Thứ Ba, 26/11/2024 00:37 SA
Bẫy thú rừng
Thứ Bảy, 10/12/2011 14:00 CH

Cứ đến mùa mưa, nhiều người ở Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) và các xã lân cận lại tự chế bẫy rồi kéo nhau vào rừng đặt bẫy. Có người một ngày bẫy được hai, ba con thú. Ở khu rừng Hòn Nhọn, những người bẫy thú giăng khoảng 1.500 bẫy thòng lọng mà không biết rằng điều đó làm “chảy máu” rừng.

 

bt111210.jpg

Vượt qua sông Chống Gậy (ảnh nhỏ) để đến khu rừng đặt bẫy - Ảnh: N.THẮNG

ĐI “THĂM” BẪY THÚ

 

Như đã hẹn, chúng tôi đến nhà anh Ba K ở Sơn Thành Đông để cùng vào rừng kiểm tra bẫy thú. Theo anh Ba K, gần đây, những người đi đặt bẫy thường bắt được cheo, hón, chồn, gà rừng..., có khi còn bẫy được heo rừng.

 

Từ trung tâm xã Sơn Thành Đông, chúng tôi đi xe máy vượt qua những con dốc uốn lượn, những dòng suối nhỏ hướng tới cánh rừng Hòn Nhọn - nơi đặt nhiều bẫy thú. Phía trước chúng tôi, hàng chục chiếc xe máy nối đuôi nhau đến các địa điểm bẫy thú. Địa điểm đặt bẫy của từng nhóm khác nhau, đa phần tại các khu vực ven đồi núi như Lòng Hồ, Đá Mài, suối Rùa, suối Kỳ Đà... Gặp một con sông lớn (người dân gọi sông Chống Gậy), chúng tôi phải bỏ xe ở bờ bên này rồi lội qua để tiếp tục vào rừng. Đang đi bỗng anh Ba K dừng lại, chỉ về phía khu rừng rậm phía trước và nói: “Khu này người ta đặt bẫy dày lắm, không biết đi vào sập bẫy ngay”. Loại bẫy phổ biến ở đây là bẫy thòng lọng, dễ làm, có thể sử dụng ngay cây trong rừng để làm bẫy. Một vòng tròn được cuộn bằng sợi dây thép mỏng, ngụy trang dưới lớp lá. Bên dưới là một cái hố chặn ngang lối đi của con thú. Chiếc vòng tròn bằng dây thép được nối với một sợi dây thép rồi nối với thân cây ven đường đi của thú. Thân cây lúc này làm chức năng của một đòn bẩy, chỉ cần va chạm nhẹ là lập tức bung lên. Anh Ba K giới thiệu cho tôi biết đôi nét của quá trình đặt bẫy cũng như cách ngụy trang làm sao để con thú không phát hiện. “Muốn bắt được thú rừng thì phải có chút kinh nghiệm, phải quan sát rất kỹ lưỡng những dấu chân thú đi qua và theo dõi từng ngày trước khi đặt bẫy” - anh nói rồi chỉ cho tôi cái bẫy anh đặt hôm trước. Khi thú giẫm chân vào, bẫy sập, nó sẽ bị treo lơ lửng trên không.

 

Sau gần 3 giờ băng rừng “thăm” bẫy nhưng chưa bắt được con thú nào, chúng tôi dừng chân tại một lán trại giữa rừng của người làm rẫy - nơi thường xuyên lui tới của các anh em trong nhóm. Lúc này, trong nhóm ai nấy đều mệt và đói. Vợ anh Ba K có chuẩn bị một ít thức ăn và rượu để chồng mang theo, thế là chúng tôi có một “bữu tiệc” nhỏ giữa rừng. Tại đây, chúng tôi gặp ông Tám, người địa phương, đang trông coi rẫy sắn cho chủ. Ngoài việc làm rẫy hàng ngày, ông cũng đi đặt bẫy để cải thiện bữa ăn. Bẫy của ông là bẫy rút loại nhỏ, bắt chim, gà rừng, chồn…

 

CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU NHỮNG CHIẾC BẪY

 

Người đi đặt bẫy là những nông dân quanh năm lam lũ với ruộng rẫy. Cứ đến mùa mưa là họ kéo nhau vào rừng bẫy thú để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Họ cũng biết việc mình làm là góp phần hủy hoại thiên nhiên, môi trường sống và vi phạm pháp luật nhưng biện minh rằng không đi bẫy thú thì cũng chẳng còn việc gì làm vào mùa này.

 

bay111210.jpg

Kiểm tra lại bẫy (ảnh lớn) sau khi một con heo rừng sập bẫy bị các đầu nậu khiêng về (ảnh nhỏ) - Ảnh: N.THẮNG

Khi chúng tôi bắt đầu ăn trưa cũng là lúc nhóm ông Tuyết đi “thăm” bẫy tới lán nghỉ chân; trên tay người đàn ông to khỏe tên Hưng là một con chim rừng vừa dính bẫy. Ông Tuyết quê ở Quảng Bình, vào Sơn Thành Tây từ năm 1984 là một trong những người đầu tiên đặt bẫy ở khu rừng này. Ông Tuyết và anh Ba K biết nhau cũng từ việc đánh bẫy khu rừng, cách đây hơn 10 năm.

 

Ông Tuyết kể: “Hồi đó thú rừng nhiều vô kể, ngày nào cũng có thịt rừng để ăn và bán lại cho các đầu nậu; giá thú rừng lúc đó rất rẻ, không như bây giờ. Tiền bán được không đủ để mua dây làm bẫy; dây phải mua ở Nha Trang chứ ở ngoài này không có”. Ông đánh bẫy với lượng dây ít nhưng “hiệu quả”, gặp con gì bắt con đó. Theo ông, những người đánh bẫy nhiều dây thường là mới vào nghề.

 

Nhóm của ông Tuyết và anh Ba K chỉ đặt bẫy ven rẫy mía, sắn chứ không vào sâu trong rừng. Mỗi chỗ đặt từ 5 đến 10 sợi dây, chủ yếu bẫy heo rừng là chính. Loại dây bẫy heo rừng là dây cáp to bằng chiếc đũa; đòn bẩy làm bằng cây rừng cũng phải lớn, để heo một khi dính bẫy không thể tháo chạy cùng cái bẫy được. Riêng anh Ba K có 17 dây để bẫy heo rừng, anh được mọi người trong nhóm gọi là “sát thủ”. “Cách đây mấy ngày, “sư phụ” bẫy dính một chú heo rừng hơn 60kg. Con heo này, nhiều người đã phát hiện và đặt bẫy nhưng không dính vì nó khôn quá. Tới khi “sư phụ” ra tay, theo dõi dấu chân nó mấy ngày liền rồi đặt bẫy thì bắt được ngay” - anh Hưng kể. Anh mới vào nghề và lúc nào cũng gọi anh Ba K là sư phụ.

 

Việc bẫy heo rừng kéo dài từ mùa mưa cho đến hết tháng Giêng hàng năm. Khi trời lạnh, heo rừng thường chui vào lau lách. Đến mùa thu hoạch sắn, chúng thường ra rẫy ven núi kiếm ăn… Theo những người bẫy thú rừng thì ở vùng này chỉ có chồn, gà rừng, cheo và heo rừng, còn nhím, hón thì rất hiếm. Nhóm của anh Ba K được nhiều người biết đến về việc bẫy heo rừng. Vừa rồi, những người trồng mía, sắn ở buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) gọi nhóm này lên bẫy heo rừng vì chúng thường về phá cây trồng của bà con. Họ không dám đặt bẫy chông, bẫy sập, bẫy kẹp vì sợ nguy hiểm cho người đi rẫy nên phải nhờ các anh sử dụng bẫy thòng lọng. Theo các thành viên trong nhóm, nếu tập trung vào nghề bẫy thú, mỗi ngày kiếm không dưới 500.000 đồng. Việc bán cho các đầu nậu cũng rất thuận tiện, những con thú nhỏ thì đem đến điểm mua gom, thú lớn như heo rừng thì bán ngay tại chỗ, thỏa thuận giá xong là có người khiêng về. Mùa này, họ mua vào với giá rẻ để đông lạnh, chờ đến tết bán với giá cao hơn.

 

Công việc bẫy thú rừng mang lại thu nhập hấp dẫn nhưng rõ ràng là vi phạm pháp luật. Người ta nói: Có cầu ắt có cung. Những người bẫy thú thật đáng trách, song những người thích ăn thịt thú rừng cũng đáng trách không kém. Họ đã và đang “góp phần” tận diệt thú rừng.

 

NGỌC THẮNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek