Thứ Ba, 01/10/2024 11:12 SA
Chuyện hiếu học ở Xóm Chợ
Thứ Hai, 25/09/2006 08:17 SA

Cái xóm nhỏ chưa tới 40 hộ dân nhưng có nhiều cử nhân và có cả tiến sĩ. Nghị lực vượt khó nuôi con thành tài của những người đàn bà góa bụa, những nông dân chân lấm tay bùn thật đáng khâm phục!

 

MẸ GÓA NUÔI CON THÀNH TÀI

 

Câu chuyện nuôi con thành tài của hai chị em bà Nguyễn Thị Thành và Nguyễn Thị Hợp được người dân xóm Chợ (thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An) kể với sự thán phục. Nhiều người còn bảo, đây là  những người mẹï có con thành đạt nhất ở xóm Chợ này. Hai chị em  họ đều chịu cảnh mất chồng từ khi quê hương còn bom rơi đạn lạc. Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống của hai người phụ nữ góa chồng này cũng muôn vàn khó khăn như tất cả bà con trong thôn, nhưng hai chị em vẫn cho con đến trường.

 

060925-hoc-sinh.jpg

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa tảo tần nuôi con thành tài

 

Giọng xởi lởi, bà Thành kể: “Nuôi 4 đứa con khôn lớn và ăn học thành tài, tui khổ trăm bề kể sao cho hết. Buông cái này bắt cái kia, rảnh ngoài đồng thì quay về trồng rau, nuôi heo, chạy chợ. Mỗi lần con vào đại học, tui vừa mừng vừa lo. Đi vay tiền, nợ mới chồng lên nợ cũ. Cứ vậy ròng rã hơn chục năm trời”. Bà Hợp chỉ có 2 con nên có phần dễ thở hơn chị mình. Song chịu cảnh “dở dang” ở tuổi 27, không phải người mẹ nào cũng “thờ chồng nuôi con” thành đạt như bà Hợp. Bà tâm sự: “Những lúc túng quẫn, hai chị em ôm nhau khóc rồi động viên nhau. Việc chúng tôi cho con đến trường mà chịu cảnh túng thiếu nợ nầng bị không ít người cho là “hâm”, vì chưa chắc mai mốt chúng nó nuôi lại mình(?!).  Họ đâu biết rằng, chúng tôi đâu có ý định chờ con nuôi lại, mà chỉ muốn cho chúng có cái chữ để làm người hữu ích. Chỉ vậy thôi!”

 

Những giọt mồ hôi và nỗi vất vả của hai người mẹ đã được bù đắp. Các con của họ học hành đến nơi đến chốn, trở thành giám đốc, phó giám đốc, cán bộ… các sở, ban ngành trong tỉnh. Hai người mẹ góa khốn khó, tần tảo kiếm tiền cho con ăn học ngày nào giờ đã có thể tự hào. Những phụ nữ khác nhìn vào họ mà cố gắng, trong đó có bà Nguyễn Thị Kim Hoa, chủ quán chè nhỏ cạnh Trường THCS Trần Rịa. Chồng mất, để lại 4 đứa con thơ, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa nhỏ nhất vẫn còn bú mẹ. Một nách 4 đứa con, chỉ lo cái ăn đã bở hơi tai, huống hồ là chuyện học. Cám cảnh vợ mất chồng, con mồ côi cha, nhiều người khuyên bà nên đi bước nữa để có người chia sẻ nỗi lo. Bà cũng định bụng như vậy, nhưng nghĩ đến cảnh con riêng con chung lòng lại không yên. Tấm gương của hai chị em bà Thành đã giúp bà tăng thêm nghị lực.

 

Ngày các con còn học trường làng, với công việc nuôi heo, làm ruộng, bà Hoa còn đủ sức lo. Đến khi đứa con lớn là Thẩm Thúy Hằng  đỗ vào Đại học  Sư phạm Qui Nhơn, bà Hoa phải chắt chiu từng đồng, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để hàng tháng có vài trăm ngàn gởi cho con. Chị chưa  ra trường, ba đứa em lần lượt tốt nghiệp 12, đứa vào cao đẳng sư phạm, đứa học trung cấp. Người nào hiểu hoàn cảnh của bà thì thương, sẵn sàng cho mượn khi bà túng tiền gởi cho con, có người dì hiểu sự nghèo khó của bà. Mặc cho ai nói gì thì nói, bà vẫn lầm lũi chạy vạy để chuyện học của con mình không bị đứt gánh giữa chừng. “Ngày con Hằng, con Lệ sắp tốt nghiệp, tôi bị đau nên không thể bám việc để kiếm tiền. Họ hàng, láng giềng sợ tôi không có khả năng trả nợ nên chẳng ai dám cho mượn nữa. Thương con, vì con, tôi đành bán đi miếng đất của ông bà để lại và tự nhủ: Nếu ngần ấy không đủ lo cho các con, mình sẽ bán luôn ngôi nhà, chứ không để các con phải nghỉ học”  - bà Hoa  bồi hồi nhớ lại.

