Thứ Hai, 07/10/2024 01:19 SA
Người đàn bà đi qua cuộc chiến cùng nỗi đau
Thứ Bảy, 26/11/2011 18:00 CH

Hơn 40 năm chờ chồng và kiếm tìm trong vô vọng, người phụ nữ ấy mới đến được nơi chồng trút hơi thở cuối cùng. Trong dằng dặc tháng năm quá nửa đời người với bao nỗi niềm chất chứa nơi góc khuất trái tim, người phụ nữ ấy ngược xuôi tần tảo nuôi con rồi thoát ly, tham gia kháng chiến. Những tấm huân chương được Nhà nước trao tặng, ai đến nhà cũng đều nhìn thấy, nhưng còn nỗi đau và bao mất mát hy sinh thì rất lặng thầm…

 

Ba-Nguyen-Thi-Diem111126.jpg

Bà Nguyễn Thị Điểm - Ảnh: N.PHƯƠNG

TÌNH YÊU VÀ DẰNG DẶC ĐỢI CHỜ

 

Bà Nguyễn Thị Điểm được sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa - một vùng quê từng chìm trong khói lửa song cũng rất anh hùng, trong cái nôi của một gia đình cách mạng. Ở tuổi mười tám đôi mươi, bà tham gia phong trào phụ nữ xã. Ngôi nhà của hai cụ Nguyễn Xuân Hoa - Ngô Thị Kỷ, cha mẹ bà, là nơi hội họp của những người cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ. Mỗi khi họp hành xong, ai nấy ra về, có một thanh niên nán lại, sắp xếp bàn ghế đâu vào đấy. Người đó tên là Nguyễn Ngọc Thạch ở thôn Mỹ Trung, cùng xã. Mẹ bà nhìn gương mặt sáng trưng, hiền lành của người thanh niên này và tấm tắc khen: “Thằng nhỏ con ai mà dễ thương ghê!”.

 

Sau một thời gian cùng làm việc, chung chí hướng, chàng trai Nguyễn Ngọc Thạch và cô gái Nguyễn Thị Điểm đã để ý thương thầm. Tình yêu của họ được hai bên gia đình ủng hộ. Buổi sáng nọ, cô Điểm lùa bò đi cày, ra đến giữa đường thì thấy gia đình anh Thạch mang trầu cau đến, hỏi vợ cho con. Cô Điểm bối rối lùa bò về. Năm 21 tuổi, anh Thạch và cô Điểm nên duyên chồng vợ; đám cưới của họ được tổ chức tại xã Hòa Thịnh.

 

Năm 1954, tên ông Thạch và bà Điểm đều có trong danh sách những người đi tập kết. Tuy nhiên lúc đó, bà mang bầu đứa con trai thứ hai, sắp đến ngày sinh nên tổ chức không đồng ý để bà đi. Ông Thạch ra đến Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thì được phân công ở lại địa phương để xây dựng cơ sở.

 

Tháng 10/1954, ông Thạch về nhà thăm vợ con. Ông chưa kịp hàn huyên với vợ, chưa kịp tưng tiu đứa con trai ba tuổi và đứa thứ hai mới sinh thì những người lạ mặt ập vào nhà. Đặt đứa con mới hai tháng tuổi vào tay vợ, ông Thạch biết mình sẽ đối diện với hiểm nguy, giông tố. Bà Điểm hoang mang hỏi người đàn ông lạ mặt đến bắt chồng mình:

 

- Mấy ông dẫn chồng tôi đi đâu?

 

Ông ta bình thản đáp:

 

- Dẫn đi họp một chút rồi về. Không sao đâu!

 

Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, vội vàng gởi con cho ông nội, bà Điểm bươn bả đi theo nhóm người bắt chồng mình. Ngoài ông Thạch là chính trị viên xã đội, bí thư và phó bí thư xã cũng bị bắt, đưa đi cùng một đêm. Bà Điểm theo đám người đó tới thôn Cảnh Tịnh thì chúng đuổi bà về.

 

Bước thấp bước cao trở về nhà, người vợ trẻ nặng trĩu âu lo, không biết kẻ địch đưa chồng mình đi đâu. Gởi hai đứa con thơ cho cha mẹ chồng chăm sóc, bà lặn lội đi tìm chồng, hết ngày này qua ngày họ, hết thôn này đến thôn khác ở xã Hòa Thịnh rồi lên Hòa Mỹ, Hòa Phong. Càng đi càng thấy mịt mù. Lòng như có lửa đốt, người vợ trẻ thương chồng rơi vào hang hùm miệng sói mà không biết làm cách nào để nắm tin.

 

Mỏi mắt kiếm tìm mà tin tức vẫn mịt mù như bóng chim tăm cá, đôi khi, một ý nghĩ khủng khiếp như luồng điện chạy qua đầu: “Lẽ nào chồng mình đã bị chúng thủ tiêu?”. Và người vợ lại tất tưởi đi tìm. Tuyệt vọng, bà gõ cửa một số người làm nghề bói toán và được họ an ủi: “Ổng không chết đâu mà lo! Ổng đi hai năm rồi sẽ về”.

 

Hồi đó, người ta nói đi tập kết thì hai năm sau sẽ trở về, khi tổng tuyển cử. Và bà Điểm nghĩ rằng bằng cách nào đó, chồng mình đã đi tập kết, sau hai năm sẽ đoàn tụ với vợ con.

 

Bám vào niềm tin đó, người vợ chèo chống vượt qua khó khăn. Và chờ đợi. Hai năm. Năm năm. Mười năm. Rồi hai mươi năm đằng đẵng. Biết bao nhiêu tháng, biết bao nhiêu ngày! Biết bao là nước mắt mà người vợ đã lặng lẽ nuốt vào trong…

 

TRONG KHÓI LỬA CHIẾN TRANH

 

Ông Nguyễn Duy Luân, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên: “Cô Điểm có chồng là chính trị viên xã đội Hòa Thịnh. Sau khi đình chiến, chồng cô bị địch bắt, thủ tiêu. Cô Điểm nuôi hai đứa con, sau Đồng khởi thì thoát ly, tham gia xây dựng căn cứ. Sau đó cô Điểm làm cán bộ phụ nữ xã Hòa Thịnh, phụ trách công tác đấu tranh chính trị. Được đào tạo, cô Điểm tham gia Ban đấu tranh chính trị của tỉnh. Khi Ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập, cô tham gia vào ủy ban, phụ trách khối văn xã cho đến ngày giải phóng…”.

Ngược xuôi buôn bán kiếm tiền nuôi con, cho đến khi con trai lớn được 7 tuổi, con út 4 tuổi, bà Điểm tiếp bước chồng, đến với phong trào cách mạng. Sau khi tham gia Đồng khởi Hòa Thịnh, bà bị địch bắt. Địch trói bà ngay tại cột chợ ở Mỹ Xuân, tra gạn: “Cô làm gì? Liên lạc với ai?”. Bà Điểm trả lời: “Tôi không liên lạc với ai hết. Tôi ở nhà nuôi hai đứa con thôi”.

 

Thấy bà một mực không khai báo, địch chĩa súng đòi bắn.

 

“Tôi nghĩ chuyến này chắc mình chết thôi” - bà Điểm nhớ lại - “Nhưng dù có chết cũng chịu chớ không thể khai báo, làm ảnh hưởng đến cách mạng, đến các đồng chí của mình”.

 

Thương con gái và sợ hai đứa cháu ngoại còn non nớt sẽ rơi vào cảnh côi cút, cha bà van xin: “Con không có chồng, con nó còn nhỏ. Mấy ông bắn nó thì con nó ai nuôi? Mấy ông tha cho nó, có gì tui chịu trách nhiệm”.

 

Trưa hôm đó, bà Điểm được địch thả về. Ngay trong chiều hôm đó, gởi hai đứa con cho ông bà nội ngoại, bà lên căn cứ.

 

Trong quãng thời gian làm liên lạc cho các cán bộ cách mạng, bà Nguyễn Thị Điểm đã lạc trong rừng dăm ba lần. Ngày nọ, từ Hòa Xuân về Hòa Thịnh, bà bị lạc suốt 7 ngày trong rừng núi, ngày cầm hơi bằng lá cây, đêm cột võng ngủ. May mà cuối cùng cũng gặp một người chỉ đường cho bà.

 

Lần khác, cái chết dường như đến rất gần người phụ nữ này. Từ Hòa Thịnh sang Hòa Đồng công tác, bà Điểm gặp địch đi càn. Từ trên trực thăng, chúng xối đạn xuống và bà bị thương. Nhìn thấy một con mương nhỏ, bà Điểm ráng trườn xuống mương và ẩn mình ở đó, lấy cỏ phủ kín người. Địch đổ bộ, nối nhau nhảy qua mương nhưng không phát hiện có một người bị thương đang nằm bên dưới.

 

Sau khi địch đi khỏi, bà Điểm thu hết sức tàn bò vô thôn Mỹ Điền, gặp bà Nguyễn Thị Cúc. Cứ ngỡ bà Điểm đã chết rồi nên khi thấy bà bò vô, bà Cúc ôm khóc. Sau đó, bà Điểm được cõng đến trạm xá, ròng rã suốt 4 ngày mà không có cơm ăn. Bà Bốn Bàng, người Hòa Xuân, bứt lá đưa cho bà Điểm ăn cầm hơi. Đến nơi, bà Điểm hốt hoảng khi thấy nhiều con dòi bò ra từ vết thương mình.

 

Sau lần thoát chết đó, bà Điểm bị thương hai lần nữa, cũng bởi gặp trận càn. “Địch nó bắn như mưa nhưng có lẽ đạn tránh mình nên mình còn sống” - bà nói vui như vậy.

 

Trong những năm tháng bà Điểm thoát ly tham gia kháng chiến, có những cán bộ trên căn cứ đã để ý thương thầm bà và kín đáo thổ lộ tình cảm. Nhưng vì tin rằng chồng còn sống, rằng ông sẽ trở về và thương hai đứa con thơ nên bà khước từ và để mặc tuổi xuân trôi qua…

 

Một thời gian tham gia công tác phụ nữ ở xã Hòa Thịnh, bà Điểm vào BCH Hội Phụ nữ huyện Tuy Hòa 1. Sau khi được cử đi học, bà làm Phó ban Đấu tranh chính trị tỉnh Phú Yên, được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở, vận động người dân tham gia cách mạng, phát động và lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị, tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng. Năm 1973, bà có mặt trong Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Phú Yên; đồng chí Chín Cao (Nguyễn Duy Luân) làm chủ tịch.

 

Hai người con của bà Điểm lớn lên trong sự đùm bọc của ông bà nội ngoại, cô dì chú bác. Lâu thật lâu, thư của con bà mới lên tới căn cứ. Mỗi lần nhận thư là thêm một lần bà Điểm rơi nước mắt, thương con thiếu thốn tình thương của cha, hơi ấm của mẹ.

 

Anh Nguyễn Bình, con trai cả của bà Điểm, nhớ lại: “Năm 1974, khi tôi dạy học ở TX Tuy Hòa, cơ sở bố trí cho tôi gặp má một lần ở bìa rừng thuộc xã Hòa Thịnh. Tôi nhận ra má từ xa, rồi hai mẹ con ôm nhau khóc. Sau đó, ông ngoại và dì năm tôi - là cơ sở cách mạng - bị địch bắn chết. Sau khi gia đình lo đám tang xong, dì hai dẫn tôi lên bìa rừng để gặp má…”.

 

tu-lieu-111126.jpg

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bìa phải) và các cán bộ phụ nữ tỉnh Phú Yên. Bà Điểm đứng thứ hai, bên trái (ảnh chụp ngày 1/7/1975) - Ảnh: T.LIỆU

CUỘC “ĐOÀN VIÊN” MUỘN MÀNG

 

Chiến tranh kết thúc, bà Điểm vào BCH Hội Phụ nữ Khánh Hòa và được phân công làm Hội trưởng Phụ nữ Tuy Hòa. Những năm đầu sau giải phóng, đời sống vô cùng khó khăn. Sau giờ làm việc tại cơ quan, bà Điểm cặm cụi chăm sóc đám rau muống trồng trên đám đất thuê ở phường 4, TX Tuy Hòa khi đó. Sáng sớm, bà cắt rau muống đem ra chợ. Tiền bán rau chẳng bao nhiêu, song cũng đủ để xoay xở cho cuộc sống và nuôi người con út tiếp tục đi học.

 

Đất nước thống nhất, những người đàn ông tham gia kháng chiến lần lượt trở về, người thì lành lặn, người thì về cùng những vết thương. Nhưng không có chồng bà. Nhiều người đi tập kết lần lượt trở về. Nhưng cũng không có chồng bà.

 

Những người ở Hòa Thịnh đều biết rằng, cùng với những đồng chí bị bắt đi hôm đó, ông Nguyễn Ngọc Thạch đã bị địch sát hại ở Hòa Phong. Riêng bà Điểm tự nhủ rằng có lẽ bằng cách nào đó, chồng bà đã thoát khỏi quân thù, đi tập kết và có thể đã lập gia đình mới ở ngoài Bắc. Bà huyễn hoặc rằng chồng mình vẫn còn sống. Mỗi khi bắt gặp những hình ảnh thân quen nơi quê nhà, bà lại chạnh lòng nhớ đến người chồng thân yêu đã ra đi bằn bặt mấy chục năm.

 

Không có một tấm hình của chồng, bà Điểm chỉ có thể lưu giữ gương mặt tuổi 25 của người bạn đời trong tâm trí. Gương mặt khôi ngô với nụ cười phúc hậu. Bà nhớ rằng ông hòa nhã như thế nào, chu đáo như thế nào. Tất cả chỉ được gói ghém trong kỷ niệm. Mà kỷ niệm của bà thì quá ít oi!

 

Mãi đến năm 2001, nhờ một nhà ngoại cảm ở TP Hồ Chí Minh, bà Điểm mới tìm được nơi chồng nằm, cạnh một bụi tre gần sông, trên địa bàn xã Hòa Phong. Địch đã thủ tiêu ông cùng hai đồng chí là bí thư và phó bí thư xã (cũng bị bắt trong đêm đó).

 

Hơn 40 năm sau khi ông Thạch đặt vào vòng tay vợ đứa con trai mới hai tháng tuổi, bà Điểm nghẹn ngào tìm thấy chồng trong phảng phất dáng hình một người ngồi dưới lớp lớp đất. “Đào thêm nữa, dáng hình đó bay theo gió theo mây. Không còn gì nữa, gia đình chỉ lượm được mấy hột nút xà cừ và đưa đất ở chỗ đó về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, cũng không có một tấm ảnh để thờ” - giọng bà nhòa đi trong nước mắt.

Cho đến tận bây giờ, trong ký ức của bà Điểm, gương mặt của chồng vẫn là gương mặt tuổi 25, hiền lành, phúc hậu.

 

Trên bàn thờ ở nhà anh Nguyễn Bình, con trai cả bà Nguyễn Thị Điểm, là những người thân yêu đã hy sinh trong kháng chiến: ba anh - liệt sĩ Nguyễn Ngọc Thạch (chính trị viên xã đội Hòa Thịnh, hy sinh ngày 13/10/1954); ông ngoại: liệt sĩ Nguyễn Xuân Hoa, hai dì Nguyễn Thị Luận và Nguyễn Thị Hữu, cũng là liệt sĩ. Cụ Ngô Thị Kỷ, bà ngoại anh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Đi qua những năm tháng khói lửa chiến tranh, giờ đây, sống cùng con trai cả ở phường 5 (TP Tuy Hòa), bà Điểm tự hào khi nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua, khi thấy quê hương có nhiều khởi sắc. Hai con trai bà, một người theo nghề giáo, một người làm việc ở một cơ quan báo chí. Bốn đứa cháu nội đều chăm ngo­an, học giỏi, thành đạt. Đó là nguồn an ủi, là niềm hạnh phúc đối với người phụ nữ 84 tuổi, đã chịu nhiều mất mát.

 

*

 

Trong chiến tranh, nhiều phụ nữ phải gánh chịu những nỗi đau, những mất mát tưởng như vượt quá sức chịu đựng của con người. Và câu chuyện của bà Nguyễn Thị Điểm không phải là cá biệt ở một vùng đất từng oằn mình dưới đạn bom khói lửa. Nhưng sao mỗi khi nghĩ đến việc bà vô vọng tìm chồng, chờ chồng trong hơn 40 năm, lòng không khỏi ngậm ngùi…

  

Anh Nguyễn Bình, con cả của bà Nguyễn Thị Điểm:

 

“Tôi nhớ có lần, ba đi làm việc về, mang một khẩu súng dài. Tôi hỏi súng gì, ba nói súng trường. Tôi nhớ ông mặc bộ đồ bà ba đen. Tôi đứng ở góc nhà, ba bồng tôi lên giơ lên cao, theo kiểu của những người cha tưng tiu con. Tôi chỉ nhớ bao nhiêu đó thôi, còn gương mặt của ba tôi không nhớ. Sau này cứ hỏi ba đi đâu, mọi người nói ba đi công tác, đi làm việc. Hồi đó tôi cũng chưa hiểu nghĩa của hai tiếng mồ côi, khi nghe những người xung quanh nói: “Tội nghiệp hai anh em nó, mồ côi sớm quá!”.

 

Ba mất khi tôi mới ba tuổi. Tôi được má gởi cho ông bà nội, ông bà ngoại. Tôi sống ở khắp nơi, có khi sống với cô ở Phú Nông rồi về với dì ở Cảnh Tịnh, sau đó lại về ở với ông bác thứ ba. Má tần tảo buôn bán. Thỉnh thoảng tôi mới được gặp má. Khi má thoát ly rồi, hai mẹ con rất ít khi gặp nhau”.

 

NAM PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Săn chình giống
Thứ Bảy, 19/11/2011 14:00 CH
Trả ơn cuộc đời
Thứ Sáu, 11/11/2011 18:00 CH
Nỗi đau của một gia đình
Thứ Bảy, 05/11/2011 18:00 CH
Hết thời xe máy Tàu
Thứ Bảy, 05/11/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek