Thứ Tư, 02/10/2024 11:36 SA
Rùa nước kêu cứu
Thứ Năm, 24/03/2011 14:00 CH

Giá rùa nước gần 30 triệu đồng/kg, lái buôn ráo riết tìm mua nên người dân đổ xô đi săn rùa, đẩy loài thủy sinh này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

 

rua-1-110324.jpg

Một thợ săn rùa đang thả bẫy rùa tại huyện Sông Hinh. - Ảnh: A.NGUYÊN

 

BÀI 1: BỎ VIỆC ĐỒNG ÁNG ĐI SĂN RÙA

 

Tại các khu vực nông thôn ở Phú Yên, đàn ông, thanh niên bỏ công việc đồng áng để đi săn rùa bán kiếm tiền. Vì thu nhập cao nên họ bất chấp vi phạm pháp luật quyết tận diệt loài động vật này.

 

RỦ NHAU ĐI SĂN RÙA

 

Dân gian có câu: “Ra đường gặp rắn thì đi, gặp quy (rùa) thì về”, ai cũng cho rằng rùa mang lại điềm xui nên tránh gặp rùa. Thế nhưng, do giá rùa tăng cao ngất ngưởng nên từ đầu năm đến nay, trong mọi câu chuyện của người dân tại các huyện: Tây Hòa, Sơn Hòa, Tuy An, Sông Hinh… không thể thiếu được đề tài rùa và rùa nước. Rùa nước trở thành một “vận may” đổi đời của nông dân tại các địa phương này, nếu trúng được rùa. “Tiếng lành đồn xa”, rất nhiều thanh niên rủ nhau “khăn gói” đi săn rùa nước mong một lần… gặp xui.

 

Theo ông Sáu Vũ, một thợ săn rùa ở xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), chuyện trúng rùa bắt đầu bàn tán rôm rả từ trước Tết Nguyên đán. Giá loại rùa này ban đầu chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng sau đó tăng lên 25 triệu đồng, thậm chí có lúc lên đến 27 triệu đồng/kg. Các đầu nậu săn lùng tìm mua rùa, mà người đi săn thì không có rùa để bán. Những ngày cận tết, giá rùa tăng mỗi ngày 1 triệu đồng/kg. Cái giá mà theo ông Sáu Vũ: “Hồi nhỏ giờ ông mới thấy một loại mặt hàng tăng giá nhanh như vậy (!)”. Ông Sáu kể, ở xã Hòa Thịnh có nhiều người trúng rùa như nhóm Hai Tuấn, Tư Trung… trong đó nhóm của Hai Tuấn từng trúng cả trăm triệu đồng từ việc đi săn rùa, chia nhau mỗi người được mấy chục triệu đồng. “Nghe nói trúng rùa mà ham!”, bà Phan Bích Phượng góp thêm câu chuyện đầu năm về con rùa. Còn các ông: Năm Thể, Năm Kính, Bốn Toàn trước đây thường đi hái cà phê, chặt mía hoặc làm thuê xa nhà. Tết rồi về nhà nghe nói nhiều người trúng rùa nên từ sau tết cũng tìm mua một cái lờ về “làm mẫu” rồi tổ chức đan lờ đi thả rùa.

 

Giống rùa Trung Bộ (giới thợ săn thường gọi là rùa nước hoặc rùa đẹp) có kích thước trung bình và nhỏ; mai có họa tiết rất đẹp. Trước đây rùa nước xuất hiện nhiều trên các cánh đồng, ao hồ ở các khu vực miền núi và không có giá trị.

Rùa nước từ một con vật có giá thấp, bây giờ cũng là mặt hàng “hot” và được quan tâm hơn tất cả chuyện lúa bị chuột cắn, chuyện làm nông hay bất kể chuyện gì đang diễn ra tại các vùng quê vốn chỉ quen với công việc đồng áng chân chất.

 

Từ khi rùa có giá, nghề săn rùa nước không còn là của riêng ai. Chúng tôi theo chân ông Lê Ngọc Quang, thợ săn rùa ở huyện miền núi Sông Hinh để tìm hiểu thực hư chuyện trúng rùa. Ông Quang cho biết, do có quá nhiều người đi săn nên chuyện tốp thợ săn này “thăm dùm” (thăm trộm) lờ của tốp khác là chuyện thường. Trước đây anh đi làm thuê ở Sông Hinh, người dân bắt được nhiều rùa lắm, nhưng ngày đó đâu có ai mua. Ông Quang hồi tưởng: “Trước tết nhiều người trúng lắm, nhiều nhóm trúng cả trăm triệu nên ông cũng đi “săn” cầu “xui” vì biết đâu trời thương(!)”. Ông quan niệm: “Đi đêm sẽ có ngày gặp ma”, nên dù từ khi chuyển sang nghề đi săn rùa chưa một lần “trúng hàng”, nhưng ông vẫn đầy quyết tâm lên đường. Để đến được nơi thả lờ rùa, ông Quang phải mất 2 giờ đồng hồ đi bằng xe máy từ huyện Tây Hòa vượt ĐT645 để đến các điểm thả lờ nằm sâu trong các hồ nhỏ ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh). Theo ông Quang, rùa nước sống chủ yếu tại các khu vực có nước bẩn, sình lầy như ao, hồ, đầm, phá và ăn những thứ mồi ôi thối. “Mồi càng hôi (ôi thối), càng tanh càng thu hút rùa”, thợ săn này tiết lộ.

 

rua110324.jpg

Một nhóm người chuẩn bị đồ nghề lên Tây Nguyên săn rùa. - Ảnh: A.NGUYÊN

 

Sau hơn 2 giờ theo chân ông Quang đi thăm từ điểm thả lờ này sang điểm thả lờ khác, từ xã Sông Hinh đến xã Ea Bar, Ea Trol, với các công đoạn thăm lờ - thay mồi - thả lờ, lại chờ… thời. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy với mấy chục cái lờ mà vẫn không bắt được con rùa nào. Ông Quang phân trần: “Đã gần hai tháng nay, tôi bỏ những công việc đồng áng ở nhà cho vợ lo rồi “đầu tư” gần chục triệu đồng mua lờ, mồi để đi săn rùa, nhưng chưa một lần “trúng” được con rùa nào. Nghe người khác trúng rùa mà phát ham, trong khi tôi lại phát… nợ đến nơi rồi”.

 

Chúng tôi tiếp tục một cuộc “mục sở thị” khi theo chân một nhóm ba “thợ săn” rùa nước khác, đến các khu vực đầm dưới chân núi Hòn Đen (suối Trạm) thuộc buôn Góp (xã Ea Bar), khu vực Hòn Cồ thuộc địa phận giáp ranh giữa buôn Bầu (xã Ea Trol) và buôn Kít (xã Sông Hinh) để thăm lờ “bẫy” rùa. Nhưng không may với nhóm thợ săn này, tất cả lờ của họ thả đều bị một nhóm thợ săn khác “thăm hộ”, nhiều bẫy rùa bị lấy bỏ cả lên bờ. “Dấu chân lội thăm mới rợi đây mà! Mình cứ làm dùm không thôi…”, một thợ săn tên Khang thở dài, nói.

 

Chuyện trúng rùa là có thật, nhiều người đã “đổi đời” nhờ rùa. Tuy nhiên, theo các thợ săn khi giá rùa còn rẻ, nhiều người đã săn rùa quá nên đàn rùa đã “kiệt”. Nay số thợ săn tăng vọt mà không bắt được nhiều rùa như trước nên phải chuyển hướng đến các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông… để hy vọng bẫy được rùa và đổi đời. Vì vậy, nhiều ngày qua đi trên ĐT645 đoạn qua huyện Sông Hinh sẽ không quá khó để gặp những nhóm thợ săn rùa khăn gói “đồ nghề” ngược lên Tây Nguyên.

 

RÙA TRUNG BỘ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

 

Giống rùa Trung Bộ thuộc nhóm IIB, ghi trong Sách đỏ IUCN (năm 2005) cấp CR (cấp cực kỳ nguy cấp). Năm 2006, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 32 về bảo vệ các loài động vật hoang dã tại Việt Nam. Rùa Trung Bộ được đưa vào danh sách những loài động vật được bảo vệ, cấm mua bán, trao đổi hay tiêu thụ mà không được phép của Chính phủ. Đồng thời, rùa Trung Bộ cũng đã được ghi trong danh mục II, Công ước quốc tế về cấm buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Năm 2010, chương trình bảo tồn rùa châu Á của vườn thú Cleverland Metropark (Mỹ) đã làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam và tài trợ 20.000 USD để lập trạm bảo tồn rùa Trung Bộ tại tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến, trạm bảo tồn rùa Trung Bộ sẽ tiếp nhận rùa để nuôi, chăm sóc, nhân giống và bảo tồn.

 

rua-2-110324.jpg

Giống rùa nước (rùa đẹp) này hiện giá gần 30 triệu đồng/kg. - Ảnh: A.NGUYÊN

 

Lẽ dĩ nhiên, việc săn bắt rùa đang diễn ra tại Phú Yên và các tỉnh lân cận là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng vì tiền, các thợ săn vẫn bằng mọi cách tận diệt loại động vật này. Và vì thế, các thợ săn rùa cũng phải hết sức cẩn trọng, để không bị các cơ quan chức năng phát hiện. “Mỗi khi qua trạm kiểm lâm, chúng tôi chỉ việc bỏ rùa vào túi áo, bình tĩnh đi qua trạm là được. Giống rùa này khá nhỏ, hiền nên rất khó bị phát giác”, một thợ săn rùa, tiết lộ.

 

Theo một đầu nậu mua rùa ở huyện Tây Hòa, trước Tết Nguyên đán khi rùa nước chỉ mới rục rịch tăng giá từ vài trăm nghìn lên 1 triệu đồng, rồi vài triệu đồng/kg, mỗi ngày mua được cả chục kg rùa nước. Tuy nhiên, đến nay giá rùa tăng cao và rùa nước cũng không còn nhiều nên các thợ săn dù có kinh nghiệm đến đâu cũng rất khó bắt được rùa nước.

 

Điều lạ là hiện chưa ai xác định được giống rùa nước này có giá trị gì mà giá lại cao đến như vậy, khiến cho ai cũng đổ xô đi bắt. Một số lái buôn thú rừng tiết lộ, họ mua rùa nước rồi tìm cách vận chuyển ra Bắc, sau đó xuất đi nước ngoài. Nhưng nguồn hàng này sẽ được chuyển đi đâu, nhằm mục đích gì thì không ai biết. Một số người đoán mò, có thể rùa dùng làm thuốc chữa bệnh hoặc cũng có thể để chơi (vì loại rùa này có mai rất đẹp)?

 

Sau buổi đi “thực tế” săn rùa, chúng tôi ghé Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, trong khi lãnh đạo hạt đi vắng, chúng tôi hỏi kiểm lâm huyện có biết tình trạng nhiều người đang săn bắt rùa nước và có biện pháp gì để ngăn chặn, thì được một cán bộ tên Phong hỏi lại: “Ai đâu đi săn rùa nước?”, rồi từ chối trả lời mọi câu hỏi vì không có sự chỉ đạo của cấp trên!.

 

Thiết nghĩ, nếu giống rùa này cứ sốt giá, trong khi ngành chức năng không sớm vào cuộc để ngăn chặn thì giống rùa này chắc chắn sẽ bị tuyệt chủng.

 

Bài 2: Quyết nuôi giữ rùa nước

 

AN NGUYÊN – NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về xứ nẫu ăn đặc sản
Thứ Bảy, 12/03/2011 10:20 SA
“Ngân hàng máu sống” Huỳnh Đức Thế
Thứ Bảy, 05/03/2011 14:05 CH
Ngăn chặn khai thác vàng trái phép
Thứ Bảy, 26/02/2011 14:31 CH
Người “hạ sơn” sâm Ngọc Linh
Thứ Sáu, 18/02/2011 18:00 CH
Một đời binh nghiệp (Tiếp theo và hết)
Thứ Năm, 17/02/2011 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek