Chủ Nhật, 06/10/2024 23:21 CH
Cảm nhận Pleiku
Thứ Bảy, 24/12/2011 18:00 CH

Đến Pleiku với những điều cảm nhận về một phố núi thơ mộng, trù phú mang đậm nét Tây Nguyên.

 

pleiku111224.jpg

Đội cồng chiêng huyện Đắc Đoa giao lưu với các nhà báo khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Ảnh: H.NAM

TẢN MẠN DỌC ĐƯỜNG

 

Từ Phú Yên lên Gia Lai có thể đi theo quốc lộ 25, hoặc qua quốc lộ 19 qua địa phận tỉnh Bình Định. Dù đi theo quốc lộ 25 có gần hơn, nhưng chúng tôi quyết định cuộc hành trình theo quốc lộ 19. Quốc lộ 19 dài 250km, trong đó có 70km đi qua địa phận Bình Định, là con đường huyết mạch nối TP Quy Nhơn (Bình Định) với TP Pleiku (Gia Lai). Đây là con đường được xây dựng từ thời Pháp thuộc và có chất lượng tốt nhất trong hệ thống trục đường ngang ở miền Trung. Ngoài ra, đây cũng là tuyến đường nối liền vùng Bắc Tây Nguyên, gắn kết các trục đường xuyên Á qua cửa khẩu Đức Cơ (Gia Lai), Bờ Y (Kon Tum) với cảng biển Quy Nhơn. Trong định hướng phát triển, dọc quốc lộ 19 sẽ hình thành một hành lang kinh tế thuộc hệ thống hành lang kinh tế Đông Tây có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quốc lộ 19 đã ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc với những trận đánh oanh liệt. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi được nghe các thầy cô kể về người anh hùng Ngô Mây, người con đất võ Bình Định đã cảm tử ôm bom lao thẳng vào xe bọc thép của giặc trong trận đánh phục kích địch ngày 24/10/1947 ở Rộc Dứa - Suối Vối trên đường quốc lộ 19 (mặt trận An Khê). Lúc ấy anh ra đi khi vừa tròn 23 tuổi. Trong kháng chiến chống Mỹ, đường 19 được mệnh danh là con đường chết của giặc Mỹ và quân đánh thuê Nam Triều Tiên và trong chiến dịch Mùa xuân 1975, nơi đây quân và dân ta đã cầm chân, nhấn chìm Sư đoàn 22 ngụy, góp phần làm tan rã chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Xe lên đèo An Khê, một không gian kỳ vĩ của núi rừng Tây Nguyên đập vào mắt chúng tôi. Dọc hai bên đường đầy hoa dã quỳ vàng rực và những hàng thông thẳng tắp trải dài hai bên sườn núi tạo thành một bức tranh đẹp của vùng đất Tây Nguyên. Nhà văn Tô Phương thốt lên: Ôi! Hoa nối tiếp hoa, một màu vàng rực rỡ giữa màu xanh đại ngàn. Các cháu có biết đây là hoa gì không? Anh Thỏa, “cán bộ đường lối” bảo: Hoa dã quỳ đấy chú ạ! Quả thật, sắc vàng của hoa dã quỳ có một vẻ đẹp kiêu sa, nhưng đầy hoang dã.

 

Trong một dịp đi công tác Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi được mệnh danh “vương quốc các loại hoa”, một chị ở Báo Lâm Đồng kể cho tôi nghe về truyền thuyết loài hoa dã quỳ. Theo truyền thuyết, ngày xa xưa, tại một buôn làng Tây Nguyên có chàng trai tên K’Lang đem lòng yêu thương nàng H’Limh. Ngày ngày K’Lang vào rừng săn bắn, còn nàng H’Limh ở nhà dệt tấm chăn “Hạnh Phúc” để sau ngày cưới cái chồng về làm quà đính hôn. Một ngày kia nàng HLimh chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy K’Lang về... Ngày lại ngày qua mòn mỏi chờ đợi trong tuyệt vọng, nàng H’Limh quyết định rời buôn làng ra đi tìm người yêu. Nàng đi qua bao nhiêu con suối, ngọn núi mà người yêu vẫn biệt tăm. Mùa giá rét căm căm khi trời lập đông trên vùng cao nguyên khiến nàng H’Limh thêm lạnh lẽo hiu quạnh và cô đơn tuyệt vọng... Trong cái đói, cái rét với sức người phụ nữ tay yếu chân mềm, nàng không đủ sức chịu đựng với thời gian khắc nghiệt và ngủ thiếp đi, trong giấc mơ ấy có báo mộng rằng: K’Lang - người yêu của nàng bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. H’Limh giựt mình tỉnh giấc rồi choàng dậy đi tiếp đến cuối nguồn. Một cảnh tượng hãi hùng và vô cùng đau xót, K’Lang bị người bộ tộc Lasíêng bị trói chặt và chết từ lúc nào. Trong cơn đau khổ tột cùng, nàng H’Limh lao mình đến ôm H’Lang mặc cho những mũi tên, ngọn giáo đâm vào da thịt cô. Cái định mệnh oan nghiệt cuộc đời của cô và cũng là sự chung thủy với người mình yêu bằng mũi tên hiểm độc từ con trai bộ tộc Lasíêng tên là LaRihn... Mũi tên này là sự hờn ghen của LaRihn kết liễu cô khi thấy tình yêu của nàng H’Limh dành cho K’Lang vô cùng cao cả. Nơi nàng H’Limh chết lại nở ra một loài hoa dại có màu vàng rực rỡ. Đó là hoa dã quỳ.

 

Xe vượt lên đèo Mang Yang chuẩn bị đến phố núi Pleiku, được người dân bản địa gọi là “đèo cổng trời”. Quãng đường đèo không dài, nhưng độ dốc cao, cứ đi lên mãi giống như đi lên cổng trời. Đứng trên đỉnh đèo, nhìn xuống phố núi Pleiku trẻ trung đang hiện ra. Nhà văn Tô Phương nói: Lâu lắm rồi chú mới đi lại con đường này, thay đổi nhiều quá…

 

PHỐ NÚI PLEIKU

 

Theo truyền thuyết, cái tên Pleiku bắt nguồn từ câu chuyện một người cha cảm thấy trong người ngày càng yếu, nên gọi hai người con trai đến và truyền rằng sẽ tổ chức một cuộc thi săn bắt, nếu ai thắng cuộc sẽ thay cha cai quản đất đai. Kết cục phần thắng thuộc về người em. Sau khi cha mất, người em tiếp quản vùng đất do cha để lại và lập thành một làng đặt tên là Pleiku. Theo tiếng Ê Đê, “Plei” có nghĩa là làng, còn “ku” là người em. Pleiku tức là “Làng của người em”.

 

pleiku-111224.jpg

Khu du lịch Đồng Xanh, nơi thờ 18 vị vua Hùng - Ảnh: H.NAM

Quả thật, Gia Lai là một vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa không gian cồng chiêng, với những tập tục của người Ê Đê, Ba Na, Ja Rai, Giẻ Triêng. Một vùng đất nằm ở độ cao trên 800m so với mặt nước biển. Vùng đất đỏ bazan, thảo nguyên trải rộng tít chân trời. Gia Lai được nhiều du khách biết đến với những cánh rừng cao su, hồ tiêu, cà phê bạt ngàn, một Biển Hồ thơ mộng, một doanh nghiệp nổi tiếng Hoàng Anh Gia Lai.

 

Đến phố núi Pleiku, đoàn chúng tôi được các đồng nghiệp ở Báo Gia Lai đưa đi tham quan một số điểm du lịch và các làng xây dựng nông thôn mới. Trong các địa điểm chúng tôi đến, có lẽ bất ngờ nhất là khu du lịch sinh thái Đồng Xanh. Ban giám đốc khu du lịch này cho biết, Đồng Xanh cách trung tâm TP Pleiku 10km về phía đông. Công viên trải dài trên một cù lao xanh của cánh đồng lúa An Phú. Kiến trúc tại công viên mang bản sắc dân tộc Tây Nguyên, với nhà rông, nhà dài, nhà mồ, tượng mồ, đàn T’rưng nước... thể hiện qua các truyền thuyết, hoa văn, họa tiết được tổng hợp. Nhà hàng đặc sản truyền thống dân tộc: Cơm lam, rượu cần, rượu nghè, thịt nướng... là những món ăn làm cho du khách có cảm giác lạ và ngon miệng. Nguyên là khu đất cằn cỗi và là sân phơi Hợp tác xã An Phú, công viên được đầu tư xây dựng từ năm 1998 rộng 14ha. Qua nhiều năm vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác, đến nay công viên là công trình mang đậm bản sắc các dân tộc Việt Nam, nhất là các dân tộc Tây Nguyên. Công viên gồm nhiều khu vực: khu văn hóa tâm linh, khu văn hóa các dân tộc thiểu số, khu vườn thú mi ni, khu vui chơi giải trí thiếu nhi, khu dịch vụ ẩm thực nhà hàng tiệc cưới… Hàng năm khu du lịch này tiếp đón hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Khu văn hóa tâm linh nơi có Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây theo kiến trúc truyền thống với mái nhà rông cách điệu cao 18m. Trong điện thờ, tượng vua Hùng cao 6m, nặng gần 3 tấn gỗ mít sơn son thiếp vàng, kiến trúc văn hóa Việt bố trí sắp đặt hài hòa được thực hiện bởi các nghệ nhân từ thủ đô Hà Nội. Trước điện thờ là tượng 18 vua Hùng uy nghi. Cạnh đó, chùa Một Cột-“Tây Thiên Nhất Trụ” được xây dựng theo đúng nguyên mẫu của Chùa Một Cột Hà Nội gợi nhớ về kiến trúc tâm linh thiêng liêng bậc nhất của Thủ đô. Xung quanh quần thể văn hóa Việt còn có lầu Thần tài, tượng phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, cổng Tam Quan bằng đá Ninh Bình; các loại cây quý được bố trí hài hòa, tạo ấn tượng và sự trân trọng đối với du khách khi đến nơi này. Khu văn hóa các dân tộc gồm có các kiến trúc nhà rông, nhà dài, nhà sàn, kho lúa, nhà mồ, nhạc cụ T’rưng nước và hàng trăm bức tượng mô phỏng cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tượng vua Nước, vua Lửa, tượng Di Ông và Nữ Thần Mặt Trời thể hiện các truyền thuyết lịch sử, văn hóa đậm chất huyền bí của vùng đất Tây Nguyên. Tại đây còn có chiếc chiêng đồng lớn nhất Việt Nam, biểu thị sự tôn vinh văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESSCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Đặc biệt, nơi đây hiện đang lưu giữ và trưng bày cây cổ thụ hóa thạch có niên đại hàng triệu năm lớn nhất Việt Nam được tìm thấy từ miệng núi lửa xã Chư A Thai - TX Ayunpa với đường kính hơn 1m (nơi nổi tiếng bởi truyền thuyết cây gươm thần vua Lửa)…

 

Anh Duy Danh, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn Báo Gia Lai cho biết, khu tưởng niệm các vua Hùng là biểu hiện của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc trên dải đất Việt Nam, có chung một cội nguồn con Lạc cháu Hồng. Đó cũng là thành trì vững chắc của lòng dân không một thế lực nào có thể ngăn cản và có thể phá hoại được…

 

Một thoáng Gia Lai với những điều cảm nhận đôi nét chấm phá, đó cũng là cảm nhận của tôi về một Gia Lai đang vươn mình phát triển; một phố núi thơ mộng, trù phú mang đậm nét Tây Nguyên. Tôi xin trích lời bài hát Còn một chút gì để nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy để kết thúc bài viết này:

 

Phố núi cao phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương

Em Pleiku má đỏ môi hồng

đây buổi chiều quanh năm mùa đông

Nên tóc em ướt và mắt em ướt

Nên em mềm như mây chiều trong.

 

ANH KIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bẫy thú rừng
Thứ Bảy, 10/12/2011 14:00 CH
Day dứt từ “làng cá ngừ”
Thứ Bảy, 03/12/2011 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek