Thứ Ba, 26/11/2024 17:39 CH
Rùa nước kêu cứu
Bài cuối: QUYẾT NUÔI GIỮ RÙA NƯỚC
Thứ Sáu, 25/03/2011 14:18 CH

Công trình nghiên cứu rùa nước sinh sản chưa biết thành công đến đâu, nhưng từ ngày rùa nước tăng giá cao ông Hoàng phải bỏ tiền túi cả trăm triệu đồng để làm chuồng nuôi bảo vệ đàn rùa trước những tay “đạo chích”.

 

Nông dân Phạm Ngọc Hoàng ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) đang sở hữu hơn 50 con rùa nước, vì vậy mà nhiều người gọi ông là “vua rùa nước”. Nếu bán đi số rùa này, ông có thể thành tỉ phú. Tuy nhiên, ông Hoàng quyết tâm nuôi đàn rùa nhằm tìm hiểu quá trình sinh trưởng để nhân giống đàn rùa quý hiếm này. “Tôi chỉ bán rùa khi rùa chủ động sinh sản”, ông Hoàng nói.

 

rua-4110325.jpg

Bầy rùa quý hơn 30 con trưởng thành đang được lưu giữ tại nhà ông Hoàng

 

ĐƯỜNG ĐẾN VỚI... RÙA

 

Tìm nhà ông Hoàng không khó. “Đến ngã ba thị trấn Hai Riêng hỏi nhà ông Hoàng chình thì ai cũng biết”, một thợ săn rùa mách nước cho tôi như vậy. Trước đây, ông Hoàng được nhiều người biết là do buôn chình chứ không phải ông nổi tiếng vì chuyện nuôi rùa. Nhưng bây giờ, chuyện nuôi rùa “giải trí” của ông Hoàng và đàn rùa của ông nuôi hơn chục năm nay trở thành niềm ao ước và thành đề tài tranh luận của nhiều người.

 

Ông Phạm Ngọc Hoàng hiện sống ở khu phố 4, vốn là người buôn sái vàng các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa đến tận các tỉnh miền Nam cuối những năm 1990, sau làm nghề nông kiêm thu mua và bán cá chình. Ông Hoàng có cơ hội tiếp cận loài rùa nước này rất sớm, từ thời ông đi buôn sái vàng đã gặp nhiều rùa nước sống quanh khu vực hầm vàng. Dịp ông Hoàng có việc vào Nam thấy một hộ nuôi nhiều giống rùa (trong đó có rùa nước) và ba ba nên ông có ý định nuôi rùa. Thấy loài rùa này dễ nuôi nên ông mua về hoặc sau mỗi lần hút hầm đãi sái vàng cạn bể, ông bắt các chú rùa nhỏ về nuôi làm cảnh. “Thời đó, tỉnh mình có phong trào nuôi ba ba, cá chình. Tui nghĩ bụng, trong khi rất nhiều người đổ xô nuôi ba ba, nuôi cá chình thì mình nuôi… rùa”, ông Hoàng hóm hỉnh.

 

Thấy ông Hoàng thích nuôi rùa, những người bạn làm ăn gặp loại rùa này cũng bắt rồi mang cho ông nuôi. Cứ vậy, ông để rùa tự do sống và sinh sản trong một cái chuồng nhỏ sau nhà. “Giống rùa nước này dễ nuôi. Ngày trước khi hút hầm vàng không có con gì sống nhưng vẫn có rất nhiều rùa nước sống được”, ông Hoàng nhớ lại.

 

THAO THỨC CÙNG... RÙA

 

Ông Hoàng bỗng dưng được giới “săn rùa” phong cho danh hiệu: “tỉ phú”, bởi ông đang sở hữu đàn rùa lớn, trong đó có hơn 30 con đã trưởng thành có trọng lượng từ 1-1,5kg. Căn cứ theo giá thị trường ở thời điểm này (khoảng 27 triệu đồng/kg), chỉ tính số rùa trưởng thành, ông cũng đã có cả tỉ đồng.

 

Tuy nhiên, với quyết tâm giữ lại số rùa trên để nuôi, ông Hoàng mặc nhiên trở thành “tỉ phú” nhưng chỉ trên danh nghĩa. Đã thế, do sở hữu đàn rùa có giá trị tiền tỉ nhiều khi khiến ông Hoàng “mất ngủ” vì chỉ cần “lỏng lẻo” một chút là đàn rùa của ông lập tức “bốc hơi”. Bởi vậy, để bảo vệ và chăm sóc đàn rùa sinh sản và phát triển, ông Hoàng phải đầu tư gần trăm triệu đồng xây dựng chuồng rộng rãi, kiên cố nhằm tạo không gian thoáng cho rùa và tránh bọn kẻ xấu dòm ngó. Chuồng nuôi mới, ông làm hàng rào bảo vệ bằng những thanh sắt to bằng ngón tay, chỉ có một cánh cổng được thiết kế chắc chắn và một ổ khóa lớn chỉ mình ông Hoàng có chìa.

 

“Giá trị của đàn rùa lớn lắm, tôi phải thiết kế chuồng nuôi thật đặc biệt với nhiều cột bê tông chắc chắn và hàng trăm thanh sắt to, vững chắc. Nhưng chuồng nuôi cũng phải đảm bảo các điều kiện như môi trường tự nhiên của loài rùa này như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, chỗ ăn, sân chơi… Bên trong là một hệ thống thoát nước đặc biệt để giữ vệ sinh cho bầy rùa”, ông Hoàng nói.

 

Những ngày đang sửa chữa lại chuồng nuôi, ông Hoàng phải “bê” nguyên đàn rùa vào phòng ngủ và… ngủ chung với chúng mà vẫn thấy lo. “Nghĩ lại thấy rất cực. Tỉ phú thì chưa thấy đâu mà suốt ngày cứ nơm lớp lo sợ, canh chừng lũ rùa còn hơn con mọn”, ông Hoàng phân trần.

 

rua-9110325.jpg

Ông Phạm Ngọc Hoàng “khoe” những tư liệu hướng dẫn nuôi rùa nước; bên ngoài là chuồng rùa đang xây - Ảnh: N.XUÂN

 

QUYẾT GIỮ ĐÀN RÙA

 

Khi chúng tôi hỏi, giá rùa đang tăng cao ông định khi nào bán rùa? Ông Hoàng quả quyết “Tôi chỉ bán rùa khi nào chủ động được chuyện sinh sản của rùa, chủ động được nguồn giống…”.

 

Theo ông Hoàng, trước tết khi giá rùa lên trên 20 triệu đồng/kg, nhiều người đã tìm đến ngỏ lời muốn mua lại số rùa để nuôi sinh sản nhưng ông không bán. Ông nói: “Tôi cũng nghĩ rất đơn giản: nếu bán đi số rùa thì sẽ kiếm được nhiều tiền nhưng không thể kiếm sống lâu dài. Nếu loài rùa này thực sự quý thì nó sẽ không dễ mất giá. Tôi thử đầu tư nuôi theo hướng thương phẩm để sau này bán ra khi đã chủ động được nguồn giống. Còn nếu nó mất giá thì coi như mình lại thêm một chuyến “chơi ngông”…” ông Hoàng cười hóm hỉnh.

 

Thực ra, chuyện nuôi rùa ông Hoàng đã có mong ước từ lâu, nhưng chưa có điều kiện thực hiện ước mơ này. Theo ông Hoàng, đến năm 2007, đàn rùa của ông đang có 30 con nhưng giống rùa này cũng chưa có giá trị thương mại, khi đó tỉnh Phú Yên có thông báo những ai có nuôi thú rừng thì đăng ký giấy phép nuôi. Ông Hoàng bắt đầu khai báo, đăng ký nuôi giống rùa nước nhưng cũng không chú trọng lắm. Vả lại cũng không có kinh nghiệm gì về chuyện nuôi rùa nên cứ thả rùa sinh sản tự nhiên. Nhưng gần đây, con gái ông thấy ông thích nuôi rùa nên đã tìm kiếm nhiều tài liệu cho ông tham khảo, nghiên cứu để áp dụng trong việc chăm sóc đàn rùa. Hiện tại, ông sưu tầm được nhiều tài liệu về cách nuôi rùa nước và đầu tư chuồng nuôi chắc chắn, thoáng mát vừa bảo vệ vừa tạo điều kiện cho việc theo dõi rùa sinh sản, sinh trưởng. “Tôi nghĩ, đàn rùa sẽ sinh trưởng tốt và mình có điều kiện theo dõi việc sinh sản của rùa nên dễ chủ động trong việc tạo nguồn giống trong thời gian tới”, ông Hoàng tin tưởng.

 

Chưa biết hiệu quả của mô hình nuôi rùa nước thương phẩm của ông Hoàng mang lại hiệu quả thế nào, nhưng thời điểm mà giới chuyên môn đang lo ngại, nếu mọi người đổ xô săn bắt tận diệt giống rùa Trung Bộ để bán kiếm lời “nóng” như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái chung, thì việc một lão nông dám “chơi ngông” giữ rùa để nuôi là một điều đáng ghi nhận.

 

AN NGUYÊN - NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Rùa nước kêu cứu
Thứ Năm, 24/03/2011 14:00 CH
Về xứ nẫu ăn đặc sản
Thứ Bảy, 12/03/2011 10:20 SA
“Ngân hàng máu sống” Huỳnh Đức Thế
Thứ Bảy, 05/03/2011 14:05 CH
Ngăn chặn khai thác vàng trái phép
Thứ Bảy, 26/02/2011 14:31 CH
Người “hạ sơn” sâm Ngọc Linh
Thứ Sáu, 18/02/2011 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek