phường Yên Thế, TP Plelku (Gia Lai).

 

Tiếp chúng tôi là vị tướng có vóc dáng tầm thước, vầng trán cao, đôi mắt tinh anh, giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm đầy xúc cảm mang đậm chất giọng của quê hương Mẹ Suốt - Quảng Bình. Đó là thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15 kiêm Tổng giám đốc Công ty 15.

 

Trước khi gặp thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, chúng tôi được các đồng nghiệp Báo Gia Lai, Báo Quảng Bình kể rất nhiều về ông. Ông đã trở thành một huyền thoại sống trên vùng đất Tây Nguyên, một “Già làng” trên dãy núi Trường Sơn.

 

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Dương Thủy, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thời ấu thơ, cậu bé Nguyễn Xuân Sang không có bàn tay ấm áp, chăm sóc của mẹ (mẹ ông mất khi ông mới 3 tuổi). Cha ông ở vậy nuôi các con trưởng thành. Ông ảnh hưởng từ người cha rất nhiều về tính cách, đức hy sinh và sức chịu đựng...

 

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tháng 11/1969, khi còn học cấp III, ông đã xin đi bộ đội và vào ngay chiến trường Bình Trị Thiên, có mặt cả chiến dịch “Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm”. Trong chiến trường ác liệt đó, anh lính Nguyễn Xuân Sang đã không quản hy sinh, gian khổ, càng chiến đấu càng trưởng thành. Từ chiến sĩ, ông được đề bạt lên tiểu đội trưởng, trung đội trưởng và ngày 20/10/1972 tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Sang vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Trong ký ức của người lính, có những trận đánh ông không thể nào quên. Có một ký ức ông luôn nhớ đến, đó là vào tháng 1/1973, ông trực tiếp chỉ huy tiểu đội cắm cờ giữ đất và trực diện chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ vùng giải phóng xã Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị trong ngày đầu tiên Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973). Với bản chất hiếu chiến, quân ngụy đã không thực hiện Hiệp định Paris, chúng chủ trương nhổ cờ để lấn chiếm vùng giải phóng của ta ở khu vực Triệu Thành. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên là không được nổ súng trước, thực thi theo Hiệp định, ông đã cùng với chiến sĩ của tiểu đội ra khỏi công sự trực diện chiến đấu với kẻ thù. Tiểu đội của ông kiên quyết không khoan nhượng, nhưng kẻ thù vẫn lấn tới, một tên địch ngoan cố lên nhổ cờ của ta ném xuống đất. Căm phẫn trước thái độ của tên địch, ông đã lao lên như một mũi tên, bằng tay không quật ngã tên địch cao to hơn mình, đấm thẳng vào mặt tên địch. Vừa đánh, ông vừa dõng dạt tuyên bố: “Mỗi tấc đất ở đây đã thấm bao nhiêu xương máu của đồng đội tao, tao phải bảo vệ đến cùng”. Thái độ kiên quyết của anh đã buộc tên địch phải cắm lại lá cờ của ta về vị trí cũ…

 

Sau giải phóng 1975, ông được điều sang tham gia chiến trường Lào đến tháng 12/1979. Trong thời gian này, ông đã cùng đơn vị tham gia truy quét bọn Fulro giữ gìn cuộc sống bình yên cho đồng bào ta và góp phần bảo vệ thành quả của nhân dân Lào anh em, giúp nhân dân nước bạn phát triển kinh tế xã hội ở vùng hạ Lào. Và cũng từ đây cuộc đời ông như có duyên nợ với Tây Nguyên. Tây Nguyên trong suy nghĩ của ông ẩn chứa bao điều kỳ diệu của thiên nhiên và con người. Một Tây Nguyên hùng vĩ, Tây Nguyên hoang sơ mà vẫn luôn mới lạ, Tây Nguyên đất rộng người thưa, nơi hội tụ của bà con các dân tộc Jơ Rai, Ê Đê, M’ nông, Ka dông, Ba Na… Ở đó có Sử thi Đam San xao xuyến lòng người, có văn hóa cồng chiêng nặng hồn sông núi; có những mái nhà Rông cao vút, những lễ hội cháy lòng bên ngọn lửa bập bùng thâu đêm suốt sáng… Con người Tây Nguyên chất phác, thật thà nhưng nhiệt huyết luôn rực cháy. Bản sắc văn hóa ấy đã góp phần làm nên vẻ đẹp độc đáo của Tây Nguyên trong hồn dân tộc. Đời lính của ông từ đây bắt đầu gắn với núi Ngọc Linh cao nhất dãy Trường Sơn hùng vĩ, với những dòng sông chảy ngược về phía tây như Pô cô, Đakbla, Sêr rê pốc… gắn với những nhà rông hình lưỡi búa cao vút, kiêu hãnh vươn tới trời xanh, với âm vang tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng, Krông Pus mang hồn thiêng sông núi, mang bản lĩnh của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên hồn hậu, chất phác và ở đó còn có những đồng đội của ông đã ngã xuống vì sự độc lập, tự do cho dân tộc. Nơi ấy, máu của đồng đội ông đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, dáng hình của họ đã hóa thân vào tên đất, tên làng, con suối, ngọn núi, cái nắng, cái gió đại ngàn của vùng đất đỏ Tây Nguyên.

 

Từ năm 1992 đến năm 1996, thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang được điều động đảm nhiệm các chức vụ Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15. Từ năm 1998 đến nay, thiếu tướng giữ trọng trách Tư lệnh Binh đoàn 15, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 15. Dù ở cương vị công tác nào, ông vẫn luôn thể hiện vai trò gương mẫu, gần gũi gắn bó với mọi người, sống giản dị, chân thành. Ông tâm sự, những ngày Binh đoàn mới hình thành, đơn vị bắt tay bổ những nhát cuốc đầu tiên vào vùng đất bazan Tây Nguyên đầy nắng gió, chúng tôi luôn động viên anh em hãy vì tình thương yêu đồng bào mà làm tròn trách nhiệm của anh Bộ đội Cụ Hồ. Theo ông, Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, gắn với quốc phòng - an ninh. Đó không chỉ là trách nhiệm được giao mà là tình cảm đặc biệt của người lính Binh đoàn với đồng bào Tây Nguyên xưa và nay.

 

Vẫn giọng trầm ấm, ông tâm sự: Những chặng đường đã qua không thể chỉ tính bằng thước đo thời gian mà bằng cả máu, mồ hôi công sức của biết bao con người đã làm nên kỳ tích trên mảnh đất này. Bàn tay khối óc, công sức của tập thể người lao động trong Binh đoàn đã biến một vùng đất rộng lớn trên vành đai biên giới Tây Nguyên xưa kia là chiến trường ác liệt còn chứa đầy tàn tích chiến tranh của giặc Mỹ trở thành một vùng kinh tế phát triển năng động, dân cư xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, có ý nghĩa chiến lược và chính trị sâu sắc, góp phần khẳng định sự đúng đắn về chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước và quân đội khi triển khai thực hiện phát triển mô hình kinh tế gắn củng cố quốc phòng an ninh ở địa bàn biên giới, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc…

 

Cái tâm của ông đã gắn với Tây Nguyên, gắn với những cánh rừng cà phê, cao su thẳng tấp bạt ngàn. Cái tâm của vị tư lệnh, thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang đã cùng Binh đoàn 15 tạo nên một huyền thoại, đi từ không có đến có, từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh thành một Tây Nguyên trù phú, cuộc sống đang hồi sinh. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu cũng như trong hòa bình, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2010).

 

cham-soc-cao-su111231.jpg

Đồng bào các dân tộc thiểu số (tỉnh Gia Lai) chăm sóc cao su theo mô hình “Gắn kết hộ” - Ảnh: Đ.THỤY

BINH ĐOÀN 15 VỚI MÔ HÌNH GẮN KẾT HỘ

 

Binh đoàn 15 (Tổng công ty 15) là đơn vị kinh tế quốc phòng, được thành lập ngày 20/2/1985 theo Quyết định của Chủ tịch HĐBT (nay là Chính phủ), trên cơ sở các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam và Tây Nguyên trong thời kỳ chống Mỹ (như Sư đoàn 359, 331, 332, 333…).

 

Ngoài việc đứng chân trên dọc tuyến biên giới ba tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình), có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia hơn 210km; các đơn vị Binh đoàn còn đứng chân trên một khu đất rộng lớn ở chín huyện, thị, gồm 220 thôn làng của 33 xã, phường, thị trấn thuộc bốn tỉnh trong nước: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Bình và tỉnh Át Ta Pư của nước bạn Lào. Địa bàn ở đây chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới với điều kiện đi lại rất khó khăn và khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Đó cũng là khu vực nối liền ba con đường 14, 19 kéo dài qua Campuchia và đường 18 đi qua A tô pơ (Lào) trên khu vực ngã ba đông dương, nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào. Chính vì vậy, Binh đoàn 15 hiểu sâu sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó. Phó Chính ủy Binh đoàn, đại tá Lã Văn Mùi cho biết, Binh đoàn đang đảm trách bốn nhiệm vụ chiến lược, đó là: “Đứng chân trên địa bàn chiến lược; thực hiện nhiệm vụ chiến lược; trồng cây chiến lược và xây dựng con người chiến lược”.

 

Một trong những cách làm đúng đắn, hiệu quả được Binh đoàn 15 thực hiện trong nhiều năm qua chính là việc phát huy “thế trận lòng dân”, thực hiện mô hình gắn kết hộ với phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với bản làng; hộ gia đình công nhân người kinh gắn bó, kết nghĩa với hộ gia đình người dân tộc thiểu số”. Chính vì vậy, đến nay 100% đội sản xuất đã kết nghĩa với 148 thôn, làng; có trên 4.000 hộ gia đình công nhân người kinh gắn kết với gia đình đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

 

Mô hình “Gắn kết hộ” là sự kết nối “đoàn kết dân tộc” giữa người kinh với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, là ngọn lửa giữa đại ngàn Tây Nguyên bùng sáng, lan tỏa nhanh củng cố tình đoàn kết anh em giữa người kinh với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, cuộc sống của hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình đã ổn định, nhiều gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm. Binh đoàn 15 đã trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

 

Nói về mô hình “Gắn kết hộ”, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ, Chính ủy Binh đoàn 15 khẳng định: “Mang yếu tố khách quan và xuất phát từ yêu cầu thực tế, nên mô hình “Gắn kết hộ” đã và đang lan tỏa một cách sâu rộng; tình đồng chí, nghĩa đồng bào ngày thêm sâu nặng, hiệu quả thiết thực, góp phần làm giàu, làm đẹp cho Tây Nguyên. Những năm qua nếu không làm tốt công tác dân vận, mà cụ thể là thực hiện tốt mô hình “Gắn kết hộ” thì đơn vị không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh, từng bước tạo đà và đưa Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh”.

 

Ông Bùi Văn Cường, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá: “Gắn kết hộ” là mô hình sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Mô hình “Gắn kết hộ” đã góp phần củng cố và nâng cao sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hiệu quả không chỉ trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà còn có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc sẽ làm thất bại những âm mưu chia rẽ, kích động chống phá của các thế lực thù địch, đưa Tây Nguyên phát triển bền vững”. Ông Hà Sơn Nhin, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nói: “Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở Tây Nguyên hôm nay, có công sức đóng góp rất lớn của cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 15. Binh đoàn 15 thực sự là chỗ dựa vững chắc của bà con đồng bào các dân tộc. Thực hiện mô hình “Gắn kết hộ”, thực chất là làm công tác vận động quần chúng, dân vận khéo - dân vận tốt trong tình hình mới, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

 

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15 khẳng định: Đây là mô hình sáng tạo, giàu tính nhân văn thể hiện tư duy và cách làm mới trong công tác vận động quần chúng của đơn vị, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của toàn Binh đoàn. Cũng thông qua hoạt động “Gắn kết hộ”, các hộ gia đình công nhân người kinh và hộ đồng bào dân tộc địa phương có điều kiện gần gũi để hiểu sâu hơn về truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc anh em.

 

Mô hình xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng của Binh đoàn 15, đã trở thành mô hình mẫu để nhân rộng trên các vùng biên giới của đất nước. Trong một lần tới thăm Binh đoàn 15, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Binh đoàn 15 đã góp phần quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh… Binh đoàn 15 mãi mãi xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế”.

 

ANH KIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảm nhận Pleiku
Thứ Bảy, 24/12/2011 18:00 CH
Bẫy thú rừng
Thứ Bảy, 10/12/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek