Biển ầm ào và gió thông thốc. Bà Giống chống gậy, dõi mắt mờ về phía xa khơi, nơi cơn sóng tai ác đã nhấn chìm chồng bà dưới đáy đại dương... Dường như ngày nào cũng vậy, đôi mắt chị Nữ cũng đỏ hoe, vương đọng những giọt lệ buồn tủi, đắng cay khi nghĩ về đứa con còn thơ dại vừa chết mất xác ngoài biển. Trên chuyến tàu định mệnh hôm ấy, sáu người mất mạng và ông Min bỗng chốc trắng tay khi sóng đánh tan tác con tàu. Sau bao tháng năm vất vả “bơi” theo nghề câu cá ngừ đại dương, chị Sương, anh Lưu và hàng chục ngư dân khác bị thua lỗ nặng, đành bán nốt con tàu, chuyển nghề hoặc bỏ làng đi nơi khác tìm kế sinh nhai... Nhiều và rất nhiều số phận, những hoàn cảnh đáng thương như vậy ở “làng cá ngừ” Phú Câu thuộc phường 6, TP Tuy Hòa.
Ngày ngày chị Lê Thị Nữ vẫn khóc thương đứa con chết mất xác ngoài biển - Ảnh L.PHONG
NHỮNG NỖI ĐAU NGHIỆT NGÃ
Sáng sớm, phố biển mờ sương. Quán vắng. Chị thẫn thờ bên ly cà phê đang nhỏ giọt. Mấy tháng nay, chị bán cà phê trước hiên nhà để có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống gia đình, để nguôi ngoai, khỏa lấp nỗi đau mất con. Nhìn vào bàn thờ nghi ngút khói hương bên di ảnh của con, chị nghẹn ngào: “Nó học khá giỏi, ngoan hiền. Nhưng vì gia cảnh túng bần, nó đành nghỉ học từ năm lớp 8 để đi biển kiếm tiền phụ giúp gia đình nuôi anh nó bị bệnh tâm thần phân liệt và hai anh em đang học. Vậy mà... Tui không ngờ và không tin rằng nó chết thảm, mất xác ngoài biển”. Hôm nhận được hung tin chiếc tàu PY 92355TS bị sóng đánh chìm ở Hòn Đôi thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (cuối tháng 3/2011) khiến Trần Văn Chương (17 tuổi) và 5 ngư dân ở TP Tuy Hòa bị trôi mất tích, chị như chết đi sống lại, như điên như dại. Hai ngày, hai mươi ngày, hai tháng tìm kiếm... nơi biển bao la mà vẫn không thấy xác. Tuyệt vọng. Gia đình chị lập bàn thờ cho Chương. Chị tên Nữ, họ Lê, ở làng biển Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa.
Làng biển Phú Câu nhỏ bé có đến 5 gia đình cùng lúc lập bàn thờ cho chồng, cha, con. Chỉ cách nhà chị Nữ chừng vài mét, nhà của bà Trần Thị Giống (71 tuổi) cũng nghi ngút khói hương trên bàn thờ ông Trần Ngọc (72 tuổi). Đã hơn 7 tháng trôi qua, bà Giống vẫn cứ nằm vật vã hoặc ra bờ biển ngóng chồng. Mất chồng cộng với chứng bệnh rối loạn tiền đình lâu năm càng làm bà Giống thêm suy kiệt, tiều tụy, yếu ớt. Dù tuổi đã ngoài thất thập cổ lai hy nhưng ông Ngọc vẫn tháng ngày vất vả, nhọc nhằn nơi đầu sóng ngọn gió để lo cái ăn, thuốc thang chữa bệnh cho vợ. Nhưng sóng dữ bất ngờ nhấn chìm chiếc tàu cùng ông Ngọc vùi sâu dưới đáy biển. Bà Giống quệt nước mắt, nói: “Sống có cái nhà, chết có cái mồ. Nhưng chồng tôi đã sống khổ, chết thảm ở nơi biển sâu lạnh lẽo! Có người đến nhà bảo đưa 100 triệu để tìm vớt xác ông Ngọc, nhưng tôi lấy đâu ra ngần ấy tiền...”.
Ông Nguyễn Tất Linh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 6, cho hay: Dường như năm nào ở “làng cá ngừ” phường 6 cũng có tàu đang đánh cá ngoài biển bị tàu lạ đâm chìm, bị hải quân nước ngoài bắt giữ, bị mất tích vì giông gió giữa biển khơi...
“BƠI” THEO CÁ NGỪ
Trước biển, trước anh linh những ngư phủ mất tích giữa lòng đại dương, ông Phan Thuẫn, phó Lạch Phú Câu, trăn trở: Năm 1994, ngư dân Phú Câu, phường 6 phát hiện và phát triển nghề câu cá ngừ đại dương xuất khẩu, hiện trở thành “thủ phủ” cá ngừ của Việt Nam. Chính “hấp lực” từ những “mùa vàng” cá ngừ khiến cho hàng trăm hộ ngư dân đua nhau góp vốn cổ đông, vốn vay ngân hàng, vốn vay “nóng” từ các nậu, vựa... đầu tư cho mỗi con tàu cả tỉ bạc để vượt trùng dương “săn” cá ngừ. Song, họ vốn chỉ biết làm chủ con thuyền nhỏ làm nghề cá ven bờ nên thiếu kinh nghiệm, non kém về trình độ quản lý điều hành khai thác xa bờ, chưa nắm bắt được ngư trường di chuyển cá ngừ dẫn đến đánh bắt không hiệu quả, bảo quản cá không đạt chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi chi phí tăng cao, giá cả cá ngừ xuất khẩu bấp bênh do các nậu, vựa ép giá, ép phẩm cấp nên ngư dân đánh bắt cá ngừ thua lỗ, nợ nần. Thêm vào đó, giữa sóng gió khơi xa, ngư dân luôn đối mặt với nhiều khó khăn khắc nghiệt, hiểm nguy bởi thời tiết biến động bất thường... Thực tế là đa số chủ tàu ở đây còn làm ăn theo kiểu đơn lẻ, chưa liên kết với nhau theo kiểu tập đoàn nghề cá câu khơi để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, thông tin ngư trường, tai nạn trên biển...
Gần mười năm làm chủ con tàu gần một tỉ bạc, làm thuyền trưởng “cưỡi” sóng khơi xa câu cá ngừ, bây giờ ông Trần Min đành ở nhà làm nghề thợ mộc, đục, đẽo, bào cây để kiếm sống qua ngày. Tháng 3/2011, trong khi chạy tránh gió, chiếc tàu câu cá ngừ của ông Min bị sóng đánh chìm, chết 6 người. Ông Min may mắn thoát chết, nhưng tài sản tan theo bọt sóng, trắng tay, nợ cả trăm triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Sương vốn từng được bầu chọn là nhân vật điển hình “ăn nên làm ra” nhờ “tậu” 2 chiếc tàu có công suất lớn vươn khơi đánh bắt cá ngừ. Nhưng rồi liên tiếp nhiều năm khai thác lỗ nặng, nợ nần chồng chất, thuyền viên bỏ đi, chị Sương đành bán tàu, đưa cả gia đình đi tha phương cầu thực. Hàng trăm hộ khác như hộ ông Trần Du - chủ tàu PY2565, Diệp Kiên Vị - chủ tàu PY90983, Hồ Mỹ - chủ tàu PY90279... lâm vào cảnh khó khăn trong hành trình vươn khơi câu cá ngừ, khi thiếu vốn sắm chuyến, không có bạn đi thuyền. “Thuyền to thì sóng lớn” - hàng loạt chủ tàu thuyền “vay nóng” càng vươn khơi càng lỗ vốn, nợ như chúa chổm. Và đến nay, đa số ngư dân phường 6 vẫn cứ đang loay hoay “bơi” theo nghề câu cá ngừ đại dương!
Theo ông Nguyễn Tất Linh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 6, năm 2011 được xem là năm được mùa cá ngừ nhất từ trước đến nay với sản lượng khai thác trên 3.000 tấn cá ngừ. Nhưng niềm vui của ngư dân không trọn vẹn, bởi thực tế cũng chỉ có 30% hộ ngư dân có lãi, còn lại chưa bù đắp được chi phí tăng cao và trang trải nợ nần của các năm trước. Làng biển phường 6 có đến 1.009 hộ ngư dân nhưng chỉ có khoảng 350 hộ là có tàu thuyền khai thác khơi (hơn 280 chiếc hành nghề câu cá ngừ - chiếm 40% tàu câu trong tỉnh). Số hộ còn lại chủ yếu làm thuê; có đến 1.014 ngư dân chuyên nghề đan lưới và vá lưới thuê, xay đá cây, khiêng cá, làm vi cước cá...
Chị Trần Thị Tuyết Hạnh vá lưới thuê - Ảnh: L.PHONG
GÓP VỐN ĐỂ GÓP LƯỚI
Ngư dân Phú Câu, phường 6 chuyên khiêng, vác, sơ chế cá thuê quá vất vả, thu nhập thấp, đã nghĩ ra “sáng kiến” góp lưới cho các tàu câu khơi đánh bắt cá chuồn để làm mồi câu cá ngừ. Và hàng trăm hộ ngư dân nghèo đã vay mượn, góp vốn để góp lưới, nhằm có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Mỗi tàu câu có nhu cầu từ 70-90 tấm (giá mỗi tấm lưới từ 1,5-2 triệu đồng), nhưng ngặt nỗi ngư dân làm thuê quá nghèo, thiếu vốn mua lưới với số lượng lớn. Ông Nguyễn Tất Linh cho hay, mấy năm nay, Hội Nông dân phường 6 phải đứng ra “bảo lãnh” cho 17 hộ dân vay 120 triệu đồng để đầu tư góp lưới tàu câu. Năm 2005, chị Trần Thị Nguyệt vay 10 triệu đồng đầu tư góp 20 tấm lưới. Nhờ vậy, mỗi năm chị Nguyệt được chia lãi bình quân từ 5-10 triệu đồng. Trong căn nhà nhỏ tồi tàn ở bên chân sóng, chị Trần Thị Tuyết Hạnh tâm sự: “Chồng đi bạn tàu, tôi ở nhà phải đi vá lưới, khiêng cá thuê vẫn không đủ nuôi cho 4 đứa con ăn học. Để tăng thu nhập, tôi đã vay mượn, gom góp tiền mua 5 tấm lưới cho tàu câu. Nhưng giờ lưới đã rách, tôi đang xin vay vốn ngân hàng để tiếp tục góp lưới”...
Tôi rời “làng cá ngừ” với bao nỗi niềm day dứt, trăn trở khi ông Phan Thuẫn, phó Lạch Phú Câu, nói: “Bên cạnh những hộ bị thiệt hại, thua lỗ nhiều vì thiên tai, vì cố “bơi” theo cá ngừ, làng biển này có đến 30% hộ nghèo, thiếu phương tiện làm ăn. Họ đang từng ngày bươn chải nơi bến bãi, vay, mượn để gom góp từng tấm lưới cho các tàu câu khơi. Song số tiền ngư dân nghèo được vay quá ít ỏi, như muối bỏ biển. Họ đang cần sự trợ giúp của Nhà nước; cần nhiều và rất nhiều tấm lưới nghĩa tình!”.
Phóng sự LƯU PHONG