Thứ Ba, 26/11/2024 16:29 CH
Tìm lại những làng nghề đã mất
Thứ Bảy, 09/04/2011 14:00 CH

Tìm lại những làng nghề đã mất cũng là cách để ta trân trọng lịch sử và yêu quý vùng đất này.

Sông Cái, còn gọi là sông Kỳ Lộ ở thượng nguồn, là con sông lớn thứ hai ở Phú Yên, phát nguyên từ dãy núi cao trên 1.000m ở phía đông nam tỉnh Gia Lai và tây nam tỉnh Bình Định. Chưa có lý giải nào cụ thể về việc vì sao nhiều làng nghề truyền thống hình thành bên dòng sông Cái, từ làng cốm chợ Đèo, làng trồng dâu nuôi tằm An Định, làng bún bắp Bình Hòa đến làng gốm Quảng Đức, phường lụa Ngân Sơn, làng đan thúng chai Tiên Châu. Phải chăng, bởi nơi đây hội tụ đủ cả hai điều kiện “nhất cận thị, nhì cận giang”. Đấy là một dòng sông êm ả, một tiếng gà trưa ngỡ cũng có thể làm xao động đáy nước, thuận lợi cho việc chuyên chở nguyên liệu cũng như sản phẩm các làng nghề đến nơi tiêu thụ bằng đường thủy? Và bên dòng sông ấy có thành An Thổ, từng là thủ phủ Phú Yên vào nửa đầu thế kỷ XIX nên đã tạo được sức hút các làng nghề về hội tụ dọc hai bên sông?

Gom-Quang-Duc-110409.jpg
Bộ sưu tập gốm Quảng Đức do nhà báo Trần Thanh Hưng (TP Tuy Hòa) sưu tầm ngày một nhiều hơn - Ảnh: M.NGUYỆT

PHƯỜNG LỤA NGÂN SƠN: MỘT THỜI VANG BÓNG

Người Phú Yên còn truyền nhau câu hát đối đáp:

Đất Cù Du là nơi chiếu tốt

Lãnh nào tốt bằng lãnh Ngân Sơn

Em đừng so tính thiệt hơn

Tình anh đây ví thử keo sơn nào bằng

Theo các cụ già ở khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), ngày trước là phường lụa Ngân Sơn, thì phường lụa này có cách đây hơn 300 năm. Ngày đó, phường lụa có ba sản phẩm là gấm, lụa và lãnh. Cả ba sản phẩm đều dệt từ tơ tằm, chỉ khác nhau ở cách dệt và cách nhuộm. Lụa thường không nhuộm, có màu trắng như vỏ trứng gà dùng để may áo; lãnh được nhuộm đen để may quần. Ông Đặng Lạc ở khu phố Ngân Sơn được xem là người còn lại hiểu rõ nhất về phường lụa năm nay cũng đã 85 tuổi, cho biết: “Dệt lụa, lãnh dùng 5 chân guốc, đạp một thoi, còn dệt gấm phải dùng đến 8 chân guốc, đạp 4 thoi, 4 màu. Mỗi ngày, người thợ chỉ dệt được hơn một mét lãnh hay lụa, còn dệt gấm thì chỉ được chừng 8 tấc. Gấm của phường lụa Ngân Sơn từng là sản phẩm cống vua, dùng để may trang phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu”. 

Cũng theo những người cao tuổi ở đây, lụa và lãnh lúc ấy rất đắt, chỉ có nhà khá giả mới mua nổi mà mặc. “Nhà tui ngày ấy cũng được xếp vào hàng khá giả, nhưng đến khi 16 tuổi mẹ mới cho mặc” - bà Võ Thị Lượm ở khu phố Ngân Sơn kể.

Còn theo lời ông Đặng Lạc, thời ấy phường lụa có 14 khung dệt thì chỉ có nhà ông Võ Trưng là dệt được gấm để cống vua. Tương truyền vua ban cho phường lụa một tấm biển và nhà ông Võ Trưng một khung dệt, dùng để dệt gấm cho vua. Và cũng từ việc dệt gấm mà ông Võ Trưng được vua ban cho hàng cửu phẩm.

Phần lớn tơ tằm dùng dệt lụa, lãnh và gấm ở phường lụa Ngân Sơn được mua về từ làng trồng dâu nuôi tằm An Định, cách phường lụa chừng 4 cây số về phía tây nếu đi đường sông. Ở đây, bên dòng sông Cái, có rất nhiều bãi soi màu mỡ để trồng dâu nuôi tằm.

Cũng theo ông Đặng Lạc, phường lụa Ngân Sơn còn hoạt động đến sau năm 1954. Lúc ấy chiến tranh, phường lụa phải di tản, khung dệt bị bom đạn phá hỏng, con người cũng tản mác khắp nơi. Đến khi hòa bình thì khung dệt không còn, người biết dệt chẳng mấy ai, lúc ấy lụa lại chẳng được chuộng bằng vải bông nên chẳng ai còn thiết chuyện dệt lụa. Nghề dệt lụa ở Ngân Sơn bị mất, làng nghề trồng dâu nuôi tằm An Định cũng mất theo.

BÚN BẮP -  ÐẶC SẢN VÙNG AN DÂN

Làng nghề bún bắp ở thôn Bình Hòa, xã An Dân (huyện Tuy An) trước đây có 12 hộ làm nghề, nhưng bước vào những năm 2000, tất cả đều chuyển sang làm bún gạo, chỉ còn một mình bà Nguyễn Thị Ít còn làm nghề này. Nhưng, trận lụt năm 2009 phá tan lò bún của bà. Hơn nữa đã tuổi cao, sức yếu nên bà cũng nghỉ nghề.

Theo những người đã từng thưởng thức món bún bắp thì bún gạo không thể so được với bún bắp. Không chỉ thơm hơn mà sợi bún cũng mướt hơn, dai hơn, lại lâu bị chua. Bún bắp có thể để được 4 ngày trong nhiệt độ bình thường, còn bún gạo chỉ một ngày. Ăn bún bắp không cần nước lèo cầu kỳ, chỉ ăn với nước tương hay chén mắm đục đã rất ngon. Ăn bún bắp sẽ có cảm giác no mà không có cảm giác ngán. Ông Nguyễn Giang ở thôn Bình Hòa, xã An Dân, ăn bún bắp từ khi còn nhỏ, đến năm 62 tuổi thì không còn được thưởng thức món này. “Tiếc lắm. Ngày trước tui ăn cả tuần cũng không biết ngán, nhưng nay chẳng biết tìm ở đâu để ăn” - ông Giang nói.

Người ở thôn Bình Hòa kể, bún bắp không chỉ có ăn tươi mà mỗi khi có giỗ kỵ, còn có thể xào nấu. Chỉ cần một ít lòng heo hay thịt bò xào với bún bắp, thêm vài cọng ngò và ít tiêu điểm lên trên thì sẽ không có món mì nào bằng.

Để làm bún bắp không tốn nhiều chi phí, chỉ nhọc công. Nguyên liệu là bắp hạt để khô, có rất nhiều ngoài thị trường, nếu là bắp tẻ càng ngon vì cọng bún sẽ rất thơm. Tuy nhiên, từ hạt bắp khô đến khi có được cọng bún phải mất 6 ngày và trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc giã bắp cho tróc vỏ, tróc mày đến ngâm hạt bắp mềm rồi ủ cho dậy hương đến xay bắp thành bột rồi mới nấu thành bún. Muốn có bún bắp bán hàng ngày phải làm nhiều lứa và các công đoạn phải gối đầu nhau. Nhiều người cũng đã thử làm bằng máy ở một vài công đoạn nặng nhọc như giã, xay, nhưng như người thợ cuối cùng còn lại của làng nghề bún bắp là bà Nguyễn Thị Ít nói, không được. “Chỉ cần một chút mày bắp còn sót lại khi đem xay máy cũng làm cọng bún bắp mất ngon, sợi bún cũng sẽ không được mướt, được bóng” - bà Ít cho biết.

Chính vì chỉ làm thủ công nên ngày trước, giá bún bắp cao hơn 3 lần bún gạo, nhưng bà Ít không có để bán. Ngày ấy, chỉ còn một mình bà làm bún bắp, mỗi ngày chỉ chừng 20kg, chưa đủ cho những người “ghiền” món bún bắp ở An Dân chờ mua, chưa kể những người quê cũ ở Tuy An, nay đi tứ xứ điện thoại về đặt mua. Giá cao, hút hàng, nhưng vì nhọc công, người trẻ thì không muốn làm, người già như bà Ít năm nay đã 73 tuổi chẳng còn sức để làm nên bún bắp phải dẹp nghề. Bà Ít muốn truyền lại nghề, nhưng chẳng ai muốn học. Bà có 3 người con trai và 2 người con gái, trong số ấy có người theo nghề bún, nhưng là bún gạo. Nhớ nghề, bà vẫn giữ lại tất cả dụng cụ làm bún bắp như nong, nia, cối giã, lu, vại đựng nước và cả nồi nấu bún. “Tui còn trồng thêm chuối hột ngoài vườn, để sau này con cháu có làm lại nghề thì có lá chuối gói bún. Tui mà được còn 50 tuổi thì tiếp tục làm bún bắp” - bà Nguyễn Thị Ít tâm sự.

Bun-bap110409.jpg
Làm bún bắp ở xã An Dân (huyện Tuy An) ngày trước - Ảnh: T.L

GỐM QUẢNG ÐỨC: SẢN PHẨM CÒN, NGHỀ ÐÃ MẤT

Làng gốm Quảng Đức thuộc xã An Thạch (huyện Tuy An) đã được nhiều người nói đến vì sự nổi tiếng của nó với những sản phẩm như bình, bình vôi, lọ, nậm rượu, chậu, chóe... có mặt khắp nơi, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Thịnh, 75 tuổi, một trong hai nghệ nhân còn lại của làng nghề này thì ngày trước, ghe thuyền các tỉnh nườm nượp kéo về đậu ở bến Ngân Sơn trên dòng sông Cái để chờ mua gốm. “Chậu trồng hoa ở đây được đưa đến cả cung đình Huế để trồng hoa” - ông Thịnh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Thịnh, làng gốm Quảng Đức có cách đây khoảng 300 năm. Gốm Quảng Đức có xuất sứ từ gốm cổ Gò Sành (Bình Định); về màu sắc, nước men, chất liệu và tính mỹ thuật thì gốm Quảng Đức có phần giản dị, mộc mạc, thô ráp, xù xì nhưng màu men thì khác lạ, bí ẩn hơn gốm Gò Sành, còn so với gốm cổ Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) thì gốm Quảng Đức dày và có độ bền cao hơn. Nước men gốm Quảng Đức có màu xanh, nhưng vừa là xanh dương vừa là xanh ngọc, vừa trắng, vừa lục. Cái lạ và bí ẩn của màu men chính là từ nguyên liệu để làm nên gốm Quảng Đức. Để có nước men ấy thì phải lấy đất sét xanh ở vùng An Định, củi mằng lăng chặt từ vùng núi Kỳ Lộ huyện Đồng Xuân chở về bằng đường sông. Nhưng đặc biệt để tạo men phải dùng vỏ sò huyết đầm Ô Loan. Vỏ sò huyết được chất quanh các sản phẩm gốm trong lò nung. Khi gốm đem nung ở nhiệt độ trên 5000C, vỏ sò huyết xung quanh tan chảy tạo thành nét men đặc trưng của gốm Quảng Đức.

Làng gốm Quảng Đức cũng bị mất sau năm 1954. Chiến tranh, loạn lạc, lò gốm bị bom đạn phá đổ, người biết nghề cũng chẳng còn mấy. Còn để truyền nghề, ông Nguyễn Thịnh bảo: “Khó lắm. Ngày xưa tui học phải tốn 7 năm. Giờ để học như vậy ai mà chịu học? Mà tui sợ cũng không đủ sức dạy”.

Giờ đây, những địa danh như cầu Lò Gốm, làng Quảng Đức cùng với sản phẩm gốm Quảng Đức vẫn còn đó, nhưng chuyện làm gốm đã trở thành quá vãng.

HỒNG ÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm về cội nguồn
Thứ Bảy, 26/03/2011 18:11 CH
Cuộc hội ngộ của những người lính biển
Thứ Bảy, 26/03/2011 09:11 SA
Bài cuối: QUYẾT NUÔI GIỮ RÙA NƯỚC
Thứ Sáu, 25/03/2011 14:18 CH
Rùa nước kêu cứu
Thứ Năm, 24/03/2011 14:00 CH
Về xứ nẫu ăn đặc sản
Thứ Bảy, 12/03/2011 10:20 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek