4. Trưa ngày 18/8/1971, trời vẫn mưa như trút, đứng trên bờ đê nhìn xuống, dòng sông Hồng trở nên hung dữ. Tất cả nhà cửa, đường sá ở bãi sông đều bị nhấn chìm trong nước. Trên mặt đê san sát các lều bạt, giường tủ.
Đúng 13g, đồng chí Phùng Thế Tài trực tiếp phổ biến quyết định của Quân ủy di chuyển thi hài Bác trở lại căn cứ. Một cuộc họp khẩn cấp lập tức được triệu tập. Sau đó ai về việc nấy, hối hả chuẩn bị suốt đêm 18. Vì là lần di chuyển thứ ba nên mọi việc diễn ra hết sức thuận lợi. Nhưng vì khối lượng công việc nhiều nên đúng vào lúc 2 tấn nước đá được xếp lên xe Zin 157 thì trời cũng vừa hửng sáng.
8g ngày 19, đồng chí Kinh Chi xuống phổ biến mệnh lệnh hành quân rồi cùng với một số cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đi K84 trước. 11g hôm ấy, đoàn xe được lệnh rời khỏi công trình 75A. Cuộc di chuyển lần này diễn ra vào ban ngày nên tất cả các xe đều cắm cờ hỏa tốc và đều có giấy phép đi vào tất cả mọi con đường cấm. Khác với những cuộc di chuyển trước, vì nhiều đoạn đường bị ngập nên trong đội hình hành quân có thêm chiếc xe Páp, một loại xe đặc chủng của công binh vừa có thể chạy trên bộ vừa có thể chạy dưới nước, trong mọi địa hình và thời tiết phức tạp. Lần này, đồng chí Nguyễn Gia Quyền cũng lại được phân công ngồi trên xe chở thi hài Bác. Các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài cùng hành quân đưa tiễn Bác.
Đoàn xe chạy trong mưa lạnh. Những con đường trong thành phố đều ngập nước. Suốt dọc hai bên đường hành quân, những cánh đồng lúa vừa bén rễ cũng bị nhấn chìm trong nước. Khắp nơi không khí chống lụt diễn ra khẩn cấp. Tiếng máy bơm, tiếng gầu tát nước vang lên trong tiếng sấm và tiếng mưa ào ào, không dứt.
Khó khăn nhất vẫn là tuyến đường cuối của cuộc di chuyển. Đường trơn nhầy nhụa, lầy lội, đoàn xe phải chạy với tốc độ rất chậm. Ngồi trong xe chở thi hài Bác, đồng chí Nguyễn Gia Quyền nhiễm lạnh, giọng nói nghe qua ống nghe máy điện thoại lập bập, rời rạc. Thấy vậy, đồng chí Phùng Thế Tài quyết định cho đoàn xe dừng lại nghỉ một lúc để mọi người lấy lại sức.
17g, đoàn xe về tới địa phận khu căn cứ. Lúc này trời đã ngớt mưa nhưng đoạn đường rẽ vào khu căn cứ ngập nước, xe Zin không thể vượt qua được
Biết rằng không thể dừng xe chờ nước rút, Ban Chỉ huy Đoàn quyết định chuyển thi hài Bác từ chiếc xe Zin sang xe Hồng thập tự rồi chuyển toàn bộ xe Hồng thập tự lên xe Páp. Chỉ có cách ấy mới vượt qua đoạn đường này. Phải cho đến khi chiếc xe Hồng thập tự nằm gọn trên thùng xe Páp mọi người mới thở phào, nhẹ nhõm. Chiếc Páp dừng lại một lát như để lấy sức rồi từ từ bò xuống ngầm. Xung quanh xe, nước ào ào chảy. Chiếc xe như một con tàu nhỏ vượt sông. Tất cả mọi người vượt sông. Tất cả mọi người khẩn trương lên xe Páp để vào khu căn cứ.
Khi chiếc xe Páp dừng lại, tắt máy trước cửa ngôi nhà kính, hai thanh sắt lại được bắc song song ở phía sau thùng xe. Lại những phút giây căng thẳng mới, đưa xe lên đã khó, đưa xe xuống lại càng khó khăn hơn. Chiếc xe Hồng thập tự nổ máy. Hai bánh sau của xe rồi hai bánh trước bám vào hai thanh ray từ từ lùi xuống. Cả bốn bánh xe đã nằm gọn trên hai thanh sắt ở một độ dốc 30 độ. Bên dưới là khoảng trống. Xung quanh bỗng im phắc, mọi người như nín thở. Không ai còn nghe thấy tiếng gió chạy rào rào giũ nước trong rừng thông. Không gian chỉ còn tiếng xe rú nhè nhẹ, 4 bánh xe từ từ lăn trên hai thanh sắt. Và đến khi chiếc xe Hồng thập tự đỗ thăng bằng 4 bánh trên mặt đất, mọi người ồn lên. Vì quá căng thẳng và xúc động, đồng chí Sướng xỉu thiếp đi trên vòng tay lái.
Sau 8 tháng trời xa cách, trở lại K84 lần này mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của khu căn cứ. Mặc dù chỉ còn một bộ phận nhỏ ở lại nhưng cơ sở vật chất được phát triển khá phong phú. Ngay buổi tối hôm ấy, để mừng thắng lợi của cuộc di chuyển, Ban Chỉ huy Đoàn đã cho anh em một bữa liên hoan bằng những vật phẩm của các chiến sĩ làm ra.
Thời gian lại lặng lẽ trôi qua trên khu đồi thơ mộng và yên tĩnh. Con sông sau mùa lũ lụt dữ dội hiếm thấy trong lịch sử lại thu mình chảy hiền hòa, êm đềm giữa hai bờ lau sậy xanh biếc. Rồi tết đến, một cái tết thật yên ả. Mọi người đón xuân trên những cánh đào, những đòn bánh chưng xanh. Đó là một mùa xuân đầy đủ, ít xáo động nhất của những người lính Đoàn 69 kể từ khi được thành lập. Đó cũng là mùa xuân thứ ba, đất nước ta, dân tộc ta vắng Bác.
5. Mùa hè năm 1972, Nixon liều lĩnh dùng máy bay B.52 đánh phá trở lại miền Bắc, dùng thủy lôi phong tỏa mặt biển, hy vọng có thể giành được ưu thế trước khi hiệp định ngừng bắn được ký kết.
Tất cả những diễn biến quân sự ấy đều được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương dự tính và chuẩn bị đối phó. Ngay từ những ngày giữa tháng 5, khi tin chiến thắng dồn dập bay về Hà Nội, Bộ Chính trị đã có kế hoạch đưa nhân dân và các cơ quan trong nội thành, nội thị và một số khu công nghiệp lớn tiếp tục sơ tán về nông thôn và các khu căn cứ vùng núi.
Vào những tháng ngày sôi động ấy, một bầu không khí lo âu bao trùm lên khu căn cứ của Đoàn. Mỗi khi có tiếng máy bay bay qua bầu trời của khu căn cứ và nghe tiếng bom rền rĩ từ thủ đô và các vùng xung quanh dội về, lòng mọi người lại thấp thỏm, bồn chồn.
Đề phòng máy bay Mỹ có thể ném bom phá hủy khu căn cứ, Ban Chỉ huy Đoàn quyết định chuyển thi hài Bác từ nhà kính xuống hầm ngầm.
Nhưng đưa Bác xuống hầm ngầm trong tình hình máy bay Mỹ ngày càng đánh phá dữ dội miền Bắc chỉ là một biện pháp tạm thời, bởi K84 mặc dù ở xa Hà Nội nhưng lại nằm trong phạm vi đường bay của máy bay giặc Mỹ. Đề phòng khả năng bị đánh trả quyết liệt, máy bay Mỹ sẽ quăng bom bừa bãi dọc đường bay để tháo chạy, Bộ Chính trị và Quân ủy lại quyết định di chuyển thi hài Bác đến một vị trí an toàn hơn, trước ngày 15/7/1972.
Song di chuyển Bác đi đâu, về hướng nào là một câu hỏi lớn đối với Ban Chỉ huy Đoàn 69. Cuối tháng 6 một đoàn cán bộ do đồng chí Kinh Chi phụ trách đã tiến hành một chuyến đi khảo sát từng công trình, cuối cùng Ban Chỉ đạo quyết định chọn K2, một hang đá lớn nằm bên bờ tả dòng sông, cách K84 15 kilômét về phía bắc.
Sau khi nghe đoàn khảo sát trở về báo cáo, Ban Chỉ đạo quyết định cải tạo lại K2 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh với thời hạn 20 ngày đêm vừa khảo sát thiết kế và cải tạo. Tuy khối lượng công việc bề bộn, nhưng bù lại, đơn vị thi công sẽ được chi viện, đáp ứng mọi yêu cầu về vật tư kỹ thuật. Trong khi các chiến sĩ công binh bắt tay vào cải tạo K2, thì các chiến sĩ Lữ đoàn 144 cũng bắt tay vào sửa chữa đường và luyện tập.
Sau vụ lụt năm 1971, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý xe, Tổng cục Hậu cần cải tạo xe Páp để chở thi hài Bác mỗi khi cần phải di chuyển. Đặc biệt xe phải bảo đảm khả năng việt dã, lội nước cao, có thể di chuyển trong mọi địa hình, thời tiết và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn không thể xảy ra bất kỳ sự cố nào trong quá trình sử dụng.
Một năm sau các cán bộ, công nhân quốc phòng Cục Quản lý xe đã cho ra đời một chiếc Páp thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu nói trên và bàn giao cho Đoàn 69. Sau này, khi được biết chiếc Páp mà đơn vị mình cải tạo được dùng để chở thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt, các chiến sĩ Cục Quản lý xe, Tổng cục Hậu cần hết sức cảm động. Họ không ngờ chính họ đã được nhận niềm vinh dự đặc biệt ấy.
Phòng theo dõi an ninh ở khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đêm mồng 9/7, thi hài Bác được chuyển vào quan tài kính và đến 21g ngày 11/7, đoàn xe chở thi hài Bác được lệnh rời khỏi K84. Khi đoàn xe đến bến, đã thấy ba chiếc xe lội nước K61 chờ sẵn. Mặc dù đã tập luyện nhiều, nhưng chiếc xe Páp từ từ bò xuống bến sông, tim mọi người thót lại và lo lắng. Đêm đó nước sông chảy xiết. Những đám bọt sôi ào ạt ở đầu và hai bên thành xe. Ánh đèn pha quét trên mặt sông từng vạt sáng lấp lánh. Đoàn xe lặng lẽ rời bến, xuôi theo dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Chưa đầy nửa giờ, đoàn xe đã lần lượt cập bến bên bờ tả ngạn. Do được tập luyện tốt nên cuộc vượt sông diễn ra hoàn toàn thuận lợi. 0g15’ ngày 12/7, đoàn xe vào tới K2. Cả khu rừng bạt ngàn trong một khoảnh khắc như đã yên lặng mở rộng lòng ra đón Bác.
Công việc gìn giữ thi hài Bác ở K2 phức tạp và vất vả hơn nhiều, nhất là với tổ y tế đặc biệt, vì ở đây không có nơi hấp sấy quần áo nên sau mỗi lần làm thuốc, anh em phải cử người gánh gồng quần áo đi bộ qua rừng, qua sông về K84 giặt giũ, hấp sấy. Cứ như vậy mỗi tuần hai lần trong suốt 7 tháng trời ròng rã.
Tháng 12/1972, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá Hà Nội, việc đưa đón chuyên gia gặp nhiều trở ngại, Ban Chỉ huy Đoàn đã đề nghị với bạn ở lại K84 vì dù sao ở K84 cũng an toàn hơn ở Hà Nội.
6. Đầu năm 1973, sau những xáo động lớn, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 ở K2 dần dần đi vào ổn định. Những vườn rau, nương sắn trong thung lũng đã lên xanh. Sự vất vả đã trở nên quen thuộc đối với mọi người lính. Giữa lúc đó, lúc mà mọi người xác định giữ gìn thi hài Bác lâu dài ở K2 thì Hiệp định Paris, một hiệp định mà nhân dân ta đổ không biết bao nhiêu xương máu để giành lấy từng dòng, từng chữ, đã được ký kết. Nixon buộc phải tuyên bố triệt thoái toàn bộ quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.
Ngày 27/1/1973, Chính ủy Nguyễn Văn Hanh được lệnh về Hà Nội nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho đơn vị tổ chức đón Bác về lại K84. Đã là những ngày giáp tết rồi. Trong lúc cán bộ, công nhân ở các cơ quan, xí nghiệp được về quê ăn tết với gia đình thì các chiến sĩ Đoàn 69 vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc di chuyển mới. Phương án di chuyển vẫn bằng phương tiện cũ và đi đường cũ.
Đêm hôm ấy, trong dãy lán lợp lá cọ dưới chân núi, mọi người quây quần quanh cành đào đón giao thừa và chờ nghe thư chúc tết của Bác Tôn. Đồng chí chính ủy Nguyễn Văn Hanh thay mặt Đảng ủy và Ban Chỉ huy Đoàn công bố quyết định khen thưởng cho các tập thể và cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm, đồng thời phổ biến quyết định và giao nhiệm vụ cho từng bộ phận.
Ngày mồng 4 tết, tức là ngày 8/2/1973, sau khi các chuyên gia Liên Xô và Ban Chỉ đạo xem xét, kiểm tra lại việc quản lý thi hài, lệnh di chuyển chính thức được công bố. 21g đoàn xe rời hang đá ra bến sông. Hình như cho đến lúc ấy, những người dân trong vùng mới biết niềm vinh dự mà quê hương mình thời gian qua đã được giao phó. Họ đã lặng lẽ đổ ra hai bên đường. Những ánh mắt, những bàn tay giơ lên vẫy chào tạm biệt, những nụ cười ngập ngừng đã nói lên tất cả tấm lòng của họ đối với Bác, với các chiến sĩ Đoàn 69.
Đêm ấy trời sáng đầy sao. Những tán lá rừng, những cánh hoa rừng rơi đầy ở hai bên lối đi thỉnh thoảng lại thả một vài cánh hoa mềm nhẹ lên linh cữu Người. Rừng ngào ngạt hương xuân. Đây là lần đầu tiên kể từ 4 năm lại đây, các chiến sĩ Đoàn 69 được khiêng linh cữu Bác trên vai, đi trên một đoạn đường dài, trong một thời gian dài đến như vậy.
Khi mọi người từ ngôi nhà kính, nơi đặt thi hài Bác trở ra thì gà nhà, gà rừng đã bắt đầu cất tiếng gáy. Công việc di chuyển kết thúc, đấy cũng là lần di chuyển thứ năm thi hài Bác. Sau này, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, trong một lần nói chuyện với đồng bào tỉnh Long An, đồng chí Vũ Kỳ đã kể lại những chuyến đi đầy gian khổ, qua sông, qua núi, ở rừng, ở hang của Bác sau khi Người qua đời, nhiều người nghe chuyện đã không cầm được nước mắt.
Còn khi ấy, vào buổi sáng ngày mồng 5 tết Quý Sửu, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong lần di chuyển thứ năm đã nghĩ ngay tới lần di chuyển thứ sáu và chắc chắn sẽ là lần di chuyển cuối cùng: Đón Bác về lại thủ đô, về lại ngôi nhà vĩnh hằng của Người mà giờ đây đang được các nhà kiến trúc thông qua lần cuối cùng bản đồ án thiết kế và các lực lượng thi công đang triển khai để chuẩn bị khởi công xây dựng.
Trích Ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” NXB QĐND – 1990