Thứ Ba, 01/10/2024 11:15 SA
Đưa lúa nước về buôn Chung
Thứ Bảy, 23/09/2006 09:24 SA

“Cái gì? Lúa nước à? Chuyện đó tới hỏi Ma Nhin đấy!”- người đàn ông Êđê có làn da sạm đen đứng dưới chân nhà sàn trả lời bằng tiếng Kinh lơ lớ khi chúng tôi chỉ tay về những thửa ruộng nhỏ nằm bên khe suối trước mặt.

 

060923-lua.jpg

Trồng lúa nước ở vùng cao - Ảnh: VĂN TÀI

 

NGĂN SUỐI  LÀM LÚA NƯỚC

 

 Hồi đó, ngày nào người dân xã EaBar (huyện Sông Hinh) cũng thấy Ma Nhin vác cuốc đi tới, đi lui bên những khe suối, nhiều người trong buôn thắc mắc, chẳng biết trong đầu Ma Nhin đang suy tính chuyện gì. Rồi, độ chừng một con trăng sau, thấy Ma Nhin hì hục đào đào cuốc cuốc trên những mảnh đất ven suối, hỏi “Tính làm gì vậy?”, Ma Nhin cười cười: “Thử trồng lúa nước!”. Người thì ngạc nhiên không tin vào tai mình. Người thì gật gù khâm phục cái đầu táo bạo của Ma Nhin, nhưng trong bụng vẫn thấy nghi ngờ lắm. Bởi hơn 20 năm nay, bà con buôn Chung không biết cách trồng lúa nước. Rẫy ở đây chỉ trồng cây mía, mè, cây mì, bắp, đậu đỏ… thu nhập rất bấp bênh, nhất là đến mùa nắng hạn. Cây lúa rẫy bà con có làm đấy nhưng héo úa, èo uột. Trong bụng thấy xót lắm, nhưng chẳng biết làm sao để thay đổi. Mỗi khi nhìn cây lúa nước xanh tốt khoẻ mạnh ở buôn Thứ, buôn Quen, buôn Rin trong xã, bà con mê lắm! Đến mùa thu hoạch, nhìn những hạt lúa vàng mẩy tròn của họ hoài vẫn không thấy chán. Nhìn và ước ao, chứ bà con chẳng biết làm gì. Bởi vì từ lâu buôn Chung không có đập để dẫn nước về. Lần họp nào bà con cũng nhắc đến chuyện xây đập, nhưng cán bộ xã bảo tiền xây đập nhiều lắm, phải chờ ở trên giải quyết.

 

Nhiều đêm Ma Nhin nằm nghĩ: “Mình không thể cứ mãi nghèo đói, sao không nghĩ cách dẫn nước về?” Khi nghe ở buôn Ken (xã Ea Bá), buôn Ly (xã EaBar) có người tự ngăn suối để làm lúa nước. Ông chạy xe xuống thị trấn mua ống nhựa, dẫn nước suối về những khoảng đất rẫy ở ven suối làm lúa nước. Hì hục đào mương, lắp đặt ống nhựa, san ủi đất suốt một tháng rưỡi, mặc cho mọi người trong buôn hồ nghi, Ma Nhin vẫn quyết làm. Đó là câu chuyện của năm 2000. Còn bây giờ, những cái bụng hồ nghi, băn khoăn nhất trong buôn cũng đã yên lòng, khi qua những đợt nắng hạn, cây lúa vẫn khoẻ mạnh, đến mùa thu hoạch những hạt lúa vẫn mẩy tròn. Ma Nhin bảo: “Đến mùa nắng dứt, cứ tưởng mất trắng, vậy mà thu hoạch lên cũng được. Những lúc đấy cái bụng thấy vui lắm!”

 

BỤNG VUI KHI CÓ LÚA VÀNG, CƠM TRẮNG

 

Bây giờ không chỉ Ma Nhin, mà trong buôn đã có 10 hộ trồng lúa nước ở các khe suối EaMChăn, EaGiêr, Dhông Doing, Dhôngmôi… Kênh mương tự tạo bằng những viên đá chẻ được xây vững chắc hơn. Những khoảng đất trồng lúa nước đã rộng và bằng phẳng hơn nhờ việc dùng máy cày san ủi. Diện tích lúa nước ở đây đã trên 40 ha. Một năm bà con làm được hai mùa lúa. Nếu như ở đồng bằng 1 sào lúa nước thu được 4-5 tạ thì ở đây bà con được 3 tạ. Đôi mắt bà con cứ muốn nhìn mãi những hạt lúa vàng trên các thửa ruộng. Những đôi chân trần sạm đen, chai sạn đứng bên các chân ruộng cứ muốn nhảy múa. Cái bụng thấy vui không sao tả nổi, vì từ nay bà con Ê Đê ở buôn Chung đã biết cách tự trồng cây lúa nước để có cơm trắng ăn như người Kinh rồi.

 

Nhưng không có mấy người trong buôn biết cách dẫn nước về rẫy. Còn những hộ trồng lúa bên các khe suối thì không tránh khỏi nỗi lo. Những ống nhựa dẫn nước suối lâu ngày nằm phơi mình ở ngoài trời nắng bị dòn rồi gãy,  mà tiền không phải lúc nào cũng có để mua ống mới. Gặp lúc trời hạn nặng, nước suối ít nên không đủ tưới. Mùa mưa lũ, các mảnh ruộng ở đây rất dễ bị cuốn trôi. Thêm nữa, đất ở các khe suối không nhiều, dù bà con muốn trồng thêm lúa nước cũng không được. Mà 118 hộ dân của buôn Chung bây giờ không ai muốn mang gùi đi mua gạo nữa.

 

Thành lập từ năm 1975, những năm đầu buôn Chung chỉ có 15 ngôi nhà sàn lẻ loi giữa một rừng cây cối hoang dại. Đến nay, ở đây đã có 118 nóc nhà sàn. Điện đóm thắp sáng, đường sá thuận lợi hơn nhiều. Cái tai, cái mắt của bà con nghe được nhiều chuyện mới lạ, biết thêm được nhiều thứ. Bà con biết cây lúa nước của đồng bào Kinh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa rẫy. Thấy người Kinh không phải chờ mưa xuống mới trồng lúa và họ xây kênh mương để dẫn nước về ruộng là rất hay, bà con buôn Chung cũng muốn làm như thế. Đất ở đây không thiếu nhưng khô cằn, trời lại mưa nắng thất thường, nhiều bà con không thoát được đói nghèo. Trong buôn hộ nghèo chiếm đến 25%!. Mí Lát bảo: “Bà con nào cũng muốn trồng lúa nước để no cái bụng, để không phải chật vật lo cái ăn khi đến mùa giáp hạt. Mong ước này đã từ lâu lắm”.

 

… Cách đây hơn một tháng chúng tôi về Sông Hinh gặp Ma Rin, Chủ tịch xã Ea Bar. Ma Rin cho biết: Dự án đập EaBar bây giờ đã khả quan, vì ở trên cũng đồng ý. Nhưng chắc phải mất thời gian dài mới thực hiện, trong khi bà con mong đập được xây sớm để ý nguyện trồng lúa nước sớm thành trong thời gian gần nhất.

 

NGỌC DUNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bình Tây - thôn 100% hộ nghèo
Thứ Sáu, 15/09/2006 09:05 SA
Hai cha con và hai kỷ lục
Thứ Năm, 14/09/2006 07:50 SA
Những nỗi đau tiếp nối!
Thứ Sáu, 08/09/2006 08:58 SA
Noi gương chị Trâm, thắp sáng tuổi 20
Thứ Tư, 06/09/2006 08:16 SA
“Săn” gà rừng
Thứ Ba, 22/08/2006 08:12 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek