Mỗi năm trong vườn chim của Hồ Sơn cổ tự (TP Tuy Hòa) có khoảng 30 chú công non ra đời. Với cách ấp nở “mẹ gà con công” do chính vị sư trụ trì của ngôi chùa này nghĩ ra, tỉ lệ nở của công luôn đạt 100%.
VỊ SƯ MÊ CHIM CẢNH
Một chú công trong vườn chim của thầy Thích Nguyên Đức đang ‘trổ tài” múa
Hồ Sơn cổ tự nằm giữa lòng TP Tuy Hòa nhưng lại bao quanh bởi làng mạc, ruộng vườn, rợp xanh bóng cây, tách biệt hẳn với cái ồn ào đô thị. Trong khung cảnh thiên nhiên đó có một vườn chim rộng đến hơn 1 mẫu đất với nhiều loài chim như bồ câu Pan, gà tây, gà ri, gà sao, trĩ đỏ... Nhưng thu hút sự chú ý của khách nhất là hàng chục chú công lớn nhỏ đang “rụt cổ vào, xòe cánh ra” khoe bộ lông đầy màu sắc sặc sỡ và quý phái.
Thượng tọa Thích Nguyên Đức, trụ trì chùa Hồ Sơn, là người đã lập nên vườn chim đó sau năm 1975, kể từ khi ông về trụ trì ngôi chùa này. “Tôi yêu chim từ hồi còn nhỏ. Nhà nội tôi ở thôn Hà Yến, xã An Thạch, huyện Tuy An lúc bấy giờ có một vườn cau rất rộng, các loài chim chóc: sáo, hoành hoạch, chèo bẻo, cu cườm... thường về ở, kiếm ăn. Mùa đông có cả loài chim di cư có tên là cu gầm gì to như con gà mái có bộ lông màu xanh lá chuối rất đẹp từ trên núi bay về tránh bão... Sau này, khi trở thành giáo viên ở các trường Bồ Đề, tôi chọn môn Sinh vật làm môn giảng chính của mình vì quá yêu sinh vật cảnh” – vị sư trụ trì tuổi 65 tâm sự.
Thượng tọa Thích Nguyên Đức đặc biệt thích chim công, ông bảo đó là quý tộc của loài chim. Từ cuối năm 1975, ông bắt đầu nuôi công. Nhưng công rừng do một phật tử ở Sơn Hòa tặng hay công Ấn Độ mua từ TP Hồ Chí Minh về đều nuôi không thành công. Mãi đến năm 1984, một số người dân ở Phú Túc, Phú Bổn (thuộc tỉnh Gia Lai) mang công non đến Tuy Hòa bán, ghé lại chùa tặng vài con, may mắn có cả công cồ (công đực) lẫn công mái. Đến năm 1988 thì những chú công trưởng thành, thầy Thích Nguyên Đức mới nghĩ đến chuyện nhân giống loài chim này ngay trong vườn chùa của mình.
“CÔNG
Theo thầy Thích Nguyên Đức, công có chu kỳ sinh sản khá dài. Khoảng tháng 8 âm lịch là khởi đầu chu kỳ đối với công mái, nhưng thường đến tháng Chạp thì mới chịu giao phối và cuối tháng Giêng hàng năm là đẻ trứng. “Phải biết được chu kỳ đó, chăm sóc công kỹ lưỡng, đặc biệt là nguồn thức ăn, thì mới nhân giống thành công được loại chim này” – thượng tọa Thích Nguyên Đức nói. Theo lời kể của ông, từ năm 1988, do không biết mô tê gì về kỹ thuật nuôi công nên ông cứ để chúng sinh nở tự nhiên. Kết quả là vài chú công non ra đời, nhưng vì thiếu chất dinh dưỡng từ khi tạo trứng nên những chú công non cứ xoãi chân xoãi cánh, không đứng dậy nổi, chừng một tuần sau thì chết cả. Rút kinh nghiệm, thượng tọa Thích Nguyên Đức cho công mái ăn nhiều đạm, nhiều vôi trong suốt chu kỳ sinh sản, nhờ đó mà ông thành công dần. Lượng trứng ung từ 75% giảm xuống 50% và kể từ năm 1992 đến nay thì hoàn toàn không còn.
Sư thầy Thích Nguyên Đức đang cho công ăn - Ảnh: Q.Khương
Nhưng một kỹ thuật rất lạ mà có lẽ chỉ vị sư trụ trì Hồ Sơn cổ tự nghĩ ra trong việc nuôi công là “mẹ gà con công”. Trứng công đẻ ra, ông đưa ngay cho gà mái ấp (chứ không đợi đầy ổ mới cho ấp vì như thế tỉ lệ nở con không đạt cao), trung bình mỗi chú gà ấp 6 trứng công. Sau 30 ngày, công nở, mẹ gà sẽ dắt công con đi ăn như... chăm sóc gà con trong khoảng hơn 2 tháng, sau đó mới có thể sống tự lập được. Tại sao lại để gà ấp và nuôi công trong những ngày đầu đời? Thầy Thích Nguyên Đức giải thích: “Công mẹ thường ấp không được tốt lắm vì hễ thấy có người đến là chúng hay nhổm dậy đi ra khỏi ổ, dẫn đến tỉ lệ trứng nở không cao. Thêm nữa, công có cách sống rất... quý tộc. Trước khi ăn một vật gì, chúng thường quan sát rất kỹ, ăn cũng chậm rãi, không mổ lia lịa như gà hay một số loài gia cầm khác. Ngược lại, gà mẹ thường kích thích cho con ăn rất tốt bằng cách mổ mồi rồi túc mớm cho con. Công non được gà mẹ nuôi nhờ vậy rất chóng lớn”.
Nhờ “công nghệ” này, thầy Thích Nguyên Đức nhân giống công rất thành công. 3 con công mái trong vườn chùa mỗi năm sinh hơn 30 quả trứng. 6 chú gà mái sẽ thay phiên nhau ấp và nuôi 30 chú công con. Vị sư trụ trì còn “huấn luyện” cho các mẹ gà “tập quán” đẻ cùng lúc với công để đến giai đoạn ấp có thể làm thay nhiệm vụ ấp trứng và tạo “tập quán” kéo dài thời gian ấp (hơn gần 1 tuần so với ấp trứng gà).
THẢ CÔNG VỀ RỪNG
Một tay thầy Thích Nguyên Đức gầy dựng và chăm sóc vườn chim trong chùa gần 31 năm qua. Ông bộc bạch rằng thời gian đầu, nhiều phật tử tỏ ý không hài lòng với việc ông nuôi chim cảnh trong chùa. “Nhưng ngoài thời gian kinh kệ và những công việc khác liên quan đến nhà chùa, tôi chỉ biết lấy chim cảnh làm vui. Mỗi sáng, mỗi chiều nhìn chúng múa, nghe chúng kêu, hót; tự tay chăm sóc nâng niu từng con một... tôi thấy lòng mình thanh thản và tinh khiết hơn” – ông bộc bạch.
Kể từ năm 1992 đến nay, thầy Thích Nguyên Đức cho biết ông giữ thói quen hàng năm thả 2 cặp công khoảng 4-5 tháng tuổi, thời điểm chúng đã có thể sống tự lập, trở lại rừng với hy vọng chúng sẽ sinh sôi nảy nở nhiều hơn. “Rừng đèo Cả và rừng thuộc khu vực gần đập Đồng
Lượng công con sinh sản ngày càng nhiều, nhà chùa không đủ sức nuôi, ngoài việc tặng biếu, thầy Thích Nguyên Đức cũng bán cho nhiều người thích nuôi chim cảnh ở Tuy An, Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân... đến hỏi mua, thậm chí có người đặt hàng với số lượng vài chục con.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG