Có người đến với nghiệp nhà vườn để tăng thêm thu nhập cho gia đình, song cũng có người xem nó như một niềm đam mê, ham thích. Đào tạo các thế hệ tương lai cho đất nước là trách nhiệm mà các nhà giáo phải gánh vác, song bên cạnh đó, họ còn mang đến cho đời những sắc xuân.
Thầy Tô Văn Ngọ tạo dáng cho cây bonsai
TỔ HOA - CÂY CẢNH TRƯỜNG HỌC
Có lẽ Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, phường 9, TP Tuy Hòa là ngôi trường có giáo viên tham gia trồng hoa Tết đông nhất tỉnh Phú Yên với hơn 20 giáo viên trong tổng số 54 giáo viên toàn trường. Sau những giờ lên lớp giảng dạy, họ lại trở thành những người làm vườn đích thị với việc tưới tiêu, chăm sóc, uốn tỉa và tạo dáng cho hoa, cây cảnh. Mỗi người đều có sở trường riêng của mình. Nếu như thầy Bùi Văn Cường, thầy Nguyễn Phòng chuyên về hoa cúc và quất; cô Văn Thị Hạnh vững vàng ở hoa hồng; cô Trần Thị Phối có thế mạnh về hoa mai, cây cảnh; cô Đặng Thị Hải Hòa chiếm ưu thế về cây sanh thì thầy Tô Văn Ngọ lại nổi trội về cây cảnh bonsai…
Trước thực tế đó, Công đoàn nhà trường đã thành lập Tổ Hoa – Cây cảnh. Vào những buổi sinh hoạt của tổ, các thành viên phổ biến cho nhau về kỹ thuật bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh, cách tạo dáng cho cây, “bí quyết” đúc chậu để mỗi người khỏi phải đi mua chậu về trồng, giảm bớt chi phí. Sau mỗi mùa hoa Tết, tổ lại nhóm họp, thông báo với nhau hiệu quả vườn cây, vườn hoa của mình và bàn giải pháp phát triển cho năm đến. Người ít thì cũng kiếm được mươi triệu, người nhiều có khi gần chạm ngưỡng trăm triệu đồng. Thầy Võ Xuân Ánh, Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, một thành viên kỳ cựu của tổ “nhà vườn” bảo: “Nhờ có tổ này mà anh em có thể truyền đạt kinh nghiệm, chỉ bảo nhau cách chăm sóc vườn hoa, cây cảnh sao cho có hiệu quả, tăng thu nhập. Tuy nhiên, trước tiên mỗi thành viên phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy học rồi mới tính chuyện tham gia vào tổ”.
“NHÀ VƯỜN” NUÔI NHÀ GIÁO
Những năm trước, vườn cây cảnh của các giáo viên khá đa dạng với cúc, thược dược, trang, hồng,…. song những loại cây này chiếm khá nhiều thời gian chăm sóc mà có khi giá cả thất thường nên đa số họ đã chuyển sang trồng mai. Nói về khoản thu nhập thêm này, thầy Võ Xuân Ánh - một trong những người đi đầu của nghề trồng mai phấn khởi nói: “Cũng nhờ trồng mai mà gia đình tôi mới có điều kiện nuôi con: Hai đứa lớn đã hoàn thành xong cao học, đứa út cũng đã vào đại học”.
Bước vào khu vườn nhà thầy Nguyễn Văn Nhi, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi bị cuốn hút bởi những chậu mai đẹp mắt được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Cả khu vườn có đến 150 chậu mai với nhiều độ tuổi khác nhau. Cứ sau mỗi mùa tết, thầy Nhi lại chọn những cây mai giống khỏe, hoa đẹp, có nhiều cánh để lấy hạt gieo trồng. Khi cây được một năm thì chúng được tách ra, uốn tạo dáng, khoảng 4 năm sau có thể bán được. Theo thầy Nhi, không như những loại hoa khác, những cây mai có tuổi thọ lớn, bộ đế, thế và dáng đẹp thì giá càng cao. Trung bình những cây có dáng đẹp, giá bán từ 700.000 đến 1,2 triệu đồng. Những cây mai hàng “đinh” có độ tuổi trên 6 năm có khi được trả trên 2 triệu đồng. Vào những ngày giáp Tết, khách phương xa từ Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh thuộc Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh đến chọn mai rồi mua trọn gói.
Vườn nhà thầy Nguyễn Phòng những ngày giáp Tết lại khá bắt mắt với những cây quất nặng trĩu trái. Màu xanh của trái còn non, màu vàng của những trái đang độ chín đua nhau khoe sắc. Thầy Phòng tâm sự: “Nhiều lúc giá cả thị trường, thời tiết thay đổi thất thường làm ảnh hưởng đến thu nhập, song chúng tôi vẫn thấy rất vui vì được tham gia Hội hoa xuân”.
Sau mỗi mùa Tết, mỗi nhà giáo kiêm “nhà vườn” có thể kiếm được vài chục triệu đồng. Đó quả là khoản thu nhập không nhỏ đối với cuộc sống giáo viên hiện nay, giúp họ thêm yên tâm trong công tác giảng dạy.
THẦY GIÁO – NGHỆ NHÂN
Việc trồng hoa xuân, cây cảnh đã khó, song tạo được những cây mai – bonsai, sam, linh sam – bonsai như của thầy giáo Tô Văn Ngọ thì là cả một công trình nghệ thuật công phu. Vào khu vườn nhà thầy, chúng tôi mê mẩn vì những dáng mai như thác đổ, huyền nhai, bạt phong hồi đầu,… vốn chỉ thấy được qua tranh ảnh. Giá cây bonsai cũng rất vô chừng, không phải ai cũng dám “rờ” đến. Đặc biệt, đã có cây mai “độc” được kêu đến giá gần 100 triệu đồng.
Để có được những “kiệt tác” như thế là cả một quá trình lao động chăm chỉ và sáng tạo. “Cây mai – bonsai không phải được trồng trực tiếp như những giống mai bình thường mà phải chọn những gốc mai đẹp từ các loại mai tứ quý, mai xuân hay mai rừng. Sau đó, từ chồi mới của gốc chủ, cho ghép mắt của mai giảo, mai xuân nhiều cánh vào. Sau một năm, mắt phát triển đầy đủ nhánh thì mới bắt tay vào việc tạo dáng và cho ra những tác phẩm nghệ thuật. Đối với việc tạo thế và dáng cây, chúng tôi tự mày mò học hỏi kinh nghiệm từ bè bạn, trên mạng internet và cả từ phía thị hiếu của thị trường” thầy Ngọ bảo.
Nếu ai đến vườn nhà thầy Ngọ ắt hẳn sẽ ngạc nhiên vì thầy chuyền cho mỗi cây những bình “Xi-rum” như cách bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.
Cứ mỗi độ xuân về Tết đến, nhà nhà đều mong muốn có được những chậu hoa xuân, cây cảnh đẹp để tô điểm sắc hương cho gia đình. Chúng ta càng vui khi biết rằng trong số những người trồng hoa, cây cảnh đó có các nhà giáo, những người mang nghiệp trồng người nay lại thêm nghề trồng hoa tết.
THANH HOÀNG