Dự án ADB3 xây dựng mới và nâng cấp Quốc lộ 1A từ tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 2 năm nay, nhưng chỉ riêng địa phận Phú Yên đã có hàng trăm điểm bị vênh, xói lở, rạn nứt... Riêng các đoạn đường ở phía nam cầu Đà Rằng và dốc Vườn Xoài đã sạt lở, trụt lún nghiêm trọng từ mùa mưa năm ngoái, đến nay vẫn chưa được khắc phục! Đây sẽ là nguy cơ gây tai nạn và làm “đứt” giao thông trên tuyến huyết mạch quốc gia trong mùa mưa lũ cận kề.
NỖI ÁM ẢNH Ở ĐOẠN ĐƯỜNG TRỤT, LÚN
Ầm… một chiếc xe ô tô khách bị lật nhào! Ầm… một chiếc Honda ngã lăn quay trên mặt đường! Lại ầm… một chiếc xe tải trượt bánh và va vào đất đá bên lề đường…! Gần một năm nay, điệp khúc âm thanh ấy như là nỗi ám ảnh trong lòng bà Phan Thị Lan. “Dường như cứ vài ngày là xảy ra tai nạn tại đoạn đường trụt lún ở trước cửa nhà tui. Như mới tối qua thôi, hai đứa con gái chạy honda qua đây liền bị sụp ổ gà, té nhào xuống đường, mặt mày tay chân đầy vết thương, phải nhờ bà con giúp đưa đi cấp cứu ở trạm y tế xã An Dân” – Bà Lan kể. Cũng theo lời bà Lan, đoạn Km1295+150 QLIA bị trụt lún sâu làm che khuất tầm nhìn, mặt đường lại xói lở đầy ổ gà, ổ voi, gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại…
Một ngôi nhà ở An Dân (huyện Tuy An) gần như không còn sử dụng được do tình trạng sụt lún nền đường QLIA gây nên
Bây giờ những cơn mưa đầu mùa làm cho đường thêm trơn trượt và trở thành cái “bẫy” rất nguy hiểm. Lề đường ở đây cũng bị xé toạc với nhiều hầm hố và đất đá ngổn ngang, có thể bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào. Tình trạng đường hỏng, lề tan đang uy hiếp nhiều nhà dân xung quanh. Hiện các vách tường xây của ngôi nhà ông Nguyễn Văn Chúng bị đường trụt gây những vết nứt lớn. Tôi lật sổ tay phóng viên của mình còn ghi rõ “Mưa lũ vào tối ngày 14-12-2005 đã làm sụt lún toàn bộ bề ngang mặt nền đường và dài 75 mét, sâu tới hơn 2m tại Km1295+150 QLIA thuộc địa phận xã An Dân, huyện Tuy An. Sự cố này đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến huyết mạch quốc gia trong 2 ngày liền và làm lún nứt nhiều nhà dân…”. Vậy mà không hiểu vì sao, sau gần một năm trôi qua, đoạn đường này vẫn chưa có giải pháp khắc phục!
Ở cách đấy không xa, đoạn km1269 trên QL1A qua địa phận xã An Dân cũng bị trụt lún nặng vào mùa mưa năm ngoái, nhưng bây giờ vẫn còn dở dang. Ông Vũ Đình Nguyên tài xế xe tải 34K-7284 ở Hải Dương bức xúc: “Hai đoạn đường trụt lún qua Phú Yên là nỗi ám ảnh lo sợ đối với cánh tài xế lái xe tải đường dài Bắc –
SÔNG ĐÀ RẰNG “NGOẠM” QUỐC LỘ TỪNG NGÀY!
Đi qua đoạn đường nằm ở phía nam cầu Đà Rằng cũ (thuộc phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa), nhiều người giật mình khi nghe rõ mồn một tiếng nước sông chảy róc rách, vỗ bì bõm ở ngay dưới chân mình. Xem ra mới biết cả tuần nay, mưa lớn ở các tỉnh Tây Nguyên làm nguồn nước đổ về sông Đà Rằng rất lớn, dâng cao và đã “ngoạm” mái taluy âm một đoạn QL1A dài hơn 50m, “ăn” sâu vào từ 10 m lên hơn 12m và đến sát chân của mặt đường láng nhựa. Những thế đất ở đoạn sạt lở này đang ngấm nước rồi trôi tuột dần làm “rỗng” bên dưới nền đường. Lưu lượng nước ngày càng chảy rất mạnh cuốn phăng ra sông một số cọc tiêu cảnh báo với hàng ngàn mét khối đất đá… và có nguy cơ phá bức đoạn QL1A này bất cứ lúc nào. Ở đây, tôi bắt gặp các công nhân cầu đường đang loay hoay xử lý tạm như bỏ rọ đá, đóng cọc “giăng” dây để báo hiệu đoạn sạt lở rất nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông qua lại.
QLIA sắp bị sông Đà Rằng “nuốt chửng” - Ảnh: L.PHONG
Bất chợt gặp chúng tôi trên đường đi kiểm tra nơi neo đậu tàu thuyền và các công trình trước mùa mưa bão sắp đến, ông Phan Khánh, Trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, cho biết: Mấy năm gần đây, sông Đà Rằng bỗng “trở chứng” đổi dòng và xâm thực rất nặng vào hai bên bờ sông. Đợt mưa lũ cuối năm 2005, hạ lưu Đà Rằng làm sạt lở, cuốn trôi mất hàng trăm ha đất sản xuất ở các xã Hòa Định Tây, Hòa Định Đông, Hòa Thắng và Hòa An (huyện Phú Hòa). Đặc biệt, từ đầu tháng 2-2006 đến nay, bờ sông Đà Rằng phía tả ngạn đi qua các khu vực nói trên bị sạt lở nghiêm trọng, với tổng diện tích trên 400 ha. Nhiều con nước sông Đà Rằng trở nên hung hãn uy hiếp chỗ ở của hơn 1.500 hộ dân. Và khi nước sông bắt đầu “ăn” vào QL1A hồi đầu tháng 3-2006, UBND TP Tuy Hòa đã có công văn báo cáo cụ thể với các ngành chức năng của tỉnh, Công ty QL&SCĐB Phú Yên (thuộc Khu Quản lý đường bộ 5) để sớm có biện pháp xử lý. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì! Trong khi đó, nước sông Đà Rằng đang “ngoạm” sâu vào mặt đường với khối lượng sạt lở tăng nhanh từng ngày, nếu càng chậm khắc phục, càng tốn kinh phí, gây mất an toàn giao thông và niềm tin trong nhân dân.
ĐƯỜNG MỚI NÂNG CẤP ĐÃ... XUỐNG CẤP!
Đi qua đường dẫn cầu Đà Rằng mới, tôi bắt gặp hàng loạt điểm lồi lõm và rạn nứt, mặt đường vênh nhau từ 30 – 60cm. Chợt nhớ ông Cù Huy Kiểm, Phó Giám đốc Công ty QL&SCĐB Phú Yên, đã cảnh báo: “Do thời gian thi công gấp rút, xử lý kỹ thuật không đảm bảo, nên mặt đường dẫn ở hai đầu cầu Đà Rằng bị vênh lên, còn nhiều đoạn bên trong trụt “rỗng”. Xe phải chạy trên cái “vòm cấp phối” này rất nguy hiểm! Công ty QL&SCĐB PY phải chuẩn bị nhân lực để cấp tốc khắc phục hư hỏng đường dẫn Đà Rằng với kinh phí lên đến 2, 2 tỉ đồng. Nếu muốn đảm bảo an toàn giao thông, phải đầu tư lớn phá bỏ toàn bộ bán dẫn đầu cầu để làm lại mặt đường!”.
Đây, QL1A qua huyện Tuy An vừa được nâng cấp chưa đầy 2 năm! - Ảnh: Lưu Phong
Cơn mưa chiều lất phất, chúng tôi lại đi dọc QL1A và chứng kiến thêm nhiều đoạn đường rạn nứt, vá đùm, vá chặp, nhất là đoạn tuyến tránh qua thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) vừa đưa vào sử dụng nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chỉ một đoạn ngắn tuyến tránh này từ Km1277+780 đến Km1283+400 phát sinh 133 điểm ổ gà, sình lún, rạn nứt mặt đường bê tông nhựa... với khối lượng 13.319m3! Theo các kỹ sư xây dựng, tuyến tránh Sông Cầu với địa chất phức tạp và ảnh hưởng nước ngầm, trong khi đó việc thiết kế thi công đường không có giải pháp xử lý triệt để, dẫn đến nền yếu, kém chất lượng. Ông Cù Huy Kiểm cũng đưa ra hàng loạt con số khô khốc, nhưng khiến chúng tôi phải giật mình: Qua kiểm tra tồn tại trên toàn tuyến QL1A thuộc dự án ADB3-3 (địa phận Phú Yên), Công ty QL&SCĐB phát hiện, tính từ Km1243+550 đến Km1366+525 có đến 216 điểm (trừ các điểm hư hỏng trên tuyến tránh Sông Cầu) bị rạn nứt bê tông nhựa mặt đường với khối lượng 4.772m3, nứt dọc mặt đường (1.930m), sình lún mặt đường (341m3), lún dọc theo vệt bánh xe (1.030m)… Nếu sửa chữa hư hỏng ở các điểm này theo đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng ổn định lâu dài, thì phải tiêu tốn cả chục tỉ đồng!
Con đường “huyết mạch” QL1A qua Phú Yên được xây dựng và nâng cấp mới đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm mà bị “rách” tả tơi như vậy. Nhưng mới đây, Ban quản lý dự án 1 PMU18 có công văn số 1438/PMD2 (ký ngày
LƯU PHONG