 

Bây giờ các con bà Hoa đã có việc làm ổn định nhưng nợ tiền, nợ tình nghĩa của 5 mẹ con đối với những người đã từng giúp đỡ họ khi khốn khó thì vẫn còn rất nhiều. Vậy là người mẹ hơn 50 tuổi này tiếp tục cùng con trang trải.

 

Bà Thành, bà Hợp, bà Hoa góa chồng ở tuổi trên dưới ba mươi. Họ làm được điều không phải ai cũng làm được: một mình vượt khó nuôi con thành tài. Vì vậy, họ được bà con  xóm Chợ rất đỗi trân trọng.

 

CHA MẸ NÔNG DÂN, CON CỬ NHÂN, TIẾN SĨ

 

Xóm Chợ, thôn Phú Thạnh là trung tâm của xã An Chấn. Chợ ở đây chỉ họp buổi sáng, hàng hóa chỉ là vài con cá, mớ rau, củ khoai. Trong những năm tháng kháng chiến, An Chấn là cái nôi của cách mạng và xã này đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thôn Phú Thạnh có 48 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 14 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mảnh đất này không chỉ sinh ra những người con biết hy sinh bản thân mình cho Tổ quốc, mà còn là nơi ươm mầm những trí thức  ưu tú như giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Xanh với những công trình khoa học phục vụ ngành giao thông, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thanh Dũng (Trưởng khoa Cơ khí động lực – Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật), Tiến sĩ Nguyễn Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Dũng, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Cách… Ông Đỗ Thanh Mưu, một lão nông của xóm Chợ, cho biết: “Truyền thống vượt khó của lớp cha ông đi trước là bài học quý giá giúp lớp người đi sau như chúng tôi quyết tâm lo cho con có đủ tri thức”. Ông Mưu quanh năm chỉ biết ruộng đồng, heo gà, vậy mà có một người con trở thành tiến sĩ!

 

060925-hoc-sinh-2.jpg

Học sinh xóm Chợ tự học ở phòng thư viện Trường THCS Trần Rịa

 

Ông Bùi Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Rịa cho biết: “Phú Thạnh là thôn thuần nông, nhưng giáp ranh với vùng biển nên học sinh đến độ tuổi học cấp 2, cấp 3 là theo ghe đi bạn. Vận động trẻ bỏ học giữa chừng đi học trở lại là vấn đề hết sức nan giải. Gần đây, phong trào học tập của con em xóm Chợ lan tỏa, con em các nơi khác noi theo, góp phần giúp nhà trường đưa tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng xuống dưới 1%”.

 

Nhận thức thay đổi, các gia đình không những động viên con em đến lớp mà còn cùng với địa phương đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Những cậu học trò xóm Chợ ngày nào giờ đã thành đạt, luôn sẵn sàng góp công, góp của cùng với chính quyền địa phương phát triển phong trào học tập của xóm mình, xã mình.

 

Cả xóm có đến 24 cử nhân. Con em trong xã phần lớn do những giáo viên ở xóm Chợ, vốn trưởng thành từ trong gian khó, dạy dỗ. Tấm gương hiếu học của họ càng có sức lay động lớp đàn em đi sau.

 

Thôn Phú Thạnh có 3 xóm gồm: xóm Chợ, xóm Chùa, xóm Ấp Lý với hơn 400 hộ dân. Riêng xóm Chợ có 37 hộ, trong đó 20 gia đình có con học đại học, cao đẳng.

Ông Hồ Hoàng Bá, Phó Chủ tịch UBND xã An Chấn,  cho biết: “Ngày trước vận động trẻ đi học đã khó,  huống hồ là kêu gọi đóng góp kinh phí xây dựng trường lớp. Nay thì khác, những kết quả mà con em xóm Chợ đạt được là một minh chứng cụ thể đầy tính thuyết phục đối với người dân trong xã. Thế nên một khi xã phát động phong trào xã hội hoá giáo dục là bà con tham gia rầm rộ”.

 

Từ trường lớp cũ kỹ, sự nghiệp trồng người ở An Chấn bước sang trang mới với những phòng học kiên cố ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS. Đây là một trong những địa phương hiếm hoi của huyện Tuy An có cơ sở vật chất đảm bảo việc dạy và học, tỷ lệ học sinh các cấp ra lớp đạt 95% trở lên. “Tất cả các trường học xây mới đều có sự đóng góp của nhân dân. Gương hiếu học từ xóm Chợ sẽ tiếp tục được bà con nhân rộng” - ông Bá tự tin nói.

 

Phóng sự  của THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đưa lúa nước về buôn Chung
Thứ Bảy, 23/09/2006 09:24 SA
Bình Tây - thôn 100% hộ nghèo
Thứ Sáu, 15/09/2006 09:05 SA
Hai cha con và hai kỷ lục
Thứ Năm, 14/09/2006 07:50 SA
Những nỗi đau tiếp nối!
Thứ Sáu, 08/09/2006 08:58 SA
Noi gương chị Trâm, thắp sáng tuổi 20
Thứ Tư, 06/09/2006 08:16 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek